Vài Nét Khái Lược Phật Giáo Thời Lý
Thích Minh Hoàng
Tìm hiểu về quá khứ lịch sử dân tộc, tức là chúng ta đã tìm về cội nguồn tổ tiên dân tộc ta, đây cũng là nếp sống truyền thống của dân tộc chính là “Uống Nước Nhớ Nguồn”. Đây cũng chính là dịp để chúng ta nhìn lại công sức của tổ tiên đã dày công đấu tranh để giành lấy độc lập chủ quyền, xây dựng nền văn hiến Quốc Gia. Một nền văn hiến có thể sánh với các đại quốc lân bang, dù nước ta nhỏ hơn họ về lãnh thổ, có thể kém hơn họ về văn minh, nhưng ý chí độc lập tự chủ, gìn giữ văn hóa bản sắc dân tộc thì không hề thua kém, bằng chứng là đất nước chúng ta dù bị rơi vào hoàn cảnh ngàn năm lệ thuộc phương Bắc (còn gọi là thời kỳ Bắc thuộc), nhưng đất nước ta vẫn tồn tại, nhân dân ta vẫn giữ được bản sắc văn hóa riêng của tổ tiên, không bị đồng hóa. Tuy ông cha chúng ta có vay mượn ngôn ngữ, văn tự ngoại bang nhưng chỉ để sáng tạo ra ngôn ngữ riêng cho quốc gia, chỉ có nhân dân ta nói, đọc và hiểu với nhau. Phong tục tập quán của ta dù có ít nhiều giống với phong tục tập quán của họ, nhưng không hoàn toàn rập khuôn mà có sự chọn lọc thích hợp với hoàn cảnh, với điều kiện của đất nước. Có tìm hiểu về lịch sử dân tộc chúng ta mới có sự hiểu biết và đồng cảm với tổ tiên, cũng như tỏ lòng khâm phục, kính trọng những sáng tạo tuyệt vời của những bậc tiền nhân trong buổi đầu dựng nước và giữ nước.
Thế rồi, Phật Giáo đã đến nước ta để rồi hòa nhập vào cuộc sống sinh hoạt của nhân dân, được nhân dân đón nhận, gìn giữ bảo vệ, để làm thành một nền Phật Giáo với sắc thái riêng của mình, đó chính là Phật Giáo Việt Nam. Kể từ đó Phật Giáo đã trở thành nếp sống tâm linh, là điểm tựa tinh thần của mọi người trong những lúc cùng khổ bức bách, những ai khi muốn tìm về sự an tịnh tâm hồn của chính mình. Thật sự Phật Giáo đã sát cánh với vận mệnh của quốc gia, đã lo với cái lo chung của dân tộc, đã vui với cái vui chung của thiên hạ. nhưng trong thời Bắc thuộc chung với vận mệnh của quốc gia Phật Giáo không có cơ hội phát triển, Phật Giáo chỉ tồn tại âm thầm, sâu kín trong lòng dân tộc. Mãi đến khi nước nhà giành được độc lập tự chủ, khi ấy Phật Giáo mới bắt dầu hưng thịnh.
Sau khi họ Khúc giành quyền tự chủ, chấm dứt ngàn năm Bắc thuộc đến triều Đinh và tiền Lê Phật Giáo được triều đình coi trọng và đặt vào vị trí độc tôn, tầng lớp Tăng sĩ được triều đình trọng dụng và đóng vai trò quan trọng trong việc cố vấn chính trị, giúp vua bình định thiên hạ. Với hai triều đại ngắn ngủi, nhỏ bé đất nước chưa ổn định, thiên hạ chưa thái bình, vì thế Phật Giáo chưa có thể phát triển như mong muốn. nhưng nền tảng đã có từ hai triều trước, đến triều đại nhà Lý hội đủ nhân duyên: Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa đã mở ra một thời đại mới, một thời đại kiến quốc hùng cường, đặt nền tảng vững chắc cho sự phát triển chính trị, văn hóa, tín ngưỡng…, được đánh dấu bằng một sự kiện lịch sử lưu truyền muôn đời, làm cơ sở phát triển văn hóa dân tộc sau này, đó chính là sự kiện Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long.
Mở đầu cho thời đại vàng son nhất trong lịch sử dân tộc là sự đóng góp tích cức của Phật Giáo trong công cuộc xây dựng phát triển quốc gia. Chính Thiền Sư Vạn Hạnh đã có công đặt viên gạch nền móng mở đầu độc lập cho triều đại nhà Lý, cũng chính là mốc lịch sử quan trọng cho Phật Giáo phát triển ở triều đại nhà Trần. Trong suốt chiều dài của lịch sử dân tộc, qua những cuộc thăng trầm tồn vong đất nước chưa lúc nào vắng bóng các vị Thiền Sư. Điều này làm nổi bật tính tích cực của Phật Giáo Việt Nam trong quá khứ. Các Thiền Sư thời Lý bằng sự tu tập và hành sử của mình đã thể hiện tính nhập thế làm cho con người mọi thời đại thấy được giá trị đích thực của tinh thần Giác Ngộ.
Phật Giáo Việt Nam đã gắn liền với huyết mạch, với vận mệnh dân tộc, gần gũi hòa nhập vào cuộc đời. Đạo lý từ bi, trí tuệ, bình đẳng, giải thoát và tự chủ của Phật Giáo đã sinh ra cho dân tộc những vị vua đầy lòng từ bi nhưng rất anh hùng, tôn sùng tín ngưỡng nhưng rất sáng suốt. Giá trị từ bi thời Lý được biểu trưng bằng các ngôi chùa, ngọn tháp oai hùng ngự khắp nơi, và sự hiện diện của các vị Thiền Sư sống gần gũi với nhân dân. Qua đó ta nhận định được Phật Giáo chưa và không bao giờ có tư tưởng đi ngược lại với tinh thần truyền thống tốt đẹp của Dân tộc và Đạo Phật.
“Các Bậc Hoàng Đế Thời Lý”, những con người, những tên tuổi mẫu mực của lịch sử dân tộc, các Ngài mãi là những tấm gương sáng cho hậu thế noi theo. Tên tuổi, sự nghiệp, tinh thần xây dựng đất nước của các bậc Hoàng Đế thời Lý đã gắn liền với tên tuổi, sự nghiệp giáo hóa, tinh thần dân tộc của các vị Thiền Sư Phật Giáo Việt Nam. Để hôm nay khi nói về lịch sử thời Lý, chúng ta không thể không tự hào nói đến Phật Giáo thời ấy.
Nhân dịp đại lễ ngàn năm Thăng Long-Hà Nội chúng ta hãy cùng nhìn lại những thành tựu vàng son của ngàn năm trước, hãy tiếp bước những giá trị văn hóa, đạo đức của các bậc tiền nhân thời Lý, có những việc làm thiết thực đóng góp vào sự nghiệp phát triển dân tộc, góp phần làm cho đất nước ngày càng hưng thịnh an lạc, Phật Giáo mãi là nơi nương tựa tinh thần của dân tộc đúng với câu: “Đạo Pháp và Dân Tộc”.