Danh Xưng Trong Phật Giáo Bắc Truyền
Thích Minh Hoàng
Danh xưng trong Phật Giáo, nhất là đối với những bậc xuất trần thượng sĩ, các Ngài đã xả ly thế tục sống đời sống phạm hạnh, tu tập đoạn trừ phiền não, thoát ly sanh tử dục lạc tự lợi, lợi tha. Hướng dẫn chúng sanh học Phật, cải ác tùng thiện có cuộc sống an lạc tự tại. Với công hạnh cao cả ấy trong Phật Giáo có những danh xưng tôn kính tương ưng với hạnh nguyện lợi sanh của chư Phật, Bồ tát, A La hán, cũng như các bậc xuất thế tục gia.
Ban Biên Tập kính giới thiệu lần lượt những “Danh Xưng Trong Phật Giáo Bắc Truyền”:
1. Lực Sĩ: là từ gọi tắt của Kim Cang Lực Sĩ. Tiếng Phạm gọi là Marayana, vốn là vị thần có sức mạnh của Ấn Độ thời xưa, còn gọi là Na La Diên Thiên, nghĩa là Kiên Cố Lực Sĩ, Kim Cang Lực Sĩ, những ai muốn mong cầu về sức khỏe nếu thành kính cầu nguyện, cúng dường vị thần này, sẽ được hộ trì có nhiều sức lực tinh thần.
2. Lực Sanh: tức là tên khác để gọi Hòa Thượng. Đây là danh xưng do ngài Cưu Ma La Thập dịch thành, biểu thị ý nghĩa là vị đệ tử nhờ lời dạy hay đạo hạnh của thầy mà phát sanh trí tuệ đạo lực.
3. Thất Chúng: chỉ cho 7 chúng đệ tử trong Phật Giáo, còn gọi là đạo tục thất chúng, gồm có 5 chúng xuất gia là Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Học giới nữ (còn gọi là Thức Xoa Ma Na), Sa Di, Sa Di Ni, và 2 chúng tại gia là Nam cư sĩ (Ưu Bà Tắc), Nữ Cư Sĩ (Ưu Bà Di).
4. Thượng Tọa: là một chức sự trong Tăng, cũng là 1 trong Tam Cương. Tức là vị Tăng đứng đầu toàn chùa, cũng là từ dùng để tôn xưng vị Tăng có Đức Hạnh, hoặc dùng để tôn xưng vị Tăng có Tăng Lạp (tuổi đạo) cao. Thượng Tọa là người đứng đầu trong toàn chùa chủ yếu là phụ trách việc giảng dạy hoằng dương Phật Pháp, còn trụ trì thì phụ trách việc hành chánh hoặc tạp vụ hằng ngày trong chùa. Luật Thập Tụng chép: “người đủ 10 pháp được gọi là Thượng Tọa: 1. Hữu Cửu Trụ (nghĩa là thân tâm an trụ vững vàng không gì làm lay động); 2. Vô Úy; 3. Vô Phiền Não; 4. Đa Văn; 5. Nói làm đầy đủ; 6. Hiểu rõ nghĩa lý; 7. Người nghe tin tưởng; 8. Đến nhà người khéo an tường tự tại; 9. Có thể thuyết pháp cho người thế tục, khiến cho người bỏ ác làm lành; 10. Tự thân có đầy đủ pháp lạc Tứ Đế.” Luật Ngũ Phần chép: “không có người hơn gọi là Thượng Tọa”.
5. Đại Sư: 1. Từ sơ quả trở lên cho đến Phật, Bồ Tát là bậc mô phạm có đầy đủ năng lực trí tuệ khai thị dẫn dắt chúng sanh thoát ly sanh tử gọi là Đại Sư. 2. Là từ để chỉ cho những vị Tăng có đức hạnh mô phạm tiêu biểu cho người đời sau. Ngày xưa có qui định rất nghiêm không thể xưng hô bừa bãi, thường thường đều do triều đình phong tặng, sau này chỉ chung cho các vị Tăng có Đức hạnh, hoặc dùng để tôn xưng những vị Tăng xuất gia. Trong Tấn Thư, Cưu Ma La Thập Truyện chép: “Diêu Hưng thường nói với ngài La Thập rằng: Đại Sư thông minh siêu ngộ, trong thiên hạ không có người thứ hai”.
