Quan Niệm Phật Giáo Đối Với Tập Tục Văn Hóa Tướng Mệnh Và Phong Thủy – Pháp Sư Thánh Nghiêm

Quan Niệm Phật Giáo Đối Với Tập Tục Văn Hóa Tướng Mệnh Và Phong Thủy

  Pháp Sư Thánh Nghiêm

Tướng mệnh chiêm tinh và địa lý phong thủy có rất sớm trong lịch sử nhân loại. Theo truyền thuyết của những nhà tướng mệnh, chiêm tinh, trước thời thái cổ khi trời đất mới thành, vốn đã có nguyên lý của những thuật này rồi.

Theo quan điểm Phât Giáo, không phủ nhận song cũng không khẳng định, vì những thuật này tuy có đạo lý nhất định, nhưng không phải là chân lý tuyệt đối. Cho nên, nếu tin thì cũng không nên quá mê tín, nếu không tin cũng không có tai hại gì cả. Cho nên Đức Phật Thích Ca Mâu Ni răn cấm các đệ tử không cho làm các việc như xem tướng, chiêm tinh, phong thủy, bói toán, song cũng không phủ nhận sự tồn tại của những thuật này.

Thuật chiêm tinh nói về mối quan hệ giữa sự vận hành thiên thể với vị trí trái đất. Giữa thiên thể và trái đất có một quĩ đạo nhất định, tạo nên sự thay đổi thời tiết khí hậu, sự phối trí hình thái địa lý và hoàn cảnh sống của con người, sinh vật trên đó. Nếu phối hợp với giờ, ngày, tháng, năm rồi cộng trừ nhân chia tìm ra nguyên tắc mệnh lý của mỗi người.

Ví dụ tuổi con ngựa sinh vào phương bắc mùa đông là mệnh không tốt, bởi vì ngựa ở mùa đông phương bắc không có cỏ ăn. Nếu tuổi con thỏ sinh vào mùa xuân phương nam, do gần núi gần nước nên mệnh sẽ tốt. Nhưng lập trường của Phật Giáo, họa phúc kiết hung của con người đều là kết quả của nghiệp nhân thiện ác quá khứ chiêu cảm. Song nghiệp nhân quá khứ đó còn tùy thuộc vào hiện tại cố gắng hay giải đãi, sẽ làm thay đổi hay ảnh hưởng đến vận mệnh hiện đời. Đây là nhân tố tiên thiên cộng thêm điều kiện hậu thiên để tạo nên cái gọi là vận mệnh tốt xấu.

Do quá khứ tạo những nghiệp nhân khác nhau, cho nên chiêu cảm ra hoàn cảnh đời nay cũng khác nhau. nói hoàn cảnh là bao gồm di truyền của cha mẹ, bối cảnh văn hóa và văn minh, dưỡng dục và giáo dục, cho đến anh em, thân thích, sư trưởng, bè bạn, đồng sự… đều ảnh hưởng đến vận mệnh tốt xấu. Chỉ cần chú ý trau dồi nội tâm, rèn luyện thân thể, tăng trưởng trí thức và khai mở trí huệ thì sẽ có thể cải đổi vận mệnh sẵn có. Cho nên nếu chỉ căn cứ theo ngày, giờ, năm, tháng sinh để phán đoán vận mệnh của một đời người thì chỉ đúng một phần đối với người bình thường, còn bậc trung thượng trở lên thì không chính xác.

Xem số và xem tướng nên nói riêng ra. Xem số là dựa trên ngày giờ và năm tháng sinh thuộc cái có sẵn. Xem tướng là tổng hợp từ khi sinh ra, một mặt thừa tiếp sự di truyền của cha mẹ, bao gồm tướng mặt, tướng xương, tiếng giọng nói, tướng tay; một mặt là tự rèn luyện hay buông thả, khỏe mạnh hay tàn phế, cho đến tâm lý có được cân bằng hay không, khiến cho thân tướng không ngừng biến đổi theo quá trình sinh mệnh. Cho nên mệnh lý tính theo ngày, tháng, năm sinh là cái không thể thay đổi, còn tướng lý thì luôn đổi thay. Do đó tướng không có định tướng, mệnh không có định mệnh. Đương nhiên có thể tin một phần hay không tin cũng được.

