Nguồn Gốc Truyền Thuyết Phong Tục Tập Quán Lễ Tiết Trong Tết Trung Thu
Thanh Như lược dịch và biên tập
Mỗi năm đến ngày rằm tháng tám là tiết trung thu, đây là một trong bốn lễ tết truyền thống của Trung Quốc. Tiết Trung Thu (Thu), tiết Nguyên đán (Xuân), tiết Thanh Minh và tiết Đoan Ngọ.
“Tiết Trung Thu”, lần đầu tiên được nhìn thấy trong “Chu Lễ”. Ngày15 tháng 8 âm lịch, rơi vào trung tuần tháng tám mùa thu trong năm, nên được gọi là “Trung Thu”. Theo lịch của Trung Quốc cổ đại, một năm có bốn mùa, mỗi mùa lại phân ra thành ba thời kỳ: Mạnh, Trọng và Quý, ba tháng mùa thu, tháng thứ hai gọi là Trọng Thu.
Đến thời Ngụy, Tấn, có “Dụ Thượng Thơ trấn ở Ngưu Hào, đêm Trung Thu cải trang cùng tả hữu dạo chơi ngắm trăng trên sông (Duẩn Giang Phiếm Nguyệt)”. Mãi đến đầu triều đại nhà Đường, Tiết Trung Thu đã trở thành một lễ hội cố định. Trong “Đường Thư Thái Tông Ký” cũng nói “Ngày rằm tháng tám là Tiết Trung Thu”. Tiết Trung Thu bắt đầu thịnh hành vào triều nhà Tống, đến thời nhà Minh, nhà Thanh đã được sánh ngang với tết Nguyên Đán, và đã trở thành một trong những ngày lễ chính của Trung Quốc. Đây cũng là lễ hội truyền thống lớn thứ hai sau lễ hội mùa xuân tại Trung Quốc.
Theo lịch phápTrung Quốc, ngày 15 tháng 8 âm lịch là ngày giữa mùa thu, cũng là tháng thứ hai của mùa thu, nên gọi là “Trọng Thu”, mà 15 tháng 8 lại nhằm vào “Trọng Thu”, nên gọi là “Trung Thu”. Tiết Trung Thu có nhiều tên gọi khác nhau, bởi ngày này rơi vào 15 tháng 8 trong mùa thu, nên gọi là “Tiết Tháng Tám”, “nửa Tháng Tám”; hoạt động chính của tiết Trung Thu là mọi người xoay quanh trăng để vui chơi, nên gọi là tết trăng (月节), đêm trăng (月夕), ánh trăng tròn đầy của đêm trung thu, tượng trưng cho sự đoàn viên nên cũng gọi là tiết đoàn viên (团圆节).
Vào thời nhà Đường, tiết Trung Thu còn được gọi là “Đoan Chánh Nguyệt” (端正月). Trong “Tây Hồ Du Lãm Chí Dư” có nói: “Rằm tháng 8 gọi là Trung Thu, dân gian hội họp đem bánh tặng nhau, cùng thưởng trăng”. Trong “Đế Kinh Cảnh Vật Lược” cũng nói: “Rằm tháng tám tế trăng, trong đó bánh Trung Thu và dưa hấu tuyệt đối không thể thiếu, bánh phải tròn, dưa hấu cần phải cắt hình răng cưa giống như hoa sen… ngày này, những người phụ nữ dù ở đâu, cũng phải trở về nhà chồng, gọi là tiết đoàn viên.
Tết trung thu và truyền thuyết Hậu Nghệ Hằng Nga
Theo sự phát triển không ngừng của từng thời đại, nên có rất nhiều truyền thuyết mà người xưa gán cho mặt trăng, từ thiềm thừ (con cóc) cho đến ngọc thố (chú thỏ ngọc), từ Ngô Cang phạt quế cho đến Thường Nga Bôn Nguyệt (hằng Nga chạy quanh trăng), phong phú hơn của trí tưởng tượng là miêu tả thế giới cung trăng qua một thắng cảnh đầy màu sắc tạp loạn. Từ đời Hán đến đời Đường, các tao nhân mặc khách đua nhau làm thơ ca ngợi trăng, ngày rằm tháng 8 trăng tròn là thời khắc tuyệt vời nhất để họ thể hiện cảm xúc.
