Tấm gương đạo hạnh của bậc Trưởng lão Ni, qua tinh thần Bát Kỉnh Pháp
Hình ảnh đó đã lan rộng qua các nước châu Á, trải dài trong suốt mấy nghìn năm lịch sử của đông phương. Ni giới ngày nay đảnh lễ ngài Kiều Đàm Di Mẫu, như đảnh lễ một bậc ân sư đã dày công khai sáng ra giáo đoàn Ni bộ. Ngài như người mẹ tinh thần sống mãi trong sự nghiệp giải thoát. Ngài đã tôn vinh giá trị phẩm hạnh trong hàng nữ lưu, đồng thời thể hiện ý chí không hề thua kém những bậc đại trượng phu ly gia thoát tục. Ngày nay hàng Ni giới có thể kế thừa sự nghiệp trí tuệ và đang tỏa sáng như những vì sao giữa màn đêm u tối, đó cũng chính là nhờ vào công lao của đức Kiều Đàm Di Mẫu. Ngài đã đại diện cho chư ni chấp nhận lời yêu cầu của đức Phật, thọ lãnh Bát Kỉnh Pháp, như một lời tuyên thệ trước khi trở thành Sơ Tổ của Ni đoàn. Lời tuyên thệ này mang dấu ấn tâm linh, soi sáng dẫn đường đến Phật quả.
Trước khi chấp nhận cho Di mẫu Ma-ha-ba-xà-ba-đề và hàng công nương thể nữ xuất gia, đức Phật đã nêu ra năm điều mà người nữ không thể đạt được
1. Không được làm trời Phạm Thiên
2. Không được làm trời Đế Thích
3. Không được làm ma vương
4. Không được làm Chuyển Luân Thánh Vương
5. Không được làm Phật
Cuối cùng do lời thỉnh cầu của ngài A-nan và tấm lòng vị đạo vong xu của họ, đức phật đã chấp nhận nữ giới là một thành viên trong giáo đoàn, nhưng phải tuân thủ Bát Kỉnh Pháp. Thế là Bát Kỉnh Pháp như dòng chảy vượt qua năm điều giới hạn của nữ lưu, để rồi xuôi dòng về biển tâm, khai sinh ra những bậc Trưởng lão ni xuất cách như: Tỳ-kheo-ni Đại Ái Đạo (Quý phi Ma-ha-ba-xà-ba-đề) -Trí tuệ đệ nhất; Tỳ kheo ni Thức Ma – Thần thông đệ nhất; Ưu Lâu Bát Hoa Sắc – Đầu đà đệ nhất; Cơ Lợi Xá Kiều Đàm Di – Thiên nhãn đệ nhất; Ban Đầu Lan Xà Na – Trì luật đệ nhất v.v… Như thế Bát Kỉnh Pháp không thể bất công và không có ý trọng nam khinh nữ, mà đó là nhịp cầu kết nối từ tâm linh đến đạo quả. Nếu bỏ qua Bát Kỉnh Pháp thì chư ni sẽ không thể vượt qua được năm giới hạn mà đức Phật đã nêu trên. Đồng thời chúng ta vô tình phủ nhận toàn bộ hệ thống ni đoàn đã tồn tại suốt bao thế kỷ qua. Bởi vì giáo đoàn ni được thành lập là dựa trên nền tảng của Bát Kỉnh Pháp.
Trong lãnh vực khác, Bát Kỉnh Pháp chẳng những không làm suy giảm tư cách hay tài năng của chư ni, mà còn tôn vinh đức hạnh của các Trưởng lão ni đã dày công tu tập. Chúng ta thử khách quan nhìn chư ni chắp tay cung kính chư tăng, hình ảnh đó giống như một bức tranh trác tuyệt, lưu lại cho người đời một ấn tượng khó quên – ấn tượng về đức hạnh khiêm cung. Hành động cung kính này tạo ra một làn hương giải thoát, nó không những bay theo chiều gió, mà còn lan tỏa khắp bốn phương. Nó như luồng sinh khí thẩm thấu vào cuộc đời, chói sáng qua từng thế hệ. Mãi đến hôm nay nó vẫn đóng một vai trò quan trọng cho ni đoàn, chúng ta không thể tùy tiện bỏ qua.
