Tán Bối Trong Lễ Nhạc Phật Giáo Bắc Truyền

Tán Bối Trong Lễ Nhạc Phật Giáo Bắc Truyền

Thích Tâm Mãn

Tán tụng là một bộ môn nghệ thuật âm nhạc quan trọng trong hệ thống văn hóa nghệ thuật của Phật Giáo Bắc Truyền. Từ khi Phật Giáo được truyền từ Ấn Độ vào các nước phương Đông, âm nhạc Phật Giáo là một phương tiện truyền giáo hết sức hữu hiệu mà các nhà truyền giáo đại sư sử dụng để đưa giáo lý của Phật đà cũng như tín ngưỡng Phật Giáo vào lòng văn hóa nghệ thuật tín ngưỡng các dân tộc phương Đông mà đầu tiên là dân tộc Việt Nam và Trung Quốc.

Nguyên nhân chính của phương tiện này là ở chỗ, ngôn ngữ giao tiếp của các nhà truyền giáo bấy giờ có hạn, văn hóa không tương đồng, tín ngưỡng mới lạ, duy chỉ có âm nhạc dễ đi vào lòng người, âm nhạc của Phật Giáo là thể loại âm nhạc làm cho người nghe phải lắng lòng thanh tịnh có công năng hóa giải phiền muộn, hơn thế nữa dễ làm cho người ta dễ sanh tín tâm cho nên buổi ban đầu khi đem Đạo Phật đến Đông phương các nhà truyền giáo Ấn Độ thường vận dụng phương pháp truyền giáo này.

Âm nhạc Phật Giáo Ấn Độ đến với phương Đông bằng con đường tơ lụa theo gót chân của các nhà truyền giáo cao Tăng. Để cho người phương Đông chấp nhận và thưởng thức được thể loại âm nhạc của Phật Giáo, các bậc đại sư Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam đã dựa trên nền âm nhạc truyền thống của Phật Giáo Ấn Độ cải biên chỉnh sửa để phù hợp với tập tục văn hóa và âm nhạc dân gian của từng địa phương.

Chính trong quá trình chỉnh sửa và cải biên âm nhạc Phật Giáo để truyền giáo đã trở thành sự phát triển của âm nhạc Phật Giáo, tạo thành một dòng âm nhạc mới với hai đặc trưng vừa là âm nhạc mang đậm màu sắc của tôn giáo tín ngưỡng, lại cụ bị tính âm nhạc dân gian, mang phong thái văn hóa nghệ thuật dân tộc từng vùng miền. Chính vì vậy sau này âm nhạc Phật Giáo của từng nước đều trở thành một bộ phận âm nhạc trong nền âm nhạc nghệ thuật của các nước phương Đông có Phật Giáo lưu truyền.

Giới luật của Phật Giáo cấm không cho người tu hành hát xướng “Bất ca vũ xướng…” đây là cấm giới mà bất cứ ai là đệ tử của Đức Phật đều phải tuân thủ, nhưng trên thực tế để tán thán ngợi khen công đức cũng như phẩm hạnh của Chư Phật và Bồ Tát và tuyên dương diệu nghĩa của giáo pháp Phật Đà được thông qua các nghi thức lễ nghi Phật Giáo như: lễ Phật, tán tụng kinh điển, đàn tràng, pháp hội .v.v…

Trong các nghi thức ấy không thể thiếu vắng hình bóng của âm nhạc vì âm nhạc làm cho khóa tụng trang nghiêm hơn, người tham gia pháp hội dễ nhiếp tâm hơn và âm điệu của âm nhạc như dẫn dắt ta đến cảnh giới vô vi an lạc trong trạng thái nhẹ nhàng quên mất nỗi buồn lo. Cho nên trong các nghi thức của Phật Giáo không thể không có âm nhạc và những công năng tác dụng của nó.

Trong những bộ kinh quan trọng của Phật Giáo Đại Thừa như: Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Pháp Hoa, Kinh Bát Nhã, Kinh Duy Ma, Kinh A Di Đà.v.v…đều có đề cập đến âm nhạc trong các đoạn kinh như tán thán Đức Phật cùng chư Bồ Tát hoặc là ngợi khen giáo nghĩa của Phật Đà. Đây là cội nguồn đản sinh của âm nhạc Phật Giáo là cảm hứng sáng tác của các bậc đại sư trong nghệ thuật âm nhạc Phật Giáo. Trong các thể loại âm nhạc của Phật Giáo, Phạm Bối hay còn gọi là Tán Bối là thể loại âm nhạc mang nét đặc trưng và tiêu biểu nhất của âm nhạc Phật Giáo.

