Nhất Tâm Chiêm Ngưỡng Diệu Tướng Từ Tôn

Nhất Tâm Chiêm Ngưỡng Diệu Tướng Từ Tôn

Thích Tâm Mãn

Tiếng chuông ngân, khói trầm quyện tỏa, ánh đèn lay động làm cho không gian của am thiền thêm nét lặng im, chắp tay cuối đầu chiêm lễ Từ Tôn, khởi niệm nhất tâm tán thán:

“Phật diện du như tịnh mãn nguyệt.

Diệc như thiên nhật phóng quang minh.

Viên quang phổ chiếu ư thập phương.

Hỷ xã từ bi giai cụ túc”.

Nhất tâm lắng lòng trong câu tán thán, miên man đắm chìm trong ý niệm lời văn: “trăng sáng tròn đầy không thể sánh với nét đẹp viên mãn của dung nhan diện tướng Đức Phật. Ánh sáng của ngàn mặt trời rạng chiếu sáng soi mới đủ đầy diễn bày hết nét đẹp rạng rỡ của Từ Tôn, Diệu tướng của Đức Phật tròn đầy viên mãn trong mười phương không còn gì có thể sánh được. Nét đẹp viên mãn đầy đủ đức tánh của từ bi, cụ túc hạnh nguyện hỷ xã.”.

Nhất Tâm Chiêm Ngưỡng Diệu Tướng Từ Tôn

Lời tán thán này như dẫn người chiêm ngưỡng vượt qua khỏi giới hạn của thời gian, siêu thoát khỏi hàm lượng của không giới, đi đến cảnh giới không cùng vô lượng, nơi mà sức tưởng tượng của con người như cảm thấy chơi vơi, và chính nơi đó con người mới có thể nhận chân ra vẻ đẹp chân thật diệu tướng của Phật, phải vận dụng tâm từ và hạnh hỷ xã mới có thể nhận ra

Từ ý niệm của lời tán thán nầy, không biết bao nhiêu người con Phật cố gắng xây dựng lại hình tướng của Phật để thoả mãn tấm chân tình hiếu kính Phật của riêng mình và đồng thời nguyện ước hình tướng của Phật thường trụ trên thế gian để cho hết thảy chúng sinh gieo duyên gặp Phật, từ tâm niệm đó mà hình tượng của Đức Thế Tôn xuất hiện trên đời, thiên hình vạn trạng, vô số thể loại, từ điêu khắc đến hội hoạ, từ nghệ thuật diễn xướng cho đến lời văn mô tả.v.v…

Không thể tính đếm hết được, hầu như hết thảy các chất liệu quý hiếm cũng như thông thường có trên thế gian, đều được sử dụng để chế tác tượng Phật và ngay cả con người cũng đôi lần được dùng đến thân xác phàm phu để diễn hoá hình tướng của Như Lai, nhưng thành công nhất vẫn là hội hoạ và điêu khắc còn dùng người thật để hoá thân vào diệu tướng của Phật thì cho đến bây giời vẫn chưa thành tựu được như ý nguyện. Vì sao vậy?

Đức Phật là người thật, sanh ra trên đời này, lớn lên trên thế gian này, thọ dụng trãi qua hết thảy khổ đau, hỷ lạc của trần gian, giác ngộ xuất gia tu hành thành Phật, hóa độ nhân gian, Niết Bàn viên tịch, chưa phút giây nào rời xa hiện thế, không ý niệm nào thoát khỏi nhân gian, Trong Kinh Pháp Hoa có dạy: “Đức Phật ra đời vì một nhân duyên lớn, khai thị chúng sanh ngộ nhập tri kiến Phật” Ngài vì chúng sanh hiện ra trên đời, Ngài vì cứu khổ nên hiện thân phàm thế, Đức Thế Tôn là người thật, hình tướng Ngài không gì khác với chúng sanh, vậy mà khi dùng hình tướng của chúng sanh để thể hiện Ngài, thì mọi người lại cho rằng đó không phải là hình tướng của Như Lai?

Trong một bài tán về Phật tướng có chép: “Thiên bá ức Thích Ca Phật… vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sanh tướng…”. Tướng của Đức Phật Thích Ca nhiều vô số ức, cũng không phải là hình tướng của chính ta, cũng không hề là hình tướng của người, cũng chẳng phải là hình tướng của chúng sanh. Vậy như thế nào để có thể nhận thấy được hình tướng của Phật, vì từ nhận thấy được hình tướng này và cũng chỉ có thể từ sự nhận chân được diệu ý này, chúng ta mới có đủ khả năng để xây dựng và tái hiện lại hình tướng của Thế Tôn.

