Về Cái Gọi Là “Sân Khấu Hóa” Trong Nghi Lễ – Để Trả Lời Cho Minh Mẫn
Thích Chúc Tài
Ngày 10/10/2011 trên phattuvietnam.net có đăng tải bài viết: Có nên “sân khấu hóa” nghi lễ nơi tôn nghiêm của Minh Mẫn
Bài viết này có khoảng 60 bình luận khen chê đủ điều. Ở đâu đó người viết thấy dấu ấn của Kinh Phạm Võng (kinh văn số 1, Trường Bộ I) về vấn đề khen chê…
Trên nguyên tắc, người viết tước bỏ mấy lời bình luận kém cỏi, hời hợt về học thuật, và mang tính hằn hộc quá trớn. Nói một cách nôm na, chúng hoàn toàn xa lạ trong vấn đề gọi là Ái Ngữ (Tứ Nhiếp Pháp) của người con Phật
Đúng ra, người viết tính cần nên ‘giải hoặc’ thật dài cho tác giả bài viết lẫn những Còm-men vớ vẫn. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy rằng thật là phí phạm và vô bổ khi phải tranh luận một vấn đề mà chính tác giả còn những ấu trĩ làm sao!
I. Quan điểm của người học Phật trước vấn đề khen chê đúng như pháp
Trong Kinh văn số 1 (Trường Bộ I) nêu câu chuyện hai thầy trò: thầy là Suppiya dùng vô số phương tiện để hủy báng Phật, hủy báng Pháp và hủy báng Tăng…; trong khi người thanh niên đệ tử của du sĩ ngoại đạo là Brahmadatta thì ngược lại. Những lời này này đã bám chân theo giáo đoàn trên lộ trình về Vương xá. Đức Phật dạy: “Này các Tỷ-kheo, nếu có người hủy báng Ta, hủy báng Pháp hay hủy báng Tăng, các người chớ có vì vậy sanh lòng công phẫn, tức tối, tâm sanh phiền muộn. Này các Tỷ-kheo, nếu có người hủy báng Ta, hủy báng Pháp hay hủy báng Tăng, và nếu các ngươi sanh lòng công phẫn, tức tối, tâm sanh phiền muộn, thời như vậy sẽ có hại cho các ngươi. Nếu có người hủy báng Ta, hủy báng Pháp hay hủy báng Tăng, và nếu các ngươi công phẫn và phiền muộn, thời các ngươi có thể biết được lời nói của những kẻ ấy là đúng hay sai lạc chăng?” […]Này các Tỷ-kheo, nếu có người tán thán Ta, tán thán Pháp, hay tán thán Tăng, thời các ngươi không nên hoan hỷ, vui mừng, tâm không nên thích thú. Này các Tỷ-kheo, nếu có người tán thán ta, tán thán Pháp hay tán thán Tăng, mà nếu các người hoan hỷ, vui mừng và thích thú thời sẽ có hại cho các ngươi. Này các Tỷ-kheo, nếu có người tán thán Ta, tán thán Pháp hay tán thán Tăng, thời các người hãy công nhận những gì đúng sự thật là đúng sự thật: “Như thế này, điểm này đúng sự thật, như thế này, điểm này chính xác, việc này có giữa chúng tôi, việc này đã xảy ra giữa chúng tôi”
Như vậy, thông điệp kinh văn này cho chúng ta một thái độ về tinh thần phê và tự phê: xét lại lời phê bình chỉ trích lẫn lời khen ngợi là chúng đi theo mũi tên nào của người xạ thủ…
Vấn đề ‘sân khấu hóa’ được hiểu như thế nào
Việc hát xướng, dùng những nhạc cụ để thỏa mãn giải trí cá nhân thì Đức Phật nghiêm cấm, điều này thì tất nhiên, vì ngay cả những Phật tử thọ Bát quan trai cũng đều biết rõ. Tuy nhiên, vấn đề ở đây cần nên phân biệt rõ và tách bóc hai vấn đề: việc sử dụng nhạc cụ để ca hát cúng dường Tam Bảo với vấn đề hát múa để ‘phục vụ’ cho chính bản thân.
Đây là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau, nhưng cũng rất dễ nhầm lẫn vì hầu như hành vi ‘ca hát’ như nhau nhưng mục tiêu thì khác nhau.
