Trọng tâm của giải thích về tiến hóa con người là lý thuyết Vi Diệu Pháp về bốn dạng sinh sản. Trong cách nhìn này, chúng sinh hữu tình có thể sinh ra ở dạng (1) thai sinh [sinh từ bào thai] như là con người; (2) noãn sinh [sinh từ trứng] như là các loại chim và nhiều loài lưỡng thê; (3) thấp sinh [sinh từ nơi ẩm thấp] như là nhiều loại côn trùng; (4) hoá sinh [tự nhiên sinh] như là chư thiên trong sắc giới và vô sắc giới. Về vấn đề phân hoá của sự sống, Nguyệt Xứng biểu lộ một quan điểm chung trong Phật giáo khi ngài viết: “Từ tâm thức mà thế giới hữu tình khởi lên, cũng thế, từ tâm thức mà những cách sống đa dạng hình thành”.
Tác giả: Dalai Lama
Việt dịch: Làng Đậu Võ Quang Nhân
Tiến Hóa, Nghiệp, và Thế Giới Hữu Tình
Câu hỏi “Sự sống là gì?”, dù bất chấp nó được đóng khung kiểu nào, vẫn là một thách đố cho mọi lý luận thông tuệ để phát triển thành một thế giới quan mạch lạc chặt chẽ. Cũng như khoa học hiện đại, Phật giáo chấp nhận tiên đề cơ bản rằng, ở mức nền tảng nhất, thì không có sự khác nhau về chất giữa cơ sở vật chất của thân thể của chúng sinh hữu tình như là con người, và, chẳng hạn, của một viên đá. Chỉ như viên đá được cấu trúc bởi một sự kết cấu của các hạt vật chất, thân thể con người được kết hợp bởi các hạt vật chất tương tự. Dĩ nhiên, toàn bộ vũ trụ và tất cả vật chất trong nó được cấu thành từ cùng một thứ, mà được tái dụng không bao giờ dứt – theo khoa học, thì các nguyên tử trong thân thể của chúng ta thuộc về các vì sao xa xăm trong không gian và thời gian.
Thế thì câu hỏi theo sau là, điều gì khiến cho thân thể người khác xa một viên đá đến nổi nó có thể hỗ trợ sự sống và ý thức? Sinh học hiện đại trả lời cho câu hỏi này bằng cách đưa ra luận giải về sự nảy sinh các đặc tính phức tạp tương ứng với các mức độ phức tạp cao hơn trong kết cấu của các vật chất hợp thành. Nói cách khác, sinh học hiện đại cho rằng việc này xảy ra thông qua quá trình phức tạp hóa kết cấu của các nguyên tử thông thường để hình thành các phân tử và các cấu trúc di truyền; cơ quan phức tạp của sự sống nảy sinh từ cơ sở của các thành tố vật chất đơn giản.
Thuyết tiến hoá Darwin[1] là một tư tưởng cột trụ của sinh học hiện đại. Lý thuyết tiến hóa, và đặc biệt là ý tưởng về chọn lọc tự nhiên[2], cung ứng một bức tranh tổng quan của nguồn gốc về tính đa dạng của sự sống. Theo tôi hiểu thì lý thuyết tiến hóa và chọn lọc tự nhiên là những nổ lực để giải thích cho tính đa dạng diệu kỳ của các vật thể sống. Tính phong phú ngoạn mục của sự sống và những dị biệt trong nhiều chủng loại này được giải thích bởi ý tưởng khoa học cho rằng các dạng mới được tạo thành bởi sự biến đổi từ các dạng hiện tại, với ý tưởng cộng thêm vào đó là những tính năng nào thích nghi tốt nhất đối với một môi trường sẵn có sẽ được di truyền đến các thế hệ sau, trong khi các tính năng không quan trọng cho sự sinh tồn sẽ bị đào thải.
Tôi đã được kể rằng những thuyết này mô tả điều mà Darwin tự gọi là “di truyền” từ một dạng đơn giản cội nguồn lên thành sự đa dạng và phong phú của các dạng sống. Vì tất cả các thể sống đều thuộc vào các dòng tiến hóa từ một tổ tiên chung; thuyết này nhấn mạnh sự liên kết lẫn nhau của các sinh thể trong thế giới.
Tôi biết đến thuyết tiến hóa này khi công du lần đầu tiên đến Ấn Độ năm 1956, và tại đó tôi đã được chiêm nghiệm về một số khía cạnh của sinh học hiện đại. Nhưng mãi đến sau này, tôi mới có thể đàm thoại nhiều với một khoa học gia thực thụ về thuyết tiến hóa của Darwin. Một cách buồn cười, người đầu tiên giúp tôi hiểu lý thuyết này đầy đủ hơn lại không phải là một khoa học gia mà là một học giả về tôn giáo. Huston Smith[3] đã đến để gặp tôi tại Dharamsala trong thập niên 1960. Ông ta nói về các tín ngưỡng của thế giới, về nhu cầu đa nguyên lớn hơn giữa những người theo chúng, và vai trò của tinh thần trong một thế giới vật chất thăng hoa, cũng như là một số sự phản ánh riêng về các lãnh vực khả dĩ hội tụ giữa Phật giáo và chủ trương thần linh Thiên Chúa giáo. Dẫu sao lãnh vực gây ấn tượng cho tôi nhiều nhất lại là sinh học hiện đại, đặc biệt là bàn thảo của chúng tôi về DNA[4] và sự kiện là đã có khá nhiều ẩn dấu của sự sống thể hiện trong sự huyền bí của sợi dây sinh học đẹp tuyệt. Khi tính đến các vị thầy về khoa học của mình, tôi bao gồm Huston Smith trong số họ, mặc dù không chắc rằng ông ta sẽ chấp thuận điều này.
Một tỉ lệ tăng theo hàm mũ của tiến bộ trong sinh học, đặc biệt là cuộc cách mạng khoa học di truyền đã đào sâu tận gốc rễ hiểu biết của chúng ta về vai trò của DNA trong việc mở khoá cho những bí ẩn của sự sống. Sự hiểu biết của tôi về sinh học hiện đại hàm ơn lớn bởi sự chỉ dẫn của những người thầy vỹ đại như là sau này từ Robert Livingston[5] tại đại học California ở SanDiego. Ông ta đã là một người thầy rất nhẫn nại có cái nhìn quắc thước qua cặp kính khi giải thích về một điểm và là một người lo lắng nhiệt tình trong thệ nguyện sâu sắc cho một thế giới giải trừ vũ khí hạt nhân. Trong số những món quà mà ông ấy tặng tôi là một mô hình não bộ bằng plastic với các thành phần tháo lắp được, món quà này được đặt trên bàn giấy của tôi tại Dharamsala, và một bảng toát yếu viết tay về các điểm quan trọng trong thần kinh học.
Thuyết Darwin là một cơ sở nền tảng giải thích về sự phong phú của hệ động và thực vật, sự đa dạng của cái mà Phật giáo gọi là các chúng sinh hữu tình và thảo mộc vốn đã cấu thành sinh giới cho chúng ta một cách hiệu quả. Đến nay thuyết này vẫn chưa bị phản bác và vẫn cung cấp một hiểu biết khoa học mạch lạc chặt chẽ nhất về sự tiến hóa của sự sống phân hóa trên trái đất. Lý thuyết này được áp dụng sâu đến cấp độ phân tử – nghĩa là, sự thích nghi và chọn lọc của các gen di truyền cá thể – cũng như là ở cấp độ vĩ mô của các quần thể lớn. Bất chấp khả năng đáp ứng cho mọi cấp độ khi ta khả dĩ đề cập đến sự sống phong phú, thì thuyết Darwin không giải quyết câu hỏi khái quát về cuộc sống là gì? Điều này nói lên rằng có nhiều đặc tính then chốt mà sinh học biết là cốt yếu cho sự sống, như là các cơ quan là những hệ thống tự dưỡng và việc có mặt một số cơ chế sinh sản tự nhiên. Thêm vào đó, các định nghĩa về sự sống bao gồm khả năng phát triển hướng tới trật tự và rời xa hỗn độn, mà được gọi là “entropy âm”.[6]
Ngược lại, truyền thống Phật giáo Vi Diệu Pháp định nghiã chữ Tạng ngữ sok, tương đương với thuật ngữ life [“sự sống”] trong Anh ngữ, là điều hỗ trợ “nhiệt” và “ý thức”. Trong chừng mực nào đó thì sự khác biệt là có ý nghĩa bởi vì điều mà các nhà tư tưởng Phật giáo muốn nói sự sống và sinh sống quan hệ hoàn toàn đến các chúng sinh hữu tình và không liên can tới cây cỏ, trong khi sinh học hiện đại đã có một khái niệm rộng hơn nhiều về sự sống, bao gồm xuống đến tận mức tế bào. Định nghĩa của A-ti-đạt-ma không tương ứng với giải thích sinh học hầu như là vì động cơ bên trong của giáo lý nhà Phật là để trả lời các câu hỏi về đạo đức mà chỉ có thể được xem xét trong mối quan hệ với các dạng sống cao hơn.