Khoảng niên hiệu Thái Tông thời Bắc Tống (976-997 CN), hàng quan gia chính thức quyết định lấy ngày 15/8 làm ngày tết Trung Thu, để cho muôn dân đồng vui chơi. Đêm Trung Thu, ánh trăng trên không trung, treo lơ lửng giữa trời, tỏa ánh sáng trong lành đầy khắp mặt đất, mọi người lấy trăng tròn làm biểu tượng cho sự đoàn viên, lấy ngày 15/8 làm ngày đoàn tụ với thân nhân, do đó tết Trung Thu còn gọi là “Tiết Đoàn Viên”
Tiết Trung Thu trở thành lễ hội trọng đại trong năm, nó còn có mối quan hệ rất tinh tế với các kỳ thi cử. Trong xã hội phong kiến Trung Quốc, việc mở khoa thi để tuyển chọn kẻ sĩ, luôn là một sự kiện lớn mà các nhà lãnh đạo rất xem trọng, ba năm khảo thí một lần để tiến cử bậc hiền tài, việc khảo thí được sắp xếp và tổ chức lại nhằm vào tháng tám. Cảnh trí và tình cảm cần phải kết hợp với nhau, tức là họ gọi người ứng thí cao trung bằng lời vinh dự là người bẻ quế. Mỗi khi đến Trung Thu, họ đều long trọng chúc tụng lẫn nhau và, tết Trung Thu đã trở thành phong tục quan trọng của nhân dân toàn xã hội, luôn thịnh hành qua nhiều triều đại.
Có nhiều truyền thuyết liên quan đến nguồn gốc Trung Thu được lưu truyền trong dân gian Trung Quốc, đó là câu chuyện chàng Hậu Nghệ luôn thương nhớ Thường Nga trong cung trăng, cho nên vào đêm trăng tròn của ngày rằm tháng tám, mọi người thiết lập hương án, bày biện mật ong và trái cây tươi, cầu nguyện Thường Nga được kiết tường bình an. Về sau việc bái tế này lưu truyền trong dân gian, và trở thành tập tục tế trăng cầu nguyện đoàn viên.
Những nhà nghiên cứu văn học phong tục dân gian cho rằng, lễ hội Trung Thu được bắt nguồn từ tổ tiên ông bà sùng bái mặt trăng, các bậc vua chúa thời cổ đại cũng có các ngày lễ chế như cúng tế mùa Xuân, lễ tế trăng mùa thu. Đến đời Chu, nghi thức triều bái mặt trăng bắt đầu thay đổi theo mùa, trong “Chu Lễ” đã có từ “Trung Thu” vào thời đó. Trước triều đại nhà Hán, đêm thu tế trăng đã liệt vào điển chương của triều đình, đến đời Đường, phong tục tế trăng càng được mọi người xem trọng, tiết Trung Thu cũng đã trở thành lễ hội.
Trung thu tế trăng, là một tập tục rất cổ xưa của Trung Quốc. Theo sử liệu ghi chép, vào đầu nhà Chu, các vị vua chúa có tập tục là mùa Xuân tế Nhật, mùa Hạ tế Địa, mùa Thu tế Nguyệt và mùa Đông tế Thiên. Nơi cúng tế gọi là Nhật đàn, Địa đàn, Nguyệt đàn và Thiên đàn. Phân ra bốn hướng Đông, Nam, Tây, Bắc. Nguyệt đàn của Bắc Kinh chính là nơi các hoàng đế đời Minh, Thanh tế nguyệt.
Trong “Lễ Ký” có ghi: “Thiên tử mùa xuân tế mặt trời, mùa thu tế mặt trăng”. Phong tục này không chỉ dành riêng cho cung đình và hàng quý tộc thực hành, theo đà phát triển của xã hội, nó cũng dần dần ảnh hưởng đến dân gian.