Bát Kỉnh Pháp còn giúp cho Ni giới chúng ta diệt trừ sự kiêu mạn, nó như một phép mầu hóa thân vào cuộc sống, tịnh hóa tâm hồn trang nghiêm bản tâm. Kiêu mạn giống như bức tường vô hình chắn lối, mà Bát Kỉnh Pháp thì giúp chúng ta xuyên thủng qua bức tường này, để tự tại thong dong trở về cố hương. Nếu chúng ta phế bỏ Bát Kỉnh Pháp để thỏa mãn lòng kiêu ngạo, tức là đi ngược lại bản hoài của đức Phật, phá vở lời tuyên thệ của đức Kiều Đàm Di Mẫu, vô hình trung chúng ta không thừa nhận sự hình thành Ni bộ, và miễn cưởng xây dựng chủ nghĩa cá nhân, lún sâu vào con đường bùn lầy chấp ngã
Từ thời kỳ đức phật, chư vị Thánh tăng ni đã thành tựu đạo quả là nhờ vào Bát Kỉnh Pháp. Đến hôm nay chúng ta nhìn lại những bậc Trưởng lão ni Việt Nam, những người có thể làm nên sự nghiệp vẻ vang, xây dựng tiền đồ Phật pháp, trở thành rường cột cho hàng hậu lai, đều là hàng thượng thủ tôn thờ Bát Kỉnh Pháp. Như: Ni trưởng Hải Triều Âm ở Đại Ninh; cố Ni Trưởng Thích Nữ Như Hoa – Trụ trì Tổ Đình Từ Nghiêm; đặc biệt là Sư trưởng thượng Như hạ Thanh – cố viện chủ Tổ đình Từ Nghiêm, Tổ đình Huê Lâm và nhiều tự viện khác, đồng thời Ngài cũng là bậc thầy khả kính của chư ni chúng tôi. Sư trưởng từng mở Phật học viện tại Huê Lâm giảng dạy kinh luật, chăm lo giáo dục đào tạo ni tài, sau đó khởi xướng thành lập Ni bộ, được suy tôn làm Trưởng ban Quản Trị Ni Bộ. Vào năm 1972, Giáo hội giao trọng trách Vụ Trưởng Ni Bộ Bắc Tông cho Sư Trưởng đồng thời triệu tập đại hội Ni Bộ toàn quốc.
Tuy được suy tôn, nhưng Sư trưởng vẫn tuân thủ lời Phật dạy, học hạnh Kiều Đàm Di, giữ gìn Bát Kỉnh Pháp. Sư Trưởng cho rằng Bát Kỉnh Pháp là mạng mạch sống còn của chư ni hôm nay và mai sau. Không thể vịn vào bất cứ lý do nào đó để dẹp bỏ Bát Kỉnh Pháp. Bát Kỉnh Pháp là chiếc bóng, là linh hồn của Ni giới. Có một lần Sư Trưởng đến chùa Ấn Quang thăm bệnh và hầu chuyện Hòa Thượng thượng Thiện hạ Hòa. Do duyên bệnh Hòa thượng phải ngồi trên xe lăn. Với hạnh khiêm cung nhã độ, với tâm thuần hòa khả kính, suốt thời gian thăm bệnh, Sư trưởng luôn chắp tay han hỏi chân tình. Khi về, Sư trưởng thưa: Bạch Hòa Thượng, còn dạy con điều chi không? Một cử chỉ bình thường, một lời nói giản đơn, nhưng không ai có thể làm được. Đối với một vị Hòa Thượng lãnh đạo giáo hội,Sư Trưởng cung kính như vậy đã đành, nhưng còn hàng tăng trẻ thì sao? Trong thời gian trùng tu lại Bảo Điện tại Tổ đình Huê Lâm, Đại đức Thích Tâm Mãn chùa Long Bửu – quận tư, được Sư Trưởng nhờ viết đôi liễn để khắc trên điện Phật. Sư trưởng luôn mặc áo tràng tiếp chuyện và xá chào rất mực cung kính. Một tấm gương đạo hạnh không hoen ố bụi trần, bởi sự trong suốt của nó vượt qua ranh giới của ngã và nhân.
Hình ảnh của những bậc đại ni luôn sống mãi trong lòng của hàng ni giới, đó là nhờ vào tinh thần Bát Kỉnh Pháp, nhân ngã tự khắc bị mài mòn, từ đó thắp sáng ngọn đuốc của tuệ giác. Thời gian sẽ không làm cho các ngài mõi mệt, chùn chân trên bước đường hoằng dương chánh pháp, và dù trải qua thời đại nào, đức hạnh của các ngài vẫn không bị mai một, vẫn không bị lãng quên mà luôn tỏa sáng trên bầu trời vô ngã vị tha.
Thanh Như