Tâm điểm của thuyết tiến hóa Darwin như tôi hiểu là tính chọn lọc tự nhiên. Nhưng điều này có nghĩa là gì? Mô hình sinh học đại diện cho sự chọn lọc tự nhiên như là sự đột biến gen di truyền ngẫu nhiên và hậu quả đấu tranh [sinh tồn] giữa các sinh thể dẫn đến “sự tồn sinh của sinh thể thích hợp nhất” hay là, một cách chính xác hơn, sự thành công tái sinh biến dị của một số sinh thể đối với các sinh thể khác. Mỗi đặc tính trong một sinh thể phải chịu sự dồn ép của môi trường. Những sinh thể nào lớn mạnh nhất trong những áp lực này cũng như trong sự cạnh tranh với các sinh thể khác, và có nhiều con cái nhất cho thấy sự thích nghi hơn, và do đó, được trang bị tốt hơn cho sự sinh tồn. Trong quá trình chọn lọc liên tục những tính năng thích nghi nhất từ một môi trường sẵn có các tính năng rất đa dạng là kết quả của các biến dị ngẫu nhiên, thì các chủng loài của các thể sống sẽ dần chuyển hóa.
Ảnh Minh Họa Quá trình Biến dị và chọn lọc tự nhiên
Chọn lọc tự nhiên có thể được hiểu thông qua việc giải thích về các loài ruồi dấm và khỉ có thể sinh tồn mạnh nhất trong các môi trường chọn lọc của chúng, và cách thức mà các chúng sinh như loài người hiện đại tiến hóa từ các thủy tổ người vượn. Bất kể sự khác nhau rõ ràng, loài người và vượn chimpanzee chia sẻ chung nhau 98% DNA của họ; sự khác biệt chỉ có 2% để giải thích cho sự phân biệt giữa hai loài (khác nhau giữa người và gorilla là 3%)[7]. Tương tự, ở mức gen, tính năng chọn lọc tự nhiên dường như giải thích làm thế nào các đột biến trong gen vốn là ngẫu nhiên và nảy sinh một cách tự nhiên, có thể được chọn lọc và, do đó, tạo được những biến đổi mới trong các thể sống. Đột biến gen cũng được xem là động cơ cho sự tiến hóa ở mức phân tử. Và chọn lọc tự nhiên, chẳng hạn, được xem như là cơ chế tạo thuận lợi cho sự phát triển của các nhóm thần kinh (các dẫn truyền xung thần kinh, các thụ quan thần kinh[8], và vân vân), mà từ đó phát sinh tính cá biệt, tính biến đổi của mỗi bộ não, và trên mức độ chủng loài, các phẩm tính đặc thù của ý thức con người
Ngay cả trong mối quan hệ với nguồn gốc của sự sống, chọn lọc tự nhiên được xem là chìa khoá của tiến trình, mà bởi đó các phân tử đặc biệt có khả năng tự sao chép, nảy sinh (ban đầu có lẽ bằng sự tình cờ) trong một “súp” nguyên sinh hữu cơ[9] hay có thể như là các tinh thể tự sao chép vô cơ[10]. Tôi, thật ra, thu thập [điều này] từ nhà vật lý Stephen Chu[11] tại đại học Stanford; nhóm của ông ta hiện đang phát triển các mô hình cho việc hiểu biết sự sống trong khuôn khổ các định luật vật lý. Theo như miêu tả hiện nay về nguồn gốc của sự sống, thời gian ngắn sau khi trái đất tự hình thành, các phân tử ARN (ribonucleic acid), tự chúng rất không bền, được hình thành và tự sao chép mà không cần hỗ trợ [bên ngoài]. Do chọn lọc tự nhiên, các phân tử phức tạp và bền vững hơn – tức là các phân tử ADN (deoxyribonucleic acid, kho chứa nền tảng của các thông tin gen di truyền) – được tạo thành từ ARN. Sự sống, đến trong dạng của một sinh vật tinh tế hơn, chứa phương thức di truyền được mã hóa trong ADN và tạo ra dạng của nó từ đạm tố [protein]. ARN trở thành mối liên kết giữa ADN và protein, bởi vì nó đọc thông tin chứa trong ADN và hướng dẫn cho việc sản sinh ra các protein.
Sinh thể đầu tiên làm từ ADN, ARN, và protein được biết là Luca, thuỷ tổ chung giả định của sinh giới, có thể là một thứ gì đó tựa như vi khuẩn sống ở sâu trong lòng đất hay trong nước nóng. Cũng vậy, thông qua sự tự sao chép và bởi chọn lọc tự nhiên, Luca dần dà tiến hoá thành tất cả chúng sinh. Tôi luôn mỉm cười khi nghe thấy cái tên này, làm như Luca là tên của một người thông dịch từ lâu của tôi.
Mô hình này giả định trước một mẫu hình của những thay đổi nhỏ và tiệm biến dẫn đến sự biến đổi thiên hình vạn trạng của các cá thể sống. Những biến đổi này được sàng lọc bởi chọn lọc tự nhiên. Có nhiều phiên bản khác nhau cho bức tranh này – chẳng hạn, sự khả dĩ của những thay đổi to lớn và đột ngột, và do đó, một quan điểm về sự tiến hóa thông qua các bước nhảy vọt trong đó những sự chuyển hóa của các sinh thể không phải là từng phần mà là kịch tính. Tương tự, có một tranh luận về câu hỏi phải chăng chọn lọc tự nhiên là cơ chế duy nhất của sự thay đổi hay phải chăng các nhân tố khác cũng có liên đới vào.
Sự bùng nổ trong khoa di truyền học trong những lúc gần đây đã cung cấp cho chúng ta hiểu biết đặc biệt và tỉ mỉ hơn rất nhiều về sự tiến hóa ở mức phân tử và gen. Với việc phối hợp thời gian hoàn hảo, ngay trước khi kỉ niệm năm thứ 50 của phát minh về cấu trúc ADN bởi James Watson và Francis Crick[12] trong năm 1953, thì bản đồ chuỗi gen di truyền của con người đã hoàn tất. Kỳ công to lớn này đã mang lại hứa hẹn không kể xiết về tiềm năng y học và công nghệ.
Tôi được nghe nói về việc đọc chuỗi gen trong một tình huống thật bất thường. Trong ngày mà tổng thống Mỹ Bill Clinton và thủ tướng Anh Toni Blair cùng chung công bố, thì tôi đang ở Hoa Kỳ và đã lên lịch để xuất hiện trong chương trình Larry King Live[13]. Vì chỉ nghe tin tức vào buổi sáng hay vào cuối ngày, tôi đã không hay biết việc công bố đó vào buổi trưa. Vậy nên khi Larry Kinh phỏng vấn tôi nghĩ gì về điều đó, tôi đã không nắm được tí nào về điều mà ông ta nói đến. Một cách nào đó, tôi đã không liên hệ được sự công bố của một thành quả lớn về khoa học với việc hai nhà chính trị cùng tuyên bố trước báo chí. Cuộc phỏng vấn đó thật ra được truyền dẫn trực tiếp qua một vệ tinh đã không làm cho sự đối thoại được dễ hơn chút nào. Như vậy là chính Larry King trên truyền hình trực tiếp đã bất thần báo tin này cho tôi.
Tầm quan trọng sâu rộng của kỳ công khoa học đáng kinh ngạc này được cảm nhận ngày càng mạnh mẽ. Tôi đã có dịp nói chuyện với các nhà khoa học trong lãnh vực này, đặc biệt nhà di truyền học Eric Lander[14] tại MIT. Ông ta dắt tôi đi một vòng tham quan phòng thí nghiệm của ông tại Viện Broad của MIT và Harvard, nơi mà nhiều máy móc lớn mạnh được dùng để đọc các bộ gen người đang vận hành, và biểu diễn một số giai đoạn bao gồm trong quy trình đọc một bộ gen.
Tại một trong các hội nghị Tâm thức và Đời sống, Eric đã giải thích bộ gen người bằng cách so sánh nó với kangyur[15], một tập hợp các kinh điển được xem là đức Phật truyền giảng và đã được dịch sang Tạng ngữ, bao gồm khoảng hơn một trăm quyển mỗi quyển chừng 300 trang. Quyển sách khổng lồ về bộ gen có 23 chương, tức là 23 cặp nhiễm sắc thể, về mỗi bộ gen (một từ mỗi người cha hay mẹ) bao gồm khoảng từ 30000 tới 80000 gen. Mỗi chương như vầy được viết trên một chuỗi dài DNA trong dạng của các từ có 3 chữ cái [3 thành phần nucleotide], mà những chữ cái có thể là một trong 4 kí tự A, C, G và T – tức là adenine, cytosine, guanine và thymine – được nối nhau trong tất cả các kiểu tổ hợp có thể được.
