Lược Ý “Lư Hương” Trong Hương Cúng Dường Phật Giáo Bắc Truyền
Thích Tâm Mãn
Lư Hương luôn là vật phẩm cao quý nhất dâng lên cúng dường Tam Bảo trong ý niệm cung kính cúng dường của tín chúng Phật Giáo Bắc Truyền, hình dáng của Lư Hương là sự thể hiện thần thánh nhất của lòng kính trọng, chất liệu tạo nên Lư Hương là sự tổng hợp hết thảy những gì cao quý nhất, tinh tế của vật chất theo quan niệm văn hóa Đông Phương trong thể hiện chân lý vật chất của Phật Giáo Bắc Truyền.
Ấn Độ cội nguồn của Phật Giáo, một trong những cái nôi văn hóa của nhân loại, đồng thời là vùng đất nổi tiếng với rất nhiều tôn giáo và tín ngưỡng phức tạp nhất trên thế giới, vì vậy sự giao thoa, ảnh hưởng lẫn nhau của tư tưởng, triết lý, văn hóa, tập tục, tín ngưỡng của các tôn giáo là điều không phải nghĩ bàn, chính vì vậy trong văn hóa, tư tưởng, triết lý cũng như tín ngưỡng của Phật Giáo, hầu hết đều có sự góp mặt của tập tục văn hóa truyền thống Ấn Độ, vì vậy tục dâng hương cúng dường trong Phật Giáo được truyền vào từ văn hóa truyền thống Ấn Độ.
Trong rất nhiều Kinh điển của Phật Giáo có ghi chép lại nghi thức dâng hương cúng Phật như: Kinh Trường A Hàm quyển thứ hai Kinh Du Hành chép: “Đệ tử của Phật vì Đức Thế Tôn cất Tịnh Xá to lớn, chỉnh lý sửa sang quét dọn lại sân vườn, đốt hương cúng dường.” Trong Kinh Phật Thuyết Giới Đức Hương cũng có chép: “Ngài A Nan lấy hương làm đề tài để thỉnh Phật thuyết pháp, Đức Phật tuỳ duyên khai thị, người tu trì thập thiện, đức hạnh được vang xa, cũng như hương báu có mùi vi diệu được mọi người tán thán”.
Phật Giáo Đông Truyền, lại một lần nữa sự giao thoa giữa hai nền văn hóa Ấn Hoa, càng tạo thêm sắc màu cho văn hóa Phật Giáo. Tục dâng hương cúng Phật lại một lần nữa thăng hoa, chẳng những nội dung mà ngay cả hình thức cũng được người phương Đông chăm chút, Người Phật tử Đông phương khi nhắc đến đi chùa lễ Phật, điều trước tiên mọi người nghĩ đến là phải thắp hương cúng dường vì vậy đi chùa dâng hương cúng Phật, thắp hương cúng Phật, xông hương cúng Phật là nét văn hoá đặc trưng của chư Tăng, Tín chúng Phật Giáo Bắc Truyền.
Khi còn ở Ấn Độ thì mọi người chỉ chú trọng đến việc dâng hương hay xông hương chứ không chú trọng lắm đến các vật dụng để xông hương hay thắp hương, khi đến Đông độ do tập tục cũng như những khái niệm về cung kính, lễ nghi, nghi thức cũng như cách thức dâng hương đều có sự khác biệt không như ở Ấn Độ, cho nên sự ra đời của các khí cụ để dùng cho nghi thức dâng hương ra đời và phát triển thành một trong những khí cụ có nhiều hình dáng vừa quý báu và đẹp nhất, trong rất nhiều pháp khí của Phật Giáo.
Lư Hương là khí cụ dùng để thắp hương xông hương cúng Phật, còn gọi là Hương Lô, hoặc là Huân Lư, trong Kinh Pháp Hoa quyển thứ 5 Phẩm Phân Biệt Công Đức, Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương quyển thứ 6, Kinh Tịnh Phạn Vương Niết Bàn và trong sách Từ Ân Tự Tam Tạng Pháp Sư Truyện quyển thứ 6… đều có đề cập đến các điển tích về Lư hương.
Trong rất nhiều bộ luật của Phật Giáo đều có nghi chép Lư Hương là một trong 18 vật tùy thân của chư vị Tỳ Kheo Phật Giáo Bắc Truyền. Trong các bộ giới kinh của Phật Giáo Đại Thừa như “Phạm Võng Kinh Giới Bổn Sớ”, “Phạm Võng Kinh Cổ Tích Ký Toát Yếu”, “Bồ Tát Giới Kinh Chú Sớ”, ” Bồ Tát Giới Văn Sớ”, “Phạm Võng Kinh Bồ Tát Giới Bổn Thuật Ký”.v.v…đều có ghi chép về Lư Hương là vật tùy thân của các vị Tỳ Kheo. Kinh Phạm Võng quyển hạ chép: “Khi chư vị Bồ Tát tu hạnh Đầu Đà, Bồ Tát du phương, trong tay nãi hành lý của những vị Bồ Tát du hành đem theo là 18 vật tùy thân…”.
Theo cách bài trí thờ phụng trong điện Phật của Phật Giáo Bắc Truyền thì Lư Hương còn là một trong những khí cụ trong hai bộ “Cụ Túc” của Phật Giáo, gồm “Ngũ Cụ Túc” và “Tam Cụ Túc”. Ngũ Cụ Túc gồm hai chân đèn, hai bình bông và một lư hương. Bộ Tam Cụ Túc gồm có một lư hương, một chân đèn, một bình bông.
