Duyên khởi Đại Giới Đàn Cam Lộ Tây Nguyên
Thích Tâm Mãn
Tây Nguyên núi rừng hùng vĩ, khởi nguồn của nhiều dòng sông đem phù sa bồi đắp cho đồng bằng Trung Bộ, từ lưu vực của những dòng sông có nguồn cội của núi rừng Tây Nguyên, dân tộc Việt Nam đã xây dựng những nền văn hóa vô cùng rực rỡ đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó có sự góp mặt của văn hóa Phật Giáo. Phật Giáo với tiềm lực triết học, văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc và tín ngưỡng của mình dần dần đã trở thành nền tảng chủ yếu trong công cuộc hình thành nền văn hóa lưu vực những dòng sông Trung Trung Bộ. Thế nhưng xuyên suốt hai ngàn năm hình thành và phát triển của dòng văn hóa mang đậm tính Phật Giáo này thì Tây Nguyên cội nguồn của các dòng sông có nền văn hóa Phật Giáo, Phật Giáo vẫn chưa một lần ghé qua. Cho đến cuối thế kỷ 19 đầu kỷ nguyên 20 theo vết chân của những người con Việt đi khai hoang, Phật Giáo Việt Nam với một nguyện lực mới đem đạo mầu đến với Tây Nguyên và từ đó hình bóng Tăng già có trên cao nguyên đất đỏ ba dan .
Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng so với Kon Tum và Buôn Mê Thuột, Phật Giáo có mặt ở Gia Lai muộn hơn, vào những thập niên đầu của thế kỷ 20 khi những dòng người di cư từ khu vực miền Trung lên Gia Lai trong đó có Thừa Thiên, lưỡng Quảng, Bình Định các vị Tôn đức Tăng ở những miền này lên vùng đất mới khai sơn tạo tự mở đầu cho công cuộc hoằng giáo ở Gia Lai với tâm nguyện: “ Hoằng pháp vi gia vụ, lợi sanh vi bổn hoài”, những ngôi chùa mới đơn sơ bắt đầu có mặt trên miền sơn cước. Đất lành chim đậu chẳng bao lâu các bậc Tôn đức của các Sơn Môn các hệ phái Phật Giáo cũng đến với Gia Lai lập chùa tạo dựng cơ sở để hoằng pháp độ sinh. Cho đến thập niên 70 Phật Giáo ở Gia Lai cơ bản đã hình thành với ba hệ phái Phật Giáo chính. Hệ phái Phật Giáo Thống Nhất , hệ phái Phật Giáo Cổ Truyền, hệ phái Phật Giáo Khất Sĩ cả ba hệ phái đều đầy đủ hai chúng Tăng Ni và cơ sở tự viện, hành trì và phát triển theo pháp môn của hệ phái mình. Từ đây Phật Giáo Gia Lai hoàn thành sứ mạng hình thành và lập giáo của mình tiến lên trên con đường hoàn thiện và phát triển.
Đất nước hoàn toàn giải phóng, non sông quay về một mối, muôn người chào đón ngày hòa bình độc của dân tộc, hòa chung niềm vui ấy, đầu thập niên 80 Phật Giáo cả nước thống nhất thành một giáo hội “Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam” đây là bước tiến quan trọng của Phật Giáo Việt Nam thời hiện đại, đồng thời là cơ sở để Phật Giáo nhập thế và phát triển trong sự nghiệp “Phụng sự chúng sanh, cúng dường chư Phật”. Trong buổi đầu khó khăn trong công cuộc xây dựng đất nước cũng như giáo hội Phật Giáo Việt Nam. Phật Giáo tỉnh Gia Lai dưới sự dẫn dắt của các bật Tôn đức trưởng lão như Đại lão Hòa Thượng Thích Giác Ngộ, Đại lão Hòa Thượng Thích Đổng Quang, Đại lão Hòa Thượng Thích Giác Đạo, Đại lão Hòa Thượng Thích Giác An, với đức độ và tài năng xuất chúng của quý ngài cho nên Phật Giáo tỉnh nhà đã vượt qua tất cả mọi chướng duyên và hoàn thành mọi công tác Phật sự, để ngày hôm nay Phật Giáo tỉnh Gia Lai có diện mạo trang nghiêm viên mãn thù thắng.