Eric nói rằng, thử tưởng tượng trong thời kỳ hàng triệu năm của việc sao chép cuốn sách này, mỗi lần trước và sau đó một vài lỗi lọt vào, chỉ như là việc sao chép nó bằng tay trong hàng trăm năm – các sai sót, các lỗi chính tả do sao chép và những thay thế của các từ vựng nhập vào dòng văn của kangyur. Những sai sót này có thể được duy trì trong lần sao chép sau đó mà khởi nhập cho những sao chép sai biệt mới, và vân vân. Một số trong sự khác biệt về chính tả có thể không gây ra hệ quả di căn trong việc đọc văn bản; mặc dù thế, đôi khi xảy ra lỗi chính tả nghiêm trọng mà có thể có các hậu quả khó lường. Tương tự như một kinh điển chuẩn mực, mặc dù sự thay đổi có thể chỉ là một lỗi chính tả, nếu giả sử từ một chữ tích cực thành tiêu cực, thì có thể có các hiệu quả di căn đến ý nghĩa của một câu hay đến việc đọc của toàn bộ kinh văn. Tôi được bảo rằng những sự biến đổi ngẫu nhiên trong chính tả cũng là các biến dị xảy ra một cách tự nhiên trong quá trình tiến hóa.
Theo một số nhà khoa học mà tôi được dịp tiếp chuyện, thì có một tần số đồng nhất về việc phát sinh các biến dị gen di truyền, bất kể bản chất của chúng như thế nào, đều lưu lại giữ ở mức ngẫu nhiên hoàn toàn. Dù vậy, một khi các biến dị như thế xảy ra, nguyên lý chọn lọc tự nhiên sẽ bảo đảm rằng, về tổng thể, những biến dị hay thay đổi nào đề xuất ra cơ hội tốt nhất cho sự sinh tồn sẽ được chọn. Khi đó nhà sinh học Hoa Kỳ Ursula đã nhanh trí; Ursula Goodenough đặt ra một khẩu hiệu tại Hội nghị Mind and Life năm 2003 là “Biến dị thì hoàn toàn ngẫu nhiên, nhưng sự chọn lọc thì kén chọn cực kỳ!” Từ một cái nhìn triết học, ý kiến cho rằng những biến dị với bao hàm trải rộng như thế, xảy ra một cách tự nhiên thì không phức tạp, nhưng việc cho rằng chúng hoàn toàn ngẫu nhiên lại làm tôi không thoả mãn. Nó để lại câu hỏi liệu rằng sự ngẫu nhiên này phải được hiểu như là một hoạt động khách quan của thực tại hay là chỉ dấu của một loại nhân quả tiềm ẩn nào đó.
Trái ngược với khoa học, trong Phật giáo không có luận bàn triết học cụ thể nào về cách thức mà các sinh thể nảy sinh từ vật chất bất động. Thật ra điều đó cũng không được nhận thức như là một đề tài triết học nghiêm túc. Hàm ý gần gũi nhất về việc nảy sinh của các sinh thể từ vật chất bất động đơn giản là một hệ quả của nhân quả theo thời gian, bởi tập hợp những duyên ban đầu và các định luật tự nhiên cai quản tất cả các giới của sự tồn tại. Tuy nhiên, trong Phật giáo, lại có nhận thức sâu sắc hơn về thử thách của việc giải thích về sự phát sinh của chúng sinh hữu tình từ một cơ sở chủ yếu vô tri vô giác.
Khác nhau của sự lưu tâm này nói lên một tương phản thú vị giữa Phật giáo và khoa học hiện đại, mà có thể phần nào liên can đến những dị biệt phức tạp về lịch sử xã hội, và văn hoá ảnh hưởng đến sự phát triển của cả hai truyền thống truy cứu. Đối với khoa học hiện đại, ít nhất là từ quan điểm triết học, dường như làn ranh phân chia cực hạn là giữa vật chất bất động và nguồn sơ khai của các thể sống, trong khi đối với Phật giáo thì phân chia cực hạn này lại là giữa vật vô tri giác và sự xuất hiện của chúng sinh hữu tình.
Ta ngay cả có thể hỏi đến lý do có sự khác nhau của hai truyền thống này. Một lí do có thể khiến cho khoa học hiện đại ghi nhận sự phân chia cực hạn giữa vật chất bất động và các thể sống có liên quan đến phương pháp luận cơ bản của khoa học. Tức là, tôi muốn nói đến nguyên tắc suy luận quy giảm đóng vai trò như là một tiếp cận có tính phương pháp học hơn là quan điểm siêu hình học. Sự tiếp cận cơ bản trong khoa học này là để giải thích các hiện tượng dựa trên bản chất của các thành phần cấu tạo nên phân tử đó. Làm thế nào một sự kiện như sự sống lại nảy sinh từ giới không có sự sống? Tại một kỳ hội nghị Life and Mind ở Dharamsala, nhà sinh học Luigi Luisi[16], làm việc tại Zurich, đã nói với tôi về nghiên cứu của nhóm ông trong khả năng tạo thành sự sống trong phòng thí nghiệm. Trường hợp nếu lý thuyết khoa học hiện thời về nguồn gốc của sự sống từ dạng cấu hình phức tạp của vật chất vô sinh là đúng, thì không có gì ngăn cản ta tạo ra sự sống trong một phòng thí nghiệm một khi tất cả các điều kiện được thỏa mãn.
Phật giáo miêu tả sự phân định cực hạn khác hơn – nghĩa là giữa hữu tình và vô tình – bởi vì Phật giáo chủ yếu lưu tâm đến việc làm dịu sự đau khổ và tìm kiếm hạnh phúc. Trong Phật giáo, sự tiến hóa của vũ trụ và sự xuất hiện của chúng sinh trong nó – một cách rộng hơn, mọi thứ trong tầm ảnh hưởng của các khoa học về sự sống và vật lý là hệ quả của chân lý đầu tiên trong Tứ Diệu Đế, mà đức Phật truyền giảng trong lần thuyết pháp đầu tiên. Tứ Diệu Đế, phát biểu rằng trong thế giới vô thường thì có sự khổ, khổ có một nguồn gốc, sự diệt của khổ có thể xảy ra, và có đạo pháp để đi đến diệt khổ. Theo tôi thấy, thì khoa học thuộc về nội hàm của chân lý đầu tiên trong đó nó nghiên cứu các cơ sở vật chất của sự khổ, nó bao gồm toàn bộ hình ảnh của môi trường vật lý – tức là “bể chứa” [thai tạng giới] – kể cả các chúng sinh hữu tình – tức là “vật được chứa” [chúng sinh giới]. Trong thế giới tinh thần – thế giới của tâm lý, ý thức, phiền não và nghiệp – thì ta thấy [đề cập] trong chân lý thứ nhì, về nguồn gốc của sự khổ. Chân lý thứ ba và thứ tư Diệt Khổ và Đạo, một cách hệ quả, nằm ngoài nội hàm của sự phân tích khoa học trong đó các chân lý này liên quan chủ yếu đến điều mà chúng ta gọi là triết học và tôn giáo.
Sự khác biệt nền tảng giữa khoa học và Phật học – tùy thuộc làn ranh vẽ ra giữa hữu tình và vô tình hay giữa các thể sống và vật vô sinh – có những phân hoá quan trọng, trong số đó có sự khác nhau về cách tiếp cận với phạm trù ý thức. Với sinh học thì ý thức là một đề mục thứ cấp, bởi vì nó là một đặc tính bộ phận của các thể sống hơn là toàn bộ sự sống. Trong Phật giáo, thì định nghĩa của “sống” là các chúng sinh hữu tình, ý thức là đặc tính nguyên thủy của “sự sống”.
Một giả thiết mặc định mà đôi khi tôi tìm thấy trong tư tưởng Tây Phương là trong câu chuyện về sự tiến hoá, thì loài người được hưởng một trạng thái tồn tại vô song. Tính vô song này thường được hiểu trong khuôn khổ của một loại “linh hồn” hay “ý thức tự ngã”, vốn được cho là chỉ có con người chiếm hữu. Nhiều người dường như thừa nhận ngầm ba giai đoạn trong sự phát triển của sự sống: vật vô sinh, các sinh thể, và nhân loại. Tiềm ẩn sau quan điểm này có thể là một ý kiến cho rằng loài người nằm trong một tập hợp riêng tách biệt với loài thú và cỏ cây. Nói một cách nghiêm túc, điều này không được khoa học thừa nhận.