“Vô ngã tướng” Phật tướng chẳng phải là ngã tướng. Ngã tướng là tướng mà chúng ta chấp vào cho đó là tướng của Ta. Chúng sanh bởi mê chấp có mình và sự tồn tại của chính mình, cho nên khởi sanh dục vọng, chấp trước vào của ba nghiệp thân khẩu ý, chìm đắm trong tam độc tham sân si, để rồi vô minh si mê lầm than tạo tác các ác nghiệp, trôi lăn trong sanh tử, quên mất Phật tánh của chính mình, vậy nên khi Đức Phật giáng sanh nơi vười Lâm Tỳ Ni Ngài đã nói : “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn” trên trời dưới đất không có gì có thể sánh bằng chấp ngã của chúng sanh.

Thật vậy chỉ có ngã chấp mới có đủ quyền năng làm cho người đau khổ và có đủ sức hấp dẫn để dụ dỗ con người đi đến chổ khổ đau, chỉ có ngã chấp cho rằng mình là trên hết mới có thể khiến cho con người từ yêu thương trở thành oán hận, từ si mê trở thành mù quáng, từ dũng trí trở thành tàn ác tham lam, nếu là như vậy thì tướng của ngã không thể là tướng của Phật, vì tất cả đức tánh từ bi, trí tuệ, hạnh nguyện của Phật đều không có trong mê chấp của ngã tướng.

Nếu dùng tâm niệm ngã chấp để chiêm ngưỡng diệu tướng của Phật thì không bao giờ có thể nhận thấy được chân thân đức tướng của Phật. Nếu như ai dùng tướng chấp ngã này để tạo dựng hình tượng diệu tướng của Phật, thì sự tương ưng sẽ không bao giờ hiển hiện và cảm ứng của chúng sanh đối với diệu tướng của Phật không các nào có thể nảy sanh. Vậy nên tái dựng hình tượng diệu tướng của Đức Phật mà dựa trên ngã tướng thì coi như là khó có thể thành tựu vậy.

“Vô nhân tướng”: Phật tướng cũng chẳng phải là tướng của con người. Vì thân tướng của con người do nghiệp lực và ái dục nhơ cấu mà tạo thành, lại do lục căn không thanh tịnh mà sanh ra, cấu hình do dâm dục, thể tướng từ phiền não, khổ đau vô minh cố chấp sanh ra, không có phiền não khổ đau nào mà không có trong thân người, không có nghiệp dữ nào mà không phải từ thân người tạo tác, cũng không có điều dục vọng tội lỗi nào mà con người không dám làm, thân người tội lỗi dẫy đầy, từ tâm không hiện, trí huệ chẳng sanh, thiếu đức vị tha của chư Phật, không niệm hoan hỷ của Từ Tôn, nếu dùng hình tướng này để tạo dựng lại hình ảnh diệu tướng của Phật thì lấy đức tánh, niệm từ nào để cảm hóa nhân gian. Vậy nên dùng tướng người để tái dựng lại diệu tướng của Phật cũng không thể thành tựu.

“Vô chúng sanh tướng”: Phật tướng cũng chẳng phải là tướng của chúng sanh. Trong Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo có đoạn chép: “Tất cả chúng sanh vì tâm tưởng khác nhau nên tạo nghiệp khác nhau, do vậy có sự xoay vần trong các thú.”. Hình tướng chúng sanh thiên hình vạn trạng, đều do nghiệp ác và tâm tưởng khác biệt của phiền não tạo thành, không có hình tướng nào của chúng sanh mà khi nhìn thấy lại không sanh tâm đắm nhiễm, thù ghét, khổ đau và ái dục và các nghiệp duyên khiến cho trôi lăn trong luân hồi ác đạo.

Trong Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo có đoạn chép: “Này Long vương! Ngươi có thấy trong hội này và các loài ở trong đại hải hình sắc chủng loại mỗi mỗi không đồng nhau không? Tất cả đều do tâm tạo thiện hay ác của thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp mà gây nên cả…” ba nghiệp không thanh tịnh, tâm tạo các ác nghiệp từ đó sanh ra thân tướng, nếu như vậy thì thân tướng chúng sanh cũng không thể dùng để thể hiện Phật tướng, dùng thân này thể hiện Phật thân khiến cho chúng sanh khởi tâm phân biệt, khiến cho mọi người khởi niệm tham sân. Vậy nên dùng tướng của các loài chúng sanh để tái dựng lại diệu tướng của Phật cũng là điều không thể.

Nếu Ngã tướng cũng chẳng phải là tướng của Phật, nếu là Nhân tướng cũng chẳng phải là tướng của Thế Tôn, tướng của chúng sanh cũng không là Diệu tướng, thì dùng hình tướng nào để thể hiện diệu tướng của Từ Tôn, Trong Kinh Kim Cang Phật dạy: “Nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thanh cầu ngã, thị nhân hành tà đạo bất năng kiến Như Lai..”. Nếu dùng sắc tướng để nhìn thấy Phật, lấy âm thanh để cầu nghe được tiếng Phật thì người này làm việc làm tà đạo, không thể thấy được Phật. Sắc tướng âm thanh đều từ ngã tướng, nhân tướng và chúng sanh tướng, các tướng này đều là tướng phiền não, mà đã là phiền não thì làm sao có thể thấy được Phật.