Tán Bối hay còn gọi là Phạm Bối hoặc là Tác Phạm hay là Phạm, đây là giọng điệu âm nhạc mang nét đặc trưng của âm nhạc Phật Giáo. Tán Bối có nguồn gốc từ âm nhạc Ấn Độ, nhưng lại không giống các âm điệu cũng như nhạc khúc truyền thống của dân tộc Ấn. Lại có truyền thuyết cho rằng thể loại âm nhạc Phạm Bối của Phật Giáo có nguồn gốc từ âm nhạc của trời Phạm Thiên. Âm nhạc Phật Giáo Ấn Độ phát triển vào thời kỳ trước và sau kỷ nguyên thứ nhất và được truyền vào Việt Nam và Trung Quốc cũng khoảng thời kỳ này. Ở Trung Quốc và Việt Nam âm nhạc tán tụng được gọi là Phạm Bối.

“Phạm” là tiếng của người Thiên Trúc còn gọi là tiếng Phạn, có nghĩa là “Thanh Tịnh”, “Tịch Tịnh”, “Ly Dục”.

“Bối”có nghĩa là “Chỉ đoạn”, “Chỉ tức”, “Tán Thán” còn có nghĩa lấy nhạc khúc lại vịnh Kinh, dùng âm nhạc để tụng kinh. Trong “Lương Cao Tăng Truyện” Ngài Huệ Hạo nói rằng: “Khi tán có thổi tiêu hòa điệu cho nên gọi là Bối”.

Tán Bối tại Ấn Độ được dùng tán thán ca vịnh các bài kệ tụng và Kinh trường hàng. Phật Giáo Đông truyền chư vị Tổ sư truyền giáo dựa trên các thể loại văn học của người Trung Quốc dịch Kinh, các bài kệ tụng được dịch theo thể thơ của văn học Trung Quốc, còn Kinh Trường Hàng lại dịch theo lối tản văn. Sự biến đổi thể văn cũng như ngôn ngữ làm trở ngại việc tác Phạm hành trì thời khóa, âm điệu Tán Bối của Phật Giáo Ấn Độ không còn cách nào để vịnh xướng tán tụng được nữa, vì tiếng Phạm đa âm còn tiếng Trung Quốc lại là đơn âm, nên khi dùng Phạm âm lại vịnh theo tiếng Hán thì thanh âm nhiều nhưng câu cú lại ngắn, nếu dùng khúc hát của Trung Quốc lại vịnh Phạm văn thì văn ngắn màn âm từ thì thật là dài không thể thực hiện được, vì vậy một vấn đề mới được đặt ra cho các nhà truyền giáo đại sư làm thế nào để có một thể loại Phạm nhạc mới phù hợp với văn thể và âm nhạc của người Đông Phương, để phục vụ cho việc hoằng truyền Thánh Giáo.

Người sáng lập ra nền âm nhạc Phạm Bối của Phật Giáo Trung Quốc là Tào Thực đời Nhà Ngụy với tác phẩm “Ngư Sơn Phạm Bái” gồm sáu chương, sau đó có Ngài Chi Khiêm tác Phạm Bối theo lối cổ nhạc Trung Quốc có ba chương.v.v… Việt Nam có Phạm Bối là do Tổ Khương Tăng Hội viết “Nê Hoàn Bối” có lẽ tính chất âm nhạc Phạm Bối của Phật Giáo Việt Nam gần Phạm Bối Ấn Độ hơn Trung Quốc, vì Ngài Khương Tăng Hội gốc người Thiên Trúc, đồng thời ngôn ngữ của người Việt thuộc âm hệ đa âm cho nên có thể nói rằng Phạm Bối của Phật Giáo Việt Nam có song song với Phạm Bối Phật Giáo Trung Quốc và âm nhạc tác Phạm của Việt Nam hoàn toàn độc lập, giọng điệu tán tụng của Phật Giáo Việt Nam hoàn toàn khác biệt với âm nhạc Phật Giáo Trung Quốc trước thời kỳ bị đô hộ và chính sách đồng hóa văn hóa của người Trung Quốc.

Thông thường Tán Bối được dùng trong ba trường hợp thực hành nghi lễ của Phật Giáo gọi là “ Pháp Tập Tam Tòa” do Ngài Đạo An chế tác.

1 – Nghi thức giảng Kinh.

2 – Sáu thời khóa tụng.

3 – Đàn tràng, Pháp hội, đám sám.

Khoa nghi “Pháp Tập Tam Tòa” được Ngài Đạo An sáng lập để cho Tăng đoàn Phật Giáo Trung Quốc hành trì có cách đây khoảng hơn 1500 năm vào thời Đông Tấn và có ảnh hưởng rất lớn trong sinh hoạt nghi lễ của Phật Giáo Bắc Truyền.

1 – Nghi thức Giảng Kinh gồm có: Kinh hành thỉnh sư, ngồi thiền tĩnh tọa, đăng tòa thuyết Pháp.