Ngược lại, nếu người ta kiểm tra lại lịch sử của tư tưởng triết học Phật giáo, thì có một nhận thức rằng loài thú thì gần gũi với con người (trong ý hướng cả hai đều là chúng sinh hữu tình) hơn là cây cỏ. Nhận thức này dựa trên ý tưởng rằng, trong góc độ lưu tâm về khả năng tri giác thì không có sự khác biệt giữa người và thú. Chỉ như con người chúng ta mong muốn để thoát khỏi đau khổ và tìm đến hạnh phúc, thì loài thú cũng như thế. Tương tự, chỉ như con người chúng ta có khả năng để trải nghiệm đau đớn và sung sướng thì loài thú cũng thế. Nói theo cách triết lý, từ quan điểm Phật giáo, nhân loại và thú vật sở hữu điều mà trong tiếng Tạng gọi là shepa, mà có thể được dịch nôm na là “ý thức” dẫu có sự khác nhau về mức độ phức tạp. Phật giáo không công nhận sự hiện diện của những gì tựa như là “linh hồn” chỉ có cho con người. Từ hướng nhìn về ý thức, sự khác nhau giữa loài người và loài thú là một vấn đề về mức độ chứ không phải vấn đề của kiểu loại.
Trong các kinh điển Phật giáo sơ khai có một ẩn ý về câu chuyện về sự tiến hóa của loài người, được thuật lại trong nhiều chi tiết từ các văn chương Vi Diệu Pháp sau này. Câu chuyện được trải ra theo cung cách sau. Vũ trụ Phật giáo bao gồm ba giới [tam giới] của sự tồn tại – dục giới, sắc giới, và vô sắc giới – giới sau cùng ở trong các trạng thái vi tế tiến hoá hơn về sự tồn tại. Dục giới đặc trưng bởi kinh nghiệm về những tham muốn và đau đớn xúc cảm; đây là giới mà người và thú sinh sống. Ngược lại, sắc giới thì không có những kinh nghiệm rõ ràng của đau khổ và tràn ngập bởi kinh nghiệm của hỉ lạc một cách cơ bản. Chúng sinh trong giới này sở hữu các thân thể hợp thành từ ánh sáng [sắc thân]. Cuối cùng, vô sắc giới hoàn toàn siêu việt trên tất cả các cảm xúc lý tính. Sự tồn tại trong giới này thì được tràn ngập bởi trạng thái lâu dài của tĩnh lặng hoàn hảo, và các chúng sinh trong giới này không còn hiện thân vật chất. Họ chỉ tồn tại trong mức tinh thần phi vật chất. Các chúng sinh trong những trạng thái cao của dục giới và chúng sinh trong cả sắc giới lẫn vô sắc giới được mô tả như là các chúng sinh chư thiên. Cũng nên lưu ý rằng các giới này cũng nằm trong chân lý thứ nhất [của Tứ Diệu Đế]. Các trạng thái thiên đường này mà chúng ta mong đạt tới lại không vĩnh hằng – những người của các giới đó có đau khổ về vô thường riêng của họ.
Tiến hoá của sự sống nhân loại trên trái đất được hiểu trong khuôn khổ sự “suy giảm” nào đó từ chư thiên, tức là những người đã cạn kiệt nghiệp tích cực của mình, nghiệp này vốn là nhân và duyên để lưu giữ họ trong các giới cao này. Không có tội lỗi nguồn để bị giáng trần; chỉ đơn giản do bản chất vô thường của sự tồn tại, các nhân và quả đã gây ra cho một chúng sinh thay đổi trạng thái, “chết đi”. Khi những chúng sinh này trải nghiệm sự giáng hạ của mình, và được sinh ra trên trái đất, vẫn còn sở hữu nhiều dấu vết của những thanh cao. Những người thuộc giai kỳ đầu tiên này được cho là có nhiều phẩm chất tựa như các thánh thần. Sự có mặt của họ được kể là “tự nhiên sinh”, họ có hình tướng thu hút, thân thể họ phát hào quang, họ có một số năng lực siêu hình nào đó như là bay, và họ sinh tồn bằng sự nuôi dưỡng từ thiền định. Họ cũng được cho là không có nhiều chức năng phục vụ như là cơ sở của sự phân biệt nhân dạng như là giới tính, chủng tộc, và địa vị.
Qua thời gian, con người bắt đầu mất dần những phẩm chất này. Khi dinh dưỡng từ thực phẩm vật chất, thân thể họ tiêu thụ nhiều vật thực hơn và do đó phát sinh sự phân hoá lớn về các hình tướng vật lý. Sự phân hoá này đến lượt khởi tạo các cảm xúc về sự phân biệt, đặc biệt là thù ghét với những ai có hiện tướng khác mình và gắn bó với những ai tương tự mình; kết quả là sự nảy sinh của hàng loạt các xúc cảm tiêu cực thô. Hơn nữa, sự phụ thuộc vào thực phẩm vật chất dẫn đến nhu cầu thải bỏ chất cặn bã từ thân thể, và – tôi không biết chắc bằng cách nào dẫn tới lập luận sau đây – điều cần thiết này dẫn đến sự nảy sinh về các cơ quan sinh dục đực và cái trên thân thể người. Câu chuyện tiếp tục với một giải thích chi tiết về các di truyền của toàn bộ một dãy các hành vi nhân tính tiêu cực, như là sát sinh, trộm cắp, và tà dâm.
Trọng tâm của giải thích về tiến hóa con người là lý thuyết Vi Diệu Pháp về bốn dạng sinh sản. Trong cách nhìn này, chúng sinh hữu tình có thể sinh ra ở dạng (1) thai sinh [sinh từ bào thai] như là con người; (2) noãn sinh [sinh từ trứng] như là các loại chim và nhiều loài lưỡng thê; (3) thấp sinh [sinh từ nơi ẩm thấp] như là nhiều loại côn trùng; (4) hoá sinh [tự nhiên sinh] như là chư thiên trong sắc giới và vô sắc giới. Về vấn đề phân hoá của sự sống, Nguyệt Xứng biểu lộ một quan điểm chung trong Phật giáo khi ngài viết: “Từ tâm thức mà thế giới hữu tình khởi lên, cũng thế, từ tâm thức mà những cách sống đa dạng hình thành”.
Trong các kinh điển sơ khai được cho là do đức Phật truyền lại, ta tìm thấy các tuyên thuyết tương tự về cách thức mà, một cách rốt ráo, tâm là tạo thể của toàn bộ vũ trụ. Đã có những trường phái Phật giáo dùng các tuyên thuyết đó theo nghĩa đen và tiếp nhận một dạng trọng căn của chủ trương duy tâm mà bởi đó thực tại về thế giới vật chất bên ngoài bị bác bỏ[17]. Nhưng nói chung, hầu hết các nhà tư tưởng Phật giáo có xu hướng diễn dịch các tuyên thuyết như thế trong ý nghĩa mà ta phải thấu hiểu nguồn gốc của thế giới, ít nhất là thế giới các loài hữu tình, thông qua vận hành của nghiệp.
Thuyết nghiệp là một tín hiệu quan trọng trong tư tưởng Phật giáo nhưng dễ bị trình bày sai. Theo nghĩa đen, karma nghĩa là “hành vi” và chính là các hành động chủ tâm của các chúng sinh. Những hành vi như thế có thể là từ thân, khẩu [miệng], hay ý – ngay cả các ý tưởng hay cảm xúc – tất cả đều có tác động lên tinh thần của một cá nhân, bất kể là [hành vi đó] ngắn như thế nào. Sự chủ tâm có hậu quả là các hành động, mà [các hành động đó] dẫn tới các hậu quả tạo duyên cho tâm thức hướng tới các bản năng và xu hướng chắc chắn, tất cả điều này lại làm sinh khởi các chủ tâm và hành vi xa hơn. Toàn bộ quá trình được thấy như là động năng tự tiếp diễn không có kết thúc. Chuỗi các phản ứng của các nguyên nhân và quả đan nhau vận hành không chỉ lên cá nhân mà cũng lên các nhóm và các quần thể xã hội, không chỉ trong một đời mà xuyên suốt nhiều kiếp sống.
Khi dùng thuật ngữ nghiệp, ta có thể chỉ đến các hành vi đặc biệt và cá nhân cũng như chỉ đến toàn bộ nguyên lý về nhân quả như thế. Trong Phật giáo, nhân quả nghiệp này được xem như là một quá trình tự nhiên nền tảng và không được xem như là một loại cơ chế thánh thần nào đó hay như là một vận hành của số phận được an bày trước. Riêng từ nghiệp của các chúng sinh riêng lẽ, mặc cho đó là biệt nghiệp hay cộng nghiệp[18], thì sẽ hoàn toàn sai lầm nếu cho rằng nghiệp giống như một thực thể đơn nhất siêu việt nào đó hành động như là một thượng đế trong một hệ thống hữu thần hay như là một định luật xác quyết mà bởi đó sự sống của con người là phần số. Từ cái nhìn khoa học, lý thuyết nghiệp có thể là một giả định siêu hình – nhưng điều đó [so ra] không lớn hơn giả định rằng tất cả sự sống đều là từ vật chất và có nguồn gốc đơn thuần từ sự tình cờ[19].
