Sự Nghiện Ngập và Ý Tưởng Hão Huyền

Tác giả: Yogani

Thánh Thủy dịch từ Anh sang Việt

Tất cả mọi hành sử diễn biến trên cuộc đời này của chúng ta đều từ những thói quen được tạo dựng nên. Loài người là những sinh vật lệ thuộc vào thói quen tập quán, cái đó cũng có thể là một điều rất lợi ích cho chúng ta. Nhưng mặt trái của nó là thường thường ta hay học đòi những thói quen xấu và không có lợi cho ta hơn là những tập quán hữu ích. Thế nên để cải thiện cái đời sống hằng ngày, chúng ta phải tìm cách làm sao để chế ngự được mọi thói quen tập quán của mình.

Nếu đã quyết tâm thực hành một sự rèn luyện tâm linh bằng thiền định chẳng hạn, chúng ta sẽ đạt được thành công trong công phu tu tập này không phải vì một kinh nghiệm thú vị mà ta cảm nhận được hôm nay, ngày mai, hay một hôm khác. Nhưng thành công này chỉ xẩy ra tùy thuộc vào sự kiên trì và công phu tu tập năm này qua tháng nọ, với bao thăng trầm thử thách gay go mà hành giả nào cũng phải trải qua suốt quãng đường dài đó. Và chỉ nhờ vào cái thói quen dài hạn đó để chúng ta có thể vững bước. Tại sao chúng ta không nghĩ là mình bị “nghiện ngập” vào cái thói quen của sự rèn luyện tâm linh đi.

Như vậy nghiện ngập là gí? Trong cách giải thích đơn giản nhất, ta có thể nói nghiện ngập là một thói quen đã ăn sâu, đã được thực tập quá lâu đời nên ta không muốn lìa nó, mà cũng chẳng dễ dàng bỏ nó được. Có những tập quán rất đáng được khích lệ và rất hữu ích, chẳng hạn như tự nhận thức cái bản lai diện mục của chân như [Chú thích: Bản lai diện mục là tìm thấy được chính ta từ nội tâm, từ bản tính chân thật không lệ thuộc hay chi phối bởi ngoại cảnh. Divine unfoldment signifies a disclosing from within, the coming to light of something innate, indigenous, independent of external influence]. Chúng ta cũng có thể cho nó là một cống hiến rất vững chắc không dao động cho một căn nguyên nào đó – như là một ám ảnh, một sự cưỡng bách. Nhiều người sẽ cho rằng điều này không chính đáng hoặc không thấy sự hữu ích của nó. Nhưng thật ra say mê tìm lại cái chân như diện mục của mính sẽ đưa ta hướng về tính siêu việt của nó. Đó là cái thói quen buông xả, cách thực tập buông bỏ không chấp không nắm giữ một thứ gì – một trong những bí quyết cần thiết cho sự phát triển tín tâm (skt: bhakti) trong đời sống tâm linh của chúng ta. Thực tập cách buông xã tích cực và toàn vẹn.

Nhưng rồi cũng có những tập quán làm cản ngăn sự phát triển tâm linh, hay ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều lãnh vực trong cuộc sống của chúng ta. Lại có những tập quán đồi tệ có thể làm náo động nội tâm vốn cần thanh tịnh của ta. Đó là những thói quen xấu thuộc cả về hóa chất hay tâm thần, hay nguy hiểm hơn thế nữa là sự phối hợp của cả hóa chất và tâm thần để tạo thành một sự nghiện ngập có thể đưa đến hủy diệt trầm trọng. Nghiện ngập ma-túy chẳng hạn, có thể cho ta một cảm giác thú vị tạm thời, đồng thời cũng mang lại tác hại rất mạnh đến tiến trình của cuộc sống.

Xã hội có đầy dẫy những hóa chất thường dễ làm người ta bị thu hút nghiện ngập như rượu bia, thuốc lá, thuốc lào, và nhiều chất kích thích khác như ma-túy, cocain, cả đến dược phẩm y học như thuốc tê-mê, thuốc an thần, thuốc ngủ, thuốc giảm đau, v.v… và những thứ ít nguy hại hơn như chất ca-phin, đường hóa học, vài loại hóa chất dùng để bổ sung hay thay thế thức ăn. Ngoài ra người ta còn bị “nghiện” việc ăn uống quá mực, ăn không biết no (gọi là bulimia), hay nhịn ăn dài hạn đễ giảm cân tuyệt đối (gọi là anorexia), và cả việc “nghiện” cờ bạc cá độ nữa.

Tất cả những thứ trên nếu xử dụng có chừng mực thì không ảnh hưởng gì, nhưng dễ gì mà biết độ nào là chừng mực, là điều độ, là tiết chế? Mọi thứ trên đời, chỉ cần ta biết thiểu dục (biết đủ) thì cuộc sống hạnh phúc biết mấy, vì thiểu dục là con đường đưa đến yên vui và bình an.