Nếu chỉ thuần túy hát xướng ‘hầu hạ’ cho ngũ uẩn này thì sự nguy hại của chúng trong kinh văn đã nói rõ: chúng gián tiếp đẩy con đường giải thoát xuống vực sâu, tuy nhiên nếu sử dụng chúng để tán thán công đức Phật thì ngược lại. Vấn đề khác nhau ở đây là thái độ nhận thức và phương pháp sử dụng mà thôi
Bản tình ca dâng Phật
Kinh văn số 14: Thích Đề-hoàn nhân vấn (Trường A-hàm) nêu: “Rồi ông (tức nhạc thần Ban-giá-dực) cầm đàn lưu ly đến trước Phật, cách Phật không xa, ông tấu đàn lưu ly, và hát lên bài kệ rằng: Bạt-đà ơi, kính lễ phụ thân nàng/Cha nàng đẹp rực rỡ/Sinh ra nàng cát tường/Tâm ta rất thương yêu/Vốn do nhân duyên nhỏ/Dục tâm sinh trong đó/Càng ngày càng lớn thêm/Như cúng dường La-hán/Thích tử chuyên Tứ thiền/Thường ưa chốn thanh vắng […] Tâm niệm ta cũng vậy/Năng Nhân phát đạo tâm/Tất muốn thành Chánh giác/Như tôi nay cũng vậy/Ước hội họp với nàng/Tâm tôi đã đắm đuối/Yêu thương không dứt được/Muốn bỏ, không thể bỏ/Như voi bị móc câu/Như nóng gặp gió mát/Như khát gặp suối lạnh/Như người nhập Niết-bàn/Như nước rưới tắt lửa […] Hay lắm, hay lắm, Ban-giá-dực: ngươi đã có thể bằng âm thanh thanh tịnh cùng với đàn lưu ly mà tán thán Như Lai. Tiếng của đàn và giọng của ngươi không dài, không ngắn, buồn và thương uyển chuyển, làm rung động lòng người. Cây đàn mà ngươi tấu hàm đủ các ý nghĩa. Nó được nói là sự trói buộc của dục và cũng được nói là phạm hạnh, cũng được nói là Sa-môn, cũng được nói là Niết-bàn”
Như vậy đã rõ, đâu phải việc hát xướng đều bị róc bỏ chủ quan vô tội vạ! Một bản kinh mà hầu như bất kỳ Phật tử nào cũng nằm lòng, đó là Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, phẩm Tựa nói: “Người cùng với phi nhơn/Hoa hương cùng kỹ nhạc/Thường đem đến cúng dường”.
Vậy có nên róc bỏ việc hát xướng trong nghi lễ Phật Giáo hay không? Và việc hát xướng có phải là văn hóa của các bộ tộc như Minh Mẫn gán ghép hay không?
Về cái gọi là ‘nghe rất lạ’
Trong bất kỳ lãnh vực nào cũng có những chuyên môn của nó, điều này chắc chắn Minh Mẫn là một nhà báo tự do hiểu hơn ai hết. Người ta có quyền hiểu Tam muội là ba cái tối tăm, hay Sa-môn là cửa cát. Tuy nhiên, một người học Phật chân chính cần nên tra cứu lại những vấn đề trước khi đặt câu hỏi….nghe rất lạ!
Huân tu là gì, để trả lời cho Minh Mẫn
Khóa lễ tại chùa Viên Giác với tên gọi là: Khóa lễ Huân Tu Khổng Tước Đại Minh Vương Đàn Thành Hỏa Quang Tam Muội Hộ Quốc Tiêu Tai Đại Pháp”. Trong đó người viết có thể ‘giải hoặc’ ít nhất hai khái niệm: Huân tu 薰修 và đại pháp 大法 và . Theo Từ Di, Phật Quang đại từ điển, trang 6611 nêu: 又作熏修。薰謂薰染,修謂修行。以德修身,如以香薰衣,故稱為薰修…Dịch như sau: Huân tu 薰修 còn được gọi là 熏修 (cả hai từ Huân nêu trên đều được phiên thiết là Hứa vân thiết – NV), Huân nghĩa là xông ướp, Tu nghĩa là tu hành. Huân tu nghĩa là lấy đức để tu thân, giống như người ta lấy hương thơm mà ướm vào quần áo, cho nên gọi là huân tu
Còn đại pháp thì trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, phẩm Tựa nói, chẳng qua Minh Mẫn chưa từng vớ tới mà thôi […] 爾時文殊師利語彌勒菩薩摩訶薩及諸大士、善男子等:「如我惟忖,今佛世尊欲說大法,雨大法雨,吹大法螺,擊大法鼓,演大法義…
Dịch: Bấy giờ ngài Văn-thù-sư-lợi nói với Bồ-tát Di-lặc cùng các vị Đại sĩ rằng: theo như tôi suy xét thì hôm nay Đức Thế Tôn muốn nói đại pháp (tức nói pháp lớn/pháp vi diệu – NV); Ngài muốn mưa pháp lớn, thổi tù và pháp lớn, đánh trống pháp lớn và diễn nghĩa pháp lớn”
Vậy có hay không trong kinh văn đã có khái niệm…‘nghe rất lạ’ như Minh Mẫn đã nêu?