Nghiệp có thể được xem như là cơ chế khả dĩ mà qua đó nó đóng vai trò nguyên nhân trong tiến hoá của loài hữu tình, tôi thấy một số giải thích có trong các truyền thống Kim Cương thừa là hữu ích, [các giải thích này] thường được tham khảo bởi các tác giả hiện đại như là Phật giáo bí truyền. Theo Mật điển Bí Mật Tập Hội[20], một truyền thống cơ bản trong Kim Cương thừa, thì ở mức cơ bản nhất, không có sự phân chia tuyệt đối nào có thể thực hiện được giữa tâm thức và vật chất. Vật chất trong dạng vi tế nhất của nó là prana[21], [tức là] một năng lực[22] cơ bản của sự sống, thì không thể tách rời với ý thức. Đây là hai phương diện khác nhau của cùng một thực thể bất khả phân. Prana là phương diện lưu chuyển, năng động, và nối kết, trong khi ý thức là phương diện tri giác và khả năng của tư duy quán chiếu. Nên theo Bí Mật Tập Hội mật điển, khi hệ thống vũ trụ hình thành, thì chúng ta chứng kiến vận hành của thực tại ý thức và năng lực này.
Vì tính bất khả phân của ý thức và năng lực này nên có mối tương quan sâu đậm giữa các thành tố bên trong thân thể ta và các thành tố tự nhiên trong thế giới ngoại vi. Mối liên hệ vi tế này có thể được nhận thức rõ bởi những ai đã đạt tới một mức giác ngộ tinh thần nào đó hay bởi những ai có mức nhận thức có tính bản năng cao hơn. Chẳng hạn, nhà tư tưởng Tây Tạng thuộc thế kỉ thứ 15 là Taktsang Lotsawa[23] dẫn ra một thí nghiệm lên chính ông ta và nhận thấy một mối tương hợp hoàn toàn giữa trải nghiệm cá nhân của ông ta về những thay đổi xảy ra một cách tự nhiên trong nhịp thở của một người với những điều được mô tả trong Mật điển Thời Luân trong thời gian xảy ra một dữ kiện trên trời như là nhật thực hay nguyệt thực. Thật sự, theo triết lý Phật giáo Kim Cương thừa, thì có một nhận thức rằng thân thể của chúng ta tiêu biểu cho các hình ảnh vũ trụ vi mô của thế giới vũ trụ vĩ mô to lớn hơn[24]. Từ tầm nhìn này, mật điển Thời Luân đặt nhiều tâm huyết để nghiên cứu các thiên thể và chuyển động của chúng; thật ra, có một hệ thống tinh vi về thiên văn học trong các kinh điển này.
Vì không tìm thấy vũ trụ quan Vi Diệu Pháp có sức thuyết phục, tôi chưa bao giờ tin vào sự giải thích của Vi Diệu Pháp về quá trình tiến hoá nhân loại như là “sự thoái hoá” tiệm biến. Một trong những chuyện thần thoại của Tây Tạng về sự sáng thế đã kể cách thức mà người Tạng đã tiến hóa từ việc giao hợp của một con khỉ và một nữ yêu tinh hung dữ, và đương nhiên tôi cùng không bị thuyết phục bởi nó.
Nhìn chung, tôi nghĩ thuyết tiến hóa Darwin, cộng thêm vào với các thấu suốt của di truyền học hiện đại thì ít nhất cho chúng ta được một giải thích chặc chẽ mạch lạc về tiến hoá của sự sống con người trên trái đất. Đồng thời, tôi tin rằng nghiệp có thể đóng vai trò trung tâm cho sự hiểu biết về nguồn gốc của điều mà Phật giáo gọi là “hữu tình”, thông qua chất liệu của năng lực và ý thức.
Bất chấp thành công về bản tường thuật của Darwin, tôi vẫn không tin rằng tất cả các yếu tố của câu chuyện được đặt đúng chỗ. Để mở đầu, mặc dù thuyết Darwin có đưa ra một giải thích mạch lạc về sự phát triển của sự sống trên hành tinh và nhiều nguyên lý bên dưới sự phát triển này, như là chọn lọc tự nhiên, nhưng tôi vẫn không bị thuyết phục rằng điều đó trả lời cho câu hỏi nền tảng về nguồn gốc sự sống. Tôi thu thập được rằng, ngay chính tự thân Darwin đã không nhìn thấy điều này như là một vấn đề. Xa hơn nữa, có xảy ra một sự lòng vòng trong quan niệm về “sinh tồn của [sinh vật] thích ứng nhất”. Lý thuyết chọn lọc tự nhiên bảo lưu rằng: từ các biến dị ngẫu nhiên xảy ra trong gen của các loài sẵn có, những loài nào đề xuất được cơ hội lớn nhất cho sự sinh tồn thì dường như thành công nhiều nhất. Dù sao, cách duy nhất để có thể kiểm nghiệm lại giả thuyết này là quan sát các tính năng của các loài biến dị đã đang sinh tồn. Như vậy trong một ý nghĩa, ta đơn giản nói rằng: “Vì những biến dị di truyền này đã đang sinh tồn, nên chúng là những sinh vật có cơ hội lớn nhất cho sự sinh tồn”.
Từ cách nhìn của Phật giáo, ý kiến cho rằng các biến dị này đơn thuần là các dữ kiện ngẫu nhiên thì không đủ thoả mãn cho một lý thuyết nhằm giải thích nguồn gốc của sự sống. Karl Popper có lần tán thành với điều đó, đối với ý tưởng của ông ta thì, thuyết tiến hoá Darwin không hề và cũng không thể giải thích nguồn gốc của sự sống trên trái đất. Theo ông, thì thuyết tiến hóa không là một học thuyết khoa học kiểm nghiệm được mà đúng hơn là một thuyết siêu hình ích lợi nhiều cho việc dẫn dắt nghiên cứu khoa học xa hơn. Hơn nữa, thuyết Darwin trong khi công nhận sự khác biệt thiết yếu giữa vật vô sinh và các thể sống, thì lại thất bại tiếp nhận những khác biệt về phẩm chất tương xứng giữa các sinh thể như là cây cỏ một phía và các loài vật hữu tình phía bên kia.
Một vấn đề về thực chứng trong sự tập trung của chủ trương Darwin vào tính đấu tranh sinh tồn của các cá thể được định nghĩa trong khuôn khổ tranh đấu cho sự thắng lợi về mặt tái truyền giống của cá thể là làm thế nào giải thích tính vị tha, dù là trong ý nghĩa của ứng xử hợp quần chẳng hạn như việc chia sẻ chung thực phẩm hoặc giải pháp cho xung đột giữa các thú vật như là loài vượn hay là trong các hành vi tự hy sinh. Có nhiều thí dụ không chỉ xảy ra trong nhân loại mà cả trong các loài khác về chuyện các cá thể tự đặt mình vào vòng nguy hiểm để cứu cho các sinh thể khác. Chẳng hạn, một con ong mật sẽ chích để bảo vệ tổ của nó khỏi những kẻ tấn công, ngay cả hành vi chích làm nó bỏ mạng; hay một loại chim họa mi Ả-rập chịu rủi ro cho sự an toàn của chính nó để cảnh báo phần còn lại của đàn về một sự tấn công.
Lý thuyết hậu Darwin đã tìm cách giải thích những hiện tượng như thế bằng lập luận rằng có những tình huống mà trong đó các ứng xử vị tha, bao gồm sự tự hy sinh, sẽ nâng cao các cơ hội cá nhân của việc chuyển các gen di truyền của chúng vào cho các thế hệ tương lai. Dù thế, tôi không nghĩ luận điểm này áp dụng được cho các thực trạng, mà tôi được kể là ở đó sự vị tha được tiến hành xuyên chéo giữa các loài. Thí dụ, người ta có thể cho rằng những con chim chủ nuôi nấng và chăm bón các chim cuckoo non bị bỏ trong tổ của chúng, mặc dù một số đã giải thích chuyện này một cách riêng rẽ trong khuôn khổ lợi ích của tính ích kỉ nhận được bởi các chim cockoo. Hơn nữa, cho rằng loại vị tha này không phải luôn luôn xuất hiện dạng tự nguyện – một số sinh thể dường như được lập trình để hành động theo một cách thức tự hy sinh – cơ bản là sinh học hiện đại sẽ nhìn sự vị tha như là một bản năng và được sai khiến bởi các gen di truyền. Tất cả vấn đề trở nên phức tạp hơn nếu tính đến câu hỏi về xúc cảm của con người, đặc biệt trong nhiều trường hợp cụ thể về sự vị tha trong xã hội con người.
Một số nhà Darwin học giáo điều hơn đã cho rằng chọn lọc tự nhiên và sinh tồn của [cá thể] thích nghi nhất phải được hiểu ở cấp độ của di truyền cá thể. Ở đây, ta thấy một sự quy giảm của lòng tin siêu hình mạnh mẽ vào nguyên lý tự kỉ để hàm ý rằng bằng cách nào đó các gen di truyền cá thể ứng xử một cách ích kỉ. Tôi không biết là có bao nhiêu khoa học gia ngày nay còn giữ các quan điểm trọng căn như thế. Với lập trường đó, thì mô hình sinh học hiện đại không cho phép khả năng có một hành động vị tha thật sự.
