Nhân Cách Của Một Vị Bồ Tát – Từ Lý Tưởng Đến Hiện Thực
Khải Tuệ
Một thời gian sau khi đức Thế Tôn diệt độ, sự phát triển theo nhiều xu thế khác nhau đưa Phật giáo đến tầm cao lý tưởng về một tôn giáo giải thoát và giác ngộ. Theo xu hướng đó, các nhà Phật giáo đương thời đã bước theo hai xu thế: ẩn mình thiền định trong chốn rừng thiêng núi vắng và nhiệt tâm với sự lý luận để hình thành nên một cơ sở triết thuyết vững chắc. Về một phương diện nào đó, sự phát triển như vậy được coi là rực rỡ, tuy nhiên, một tôn giáo phát triển như vậy chỉ là lý tưởng cho một thành phần bậc cao của xã hội mà bỏ quên lợi ích quần chúng.
Đạo Phật ra đời không phải chỉ để khai ngộ cho những thành phần ưu tú vốn đã có nhiều thắng duyên với đức Phật lịch sử mà Phật giáo ra đời với bản nguyện của đấng Đạo sư là khai ngộ cho tất cả chúng sanh chứng vào tri kiến Phật.
Để lấp vào chỗ trống quan trọng đó, các nhà Đại-thừa đã đứng ra tái thiết lại hình ảnh và công hạnh của đức Phật trong vô lượng kiếp hành Bồ-tát hạnh, có ghi rõ trong mục Bổn sanh-Jātaka, hình thành nên một hệ thống văn học Đại-thừa và hình ảnh của một vị Bồ-tát trên cơ sở đó cũng được xây dựng và phát huy mạnh mẽ.
Bồ-tát, nói cho đủ là Bồ-đề Tát-đỏa, xuất phát từ tiếng Phạn là Bodhisattva bao gồm hai nghĩa chính là “hữu tình giác” và “giác hữu tình”, tức là một chúng sanh được giác ngộ và cũng là bậc làm cho chúng sanh giác ngộ. Một vị Bồ-tát chỉ được gọi là Bồ-tát khi và chỉ khi vị đó phát nguyện và hành trì hạnh nguyện lợi tha, một hành động lợi tha xuất phát từ tâm nguyện vì đạo Bồ-đề, vì sự giác ngộ của mình và của người đúng như từ Bodhisattva, chứ không phải là lợi tha với ý nghĩa chỉ mang điều lợi ích đến với mọi người như nghĩa của từ volunteer mà ta thường thấy. Điều này sẽ bắt gặp rõ ràng trong Khuyến phát Bồ-đề tâm văn: Xa lìa tâm Bồ-đề mà làm các điều thiện, thì những điều thiện đó tuy cũng là điều tốt nhưng không phải là việc của nhà Phật khuyến khích. Phật giáo không chỉ khuyến khích con người hành thiện thôi mà hành thiện để hướng tâm đến đạo Bồ-đề, vì chỉ khi đến đạo Bồ-đề thì mới thật sự là giải thoát mọi khổ, nếu chỉ hành thiện thôi thì chỉ hưởng quả báo trời người, tuy có vui đó nhưng vẫn còn trong luân hồi và sẽ còn trở lại thọ khổ.
Được xây dựng trên cùng một liệu chất của từ bi, từ bi trong hành động lợi tha của Bồ-tát được đặt căn bản trên Bồ-đề tâm và mục đích cuối cùng của hành động đó là đem lại Bồ-đề quả cho cả mình và người.
Từ nhân cách lí tưởng theo tư tưởng Đại-thừa
Từ và bi nêu trên đã từng được coi như là hai yếu tố cốt tủy làm một pháp hành tạo nên diện mạo của Phật giáo, cùng với trí tuệ, người ta xem đó như hai cánh của con chim không thể nào thiếu đi được. Kinh điển Phật giáo mà đặc biệt là kinh điển Đại-thừa hầu như không có kinh nào bỏ qua điều này, bởi tư tưởng của Đại-thừa luôn hướng đến hạnh nguyện lợi tha, mở mang đạo Bồ-đề cho tha nhân là công hạnh để đạt đến vô thượng Bồ-đề của tự thân và nhân vật lí tưởng lấy hai pháp hành đó làm nhân cách chính là chư vị Bồ-tát.