6. Đại Đức: tiếng Phạm gọi là Bhadanta, dịch âm là Bà Đàn Đà, ở Ấn Độ là danh xưng tôn kính đối với Phật, Bồ tát, cũng là từ danh xưng tôn kính đối với những vị Tăng xuất gia có đức hạnh lớn, sau này chỉ chung cho những vị Trưởng lão cao Tăng. Thời đại Tùy, Đường là danh xưng để chỉ những vị Tăng quan của chính phủ (triều đình), tức là chính phủ phong cho các vị cao Tăng có đức hạnh là Đại Đức, giữ chức vụ quản lý thống lãnh Tăng Ni. Ở Trung Quốc thời cận đại đến nay từ Đại Đức được sử dụng rộng rãi, hễ người có đức hạnh bất luận là xuất gia hay tại gia đều được gọi là Đại Đức.
7. Đại Hùng: tiếng Phạm gọi là Maha-vira, có nghĩa là vĩ đại anh hùng, là Đức hiệu của Phật, vì Đức Phật có đầy đủ đại trí, có năng lực hàng phục ma chướng, cho nên được tôn xưng là Đại Hùng. Kinh Pháp Hoa phẩm Tùng Địa Dũng Xuất thuyết rằng: “Thiện tai, thiện tai Đại Hùng Thế Tôn”. Vì vậy trong tự viện Phật Giáo Đại Thừa nơi thờ Phật (chánh điện) thường được gọi là Đại Hùng Bảo Điện. Đây là danh xưng tôn kính Đức Phật.
8. Tam Cương: là chỉ cho chức sự của 3 vị Tăng có đức hạnh đứng đầu nắm giữ kỷ cương của tùng lâm tự viện gồm: Thượng Tọa, Tự Chủ, Duy Na (hoặc Điển Tọa). Tam Cương trong chùa chiền Nhật Bản là: Thượng Tọa, Tự Chủ, Đô Duy Na. Chế lập Tam Cương đầu tiên là vào thời Diêu Tần (khoảng cuối thế kỷ thứ 4).
9. Tam Tạng Pháp Sư: còn gọi là Tam Tạng, Thánh Giáo Tam Tạng, để chỉ cho vị Pháp Sư thông hiểu văn nghĩa Phật Pháp gồm Kinh, Luật, Luận, về sau là tiếng tôn xưng chỉ chung cho các vị Tăng nhân có học vấn kiến thức uyên thâm.
Ở Ấn Độ danh xưng này được sử dụng rất sớm, Kinh Ma Ha Ma Da quyển hạ chép: “nước Câu Diệm Di có Tam Tạng Tỳ Kheo, khéo nói các pháp yếu, đồ chúng có đến 500 người”. Còn ở Trung Quốc là lời tôn xưng để chuyên chỉ cho những vị cao Tăng thông hiểu Tam Tạng và phiên dịch Kinh Luật Luận, mà ngài Huyền Trang là vị cao Tăng nổi tiếng nhất, người đời thường tôn xưng là Huyền Trang Tam Tạng hoặc Đường Tam Tạng.
10. Tiểu Tăng: 1. chỉ cho vị Tăng tuổi còn nhỏ (Sa Di) đối với Đại Tăng (Tỳ Kheo) mà nói. Cũng là cách xưng hô khiêm nhường của người xuất gia, hoặc là lời nói tự cho mình là thấp kém, còn gọi là Tiểu A Sư, Tiểu Sư. 2. Là tiếng tự xưng khiêm nhường của chư Tăng, Bộ Tỳ Nại Da chép: “Tỳ Kheo Na Viện gọi 17 vị Tỳ Kheo khác là tiểu sư, đây là cách xưng hô có ý khinh thường, sau này được sửa lại thành cách xưng hô khiêm nhường là Sa Môn.
11. Đại Sĩ: được dịch âm là Ma Ha Tát, ý chỉ cho người vĩ đại, là tiếng tôn xưng thường dùng cho Bồ tát. Sĩ có nghĩa là sự, để chỉ cho các bậc trên cầu quả vị Phật, dưới lấy việc giáo hóa chúng sanh làm sự nghiệp, như Quán Âm Bồ tát được tôn xưng là Quán Âm Đại Sĩ. Trong Tứ Giáo Nghĩa Tập Giải chép rằng: “vận dụng tâm quảng đại, có thể kiến lập Phật sự, nên gọi là Đại Sĩ”, cách tôn xưng này trong các kinh luận có chỗ không đồng nhau như Đại Trí Độ Luận gọi Bồ tát là Đại Sĩ, Kinh Kim Quang Minh gọi Phật là Đại Sĩ.
12. Đại Đạo Sư: còn gọi là Ma Ha Na Dã Gia, Ma Ha Na Da Già… là vị lãnh tụ các tông phái của các nước Phật Giáo Nam Á, phụ trách quản lý Tăng sự toàn quốc. Cũng là đức hiệu của Phật và Bồ tát, vì các Ngài có thể dẫn dắt chúng sanh vượt thoát hiểm nạn sanh tử, cho nên gọi là Đại Đạo Sư.