Tại một hội nghị Mind and Life ở Dharamsala, nhà sử học về khoa học từ Harvard, Anne Harrington[25], đã thực hiện một biểu diễn đáng nhớ về cách thức và một mở rộng nào đó về lý do tại sao nghiên cứu khoa học về ứng xử của con người cho đến nay vẫn thất bại để phát triển một hiểu biết có hệ thống bất kỳ nào về xúc cảm mạnh mẽ của lòng từ bi. Ít nhất trong tâm lý học hiện đại, thì tính ra đã có một nỗ lực rất lớn nghiên cứu về các xúc cảm tiêu cực như là gây hấn, thù hận, và sợ hãi, so với sự kiểm nghiệm một cách tương đối ít đã được tiến hành lên các xúc cảm tích cực hơn như là từ bi và vị tha. Sự chú trọng này có thể đã nảy sinh vì động cơ căn bản trong tâm lý học hiện đại đã là các loại bệnh lý học người nhắm vào các mục tiêu điều trị. Dù sao, tôi cảm thấy không thể chấp nhận việc loại trừ tính vị tha trên nền tảng các hành vi vô ngã [vì lẽ nó] không thích hợp với hiểu biết sinh học hiện đại hay một cách đơn giản chỉ tái xác định [tính vị tha] lại như là các biểu hiện về quyền lợi tự ngã của các giống loài. Thái độ này thì đi ngược lại với chính tinh thần truy cứu khoa học. Nói khác đi điều đó giống như là thử cố chỉnh hình chân của một người cho vừa với đôi giày.
Tôi cảm thấy sự bất lực hay cố tình lãng tránh hoàn toàn việc xúc tiến vấn đề về tính vị tha có lẽ là mặt hạn chế quan trọng nhất của thuyết tiến hóa Darwin, ít nhất là từ phiên bản phổ biến của thuyết đó. Thế giới tự nhiên có ý nghĩa như là nguồn của thuyết tiến hóa, chỉ như khi ta quan sát sự cạnh tranh giữa các loài cũng như là nội bên trong một chủng loài vì sự sinh tồn. Ta quan sát thấy các mức độ sâu sắc của tính hợp quần (trong một cách không nhất thiết cần đến việc ý thức về thuật ngữ). Tương tự, như khi ta quan sát thấy các hành vi gây hấn trong loài thú vật và loài người, thì ta cũng quan sát thấy các hành vi vị tha và từ bi. Tại sao sinh học hiện đại chỉ chấp nhận tính cạnh tranh làm nguyên lý vận hành nền tảng [cho sự tiến hóa] và chỉ có tính gây hấn là tính năng nền tảng cho các thể sống? Tại sao nó bác bỏ tính hợp quần như là một nguyên lý vận hành, và cũng như là tại sao nó không xem vị tha và từ bi như là các tính năng cho sự phát triển của các thể sống?
Tôi cho rằng nội hàm của toàn bộ khái niệm về bản chất và sự tồn tại của con người trong khoa học phụ thuộc vào khái niệm của ngành khoa học mà ta đang theo đuổi là như thế nào. Với tôi điều này không phải là vấn đề khoa học mà đúng hơn là một vấn đề thuộc về lòng tin triết lý. Một nhà duy vật trọng căn có thể mong muốn hỗ trợ luận điểm cho rằng thuyết tiến hóa giải thích tất cả các phương diện của sự sống con người, kể cả kinh nghiệm về đạo đức và tôn giáo, trong khi những người khác có thể nhận thức khoa học như là việc mở rộng thêm nội dung đang bị giới hạn trong hiểu biết về bản chất sự tồn tại của con người. Khoa học có thể không bao giờ kể nổi cho ta một câu chuyện đầy đủ về sự tồn tại của con người, hay ngay cả vấn đề trả lời cho câu hỏi về nguồn gốc của sự sống. Điều này không có nghĩa là phủ nhận rằng khoa học đang và sẽ có nhiều điều để nói về nguồn gốc của sự phân hóa phong phú của các dạng sống. Dù sao, tôi tin rằng như là một quần thể xã hội, chúng ta phải tiếp nhận một mức độ nhân văn hướng về các giới hạn của tri thức khoa học về chính chúng ta và về thế giới mà ta đang sống.
Lịch sử của thế kỉ 20 – với lòng tin phổ biến vào chủ thuyết Darwin và nhiều hậu quả khủng khiếp của việc cố gắng áp dụng thuyết ưu sinh[26] là một hệ quả của nó [tức là của thuyết Darwin] – nếu có được bài học gì cho chúng ta, thì đó là con người chúng ta có xu hướng hiểm nguy để chuyển quan điểm mà chúng ta cấu trúc về chính mình thành những tiên tri tự hoàn thành. Ý tưởng về “sự sinh tồn của [kẻ] thích nghi nhất” đã bị lạm dụng để biện minh, và trong một số trường hợp, để luận cứ cho lòng tham quá mức của con người và chủ nghĩa cá nhân và để loại bỏ các mẫu hình đạo đức có liên hệ đến những người đồng loại trong một tinh thần từ ái hơn. Do vậy, bất kể các quan niệm khoa học của chúng ta cho rằng khoa học ngày nay chiếm một vị trí quan trọng trong xã hội con người, thì điều tối quan trọng cho những ai trong chuyên ngành là nhằm thấy được quyền năng và nhận thức được trách nhiệm của mình. Khoa học phải hành động để hiệu chỉnh những quan niệm sai lầm và những lạm dụng về các ý tưỏng phổ biến của chính khoa học mà có thể ẩn chứa hậu quả thảm khốc cho thế giới và cho nhân loại nói chung.
Bất kể giải thích về nguồn gốc của sự sống của các nhà chủ trương Darwin có sức thuyết phục đến đâu, thì trong vai trò một Phật tử, tôi vẫn tìm thấy thuyết đó còn có một lãnh vực tối quan trọng chưa được kiểm nghiệm. Đó là nguồn gốc của sinh thể hữu tình – sự tiến hóa của các thực thể ý thức có khả năng trải nghiệm đau đớn và sung sướng. Sau cùng, từ cái nhìn Phật giáo, sự truy lùng của con người cho tri thức và hiểu biết về sự tồn tại bắt nguồn từ niềm cảm hứng sâu xa để tìm kiếm hạnh phúc và vượt qua khổ đau. Chừng nào chưa có được một hiểu biết khả tín về bản chất và nguồn gốc của ý thức, thì câu chuyện về nguồn gốc của sự sống và vũ trụ sẽ chưa hoàn tất.
Chú thích
1.Charles Robert Darwin (1809 – 1882) nhà tự nhiên học Anh, người đã mô tả tất cả các chủng loài sinh giới được tiến hóa qua thời gian từ những tổ tiên chung bởi một quá trình gọi là chọn lọc tự nhiên. Ý tưởng về chọn lọc tự nhiên của ông đã được cộng đồng khoa học tiếp nhận rộng rãi và ngày nay trở thành cơ sở cho lý thuyết tiến hoá hiện đại. Phát hiện của Darwin đã cung cấp lời giải thích phù hợp cho sự phân hoá của sự sống. “charles Darwin”. Wikipedia. Truy cập 2009. (http://en.wikipedia.org/wiki/Charles_Darwin) .
2.Chọn lọc tự nhiên là quá trình mà qua đó những tính năng gen di truyền thích hợp trở nên phổ biến hơn trong các các thế hệ về sau trong khi các tính năng di truyền không thích nghi sẽ bị đào thải dần và trở nên ít phổ biến hơn. Chọn lọc tự nhiên tác động lên các đặc tính của các sinh thể bằng cách những kiểu di truyền nào thích nghi hơn sẽ có nhiều cơ hội để sinh tồn và ngược lại. Các kiểu gen di truyền phù hợp sẽ tăng trưởng dần theo thời gian qua nhiều thế hệ. Tiến trình này có thể dẫn đến sự thích ứng về cách sinh sống của các sinh thể nhất định trong môi trường sinh thái cá biệt và kết quả sau cùng có thể dẫn đến những chủng loài mới. Nói cách khác, chọn lọc tự nhiên là cơ chế tiến hoá của các quần thể sinh giới. “Natural Selection”. Wikipedia. Truy cập 2009. (http://en.wikipedia.org/wiki/Natural_selection) .
3.Huston Cummings Smith (1919 — ) là một học giả nghiên cứu về tôn giáo Hoa Kỳ. Ông được biết đến nhiều do soạn thảo tác phẩm “The World’s Religions” (“Các Tôn Giáo trên Thế Giới”. Ông giảng dạy tại các trường đại học ở Colorado (thành phố Boulder), Denver, Washington (St. Louis) và là GS của đại học MIT, sau cùng ông giảng dạy tại đại học Syracuse. “Huston Smith”.Wikipedia. Truy cập 16/01/2010. ( http://en.wikipedia.org/wiki/Huston_Smith ) .