Chất liệu từ bi xây dựng tinh thần vị tha theo mục đích vì đạo Bồ-đề là nhân cách của Bồ-tát. Từ chất liệu từ bi ấy, Bồ-tát hàng thượng thừa và bậc Vô thượng đẳng chánh giác dùng làm thần thông diệu dụng để thể hiện thần biến đó là Từ bi Tam-muội (mahākaruṇāsamādhi). Chính đức Phật đã thị hiện thứ Tam-muội này để hình thành nên thế giới Quang Tịnh của Hoa nghiêm. Một tình thương xuất phát từ con tim rất thông thường như con tim của chúng ta đã trở nên vô biên tế nhờ quá trình công phu tu tập từ vô lượng kiếp trước khi thành Phật mà có được. Chính từ bi, một pháp tu vốn xuất sinh từ khả tính yêu thương của con người đã trở thành yếu tố tâm linh để tu tập dưới nhãn quan của Đại-thừa giáo, “từ là đạo tràng, vì đối xử bình đẳng với tất cả chúng sanh. Bi là đạo tràng, vì nhẫn nại các khổ nhọc”. Từ bi ấy hướng đến đạo Bồ-đề với một thời gian vô hạn và tâm vô chấp trước của chư Bồ-tát đã làm nên diệu dụng.
Văn Thù (Mañjuśrī), Phổ Hiền (Samantabha), Địa Tạng (Ksitigarbha), Quan Âm (Avalokiteśvara) là những vị Bồ-tát tiêu biểu trong số vô lượng vô biên chư Bồ-tát thuộc kinh văn Đại-thừa mà ta thấy được. Hàng Bồ-tát ấy là tiêu biểu cho ý hướng Đại-thừa, mang trên mình hạnh nguyện lợi tha, thương yêu và cứu vớt chúng sanh như một bản hoài bất tận mà ắt hẳn nếu không có sức từ bi tam muội thì khó mà thành tựu được. Trụ nơi lòng từ bi đó, Bồ-tát nghĩ cho chúng sanh mà không nghĩ đến bản thân mình, làm lợi ích cho người mà không thấy có việc mình làm, không thấy có người nhận ơn đức đó, tam luân vắng lặng, một tinh thần vị tha tuyệt đối đúng như lý tưởng của Đại-thừa.
Lí tưởng Bồ-tát cao vời vợi như thế nhưng không cách xa, tuy thậm thâm vi diệu nhưng vẫn hiện hữu nơi chúng ta, nơi mỗi một con người, bởi vì Đại-thừa là “nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh”. Những nhân cách lý tưởng được mô tả bàng bạc trong kinh đó là những khát khao mà ta sẽ đạt được khi ta, những chúng sanh thực hữu trên trái đất này, vén lên được màn vô minh để tâm thức tiếp xúc với thế giới tâm linh và bộ áo giáp ngã chấp trong ta được hoàn toàn tan chảy. Bởi vì Pháp giới (Dharmadhātu) của Hoa nghiêm không tách lìa khỏi thế giới này (Lokadhātu).
Bồ-tát trong tư tưởng Phật giáo Đại thừa cũng được thể hiện trong đoạn trích ngữ lục của thiền sư Lâm Tế: “Có một số Tăng đồ tìm kiếm Văn-thù trên Ngũ đài sơn, nhưng họ đã bước sai đường rồi. Chẳng có Văn-thù nào trên Ngũ đài sơn. Các vị muốn biết Ngài ở đâu không? Ngay tại lúc này, cái gì đó nó đang hành sự trong các vị, vững vàng không lay động, tin chắc không nghi ngờ, cái đó chính là Văn-thù sống vậy. Ánh sáng vô phân biệt chớp lên trong một niệm của các vị, đấy là ngài Phổ Hiền của các vị thường trụ chân thật. Mỗi một niệm của các vị, mà biết cách bẻ gãy xiềng xích, được giải thoát trong mọi thời, đó là đang thâm nhập vào Chánh định của Quan Thế Âm. Mỗi vị cũng hiện hành đồng thời và đồng xứ, tuy ba mà một. Một khi hiểu được vậy, các vị có thể tụng đọc các kinh điển”.