Phong tục thưởng trăng bắt nguồn từ tế trăng, cúng tế nghiêm túc trở thành niềm an vui nhẹ nhàng thoải mái. Hoạt động thưởng trăng Trung Thu trong dân gian bắt đầu vào thời kỳ Ngụy, Tấn, nhưng chưa trở thành tập tục. Đến đời Đường, Trung Thu thưởng trăng, chơi trăng rất thịnh hành, trong những thiên thi ca nổi tiếng của các thi nhân, đều có những câu thơ ca tụng trăng. Phải đến đời Tống, mới hình thành và chính thức quyết định lấy hoạt động thưởng trăng làm trung tâm lễ hội Trung Thu theo phong tục tập quán dân gian.
Việc thưởng trăng của người đời Tống và đời Đường càng không giống nhau, chính là ở chỗ khi họ thưởng trăng, hoặc lúc ngắm nhìn sự vật thì dễ xúc động thương tâm, hay ví von những sự việc trong cuộc đời là vô thường, như trăng tròn lại khuyết, rồi dụ cho nhân tình thế thái, khiến cho ánh sáng của vầng trăng trong đêm Trung Thu cũng bị nhòa đi bởi sự thương cảm của họ. Nhưng đối với người sống trong triều đại nhà Tống mà nói, Trung Thu còn có hình thái khác, đó là lễ hội để cho mọi người vui chơi.
Trong “Đông Kinh Mộng Hoa Lục” nói: “Trước tết Trung Thu, các cửa hàng đều bán rượu mới, các gia đình quý tộc thiết lập nhà thủy tạ, kết đèn hoa trang trí, nhà dân thì tranh nhau lấn chiếm đầy các tửu lầu, lắng nghe tiếng nhạc tấu từ nghìn dặm đưa về, vui chơi cho đến bình minh”. Đêm Trung Thu đời Tống là đêm không ngủ, phố chợ kinh doanh và người dạo chơi thưởng trăng thâu đêm suốt sáng.
Văn nhân thưởng nguyệt
Sau triều đại Minh, Thanh, bởi mối quan hệ của thời đại, nên nhân tố hiệu quả và lợi ích thực tế trong sinh hoạt xã hội nổi bật, tình cảm của mọi người đối với lễ hội hằng năm càng thêm nồng hậu. Họ lấy việc “thưởng trăng” làm trung tâm để giảm đi phần nào tính trữ tình, tính thần thoại truyền thống của văn nhân.
Nguyện vọng, tình cảm của người thế tục cùng với sự cầu nguyện lễ bái đối với dân chúng bình thường có tính hiệu quả và lợi ích, đã tạo thành hình thái chủ yếu cho phong tục tết Trung Thu . Nhân đây, “Dân Gian Bái Nguyệt” đã trở thành niềm khát vọng đoàn tụ, vui vẻ và hạnh phúc của mọi người, đó là lấy trăng để gửi gắm tình cảm.
Dân gian bái nguyệt (cúng trăng)
Hình tượng Nguyệt Thần trong thời kỳ Minh, Thanh, đã trải qua những đổi thay quan trọng. Lúc đầu cảnh vật trong tranh Nguyệt cung lấy Thường Nga làm chủ với màu sắc thuần Đạo giáo, về sau họ đã đem Phật giáo và Đạo giáo trộn lẫn vào nhau, tức là Thường Nga biến đổi thành Bồ tát Nguyệt Quang cùng song hành với hình tượng thế tục Ngọc Thố giã thuốc. Trong thời gian này, mọi người phụng thờ Bồ tát Nguyệt Quang được vẽ trên giấy Nguyệt Quang, cũng gọi là “Nguyệt Quang Mã Nhi”.