Nhật vãng nguyệt lai vô thường tấn tốc, sau bao nhiêu năm lèo lái con thuyền Giáo Hội tỉnh nhà các bật Tôn đức đều niên cao lạp trưởng, có vị đi về an dưỡng, còn vị ở lại cũng không còn đủ sức khỏe để tiếp tục công việc hoằng dương chánh pháp và trọng trách này chư Tôn trưởng lão đã trao lại cho chư Tôn đức Tăng Ni trong Ban Trị Sự Phật Giáo tỉnh nhà và cũng chính từ đây một phương hướng phát triển mới một thời đại mới, thời đại của kỷ nguyên 21. Giáo hội Phật Giáo tỉnh nhà dựa trên nền tảng và hạnh nguyện của chư tôn đức trưởng lão, đã dày công vun đắp vận dụng giáo nghĩa tự lợi lợi tha làm phương châm để phát triển giáo hội .
Ban trị sự Giáo Hội Phật Giáo tỉnh Gia Lai thừa kế một gia tài Phật Pháp vô cùng thù thắng của các bậc cao Tăng tiền bối với gần một trăm ngôi Tự viện, Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm Phật đường, gần hai trăm Tăng Ni và hơn mấy chục ngàn Phật tử tín đồ, gia tài đồ sộ này là một thách thức lớn cho chư tôn đức Ban Trị Sự tỉnh, những Phật sự dường như không dứt này đã được dần giải quyết qua đức hạnh, trí tuệ và sự kham nhẫn của Hòa Thượng Trưởng Ban Trị Sự Thích Từ Hương, dưới sự lãnh đạo đức hạnh của Hòa Thượng, cùng sự nhiệt tình chiu khó của chư Tôn đức Tăng Ni trong Ban Trị Sự mà Phật Giáo tỉnh nhà có những bước tiến vượt bật. Hầu hết các cơ sở tự viện trong tỉnh đã và đang trùng tu xây dựng lại trang nghiêm, có những ngôi chùa còn là niềm tự hào kiến trúc của Phật Giáo tỉnh nhà. Chùa Bửu Minh sự nguy nga tráng lệ của kiến trúc cung đình rồng bay phụng múa pha lẫn sự hiền hòa mộc mạc thiền vị của cửa thiền Việt Nam, chùa Bửu Thắng trùng tu cho sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà, Tịnh xá Ngọc Phúc trang nghiêm như hạnh nguyện của những bậc du tăng Khất Sĩ, chùa Minh Thành chìm lắng trong sương chiều như lạc vào trong cõi phạm thiên, chùa Bửu Sơn diệu hiền như làn gió thổi, đem hương từ đến khắp chốn nhân gian, và còn nhiều nữa cảnh thiền thanh nhã giữa núi rừng Tây Nguyên. Song song với việc trùng tu xây dựng cơ sở tự viện, giáo hội tỉnh cũng không lơ là trong việc xây dựng con người rất nhiều Tăng Ni tỉnh nhà có trình độ đại học và trên đại học, có những vị du học nước ngoài về hiện nay đang giảng dạy tại Học Viện Phật Giáo Việt Nam TP Hồ Chí Minh…v.v Ban giáo dục Tăng Ni tỉnh đang chuẩn bi mở trường trung cấp Phật học để đào tạo Tăng tài cho giáo hội mai sau. Từ bi phổ tế là cội nguồn của Đạo Phật, ban từ thiện của giáo hội tỉnh cũng không kém phần khởi sắc với tâm từ bi của Phật đã đem tình thương ấm áp đến cho nhiều người khổ, giúp đỡ vật dụng tiền tài đến đồng bào thiểu số và những gia đình khó khăn, không dừng lại ở đó với tâm nguyện của mẹ hiền Quan Âm các Ni chúng tỉnh nhà còn nuôi dưỡng và đem lại ân tình cho bao trẻ thơ dại mồ côi. Hết thảy và tất cả Phật sự là tấm lòng của Tăng Ni Phật tử dâng lên cúng dường Đức Phật, báo đáp phần nào ân đức của các vị tiền bối cao Tăng và cũng là thành quả của sự đồng lòng hòa hợp quyết tâm hoằng dương Phật Pháp của chư Tôn đức Tăng ni Phật tử tỉnh nhà và sự kiện thể hiện rõ nét đồng lòng hòa hợp quyết tâm nhất là việc tỉnh hội Phật Giáo Gia Lai chuẩn bị tổ chức Đại Giới Đàn .
