Mẹ ơi! Con đã về

Tiếng chim ríu rít bên sân chùa, ánh nắng vàng cuối hạ chiếu vào những chồi lá xanh tươi, làm cho cảnh vật càng thêm lung linh màu sắc. Những bông hoa phượng cũng nhẹ nhàng xếp cánh, mùa hạ rón rén lùi vào không gian yên lặng, nhường bước cho mùa thu sắp đến. Những ngày này, lòng tôi cứ mênh mang một nỗi buồn, một nỗi nhớ da diết và nhẫm tính đã bao mùa Vu lan trên ngực áo cài đóa hoa hồng trắng, màu trắng đơn côi, màu trắng buồn. Mười lăm mùa Vu lan, mười lăm năm, người mẹ khả kính của tôi đã nằm im trong lòng đất lạnh, đã mãi mãi ra đi không trở về!

Chuông điện thoại reo, đầu dây bên kia tiếng anh trai tôi nghèn nghẹn:

– Cô! Mẹ bịnh nặng đưa đến nhà thương rồi.

Tôi choáng cả người, nhưng cố gắng lên xin phép thầy về quê cho kịp chuyến xe năm giờ chiều. Mẹ tôi rất khỏe, người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, mới vào Sài Gòn thăm tôi cách nay hai tuần thôi mà!

Xe sắp chuyển bánh, mây mù mịt kéo đến, rồi mưa như trút nước, làm mờ cả lối đi. Lòng tôi lo lắng về mẹ, không biết có qua khỏi cơn bệnh hiểm nghèo này không! Nếu mẹ không khỏi bệnh mà ra đi thì…Nghĩ đến đây, hai hàng nước mắt cứ trào dâng, không ngăn được.

Tu sĩ ngồi trên xe khóc kì quá, tôi lén nhìn quanh xem có ai nhìn mình không và phát hiện chị ngồi kế bên lớn hơn tôi khoảng mười tuổi, nước mắt cũng đầm đìa. Tôi ngạc nhiên hỏi:

– Sao chị khóc vậy?

Chị trả lời:

– Tôi ở Quảng Nam, có chồng ở Cai Lậy nay đã hai mươi năm nhưng chưa một lần về thăm nhà, sáng nay người em gọi điện nói là mẹ tôi bị tai biến rất nặng, đang nằm ở Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng khó qua khỏi.

Nói đến đó, chị khóc to hơn làm tôi tỉnh táo không khóc nữa, quay sang hỏi chuyện chị:

– Sao tới hai mươi năm mà chị không về thăm nhà?

– Vì nghèo quá cô ạ! Mỗi lần sắp xếp về thăm cha mẹ thì con tôi lại gặp chuyện nên không có tiền để đi.

Nhìn dáng vóc gầy ốm và gương mặt xanh xao của chị tôi cảm thấy chạnh lòng. Một người con gái lấy chồng xa gia đình, vì hoàn cảnh khó khăn mà không thể về thăm cha mẹ, khi nghe tin mẹ sắp mất mới về thăm thì còn gì đau lòng hơn. Tôi cố tìm lời khuyên chị, cũng là tự an ủi chính bản thân mình để con đường về quê thu ngắn lại, để niềm đau của hai kẻ làm con xa xứ được xoa dịu. Khi ấy không có phương tiện liên lạc như bây giờ nên tôi cũng không biết mẹ tôi thế nào, chỉ biết lâm râm niệm Phật, cầu nguyện.

– Tôi bất hiếu quá phải không cô?- chị lại hỏi- nếu mẹ tôi có mệnh hệ gì thì tôi ân hận mãi. Từ hồi giờ tôi không nghĩ sẽ có ngày hôm nay, cứ lo kiếm tiền nuôi con. Ngay sáng hôm nay, khi nghe mẹ tôi bệnh không qua khỏi thì tôi mới nghĩ sao mình vô tình quá, mẹ nuôi mình lớn khôn, rồi mình lại đi lấy chồng, lo chết lo sống với chồng con, mà không nhín chút ít thời gian, dành ít tiền bạc để về thăm mẹ. Giờ này nghe tin thì chỉ biết khóc, nước mắt mình bây giờ đâu có thể xóa được cái lỗi vô tình ấy hả cô?

– Chị à! Chị biết nghĩ như vậy là quý rồi. Chỉ vì cuộc sống cơ cực mà chị không về thăm mẹ được thôi. Nếu chị sống tốt với chồng con, với mọi người xung quanh thì chắc mẹ chị sẽ thương mà không buồn trách chị đâu!

Nghe tôi nói thế, đôi mắt mệt mỏi của chị nhìn tôi để tìm câu trả lời.