4.Acid deoxyribonucleic (viết tắt ADN hay DNA) là một phân tử acid nucleic mang thông tin di truyền mã hóa cho hoạt động sinh trưởng và phát triển của các dạng sống bao gồm cả virus. ADN thường được coi là vật liệu di truyền ở cấp độ phân tử tham gia quyết định các tính trạng. Trong quá trình sinh sản, phân tử ADN được nhân đôi và truyền cho thế hệ sau. “DNA”. Wikipedia. Truy cập 2009. (http://en.wikipedia.org/wiki/DNA) .
5.Robert Burr “Bob” Livingston (1918 – 2002, Nobel Hoà Bình 1985) là GS vật lý, thần kinh học và nhà hoạt động xã hội Mỹ. Ông được xem là người trợ giúp về khoa học cho đức Dalai Lama. “Robert_Livingston_(scientist)”. Wikipedia. Truy cập 2009 ăhttp://en.wikipedia.org/wiki/Robert_Livingston_(scientist)) .
6.Trong nhiều ngành của khoa học thì entropy được dùng để đo mức vô trật tự của một hệ thống. Entopy âm (còn viết là negentropy hay syntropy) được hiểu trong hệ thống sống, là những entropy được tống xuất ra để giữ cho entropy của toàn hệ thống ở mức thấp. “Negentropy”. Wikipedia. Truy cập 2009 (http://en.wikipedia.org/wiki/Negentropy) .
7.Đây chỉ là các con số mà các nhà khoa học đo đạc đương thời, ở đây người đọc cần nắm ý tưởng là chính các con số có thể sai biệt ít nhiều do tiêu chuẩn và cách định danh. Đã có những con số khác nhau được so sánh tùy theo cách phân định (Xem thêm http://seattlepi.nwsource.com/local/238852_chimp01.html ). Chẳng hạn GS sinh học David A. DeWitt tại Đại Học Liberty Bang Virginia Hoa kỳ cho rằng sự khác biệt gen lên đến 10%. Xem thêm http://www.answersingenesis.org/tj/v17/i1/DNA.asp.
8.Dẫn truyền xung thần kinh: là sự khuếch tán vật chất thông qua các đầu tiếp nối của các tê bào thần kinh (synapse) và do đó truyền các xung động đi giữa các tế bào thần kinh. Các chất dẫn truyền xung thần kinh được tìm thấy hiện nay có đến gần 50 loại. Thụ quan thần kinh: vị trí bề mặt hay bên trong của một tế bào thần kinh mà qua đó các chất dẫn truyền xung thần kinh, các hóc-môn (hormone) hay các chất hoá dược đặc biệt có thể kết nối, việc này sẽ làm kích thích hay ngăn trở chức năng của thần kinh.
9.Súp nguyên sinh hữu cơ còn có tên Anh ngữ khác là “Primordial Soup”, đây là một loại giả thuyết được khởi xướng bởi Aleksandr Ivanovich Oparin (1894-1980), một nhà sinh học Nga, cho rằng ban đầu đã có các dung dịch của các chất liệu hữu cơ mà phản ứng của chúng được điều tiết bởi các tính chất của các nguyên tử thành phần cũng như là bởi sự sắp xếp các nguyên tử trong cấu trúc phân tử. Dần dà, do sự tăng trưởng về độ phức tạp của các phân tử, các tính chất mới được hình thành các trật tự phức chất (chất keo) mà không thể có đưọc từ các liên kết hoá hữu cơ đơn giản hơn. Từ đó, các loại “súp” (giọt cô-a-xéc-va, Oparin coacervate) nào có tốc độ tăng trưởng nhanh và có khả năng cạnh tranh sẽ dễ tiếp tục phát triển hơn dưới ảnh hưởng của chọn lọc tự nhiên. Sau này, đã có thêm các lý thuyết mới và sâu sắc hơn hơn đi kèm với các thử nghiệm nhưng nói chung có cùng ý tưởng về súp nguyên sinh như là thí nghiệm của Jeffrey Bada tại Viện Hải Dương học Scripps tại California Hoa kỳ. “Primordial Soup’s On: Scientists Repeat Evolution’s Most Famous Experiment”. Tạp chí Scientific Amercan. Douglas Fox. Truy cập 2009. (http://www.sciam.com/article.cfm?id=primordial-soup-urey-miller-evolution-experiment-repeated) Hay nghiên cứu của Dr. Stanley Miller phát hiện khả năng hình thành amino acid, một chất hữu cơ là thành phần tối quan trọng cho sự sống, từ một dòng điện đánh xuyên qua một lớp methan (“Primodial Soup”. Access Excellence @ The National Health Museum. Sean Henahan. Truy cập 2009 (http://www.accessexcellence.org/WN/SUA02/primordial_soup.php) ).
10.Giả thuyết này cho rằng nguồn gốc sự sống có cơ sở trên đất sét (nguồn giàu khoáng chất) được cổ suý bởi GS hoá hữu cơ và sinh học phân tử Graham Cairns-Smith tại đại học Glasgow, Scotland sau đó đưọc nhiều nhà khoa học khác ủng hộ. Thuyết đất sét cho rằng các phân tử hữu cơ phức hợp tăng trưởng từ từ trên một nền có khả năng tự sao chép vô cơ — là các tinh thể silic trong dung dịch. Độ phức hợp trong các phân tử đi cùng đã phát triển như là một chức năng áp lực chọn lọc lên các loại tinh thể đất sét. Sau đó, chức năng chuyển đổi thành sự tự sao chép của các phân tử hữu cơ một cách độc lập. “Origin of Life”. Wikipedia. Truy cập 2009. (http://en.wikipedia.org/wiki/Origin_of_life ) .
11.Steven Chu (1948 -, Nobel vật lý 1997) nhà vật lý nổi tiếng trong nghiên cứu làm lạnh và bẫy các nguyên tử bởi ánh sáng laser. Ông từng là GS vật lý và sinh học đại học Berkeley, California Hoa kỳ và từng là chủ nhiệm phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley, Hoa Kỳ. Ông hiện là bộ trưởng năng lượng Hoa Kỳ cho thời tổng thống Barak Obama. Trước khi giữ chức bộ trưởng ông chú tâm vào nghiên cứu về các hệ sinh học ở mức đơn phân tử. “Stephen Chu”. Wikipedia. Truy cập 2009. (http://en.wikipedia.org/wiki/Stephen_Chu) .
12.James Dewey Watson (1928 –) là nhà sinh học phân tử nổi tiếng cùng Francis Crick nhờ phát hiện cấu trúc AND vào năm 1953. Do phát hiện này, ông cùng với Francis Crick, và Maurice Wilkins đã nhận giải Nobel Y học vào năm 1962. Ông đã từng giữ chức viện trưởng phòng thí nghiệm Cold Spring Harbor Laboratory tại Long Island thuộc đại học Harvard, sau đó trở thành hiệu trưởng trong vòng 10 năm. Năm 2007 ông đã phải từ chức bởi vì câu trả lời trong một cuộc phỏng vấn của một người bạn tin cậy liên quan đến chủng tộc và sự thông minh. Từ 1988 – 1992 ông giúp National Institutes of Health thiết lập Đề Án Gen Người. “James D. Watson”. Wikipedia. Truy cập 16/01/2010. ( http://en.wikipedia.org/wiki/James_D._Watson ) . Francis Harry Compton Crick OM FRS (1916 – 2004), là nhà sinh học phân tử người Anh, như đã nêu cùng với Watson có công phát hiện cấu trúc Phân tử AND và đoạt giải Nobel Y học 1962. Ngoài ra, ông còn đươc biết đến nhiều do việc sử dụng thuật ngữ “học thuyết trung tâm” để tổng kết các ý kiến cho rằng thông tin di truyền vận chuyển trong các tế bào theo một chiều từ AND đến ARN rồi đến protein. Ông đóng vai trò quan trọng trong lý thuyết sinh học phân tử liên quan đến việc phát hiện mã di truyền. Ông từng là GS nghiên cứu tại Học Viện Nghiên Cứu Sinh Học tại La Jolla, California. “Francis Crick”. Wikipedia. Truy cập 16/01/2010. (http://en.wikipedia.org/wiki/Francis_Crick) .
13.Larry King Live là một chương trình nói chuyện (talk show) truyền hình của Larry King trên kênh thông tấn CNN. Chường trình này ra đời từ 1985 là là chương trình đươc nhiền người xem nhất (hơn một triệu khán giả) trên kênh CNN. “Lary King Life”. Wikipedia. Truy cập 16/01/2010. (http://en.wikipedia.org/wiki/Lary_King_Live) .