Nguyệt quang mã nhi
“Yên Kinh Tuế Thời Ký” (燕京岁时记) của Phú Sát Đôn Sùng (1906) có ghi chép: “Nguyệt Quang Mã dùng giấy để họa, phía trên vẽ Thái Âm tinh quân, giống như hình tượng Bồ tát, phía dưới vẽ Nguyệt cung và chú thỏ giã thuốc, người đứng cầm chày, nét họa tinh xảo đẹp đẻ, màu sắc rực rỡ, người vui chơi giữa thị tứ rất đông. Bức tranh dài khoảng 7, 8 thước, ngắn 2, 3 thước, trên đỉnh có hai lá cờ màu hồng lục, hoặc màu vàng, hướng về trăng cúng tế. Thắp nhang hành lễ, cúng bái xong, lấy Thiên trương, Nguyên bảo… cùng đem đi thiêu hủy”.
Nguồn gốc của Thố Nhi gia (chú Thỏ) có khoảng vào cuối đời nhà Minh. “Hoa Vương Các Thừa Cảo” (花王阁剩稿) của Kỷ Khôn (纪坤) người đời Minh (khoảng năm 1636) có ghi chép: Lễ hội Trung Thu tại Bắc Kinh phần nhiều lấy bùn tô quanh hình chú Thỏ, cho mặc quần áo ngồi xổm giống như người, con trai và con gái cúng tế bái lạy”, cho nên không gọi là con Thỏ mà phải cung kính gọi là cụ Thỏ (兔儿爷).
Đến đời Thanh, chức năng của chú Thỏ từ tế nguyệt chuyển biến về sau trở thành công cụ vui chơi của trẻ em trong lễ hội Trung Thu. Họ chế tác chú Thỏ ngày một tinh vi hơn, có khi họ sắm vai thành võ tướng đầu đội khôi giáp, mình mang chiến bào, lưng cắm cờ giấy hoặc dù giấy, hoặc ngồi, hoặc đứng. Ngồi thì ngồi trên kỳ lân hổ báo… Cũng có khi các trẻ sắm vai chú Thỏ làm tiểu thương, hoặc cạo tóc làm sư phụ, hoặc may giày dép, hoặc bán bánh vằn thắn, bán nước trà… rất nhiều thứ.
Thố Nhi Gia (cụ Thỏ trong tết trung thu)
“Mỗi lần đến mùa Trung Thu, cái kỷ xảo của các tiểu thương là dùng đất vàng tô quanh hình con cóc (thiềm thừ) và chú thỏ để bán, gọi là Thố Nhi Gia (cụ Thỏ)”. Trước đây tại Bắc Kinh có một dãy gian hàng biển hiệu là Đông Tứ (đời Minh), thường có quày hàng chuyên bán Thỏ – vật tế trăng Trung Thu. Ngoài ra, hàng giấy phía nam, cũng có bán các loại nhang, đèn… Chú Thỏ này trải qua sự sáng tạo của các nghệ nhân trong dân gian, đã nhân cách hóa nó từ lâu. Nó là chú Thỏ đầu người, mình người, tay cầm chày ngọc. Về sau có người mô phỏng sáng tạo nhân vật Thỏ cho hí kịch, uốn nắn chú thỏ thành võ sĩ kim khôi kim giáp, có khi cưỡi những mãnh thú như sư tử, voi…, có khi cưỡi phi cầm như Khổng tước, Hạc tiên… Đặc biệt là cưỡi mãnh hổ, tuy là kỳ quái, nhưng lại là sự sáng tạo can đảm của nghệ nhân dân gian. Nó tuy là vật để cúng tế bái nguyệt, nhưng thật ra lại là món đồ chơi tuyệt vời của các trẻ em.
Lễ hội Trung Thu có rất nhiều hoạt động vui chơi, trước hết là chơi đèn hoa. Trung Thu là một trong những lễ hội Tam Đại Đăng của Trung Quốc, có lễ hội thì phải chơi đèn. Đương nhiên, Trung Thu không giống lễ hội hoa đăng với mô hình lớn của tết Nguyên tiêu, chơi đèn chủ yếu chỉ là trong phạm vi giữa gia đình cùng với trẻ em nhi đồng.