– Chị sai là không về thăm mẹ, nhưng trong cuộc sống chị không làm gì lầm lỗi với gia đình chồng và những người xung quanh là quý lắm rồi. Mỗi người mỗi duyên nghiệp, chị có duyên lấy chồng xa nên có lỗi với mẹ mình, giả như chị có chồng gần mà suốt ngày chị không tốt với gia đình bên chồng để họ mắng vốn mẹ chị thì chị nghĩ sao! Lúc đó, mẹ chị sẽ khổ vì nghĩ con mình không hoàn hảo. Như thế chị có bất hiếu không?

Chị gượng cười trong ánh mắt chia sẻ của tôi.

– Cảm ơn cô.

* * *

Tôi nhìn ra ngoài, mới đến Biên Hòa thôi, xe chạy rất chậm vì nước đã ngập nửa bánh xe mà cơn mưa vẫn chưa dứt. Xe chạy chậm bao nhiêu thì lòng tôi càng nôn nóng bấy nhiêu. Đến một giờ khuya hôm sau, xe mới đến nơi, tôi xuống xe chạy thẳng đến bệnh viện. Tất cả bệnh nhân đều say giấc ngủ. Gặp cô y tá trực đêm, tôi hỏi tên mẹ tôi. Cô bảo nên để sáng hãy tìm, bây giờ khuya lắm rồi.

Hôm đó là đêm Chúa giáng sinh, khí lạnh của miền Trung như cắt da thịt, tôi ra cổng định sẽ chờ cho tới sáng, nhưng lạnh quá chịu không nổi nên đến một ngôi chùa gần đó xin nghỉ tạm. Một tiếng đồng hồ sau, tôi đến xin gọi nhờ điện thoại cho người anh. Tôi nghe tiếng bên kia nói:

– Anh Hải đã về quê rồi.

Tôi hỏi:

– Nghe nói mẹ anh Hải bệnh mà ảnh về quê làm chi?

– Mẹ anh Hải mất rồi, sáng nay là đi chôn đó.

Điện thoại rời khỏi tay, tôi như người vô hồn không biết gì cả. Sư trụ trì biết chuyện nên an ủi và gọi xe cho tôi về.

Đoạn đường từ chùa đó về nhà tôi khoảng hai mươi cây số, vì nước lụt đường cái lầy lội, nên đi rất chậm. Cứ đi một đoạn đường, gặp người quen là họ bảo cô đi nhanh lên, nhưng có đi nhanh được đâu. Về đến nhà mới biết đã đưa mẹ tôi về chôn bên ngoại. Đường cái ngập lầy đi xe không được, tôi phải chạy bộ, giữa đường, xa xa thấy đám tang đi về ngược chiều, một vị thầy đi trước, sáu sư cô đi sau, rồi đến anh và em tôi bưng di ảnh, bát nhang, tiếp theo là một đoàn người kéo dài trên bờ đê lầy lội, một màu tang ảm đạm phủ kín cánh đồng quê. Mọi người nhìn tôi với ánh mắt thương xót, chia sẻ, và bảo tôi đi tới. Tôi tiếp tục lê bước chân nặng nề đến mộ thì đất đã lấp vừa bằng với mặt đất. Tôi lặng người chôn chân cách mộ mẹ hai mét và không bước đến được nữa.

*****

Thế là một đời người đã đi qua, được gì và mất gì, khổ đau hay hạnh phúc? Con người chỉ là hạt bụi bé nhỏ vô thường trong vũ trụ này, hạt bụi luôn hủy hoại trong từng sát na, không phải đợi đến tuổi già, mà mỗi ngày đi qua là sự sống của ta đã giảm đi một ngày. “Cây già cây cỗi, người già người suy”, đó là lẽ hiển nhiên của cuộc đời.

Tôi đã từng tiếp xúc với cảnh sinh li tử biệt của những người thân, và nói về lẽ vô thường cho họ bớt đau xót, nhưng chính lúc ấy bản thân tôi cũng tự nhủ, mà sao vẫn không nén được nỗi buồn thương vô hạn.

Giờ thì:

Tôi không khóc khi áo cài hoa trắng

Vì trong hoa tôi thấy mẹ tôi cười.

Mùa Vu Lan lại về, nhắc ai còn mẹ hãy trở về thăm mẹ, đừng vì bất kì một lí do gì để cho mẹ hiền mãi mỏi mắt chờ trông, để rồi ngày nào đó mẹ không còn trông nữa, con trở về, thảng thốt một niềm đau!

Từ Nguyên-Vu Lan 2011

TNLT