Và hiện thực của Bồ-tát sơ phát tâm
Từ ngữ lục trên của đại sư Lâm Tế, trong mỗi một chúng ta, hẳn nhiên ai ai cũng có một phần khả tính của Bồ-tát, và vì thế, Đại-thừa đã không câu nệ đến danh xưng khi một hữu tình đã phát khởi tâm Bồ-đề. Xuất phát từ nhân cách lý tưởng của Bồ-tát đã đăng địa, Bồ-tát sơ phát tâm sẽ học tập theo nhân cách này bằng một khuôn khổ giới điều được lấy ra trong kinh Phạm Võng, vì dĩ nhiên, với những Bồ-tát sơ phát tâm này, những bước đầu học hạnh của đại Bồ-tát phải bắt đầu bằng những bài học cơ bản để đi đúng đường Bồ-tát mà không bị lệch lạc bởi trọng nghiệp của phàm phu, những bài học đầu tiên đó chính là mười giới trọng và bốn mươi tám giới khinh của Bồ-tát.
Bắt đầu từ giới không sát sanh, Bồ-tát sơ phát tâm học hạnh đại bi bằng giới luật để vững chắc niềm tin tuyệt đối nơi thánh hạnh của mình. Khác với hàng Thanh văn, thứ tự giới điều của hàng Bồ-tát đưa giới sát lên hàng đầu tiên để nhấn mạnh và khẳng định hạnh từ bi là hạnh căn bản của Bồ-tát mà Bồ-tát sơ tâm cần phải học tập. Từ giới sát của mười trọng giới, xuyên suốt trong bốn mươi tám giới khinh, hạnh từ bi được nhắc đi nhắc lại nhiều lần như giới không ăn thịt, giới đi sứ, giới phóng hỏa, giới chứa khí cụ sát sinh, giới không phóng sinh, giới nuôi sống bằng tà mạng, giới tổn hại chúng sanh…
Để hình thành nên một nhân cách chân chánh cho hàng Bồ-tát sơ tâm, bên cạnh phần giới thuộc về từ bi, Phạm Võng cũng còn đề cập đến nhiều phần mục khác rải rác trong suốt phần điều giới. Nhân cách của một kẻ lấy lợi tha làm hạnh nguyện đã dạy người Phật tử không trộm cướp, không nói dối, dạy người sám hối tội lỗi, thăm hỏi người bị bệnh, và nhất là luôn mang trong mình hoài bảo khiến chúng sanh phát tâm Bồ-đề.
Làm thế nào mà hàng Bồ-tát đăng địa đã thực hành hạnh nguyện lợi tha bằng một tâm từ tuyệt đối nếu không cởi bỏ những vướng mắc về cái tôi và cái của tôi? Hạnh lành lợi tha chỉ thành tựu viên mãn khi và chỉ khi chiếc áo giáp sắt về bản ngã hoàn toàn được tan chảy. Và vì vậy, để ngăn mình khỏi tập khí của phàm phu, những giới điều như tự khen mình chê người, giận hờn khư khư không hỉ xả, đem sân trả sân đem đánh trả đánh, không cung kính thầy bạn, khinh ngạo người… được thiết lập để sơ tâm Bồ-tát học tập và hành trì.