Lồng đèn Trung thu
Trong “Võ Lâm Cựu Sự” (武林旧事) của Bắc Tống, có ghi chép lại phong tục lễ hội đêm Trung Thu, chính là hoạt động vui chơi lấy đèn “Nhất điểm hồng” làm bè thả trôi trên sông. Đèn hoa chơi đêm Trung Thu, phần nhiều đều tập trung ở phương nam. Như hội Phật Sơn Thu Sắc trước đây, có rất nhiều loại lồng đèn màu: Đèn hạt mè, đèn vỏ trứng, đèn bào hoa (dăm bào, vỏ bào), đèn rơm, đèn vẩy cá, đèn vỏ lúa, đèn hạt bí ngô và các loại đèn tạo hình chim thú hoa cây… khiến cho mọi người khen ngợi.
Múa rồng lửa là tập tục truyền thống đặc sắc và phong phú nhất trong lễ hội trung Thu tại Hồng Kông. Hoạt động múa rồng lửa long trọng cử hành liên tục ba đêm tại khu vực Đồng La Loan – Đại Khanh Hồng Kông, bắt đầu từ đêm 14 tháng 8 âm lịch. Con rồng lửa này dài hơn 70 mét, dùng cỏ trân châu bện thành thân rồng có 32 đốt, trên thân rồng cắm đầy hương trường thọ. Đêm của lễ hội, khắp đường phố hay trong hang cùng ngõ hẻm, dưới ánh sáng, một con rồng lửa dài ngoằn ngoèo, uốn lượn nhấp nhô nhảy múa theo tiếng trống tiếng nhạc tưng bừng, vô cùng nhiệt náo.
Còn có một truyền thuyết về nguồn gốc múa rồng lửa Trung Thu ở Hồng Kông: Trước đây rất lâu, khu vực Đại Khanh sau một lần bị cơn bão tấn công, bỗng nhiên tại đây xuất hiện một con rắn mãng xà, làm ác khắp nơi, các thôn dân chia nhau đi lùng bắt, và cuối cùng họ đều bị giết chết. Thật bất ngờ, ngày hôm sau con mãng xà mất tích. Một vài ngày sau, khu vực Đại Khanh liền xảy ra bệnh ôn dịch. Trong thời điểm này, có một vị phụ lão trong thôn bỗng nhiên được Bồ Tát thác mộng nói, chỉ cần múa rồng lửa trong dịp Tết Trung Thu, mới có thể thoát khỏi bệnh ôn dịch. Điều này là một sự trùng hợp ngẫu nhiên và có hiệu quả. Kể từ đó, múa rồng lửa được lưu truyền cho đến nay.
Múa rồng Trung Thu
Mặc dù truyền thuyết này có rất nhiều thành phần mê tín, nhưng Trung Quốc là quê hương của con rồng, múa rồng lửa trong lễ hội Trung Thu tại Đại Khanh Hồng Kông đã có hơn một trăm năm lịch sử, đây là điều đáng trân trọng. Ngày nay, hoạt động múa rồng lửa tại khu vực Đại Khanh quy mô đáng kể, ngoài tổng giáo luyện, giáo luyện, tổng chỉ huy và chỉ huy, các nhóm bảo mật… luân phiên múa rồng lửa hơn ba mươi nghìn người.
Múa rồng lửa tết trung Thu
Nói tóm lại Tết Trung Thu rằm tháng tám là lễ hội giữa mùa thu, cho nên được gọi là “tiết Trung Thu”, “tiết Trọng Thu”. Vì là ngày lễ hội trong mùa thu, nên còn được gọi là “Tiết Thu”, “Tiết Tháng Tám”, “Hội Tháng Tám”. lễ hội Tiết Trung Thu còn là gọi là “Tết Đoàn Viên”, đây là một tục lệ tín ngưỡng cầu nguyện cho gia đình đoàn viên vui vẽ theo phong tục dân gian, và còn một tên gọi nữa là “Tết Nữ Nhi”. những hoạt động chính trong tết Trung Thu là vào ngày rằm tháng tám mọi người cùng đoàn tụ dưới trăng, xem trăng, ca hát vui chơi, cho nên còn gọi là “Nguyệt Tiết”, “Nguyệt Tịch”, “Ngoạn Nguyệt Tiết”, “Bái Nguyệt Tiết “.