Bất cứ thứ gì, cho dù là những cần thiết cho cơ thể như nước uống chẳng hạn, nếu tiêu dùng quá mức, đều có thể xem là những cái nghiện ngập xấu xa. Trái lại nếu quá ít, quá thiếu nhất là những người mang nhiều chứng bệnh tâm thần điên cuồng bỏ ăn bỏ ngủ cũng đều là những tập quán tiêu cực không hay. Lại nữa những thái độ hay tư cách đối đãi xử sự với ngoại vi một cách áp bức không cản ngăn kèm chế được đều là những nghiện ngập có hại. Những cái “nghiện ngập” không rõ rệt này thường bắt đầu bằng những thói quen nhỏ nhoi đã ăn sâu lâu đời trong tiềm thức.

Tất cả những pháp môn kể cả thiền định và thực tập hơi thở (skt: pranayama) đều có khả năng tháo gở, làm giảm đi hay tiêu trừ những khuyết điểm thái quá này trong quá trình của cuộc sống.

Làm sao để tránh những thói quen tập quán tiêu cực? Cũng như những cái nghiện ngập khác đã làm cho cuộc sống trở thành ủ rủ buồn bã khổ sầu, chúng ta phải có thời gian, và phải biết tìm về với nội tâm trên hành trình tìm đến sự tiến hóa, đổi thay và tích cực hơn trong chính ta. Thiền tập bằng Yoga có thể là một trong những cách đưa đến kết quả này. Làm sao để rửa sạch hết bùn nhơ tì vết trên tấm kính của linh hồn, để cho tâm ta được trong sáng hơn, và để cho ta dễ dàng thấy đường mà đi suốt cuộc đời một cách vững vàng, rõ rệt và có hiệu quả hơn.

Nhưng đối với những thứ nghiện ngập khác, nhất là nghiện rượu và thuốc kích thích, đôi khi thiền tập không thôi cũng chưa đủ khả năng để dứt trừ dễ dàng. Hội Alcoholic Anonymous có chương trình cai nghiện bằng 12 biện pháp rất hữu hiệu. Chương trình này cũng đã được phát triển rộng ra và sửa đổi để thích nghi cả cho những người mang chứng bệnh “nghiện ngập tâm thần.” Cả 12 cấp bậc của chương trình cai nghiện này đều có chút ít cơ sở nền tảng trên Yoga của Á đông. Bước đầu là đương sự phải thú nhận là tự mình sẽ không đủ thẩm quyền để cai nghiện, nhưng cần có sự giúp sức bên ngoài và bên trên. Một khi đã chấp nhận như thế, tự nhiên có những động cơ hổ trợ cho họ có sức bền vững nhất là trong thời gian đầu dễ yếu lòng. Chương trình cai nghiện này dựa trên lý thuyết của lòng khát khao (tự mình ước ao muốn cai) và quyết tâm từ bỏ thì mới thực hiện được.

Flights of Fancy là một cụm từ tiếng Anh được tạm dịch là Ý tưởng (hay giấc mơ) Hảo huyền. Đó cũng là một tập quán xấu có thể làm náo loạn và cản trở cuộc sống thường nhật. Người ta hay tưởng tượng nếu một tí xíu cái điều gì đó đã tốt cho họ rồi, vậy thì nhiều hơn hẳn sẽ rất tốt thôi. Nên họ chẳng cần một thứ gì hơn ngoài cái điều đó, nên họ giữ khăng khăng và nghĩ rằng nó sẽ đưa đến hạnh phúc cho họ và cho cả nhân loại trên thế gian này. Nhưng sự thật không luôn luôn đơn giản như thế. Một cụm từ khác cũng được dùng để gọi những tập quán trong phạm trù này là “triệu chứng của viên đạn thần quyền” (magic bullet syndrome).