Động lực để nuôi dưỡng hạnh lành của chư Bồ-tát hẳn là không gì khác ngoài tâm Bồ-đề, bởi chỉ có tâm cầu Bồ-đề đạo một cách nhiệt thành mới đủ lực để nuôi dưỡng thiện hành của chư Bồ-tát. Và bởi vì “vong thất Bồ-đề tâm, hành chư thiện pháp thị danh ma nghiệp”. Bởi tầm quan trọng đó, điều giới của Phạm võng đề cập đến giới tạm bỏ tâm Bồ-đề, giới không phát thệ nguyện…
Theo Phật giáo Đại-thừa, công hạnh của Bồ-tát là vì sự giác ngộ, giải thoát mọi khổ đau cho các chúng sinh. Công hạnh này có được là nhờ vào dòng sữa pháp uyên linh và mầu nhiệm của Đại-thừa, nhờ vào sự gia hộ thọ ký của ba đời chư Phật và sự trợ duyên phò trì của chư Bồ-tát, và chính vì vậy Bồ-tát sơ phát tâm muốn cầu Bồ-đề vô thượng ngoài công việc cứu khổ chúng sinh, Bồ-tát kiếp kiếp đời đời phù trì Tam bảo, làm hưng thịnh Chánh pháp để đạo Bồ-đề đến với tất cả chúng sanh. Tăng bảo là thành phần trụ trì thế gian nên hết lòng kính trọng phụng trì bản chất thanh tịnh và hòa hợp; giới phá hòa hợp tăng, hủy báng tam bảo được coi là giới trọng của hàng tân học Bồ-tát. Bên cạnh đó, để hướng thẳng vào một con đường, định vị cho bước chân hàng tân học đi đúng theo đạo Đại-thừa Bồ-đề vô thượng những học giới như giới không cúng dường thỉnh pháp, không đi nghe pháp, trái bỏ tâm Đại-thừa, không học pháp Đại-thừa, không cúng dường kinh luật, hạn chế sự lưu truyền của pháp và Tăng đoàn… được thiết lập nên để làm khuôn thước giữ gìn cho hàng tân học đi đúng theo chánh đạo.
Học hạnh từ bi, loại trừ tập khí về bản ngã, luôn nuôi dưỡng và củng cố tâm Bồ-đề của mình không để gián đoạn và đời đời phụng sự Đại-thừa không bao giờ mệt mỏi, trùng hưng Tam bảo để Phật pháp tồn tại mãi mãi trên thế gian, tất cả điều đó là những thước đo căn bản tạo thành nhân cách cho một Bồ-tát sơ tâm hành Bồ-tát hạnh để hướng đến đạo quả Bồ-đề.
Bằng những mẩu truyện tiền thân xuất phát từ Tiểu bộ kinh thuộc kinh tạng Pāli, đức Thế Tôn đã nhiều lần khẳng định hạnh lành của Bồ-tát là thắng hạnh duy nhất miên viễn mà Ngài đã trải qua trên con đường tìm cầu Bồ-đề vô thượng để tu tập và cứu độ chúng sanh, nhờ công đức lành và định lực kiên cố hướng đến đạo quả Bồ-đề, sau bốn mươi chín ngày thiền quán và đoạn tận những hữu lậu cuối cùng, Ngài đã bừng lên ánh sáng giác ngộ, chuyển mình từ một hữu tình thành một đấng Thế Tôn, đầy đủ công đức và định lực để hiển bày Pháp giới của Hoa nghiêm ngay trong rừng Thệ-đa của thế giới này.
Đại-thừa đã mở ra một con đường mầu nhiệm để dẫn dắt tất cả chúng sanh, tất cả phàm thánh, tất cả những ai chỉ cần người đó phát khởi tâm Bồ-đề, và vì thế, hàng tân học Bồ-tát sẽ học theo nhân cách và hạnh nguyện của Bồ-tát này, để kiến tạo nên một xã hội an bình của Đại-thừa Phật giáo hóa và một thời gian nhất định trong mai sau, sẽ thừa hưởng gia tài vô tận của Bồ-tát thượng thừa, bởi những nhân lành đã gieo được, và bởi họ đã kiến tạo cho mình một nhân cách của hàng Bồ-tát.
Nguồn: Tập san Pháp luân 54