14.Eric Steven Lander (1957 – ) Giáo sư sinh học tại đại học MIT là thành viên của viện Whitehead và Broad của MIT và của Harvard. Ông nghiên cứu về ứng dụng y học của gen. Ông hiện là phụ tá bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Hoa kỳ. “Eric Lander”. Wikipedia. Truy cập 2010. (http://en.wikipedia.org/wiki/Eric_Lander) .
15.Thuật ngữ “Kangyur” (bka’ ’gyur) nghĩa là “Những Dịch Thuật của Lời Phật Thuyết”. Những bản dịch này rất được kính trọng và sùng bái trong nhiều thế kỉ tại Tây Tạng, nó được xem là tài liệu quyền năng duy nhất chứa tư tưởng Phật giáo bởi những luận sư xuyên suốt Á châu như Ấn Độ, Trung Hoa, Trung Á và các vùng khác được viết ra từ thế kỉ thứ 2 trước Công nguyên cho đến thế kỉ thứ 17. “Kangyur”. Wikipedia. Truy cập 2009. (http://en.wikipedia.org/wiki/Kangyur) Và xem thêm. Search for “Kangyur”. The Tibetan & Hymalayan Library. (http://www.thlib.org/) .
16.Luigi Luisi là GS sinh học đại học ETH-Zürich (Eidgenössische Technische Hochschule Zürich — nghĩa là Học viện liên bang Thụy Sĩ về công nghệ Zürich) từ năm 1982 và chủ nhiệm khoa hóa tại đó. Lãnh vực nghiên cứu chính của ông là hóa đại phân tử (macromolecular chemistry) và sinh học. Ông nghiên cứu chủ yếu đến các đề tài về quan hệ giữa các đại phân tử và sinh học. “Professor Pier Luigi Luisi”. Lifeboat Foundation Safeguarding Humanity. Truy cập 15/01/2010 (http://lifeboat.com/ex/bios.pier.luigi.luisi) .
17.Đức Dalai Lama ám chỉ các tông phái Duy thức.
18.Biệt nghiệp tức là nghiệp chỉ có riêng với một cá nhân; còn cộng nghiệp tức là nghiệp có khả năng tương ứng với nhiều người.
19.Thực sự, ban đầu Darwin có đưa thêm một giả thuyết cũng dẫn dắt cho sự tiến hóa và đặc biệt chỉ có trong gíới hữu tình đó là chọn lọc tính dục. Theo tác giả Matt Ridley đăng trên báo National Geographic số tháng 2 năm 2009, dựa trên các kết quả quan sát ông đã cho rằng những sinh thể giống này sẽ lựa chọn đối tượng nào “bắt mắt” nhất để giao phối và sinh sản. Giả thuyết này thời gian đầu không được các nhà theo chủ thuyết Darwin ủng hộ nhưng gần đây sau khi có các nghiên cứu quan sát thì ý kiến đó lại được đa số các nhà sinh học hiện đại chấp nhận. Tờ báo đưa ra nhiều viện dẫn cụ thể và các giải thích khác nhau cho việc này. Như vậy, nếu quá trình lựa chọn như trên là đúng thì rõ ràng đây là một bằng chứng cho thấy vai trò của ý thức trong quá trình chọn lọc. Nên, “sự tình cờ” do đột biến không phải là nguyên nhân duy nhất cho việc tiến hoá của loài hữu tình. Qua đây, các nhà khoa học hiện đại đã gián tiếp công nhận các quá trình tâm lý [hay ý thức] có tác động vào sự tiến hoá của giới hữu tình. “Modern Darwins”. National Geographics. Số tháng 2. Phần 2. Trang 65-70. Ridley, Matt. 2009.
20.Bí Mật Tập Hội (skt: Guhyasamāja hay Tathāgataguhyaka, tib.:gSang ba ‘dus pa’i rgyud) có nghĩa là luận thuyết tổng thể của các bí mật hay là bí mật của các Như Lai là Mật điển (bí truyền) cổ nhất và là thực hành quan trọng cho nhiều trường phái Tây Tạng. Nó là một trong 18 Mật điển chính của phái Nyingma, là trọng tâm thực hành ban đầu của phái Sakya và có ảnh hưởng đặc biệt lên phái Gelug.
21.prāṇa (प्राण) theo gốc tiếng Phạn với nghĩa thông thường được hiểu là “thở”, đó là một trong năm cơ quan cơ quan sinh tồn thở (prana), nói (vac), thấy (caksus), nghe (shrotra) và ý tưởng (manas) theo các tư tưởng Vệ-đà. “Prana”. Wikipedia. Truy cập 2009. (http://en.wikipedia.org/wiki/Prana) . Tuy nhiên, Trong Mật Tông nó có các nghĩa đặc trưng tùy theo cấp độ của giáo lý. Guhyasamāja của Du-già tối thượng thì Prana được giải thích như là khí lực (wind) và ayama (Sankrit: āyāma) như là việc kéo dài [của khí lực], trong đó, nó được định nghĩa là một khí lực kéo dài sự sống. Trong Kalachakra (cùng thuộc lớp Du-già tối thượng) thì prana được giải thích như là khí lực và ayama là việc ngưng vận động của các nguồn khí lực ở các kinh [mạch] bên trái và bên phải cũng như là việc tạo nguyên nhân cho chúng nhập vào kinh mạch trung ương. Trong Mật Điển Hành Động (Action Tantra) prana được giải thích như là khí lực và ayama như là các niệm ý, và được kết lại như là việc ngưng truyền ra ngoài của khí lực và niệm ý và việc liên kết chúng vào bên trong. “From the Yoga of Tibet — the Great Exposition of Secret Mantra”. Chú giải 105. Trang 261. Tsongkhapa. Allen & Unwin. 1981. ISBN 8120803744.
22.Chữ nguyên bản là “energy” cũng có thể dịch là năng lượng. Tuy nhiên, ở đây có thể khái niệm này không hoàn toàn trùng hợp với khái niệm năng lượng mà chúng ta thường hiểu trong khoa vật lý nên để phân biệt khái niệm này trong Phật học, chúng tôi tạm dịch là “năng lực”.
23.Taktsang Lotsawa Sherab Rinchen (1945-??) là một đại sư lớn của Phái Sakya (Tát-ca) người đã soạn thảo nhiều giáo pháp quan trọng bao gồm các nhận định về nhiều hệ thống tôn chỉ triết học khác nhau. Tên của ngài khi còn nhỏ là Könchok Kyap, sau khi nhận lễ xuất gia thì ngài mới được đặt tên Sherab Rinchen. Ngài được truyền thụ tất cả các giáo pháp Sakya bởi nhiều đại sư bao gồm cả giáo pháp Lamrim (giáo pháp để đạt giác ngộ theo trình tự), giáo pháp Thời Luân và nhiều giáo pháp khác. Ngoài việc tu tập ngài còn là một dịch giả. “Taktsang Lotsawa Sherab Rinchen”. Rigpa Shedra. Truy cập 15/01/2010 (http://www.rigpawiki.org/index.php?title=Taktsang_Lotsawa_Sherab_Rinchen)
24.Ta có thêm thể xem xét điều này với nguyên lý “vị nhân” đã nhắc đến trong chú thích trước. Nguyên lý này khiến có thể so sánh với chiều hướng nhìn nhận sự việc của Thời Luân. Nguyên lý Vị nhân cho rằng các thông số của vũ trụ phải phù hợp để cho phép vũ trụ và sự sống được sinh ra bởi nó tồn tại. (“Design and the Anthropic Principle”. Reason to Beleive. 2008. Ross, Huge. Cập nhật 12/02./09. (http://www.reasons.org/resources/apologetics/design.shtml) ).
25.Anne Harrington là nữ giáo sư, trưởng khoa của khoa lịch sử của khoa học tại đại học Harvard từ 1985. “Anne Harrington”. Harvard University (WEB). Truy cập 15/01/2010. (http://www.fas.harvard.edu/~hsdept/bios/harrington.html) .
26.Chủ thuyết ưu sinh là một lý tưởng đạo đức, chính trị, khoa học và phong trào đạt đỉnh cao trong nửa đầu thế kỉ 20 và đã bị bài bác rộng rãi sau thế chiến thứ 2. Phong trào này đề cao các quan điểm giả khoa học về tính thuần chủng và chủng tộc tối cao. Trong đó, có chủ trương sử dụng “chọn lọc nhân tạo” thay vì “chọn lọc tự nhiên”, tức là con người có thể chủ động chọn lọc chính mình để kéo nhanh sự tiến hóa và người ủng hộ ý tưởng này mạnh mẽ nhất chính là Adolf Hitler (1889-1945), nhân vật chủ chốt gây ra thế chiến thứ 2. “Eugenics”. Wikipedia. Cập nhật 17/02/2009. (http://en.wikipedia.org/wiki/Eugenics) .
Trích: (Chương 5: Tiến Hóa, Nghiệp, và Thế Giới Hữu Tình -“Vũ Trụ Trong Một Nguyên Tử”)