Nói chung, chẳng có một bí quyết thần thánh nào cả. Mọi sự việc đều đòi hỏi có sự gắng công tu tập thực hành, cho dù là việc nghề nghiệp ngoài đời hay vấn đề tâm linh. Để đi đến kết quả tốt đẹp của một cuộc sống an lạc hạnh phúc tươi trẻ mạnh khỏe, ta phải trải qua nhiều phương cách và thể chế ứng dụng để từ từ mới tới được mục tiêu. Chúng ta không thể một ngày một đêm mà có được một cuộc sống hoàn hảo. Những người mang triệu chứng của viên đạn thần quyền này chạy theo một cái gì đó huyễn hoặc một cách mù quáng với hy vọng được giải thoát chứng ngộ ngay lập tức. Triệu chứng này nhiều khi còn hại hơn là có những tập quán tiêu cực khác. Cái ý tưởng hảo huyền này có mặt rất lâu trong cuộc sống. Đến khi nó tới giai đoạn thất bại, người mang bệnh này thường đưa ra rất nhiều lý do tại sao họ không thành công, và lập tức tìm đến một giấc mơ hão huyền khác. Cũng giống như nhiều người trong chúng ta cả đời chạy theo những huyễn hoặc này, như mãi đi tìm cái thánh vật huyền diệu thiêng liêng (Chú thích: Quest for the Holy Grail là một huyền thoại về một bảo vật chứa đựng máu của Chúa bên Cơ Đốc giáo), nhưng không hề biết rằng bảo vật này đã hiện hữu trong ta, có thể tìm thấy được trong sự tĩnh lặng vững chắc và điều độ không quá khích của sự hòa hợp giữa một cuộc sống thường nhật lành mạnh và một tâm thức đầy hiệu lực và lợi lạc.

Thí dụ như khi ta biết một tí ánh sáng mặt trời mỗi ngày giúp cơ thể khỏe mạnh. Vậy phơi nắng ngày này qua ngày khác có lợi lạc hơn không? Dĩ nhiên là không.

Hay một vài viên thuốc bổ mỗi ngày giúp ta ăn ngon miệng ngủ ngon giấc. Vậy một nắm thuốc bổ đủ loại có tốt hơn gắp bội không? Cũng có thể, nhưng thông thường ta sẽ bị ảnh hưởng trái ngược nhiều hơn, đôi khi còn mang tổn thương đến cho cơ thể nữa.

Cũng vậy, y dược, thuốc tây, thuốc ta… dù loại phải có toa bác sĩ hay thuốc bán thông thường ngoài chợ hay tiệm thuốc (non-prescription) đều có tác dụng giúp giảm đau nhức mõi mệt, nhưng có nhất thiết phải lạm dụng thuốc cho dù chỉ một cái nấc cục hay một tiếng ho khan hay không? Dĩ nhiên là những quảng cáo của các hãng sản xuất thuốc men chuyên môn khuyên bảo như thế (nghề của họ mà, không khuyến khích thế họ bán thuốc cho ai?), nhưng đôi khi chúng ta cũng phải căn cứ theo lý trí và cái yên lặng trong nội tâm để phán xét chứ.

Dĩ nhiên là khi đau ốm không được khỏe khoắn trong người, ta phải cần đến bác sĩ để nhờ vào kinh nghiệm học tập thực hành của họ để được khỏi bệnh. Nhưng nếu cứ mỗi chút là tống vào người đủ mọi hóa chất thuốc men, nhất là những loại thuốc để “đền bù” cho lối sống không lành mạnh của mình hay dùng thuốc để chữa trị cho những căn bệnh do thuốc khác gây ra.  Đây chính là cái hão huyền nói trên. Nó xẩy ra cho chính những người ngay trong ngành y học, không chỉ trong người dân thường. Nếu không kiểm soát chặt chẽ, nó sẽ trở thành thảm trạng trong nguyên cả một tổ chức.

Như chúng ta thấy cho dù y dược là một nỗ lực lớn lao trong y học để bảo vệ sức khỏe, nhưng đôi khi vẫn không tránh khỏi việc vượt quá giới hạn làm cho kết quả giảm sút thay vì được nâng cao. Đây cũng là chướng ngại cho sự phát triển tâm linh và đời sống cũng giống như mọi lối sống không lành mạnh khác.

Kết luận, tất cả đều cho ta thấy con đường trung đạo là hơn hết. Làm tất cả mọi việc một cách trung bình không dư khống thiếu không ít không nhiều… cái gì cũng phải chăng, điều độ, chừng mực thì mới có được cuộc sống lành mạnh, sống lâu sống khỏe. Và dĩ nhiên cũng phải ứng dụng cái chừng mực này vào con đường tầm đạo, tu tập hành trì, phát triển tâm linh… một cách kiên trì vững chắc bất thối chuyển để bồi dưỡng cho một nội tâm tĩnh lặng bền lâu, và dần dần đoạt tới trạng thái hạnh phúc vĩnh hằng.

Nếu cuộc sống có khuynh hướng cần phải có tập quán thói quen, hay trầm trọng hơn, nếu cần phải nghiện ngập một thứ gì, tại sao ta lại không cố gắng nghiện cái chân như bẩm sinh hiển lộ chính từ trong tâm chúng ta. Cái tập quán này sẽ đưa ta đến sự thăng hoa cứu cánh của cuộc sống.

Nên nhớ ông chủ nhân của ta đang ở trong chính ta đó.

Thánh Thủy (The Buddhist Translation Group)

SOURCE: http://www.aypsite.org/308.html