2 – Nghi thức của Sáu thời khóa tụng gồm có: Bốn thời công phu hành trì và hai thời Quá đường trưa sáng.

3 – Nghi thức Sám Hối, Bố Tát, và các khoa nghi của Đàn tràng Sám Pháp, Pháp hội.

Trong khi hành nghi của các nghi thức trên đều có dùng đến Phạm Bối, âm nhạc của tác Phạm có công năng ổn định Đạo tràng và tạo thành không khí trang nghiêm cho Pháp hội.

Phạm Bối có mặt hầu hết trong các lễ nghi và nghi thức của Phật Giáo, từ Đại lễ Pháp hội cho đến các thời khóa tu học thường nhật trong chùa cũng như lễ cầu an, cầu siêu, ma chay cho cư sĩ tại gia. Tán tụng của Phật Giáo phổ cập rộng rãi trong xã hội từ Hoàng Cung cho đến dân gian, lâu ngày hòa nhập với trong âm nhạc của cung đình và dân gian tạo thành một lối Phạm Bối đầy đủ tính chất và sắc thái của âm nhạc dân tộc, địa phương, vùng miền, như tán tụng của Miền Bắc, Miền Trung Huế, Bình Định, Miền Nam.v.v…

Điều đặc biệt là hầu hết các giọng điệu âm nhạc của thế gian từ cung đình đến dân gian đều chỉ được áp dụng vào các điệu xướng, tụng, vịnh, bạch và các giọng thỉnh, riêng các giọng điệu của Phạm Bối vẫn được giữ nguyên chất giọng âm nhạc Phật Giáo không thể lẫn lộn với bất cứ thể loại âm nhạc nào của thế gian, có hay không chỉ là được tán bằng chất giọng của địa phương như tán Huế, tán Bình Định.v.v…

Do tính phổ cập của Phạm Bối cho nên khi truyền đến địa phương hay vùng miền nào đều dùng chất giọng của địa phương đó để diễn xướng, lâu ngày nên có chỗ sai khác về giọng điệu cũng như tấu diễn nhưng tính chất đặc trưng của Phạm Bối là thanh tịnh tịch tĩnh thì không hề thay đổi dù là Nam hay Bắc, âm của miền nào hay tán bằng thể loại nào thì không có cách gì làm mất đi tính trang nghiêm thanh tịnh của đạo tràng và hướng tâm thành kính của tín đồ Phật Giáo đến với Tam Bảo.

Các bậc Cổ Đức Phật Giáo đều cho rằng người mới sơ cơ nhập đạo hay là đã tu hành thâm niên trong Phật Giáo, đều phải học tập tán tụng và hành trì Phạm Bối, vì hành trì và học tập Phạm Bối đối với người tu hành có rất nhiều lợi ích trong việc “Tu tâm dưỡng tánh”.

1 – Tán tụng làm cho ta thấy được công đức to lớn của Chư Phật, Bồ Tát dể làm cho ta sanh tâm kính ngưỡng tán thán và học tập, qua đó chúng ta học được pháp tùy hỷ ngợi khen và tán thán người khác.

2 – Tán tụng làm cho chúng ta luôn sống trong lời hay ý đẹp, âm nhạc hiền hòa, nuôi dưỡng thân và tâm của ta trong chất liệu văn hóa nhân văn, vì tất cả nội dung của các bài tán từ ý nghĩa cho đến văn chương, âm nhạc đều đã đạt đến cảnh giới cao nhất.

3 – Trong khi tán tụng ba nghiêp thân khẩu ý của chúng ta hoàn toàn thanh tịnh không tạo nghiệp ác, hành động, nói năng và suy nghĩ đều hòa nhập vào thể tánh tịch tĩnh của Chư Phật trong đạo tràng.

4 – Khi tán tụng nếu như chúng ta hòa âm nhiếp niệm, nhập tâm vào điệu tán, lắng nghe được âm nhạc, phát âm chuẩn mực làm cho tâm trụ nhất xứ, tam nghiệp tương ưng thọ đại an lạc.

5 – Nếu như trong pháp hội tín chúng đông đảo chưa thật nhiếp niệm, chỉ cần chúng ta nhất tâm cử tán thì đặc tính thanh tịnh của Phạm Bối và âm thanh tịch tỉnh của Phạm Thiên, lập tức có công năng tỉnh thức mọi người và đưa họ về trở lại với thực tại trong tính trang nghiêm thanh tịnh vốn có của một đạo tràng.