Y áo và cái gọi là sặc sỡ, lòe loẹt từ Còm-men Quảng Tuệ
Quảng Tuệ bình luận: […] có quá nên chăng sám chủ của một buổi lễ phải khoác lên mình những bộ quần áo diêm dúa, sặc sỡ, loè loẹt rồi tụng (sic) niệm theo một số nghi quỹ chưa bao giờ thấy xuất hiện trong đại tạng kinh điển của Phật Giáo cổ truyền chúng ta…”
Chúng tôi cho rằng, Quảng Tuệ cần nên đọc Sắc Tu Bách Trượng Thanh Qui quyển 5, mục Thiên Sam (Đại Chính tập 48, No. 2025, trang 1139a). Còn vấn đề y áo nên mặc trong trường hợp nào thì trong….24 oai nghi đã dạy: có những trường hợp nào cần phải đắp y 25 vạch (điều). Có những chiếc y chỉ dành cho chấp tác, cũng có những chiếc y được mặc trong những buổi lễ quan trọng: thăng đường thuyết pháp chẳng hạn…
Còn ‘nghi quỹ’ mà Quảng Tuệ hỏi mang tính học thuật hàn lâm quá, xin trả lời là chúng hiện hữu tối thiểu là 2 tác phẩm trong Đại Tạng Kinh (tập 19, No. 983A: Phật thuyết Đại Khổng Tước Minh Vương Họa Tượng Đàn Tràng Nghi Quỹ của Tam Tạng Bất Không dịch, ngoài ra nên đọc thêm: Khổng Tước Vương Chú Kinh (thượng và hạ) do Tam Tạng Tăng-già-bà-la (Saṃghavarman) dịch [xem Đại Tạng Kinh Tập 19, No. 984]
Chúng tôi chỉ cần nêu ít nhất 2 bản kinh chứng tỏ Quảng Tuệ chưa từng ghé mắt tới. Một tri thức tối thiểu cần phải trang bị trước khi phê bình thì Quảng Tuệ bỏ qua: Ông ta sai ngay vạch xuất phát trước khi hỏi nghi quỹ trong Đại Tạng Kinh. Như vậy, những lời chỉ trích của ông bộc lộ một tri thức quá…sặc sỡ!
II. Nghi lễ trong Mật tông: một vấn đề cần nghiêm túc nhìn nhận
Mật tông: một ngọn núi đá thẳng đứng, không phải ai cũng đi vào được. Nguy hiểm nhưng nhiều pháp nhiệm mầu. Tuy nhiên, núi cao cũng có đường vào, vấn đề là thái độ nghiên cứu nghi thế nào, sử dụng ra sao. Và nếu như những ai không am tường thì nên học thái độ của tiền nhân: 子曰:由!誨女知之乎!知之為知之,不知為不知,是知也! (Luận ngữ: Vi Chính 2)
Thật ra, bài viết của Minh Mẫn cũng có dấu hiệu bộc lộ một tri thức, mặc dù ông không đưa ra luận cứ để phủ nhận, mà chỉ là những câu hỏi bỏ lững. Nhưng dẫu sao câu hỏi này cũng thể thiện một tri thức Phật Giáo đang…phân vân hơn là cào bằng mọi vấn đề này hơn là những…nhà bình luận vỉa hè…
III. Tạm kết
Văn hóa và văn hóa Phật Giáo là một tinh hoa. Mọi từ ngữ không tương tác trong khái niệm về văn hóa xin được róc bỏ. Đã là văn hóa thì không thể có văn hóa phẩm đồi trụy (hay lai căn) đều bị cạo bỏ. Vì ngữ vĩ của chúng đã tương vi chính nó. Mà đã là văn hóa thì cần phải tiếp thu có chọn lọc, để rồi cấy hạt giống văn hóa vào bản địa: bất kể chúng là văn hóa của nước nào!
Trong nghi lễ Mật tông (đặc biệt là đàn Khổng Tước Minh Vương) mang tính đặc thù văn hóa Phật Giáo Đông Mật (ở đây là Nhật Bản). Với một người có chánh kiến thì không ai dại gì từ chối hoa mà nhập cảng về những rác rưởi. Ở đây, trong nghi thức HuânTu Khổng Tước Minh Vương có dấu hiệu nào bộc lộ ngược chiều với Phật Giáo? Có chăng trong nghi thức này chúng mang những tính chất khá đặc thù Mật tông, điều này có thể xa lạ với một hành giả Mật tông ngoại đạo, tuy nhiên chúng khớp với những gì trong kinh điển. Một hành giả tu theo truyền thống Thượng tọa bộ mà bắt ấn quyết thì mới có thể (chỉ là có thể thôi) là biểu hiện…lai căn. Còn Mật tông thì đó không phải là trò xiếc đôi tay. Thế giới Mật tông, như đã nói là con đường núi dốc thẳng: người ta có quyền lữ hành trên con đường ấy, tuy nhiên sự hiện hữu của những ngọn núi thì không thể phủ nhận.
Bằng tinh thần học Phật chánh kiến, chúng ta nên có thái độ trạch pháp nhãn và tư duy như pháp (như lý tác ý). Nên chăng nên đọc lại thái độ của Khổng Tử trước khi bình luận: một thái độ tối thiểu trong tranh luận!
[1] http://www.quangduc.com/kinhdien/Truongbo/truongbo01.html
[2] Tuệ Sỹ dịch và chú, Trường A-hàm. 2008. TP.HCM: NXB Phương Đông, trang 427 – 429 (Bản tình ca dâng Phật)
[3] HT. Thích Trí Tịnh dịch, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa. 2009. HN: NXB Tôn Giáo, trang 35
[4] Đại Tạng Kinh tập 9, No. 262, trang 3, cột c