Tâm Nguyện Giới Đàn Tây Nguyên

TÂM NGUYỆN GIỚI ĐÀN TÂY NGUYÊN 

Tỳ Kheo Thích Minh Thông

Một nhân duyên vô cùng thù thắng cho Phật Giáo tỉnh Gia Lai, sau hơn 50 năm truyền thừa và phát triển, lần đầu tiên Ban Trị Sự Tỉnh Hội Phật Giáo Gia Lai mở Đại Giới Đàn, với tâm nguyện tiếp dẫn hậu lai Báo Phật Ân Đức. Vì là lần đầu cho nên sự chuẩn bị cần phải chu toàn và đúng với ý nghĩa trang nghiêm của một Đàn Giới, nên làm theo những điều mà Phật đã dạy trong Giới Kinh. Nếu được như vậy thì công đức vô lượng vô biên, bởi Giới Luật là thọ mạng của Phật Pháp là mạng mạch của Tăng già và là con đường duy nhất đưa ta đến giác ngộ và giải thoát.

Sau khi Như Lai Niết Bàn hàng Tỳ Kheo thay Phật tuyên dương Chánh Pháp. Bởi Tỳ Kheo mới chính thức là thành viên của Tăng già là người đầy đủ pháp nhân pháp lý giữ gìn và kế thừa gia tài và duy trì mạng mạch Phật Pháp. Nói cách khác là mạng mạch Phật Pháp hoàn toàn phó thác vào những người mệnh danh là Trưởng tử Như Lai.

Trưởng tử Như Lai được gọi sau khi Giới tử đăng đàn thọ giới Cụ Túc. Một Trưởng tử Như Lai nhứt định phải thành tựu được bản thể Tỳ Kheo, tức là phải phát sanh được Vô Tác Giới Thể.

Thời Phật có bảy hạng đắc giới Tỳ Kheo:

1. Thiện Lai đắc giới

2. Phá Kiệt sử đắc giới

3. Ba Lời đắc giới

4. Khéo Trả Lời đắc giới

5. Tự Nhận Thế Tôn là Thầy đắc giới

6. Bát Kỉnh pháp đắc giới

7. Bạch bốn lần Yết ma đắc giới

Sau khi Phật dạy pháp “bạch bốn lần Yết ma” thì những pháp đắc giới trước không còn sử dụng. Hàng Tân Tỳ Kheo phát sinh đều từ pháp Yết ma này. Tuy nhiên, Yết ma đòi hỏi phải đúng pháp nghĩa là Vô Tác Giới Thể phát sinh ngay trước hàng Thập Sư. Vô Tác Giới Thể phát sinh đòi hỏi phải đầy đủ ba nhân tố cực kỳ quan trọng:

1. Giới Sư phải cực kỳ thanh tịnh

2. Giới Tràng phải cực kỳ trang nghiêm

3. Giới Tử phát tâm thọ giới Cụ Túc phải cực kỳ dõng mãnh.

Nếu một trong ba yếu tố này bị khuyết nhất định vô tác giới thể không phát sinh, thì Giới tử không thể thành một Tỳ Kheo như pháp mà lạc vào một trong năm loại Tỳ Kheo giả (Danh Tự Tỳ Kheo, Tương tự Tỳ Kheo, Cát triêt Tỳ Kheo, Khất cầu Tỳ Kheo, Tự xưng Tỳ Kheo); Do đó điều quan yếu nhất trong Đàn Giới là tạo điều kiện phát sinh giới thể ở Giới tử. Vô Tác Giới Thể không phát sinh thì Giới tử không có năng lượng gìn giữ giới pháp đã lãnh thọ để đi đến định tuệ.

Vô Tác Giới Thể là một nguồn năng lượng được sản sinh từ năng lực khao khát của Giới tử cộng với năng lực thanh tịnh của hội đồng Thập Sư truyền giới. Nguồn năng lượng này căn cứ vào “Nhứt Thiết Hữu Bộ” cho đó là sắc pháp nhưng không phải là biểu sắc mà chính là vô biểu sắc, vì nó có công năng điều khiển các hoạt động của thân và khẩu, nó nhậm vận hành thiện nhậm vận dừng ác mà không biểu hiện ra ngoài. Nhìn tướng đi thoát tục, nhìn ánh mắt sung sướng như được của báu của Giới tử vừa thọ giới là ta biết ngay giới thể đang phát triển và tiềm tàng trong con người Giới tử ấy. Vô Tác Giới Thể có khả năng phòng hộ những giới đã lãnh thọ, công năng đó giống như phản xạ tự nhiên của một anh tài xế đang điều khiển một chiếc xe khi gặp sự cố tự nhiên chân đạp thắng. Năng lượng của Vô Tác Giới Thể là giữ gìn việc làm của thân và khẩu một cách cẩn thận không cho các điều ác phát sinh và hết sức tự nhiên chẳng cần sự đóng góp hay có mặt của ý thức. Tầm tối ưu quan trọng của “Vô Tác Giới Thể”  là như thế nên ngài Bàn Công nói: “Yết ma lần thứ nhất, giới pháp diệu thiện mười phương thế giới khiến nghiệp lực trong tâm của giới tử bị chuyển động, Yết ma lần thứ hai, giới pháp diệu thiện mười phương thế giới như mây như lộng che trên đỉnh môn của Giới tử, yết ma lần thứ ba giới pháp diệu thiện mười phương thế giới từ đảnh môn của Giới tử rót thẳng vào thân, tâm tràn đầy chánh báo, làm chánh nhơn từ đây đến khi thành Phật quả”.

Thế nên, năng lực của người trao giới và năng lực của người nhận giới vô cùng quan trọng. Nó ảnh hưởng rất lớn cả cuộc đời tu hành cho những ai tha thiết đến tuệ giác vô thượng.

Con thuyền nhân thế còn chọn “bến đục, bến trong” để đỗ, thì những Giới tử đăng đàn thọ giới Cụ Túc cũng tha thiết có được một “bến trong” để thành tựu, bản thể Tỳ Kheo để làm thứ vũ khí cần thiết trên lộ trình hàng phục chúng ma phiền não giữa đời pháp nhược ma cường này. Mà “bến trong” ấy phụ thuộc hoàn toàn vào mười vị Giới Sư, nên Kinh Tỳ Ni Mẫu khẳng định “ Thầy Hòa Thượng và hai Thầy A Xà Lê phải như pháp, bảy Thầy Tôn Chứng phải thanh tịnh và rành luật”

Đức Phật cũng dạy trong Luật Thiện Kiến: “dù trên thế gian này chỉ tồn tại 5 vị Tỳ Kheo trì giới thanh tịnh thì Chánh Pháp cũng trụ thế lâu dài”. Vì số lượng 5 người này có thể thực hiện việc truyền giới Cụ Túc, nên Tỳ Kheo được sản sinh và phát triển. Thế nên việc làm này là một công tác tối ưu hệ trong trọng sự truyền trì mạng mạch Phật Pháp và giữ gìn Chánh Pháp giữa thời Mạt Pháp này.

Tha thiết ngưỡng vọng các bậc đồng liêu vì tiền đồ Phật Pháp, vì thương tưởng đoàn hậu côn, vì muốn ngôi Trụ trì Tăng Bảo không đoạn tuyệt ở thế gian. Xin quý Ngài tin theo lời Phật dạy mà thực hành Tăng Sự đúng như pháp.