6 – Tán tụng có công năng điều phục thân thể, vì trong khi hòa nhập vào điệu tán thân và tâm của ta an trụ một chổ, hơi thở điều hòa, âm điệu trầm bổng, tinh thần thư thái, không còn tạp niệm, trong phúc giây ấy thân và tâm ta lắng nghe lẫn nhau, âm nhạc và giọng điệu của Phạm Bối có công năng trị liệu, hóa giải hết thảy khổ đau của thân và tâm, làm cho thân và tâm quay lại trang thái ban đầu “Thân không tật bệnh tâm không phiền não” khoảnh khắc thời gian của tán tụng là thời gian an tịnh và thảnh thơi.

7 – Trong thời gian tán tụng thời khóa tam nghiệp của chúng ta hoàn toàn thanh tịnh, từ cảnh giới thanh tịnh của hiện tại chúng hòa nhập tương ưng vào cảnh giới của Chư Phật, Bồ Tát để thể nhập trí tánh thanh tịnh. Vào cảnh địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh, đem phương tiện độ sanh và lòng từ vô hạn của Phật và Bồ Tát để phổ độ mê tình.

Nội dung chủ yếu của Phạm Bối gồm có hai phần.

1 – Ứng phú đạo tràng tán Bối gồm Thủy Lục Pháp Hội nội ngoại đàn chư khoa, Du Già Diệm Khẩu Thí Thực Khoa Nghi.

2 – Thời khóa Phạm Bối chúc tán chư khoa nghi: như Khai Kinh , diễn tịnh, cúng ngọ, bố tát, chúc thánh, thù ân, sám hối và hai thời công phu sáng tối.v.v…

Âm điệu Phạm Bối có tính chất chuyên môn chỉ có trong hai khoa Thủy Lục Pháp Hội và Chẩn Tế Du Già, còn trong các nghi thức thường dùng chỉ có những điệu tán phổ thông như: tán tứ cú tán lục cú và bát cú.

1 – Tán tứ cú gồm những bài tán Phật và Bồ Tát như: “Thiên Thượng Thiên Hạ, Quy Mạng Thập Phương, Khể Thủ Tây Phương, Quan Âm Bồ Tát.v.v…

2 – Tán lục cú gồm những bài như: Dương Chi Tịnh Thủy, Lư Hương Xạ Nhiệt, ngoài ra còn có những bài tán của các ngày lễ vía của Chư Phật, Bồ Tát, Tổ sư.v.v…

3 – Tán Bát cú còn gọi là đại tán gồm những bài: Tán Tam Bảo, Tán Khể Thủ, ngoài ra cò có tán Lục Cúng Dường và tán Thập Cúng.v.v…

Trong các nghi thức của Phật Giáo có sử dụng tán tụng được chia  thành ba phần gồm sơ Bối, trung Bối và hậu Bối. Ví dụ trong  thời cúng ngọ, Sơ Bối gồm các bài tán hương như: Lư hương xạ nhiệt, Chiên đàn hải ngạn.v.v… Trung Bối gồm các bài tán Phật như: tán Khể thủ, tán Quy Mạng, tán Thiên Thượng.v.v… Hậu Bối gồm các bài tán Hồi Hướng và Tam Tự Quy.

Phạm Bối là một thể loại âm nhạc tôn giáo có tính đặc trưng riêng biệt của âm nhạc Phật Giáo mà không thể lẫn lộn đối với bất cứ một thể loại âm nhạc của tôn giáo nào, cũng như âm nhạc của thế gian. Trong khi tất cả các thể loại âm nhạc trên thế gian tập trung giải bày những buồn vui, khổ đau phiền não, thất tình lục dục của nhân thế. Âm nhạc Phật Giáo nói chung và Phạm Bối nói riêng tìm đến chân như để giải thoát khổ đau cho nhân loại.

Khi âm nhạc của thế gian bận rộn với đời thường và tìm cách thỏa mãn nhu cầu giải trí cho quần chúng thì âm nhạc Phật Giáo luôn nhắc nhở mọi người hảy cẩn thận với sự tham dục của chính mình vì đây là nguyên nhân dẫn chúng ta đến bờ vực khổ đau.

Hãy quay lại với chính mình, nhìn nhận lại mình và an lạc với từng phút giây mình có, thả hồn trong tịch tĩnh, dấn thân vào thanh tịnh, cất tiếng đại từ bi, trí huệ, diệt trừ mọi phiền não khổ đau, đây là thông điệp của âm nhạc Phật Giáo nói chung và là âm thanh vi diệu từ cõi Phạm Thiên vang xuống cõi trần, trong giọng điệu thanh tịnh oai hùng, vắng lặng của những bài Tán Bối.

Phật Giáo đông truyền đến nay đã hơn 2000 năm lịch sử, sự có mặt của Phạm Bối trong âm nhạc Phật Giáo cũng chừng ấy năm trời. Phạm Bối là Pháp môn tu học cần thiết của Tăng sĩ Bắc Truyền và là phương tiện hoằng giáo độ sanh hữu hiệu nhất của Phật Giáo Đông Độ.