Còn như phong thủy, địa lý là dựa trên phương vị thiên thể và địa thế để quyết định nó đối với con người có ảnh hưởng lợi hại như thế nào. Những điều này thuộc về tự nhiên và thường thức. Thuận với tự nhiên thì sẽ được lợi ích của thiên thời, song núi; còn trái với tự nhiên sẽ có điều bất lợi. Nói theo triết học, đây thuộc về triết học ứng dụng hình nhi hạ, hay khoa học tự nhiên. Gần đây người ta dùng y cứ khoa học từ trường, từ lực để thuyết minh nguyên lý phong thủy: thuận phương vị với từ trường và ngay điểm tập trung của từ lực thì có lợi ích đối với thân thể và trợ giúp cho tâm tính con người. Nếu không kết quả sẽ trái lại.

Phong là không khí, là sức sống đến từ không trung; thủy là sức sống đến từ trái đất, thứ cần thiết cho muôn vật phát triển. Có sự phối hợp của hai sức sống này, thêm vào sự hấp thu ánh sáng đầy đủ theo vị trí địa lý, như vậy thật gần giống với ba yếu tố sinh mệnh mà hiện nay người ta nói: ánh nắng, không khí và nước.

Ông Lý Dị Nông nhà địa lý học nổi tiếng nói rằng: phải có ba điều kiện phối hợp:

1. Tích lũy công đức.

2. Ngày giờ năm tháng sinh.

3. Địa lý phong thủy.

thì mới được giàu sang, trường thọ. Ngày, giờ, năm, tháng sinh là mệnh lý tiên thiên, tích lũy công đức là nỗ lực tu dưỡng, còn địa lý phong thủy chỉ chiếm một phần ba trong đó. Nếu mệnh lý xấu, lại thêm tâm ác, hành vi bất chánh sẽ tìm không ra phong thủy tốt. Cho dù tìm ra phong thủy tốt cũng bị những tai biến tự nhiên như nước lụt, động đất phá hoại đi. Ông ta còn nói: phong thủy ba phần, ra sức bảy phần, nghĩa là phong thủy cần phải cộng thêm sự nỗ lực của con người để cải thiện hoàn cảnh.

Xưa nay các vị Tổ sư đều ở trên núi cao rừng sâu, phát hoang dã, lập tòng lâm, nuôi chúng tu học, trở thành nơi danh sơn sau này. Đã là nơi danh sơn tất nhiên địa lý phong thủy phải tốt, trải qua cả nghìn năm, muôn đời vẫn không suy bại. Tuy có địa lý phong thủy tốt như thế, nhưng những vị Đại sư không phải là những người có tri thức chuyên nghiệp về phong thủy. Có khi không cần nhân công mà có hiện tượng thay đổi địa lý một cách tự nhiên. Như năm 1936 Đại Lão Hòa Thượng Hư Vân lúc trùng tu chùa Nam Hoa, là chốn Tổ đình Tào Khê, thì có hiện tượng mưa lớn tạo nên bờ đê tự nhiên, nước sông thay đổi dòng chảy.

Ngoài ra, khi tìm chỗ mới cho Trung Hoa Phật Giáo Văn Hóa Quán ở Bắc Đầu, tôi chỉ tự mình xem hoàn cảnh địa lý tự nhiên, thấy thuận thế và có cảm giác thư thới liền quyết định chọn nơi này. Sau đó các nhà địa lý chuyên nghiệp đến xem đều bảo rất tốt. Tôi là người không biết gì về tri thức địa lý phong thủy, chỉ biết nguyên lý của tự nhiên, cho rằng nguyên lý phong thủy cũng tương thông với nguyên lý này.

Do đó tôi vừa tin và vừa không tin. Nếu như cá nhân tôi thì không cần phải tin, còn như tùy tục, khiến mọi người an tâm, mời chuyên gia đến xem lấy ý kiến tham khảo nghĩa là chỉ xem xét thế nào, không thể mù quáng tin nghe theo lời họ, nếu không sẽ tạo nên khốn nhiễu về mặt tâm lý và sự bất tiện trong cuộc sống.

Xét ra, trên thực tế những nhà địa lý chuyên nghiệp, nổi tiếng rất ít khi tìm ra được phong thủy địa lý tốt cho mình; cũng ít có nhà chiêm tinh nào có thể dùng học lý và kinh nghiệm đó để cải đổi mệnh vận của tự thân. Do đó người Phật tử phải lấy sự tu học Phật Pháp làm căn bản, người xuất gia phải lấy Phật Pháp giáo hóa khai đạo chúng sinh àm chánh nghiệp. Còn như lấy mệnh lý, tinh tướng, phong thủy làm nghề chuyên môn thì đó là điên đảo gốc ngọn! Người trí lực bậc thượng có thể tìm hiểu xem, người bậc trung hạ nếu nghiên cứu những tạp thư ngoại thuật này sẽ làm lãng phí thời giờ, trở ngại việc tu học, cần phải ngăn cấm.