Đại Giới Đàn một Phật sự tối quan trọng của Phật Giáo mà từ ngày Phật Giáo có mặt trên Tây Nguyên cho đến nay chưa một lần được tổ chức, vì đây là một Phật sự hết sức to lớn cần hội đủ nhiều duyên lành. Đây là Phật sự thể hiện sự lớn mạnh của giáo hội từ trí tuệ cũng như tiềm lực tổ chức. Giới Đàn còn thể hiện sự hòa hợp lớn nhất của một Tăng đoàn, thống nhất cao độ giữa ý chí và hành động, một sức mạnh trên hết tất cả các sức mạnh có năng lực diệt trừ hết thảy các chướng ma đưa con người đến bến bờ của giác ngộ. Chính những nguyên lý trên mà duyên lành này đến với Phật Giáo Gia Lai có phần chậm, thế nhưng vì tương lai của Phật Pháp vì mạng mạch của Tăng già, hơn thế nữa là tấm lòng của Tăng Ni Phật tử tỉnh nhà vì muốn thưc hiện hoài bảo của liệt vị ân sư, báo đáp thâm ân hoằng hóa của chư vị tiền bối cao tăng đã xây đắp vun bồi cho nền tảng Phật Giáo tỉnh nhà và thể hiện sự lớn mạnh từng ngày của Phật Giáo Gia Lai .
Đại Giới Đàn Cam Lộ hình thành là đỉnh cao của sự hòa hợp và lớn mạnh của Phật Giáo tỉnh Gia Lai, ánh sáng lấp lánh của đạo và đời trong phương châm “Đạo Pháp và Dân Tộc” tính hoàn thiện giữa hành động và lý trí, giữa cá nhân và tập thể giữa con người và xã hội trong tâm niệm “ Từ Bi Hỷ Xả ”, và hơn thế nữa Đại Giới Đàn Cam Lộ được xây dựng trên nền tảng lấy sự thanh tịnh của giới thể làm chánh nhân, sự hòa hợp Tăng làm phước điền, y theo Luật Tạng truyền giới làm tiêu tướng, đại nhân, đại phước kết thành Đại Giới Trường nơi tuyển người làm Phật, xứng với câu “ Y Vô Thượng Giác ”. Giới Luật là thọ mạng của Phật Pháp, Giới Luật còn là Phật Pháp còn, giới luật mất là Phật Pháp mất với tính chất sống còn này, ở bất cứ quốc độ nào thời đại nào chư vị tiền bối Tổ sư luôn quan tâm hoằng dương Giới Luật. Giáo Hội Phật Giáo tỉnh Gia Lai cũng không ngoài ý niệm đó, sự hình thành của Đại Giới Đàn Cam Lộ nói lên tinh thần “ Hoằng phạm tam giới ” của chư vị tiền bối Tổ sư nói chung, vì tương lai của hàng hậu tấn Phật Giáo tỉnh nhà nói riêng, trên hết là tấm lòng tri ân của Tăng Ni Phật tử tỉnh nhà đối với tam bảo cội nguồn của ánh sáng từ bi trí tuệ chiếu sáng rạng ngời trên vùng cao Tây Nguyên.