Nếu người tái dựng hình tượng Phật trong tâm niệm dùng ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng thì không cách nào có thể tương ưng được với diệu tướng của Thế Tôn, không cách nào để tạo thành cụ túc Phật tướng, do vậy ngày xưa khi vua Ưu Điền phát tâm tôn tạo diệu tướng của Đức Phật, dùng chất liệu gì để có thể thể hiện được thân tướng của Phật cụ túc diệu tướng, mà không phải sử dụng ba tướng là ngã tướng, chúng sanh tướng và nhân tướng, nhưng cũng không thể xa lìa khỏi tướng vật chất của thế gian, vì lìa khỏi tướng vật chất của thế gian thì không thể hiển bày được tướng của Phật. Chất liệu nào của thể gian đầu tiên được chọn để tạo tác tượng Phật, đó là gỗ chiên đàn, rồi sau đó vàng bạc các thứ bảy báu v.v… được dùng để thể hiện diệu tướng của Như Lai.

Vật chất của thế gian như vàng, bạc, đồng, đá, thất bảo, gỗ.v.v… đều là tướng vật chất của thế gian nhưng không nằm trong ba tướng hữu tình, nên không bị hạn cuộc trong sự định hình phiền não, ví dụ nếu là hình của ta, tướng con người, hay hình tướng của hữu tình chúng sanh thì không thể biến đổi từ hình tướng con vật này thành hình tướng con vật khác, cho nên đắm chìm trong “sắc tức thị sắc” là tướng chấp ngã.

Nếu là cây gỗ hay các chất liệu khác như vàng, bạc, đồng, sắt, bảy báu.v.v… ta có thể chạm khắc thay đổi từ hình tướng ban đầu chuyển sang hình tướng khác theo sự tưởng tượng của chính chúng ta, “sắc tức thị không” tương ứng với tướng “thị chư pháp không tướng” tất cả các pháp đều không có tướng của Phật tướng, cho nên dùng các chất liệu này để tạo dựng hình tướng của Đức Phật thì rất là tương ưng. Vậy nên các chất liệu như vàng, bạc, đồng, sắt, gỗ, bảy báu.v.v… vì đầy đủ tính chất như vậy cho nên được dùng để khắc tạo hình tướng của Phật và cũng từ những tính chất trên nên hầu hết các tượng phật được tạo ra tương ưng với diệu tướng của Phật đều nhận được sự hoan hỷ lễ lạy cúng dường chiêm ngưỡng của chúng sanh và mọi người đều chấp nhận coi đây là diệu tướng của Thế Tôn thường trụ thế gian…

Tiếng chuông ngân lặng đã lâu rồi, nhưng sao tôi vẫn đắm chìm trong suy nghĩ, đắn đo không biết ngày xưa có phải vì những tính chất này của diệu tướng Đức Phật mà người xưa rất hiếm hoặc là chưa từng dùng con người để hoá thân vào diệu tướng, và hầu hết diệu tướng của Phật còn thường trụ trên thế gian đều là do các vật chất vô tình của thế gian tạo thành như vàng, bạc, đồng, sắt, gỗ, bảy báu.v.v…

Tính chất sắc tức thị không trong tất cả các chất liệu vô tình thế gian mới có thể mô tả và chuyển tải hết thảy diệu ý “sắc không, không sắc” của 32 tướng tốt 80 vẻ đẹp của Diệu tướng Từ Tôn theo quan niệm của tín tâm học Phật cũng như sự khát ngưỡng chiêm lễ chân tướng của Phật Đà của bao lớp người con của Phật, cũng chính vì vậy mà cách duy nhất để có thể chiêm ngưỡng được Diệu Tướng Từ Tôn là dùng ba nghiệp thanh tịnh, nhất tâm chiêm lễ mới có thể thể nhập và cảm nhận đầy đủ vô lượng nghĩa Diệu Tướng Từ Tôn

Phật diện du như tịnh mãn nguyệt

Diệc như thiên nhật phóng quang minh

Viên quang phổ chiếu ư thập phương

Hỷ xá từ bi giai cụ túc

“trăng sáng tròn đầy không thể sánh với nét đẹp viên mãn của dung nhan diệu tướng Đức Phật. Ánh sáng của ngàn mặt trời rạng chiếu sáng soi mới đủ đầy diễn bày hết nét đẹp rạng rỡ của Từ Tôn, Diệu tướng của Đức Phật tròn đầy viên mãn trong mười phương không còn gì có thể sánh được. Nét đẹp viên mãn tròn đầy đức tánh của từ bi, cụ túc hạnh nguyện hỷ xã”.