Lư Hương thường được làm bằng các chất liệu như vàng, bạc, đồng, thiếc, đá, ngọc, ngà voi, lưu ly và bằng sành sứ. Lư hương thường được để trên án thờ nên gọi là “Tọa lư” hoặc là “Cúng Lư”, tùy theo thể loại của hương để dâng lên cúng dường mà có tên gọi khác nhau; như nhang thắp thì gọi là Lư cắm nhang, nếu như thắp để nằm cây hương thì gọi là Ngọa hương lư, còn nếu như dùng hương bột để xông hương thì gọi là Đàn hương lư.
Thường thì ta có thể thấy hai loại chất liệu thường được dùng để tạo lư hương là đồng và sứ, hai loại lư hương này phổ biến nhất. Quan niệm của người Đông Phương, Phật, Thánh ở trên trời và Thần minh ở dưới đất, cho nên khí cụ để dâng cúng cho chư vị này đều phải có phân biệt rõ ràng. Đồng là dương, dương tượng trưng cho trời, cho nên khí cụ dâng cúng cho Phật Thánh thường thì phải làm bằng đồng.
Sành sứ là từ đất, đất thuộc thổ, tượng trưng cho đại địa, cho nên lư hương thờ phụng các vị Thần minh cũng như người ở nhân gian dùng trong sinh hoạt thường ngày, được làm bằng sành sứ. Lại nữa theo quan niệm trời tròn đất vuông thường thì Lư đồng dùng để cúng Phật, Thánh thường có hình tròn, cúng các vị thần minh thường có hình vuông, trong chùa thường dùng hình dáng của hoa sen để làm lư hương, biểu ý thanh tịnh thoát tục.
Lư Hương được tạo rất nhiều hình dáng khác nhau, đại thể có mấy loại hình dáng như: hình Bảo đảnh, Phương đẩu, Sư tử, Chim hạc, Liên hoa.v.v… Hoa văn trang trí thường là các loại hoa văn cổ hoặc là rồng phụng, quỷ thần, và chữ Hán.v.v… Hình dáng của Lư Hương trong quan niệm Phật Giáo Bắc Truyền luôn hàm chứa những diệu ý, không những thể hiện được chân lý của Đạo Phật, mà còn bao hàm cả tính chất văn hóa nghệ thuật của Phật Giáo.
Trong nhà Phật, Lư Hương được gọi là Bảo đảnh có nghĩa là đảnh báu như trong các bài tán hương có câu: “Bảo đảnh nhiệt danh hương” lò báu đốt hương thơm, “Lư Phần Bảo Đảnh Trung” trong bảo đảnh đốt hương báu.v.v…thường thì tất cả lư hương có ba chân, theo quan niệm của Phật Giáo đây là tượng trung cho Tam bảo, Phật Pháp Tăng, không thể thiếu một trong ba cho nên gọi là cụ túc, vì là vật tượng trưng cho Tam Bảo cho nên gọi là Bảo Đảnh, Phật Giáo hưng thạnh thường được dùng từ đảnh thạnh để nói lên ý cụ túc hưng long của Tam Bảo.
Trong các nghi thức của Phật Giáo Bắc Truyền như “Thập cúng dường” hay “Lục cúng dường” vật cúng dường đầu tiên đều là hương, qua đó cho ta thấy hương có vị trí quan trọng như thế nào trong nghi lễ của Phật Giáo, vậy nên dùng các hình dáng đẹp cũng như chất liệu quý hiếm để tạo ra lư hương dâng lên cúng dường Phật rất được tín chúng Phật Giáo Bắc Truyền chú ý, chính vì vậy hình dáng của lư hương rất đẹp và phong phú, rất nhiều thể loại, chất liệu cũng rất là đa dạng, tạo thành một trong những loại hình văn hóa nghệ thuật rất đặc trưng của Phật Giáo Bắc Truyền.
Lư hương thể hiện nét đẹp văn hóa của thiền tư, trong các nghi thức tùng lâm từ tín ngưỡng cho đến sinh hoạt đều không thể thiếu hương, và lư hương luôn là điểm nhấn trung tâm trong các nghi thức đàn tràng cũng như trong thiền đường khi tĩnh tọa. Lư hương còn thể hiện sự thanh tịnh thoát tục khi được bài trí trong thiền thất hay trà am, hình dáng cũng như hàm ý của lư hương, tính cách và biểu trưng của hương lư luôn tạo nên phong cách thanh thoát riêng biệt của thiền.
Lư Hương vật phẩm tượng trưng cho lòng thành kính của Tín chúng Phật Giáo Bắc Truyền, dâng lên cúng dường Tam Bảo, là vật thể hiện tinh thần, tính cách thanh tịnh trang nghiêm của cuộc sống Tăng già Phật Giáo Bắc Truyền. Lư hương bao hàm hết thảy những gì có thể có trong tâm cung kính, nét đẹp của tâm từ, nghệ thuật của tĩnh mặc, văn hóa của cúng dường, thể chất của cao quý trên tất cả cao quý, dâng lên cúng dường Đức “Vô Thượng Sư”.
Hương xông đảnh báu,
Giới Định Huệ hương,
Giải thoát tri kiến quý khôn lường,
Ngào ngạt khắp muôn phương,
Thanh tịnh tâm hương,
Đệ tử nguyện cúng dường.
Nam Mô Hương Cúng Dường Bồ Tát Ma Ha Tát.
Dưới đây Ban Biên tập kính giới thiệu hình ảnh một số Lư Hương bằng đất (tử sa), sứ, đồng…: