Hãy khóc đi con!
Những ấm ức, buồn đau, sợ hãi… nếu bật ra được bằng tiếng khóc, nhiều khi lại giúp ta giải toả nỗi bức xúc đang ngự trị. Đối với con trẻ cũng vậy. Sao cứ nhất thiết bắt chúng phải gồng mình chịu đựng mà không được khóc cho nhẹ lòng?
Lệnh cấm khóc
Nước mắt sẽ làm dịu những ấm ức, lo âu của trẻ, giúp trẻ thêm trải nghiệm sống. Ảnh mang tính minh họa
Bên ly càphê cuối tuần, một người mẹ than phiền rằng cô con gái gần đây có biểu hiện rất lạ. Từ hồi tiểu học, mỗi lần có chuyện gì là cô bé lại kể với mẹ để được chia sẻ, vỗ về. Có khi bé khóc oà vì bạn giận, khi không được phiếu bé ngoan hay bị cô giáo phê bình vì điểm kém… Khi con mèo cưng bị bệnh hay con gấu bông bị rách, cô bé cũng khóc ngon lành. Thế nhưng lên cấp ba, những cuộc nói chuyện như thế ít dần, những trận khóc hồn nhiên cũng biến mất. Gần đây, cô bé về nhà với vẻ mặt đầy âu lo nhưng nhất quyết không chịu chia sẻ với ai trong gia đình.
Mẹ gặng hỏi và tá hoả khi ở chân của con là một vết thương dài đang rỉ máu. Vỗ về mãi, con gái mới kể là lúc chơi ở trường bị ngã vào bờ rào, vì sợ cô giáo rầy, mẹ la nên chịu đựng không dám khóc… “Hãy khóc đi con, khóc cho nhẹ lòng!” – thay vì nghiêm nghị như mọi lần, người mẹ gợi ý. Và cô bé khóc oà…
Nghe chuyện, tôi liên tưởng tới những cuộc tham vấn mang nội dung tương tự. Đó là một học sinh 14 tuổi, được gia đình phát hiện có dấu hiệu trầm cảm, thiếu tập trung, hay nói nhảm một mình. Lần theo các mối quan hệ bạn bè của em này, gia đình mới giật mình con mình rất cô đơn, không hoà nhập tốt với bạn bè. Từ nhỏ, khi ở nhà cô bé đã phải sống tự lập, tự quyết định mọi việc theo định hướng của người cha. Cả nhà tin tưởng cô bé mạnh mẽ nhưng đâu biết sự cương quyết của người cha càng làm cho cô bé lớn lên mất tự nhiên. Cô bé luôn cố che đậy cảm xúc, suy nghĩ của bản thân bằng sự mạnh mẽ giả tạo…
Hay trường hợp của một bé trai, từ khi lên chức anh đã được mẹ gán cho vai trò làm gương với em, không được nhõng nhẽo. Mỗi khi vấp ngã, ấm ức đủ làm cho bé nước mắt ngắn, nước mắt dài nhưng thay vì chia sẻ những nỗi niềm và cảm xúc của con thì người mẹ thường “rèn” cậu bằng những mệnh lệnh: “Nín ngay”. Nếu bé không nghe lời, mọi bực tức sẽ được trút thành đòn roi. Người em càng lớn thì va chạm giữa hai anh em càng nhiều, nhưng người anh thường không được mẹ phân xử công bằng. Cậu phải tuân thủ điệp khúc: “Làm anh con phải nhường”, “Phải làm gương cho em”… Sự chịu đựng của cậu bé càng gia tăng nhưng cậu không có cơ hội giãi bày, biến thành thái độ lầm lì, xa cách…
Trong cuộc sống, không ai tránh khỏi những áp lực quá sức chịu đựng, những lúc tuyệt vọng, chán nản, kiệt sức. Khóc cũng là một nhu cầu để giải toả những ức chế, làm vơi bớt sự chịu đựng của bản thân.
Khóc là phương thuốc
Khi còn nhỏ, khóc là một nhu cầu của bản thân đòi hỏi sự quan tâm và yêu thương của những người xung quanh. Tiếng khóc chứa đựng nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau: không hài lòng, thiếu thốn, vòi vĩnh, oan ức, bực tức… Tiếng khóc có vai trò như một chiếc van xả cảm xúc, giúp con người tránh khỏi những ức chế bùng nổ.
Trẻ con là lứa tuổi mà “van xả” xúc cảm hoạt động tốt nhất, tự nhiên nhất. Những giọt nước mắt trào ra một cách hồn nhiên, đó cũng là lúc cảm xúc tràn qua những chiếc “van xả tự động”… Để trẻ có tính cách mạnh mẽ, biết chịu đựng, biết đè nén cảm xúc đôi khi người lớn luôn ra mệnh lệnh: “Nín ngay”, “Câm ngay” hay “Khóc chả ngoan chút nào”… Một đứa trẻ thường xuyên bị ngăn chặn tức thì những dòng cảm xúc mà thiếu sự cảm thông, giải thích thì khó có môi trường để trải nghiệm đúng những nỗi niềm, những ức chế, những thất vọng và khủng hoảng của bản thân. Những đè nén của xung động, bức xúc đó có thể đưa trẻ đến một thái độ bàng quan, vô tâm. Bản thân trẻ cũng không biết cách để vượt qua những cú sốc cảm xúc một cách tích cực và tự tin… khi những chiếc “van xả” đã bị khoá, tâm hồn bị “đắp đê”.
Bước vào môi trường xã hội, không có những mối quan hệ thân tình của bạn bè xung quanh như thái độ lắng nghe, sự nâng đỡ tinh thần, đôi khi trẻ phải đối mặt với những cư xử đố kỵ, lăng mạ, chê bai càng làm cho tính cách của trẻ thêm lạnh lùng, cô độc. Sự kém thích nghi các mối quan hệ, khó hoà nhập xã hội, bản thân luôn ở trạng thái thiếu thốn tình cảm tạo cho trẻ một thái độ sống bất chấp, tự ti. Và sự chịu đựng đó đưa đến cao trào là thái độ buông thả, bế tắc, là nguy cơ xuất hiện bất thường về tâm lý và hành vi ứng xử.
Trong cuộc sống, không ai tránh khỏi những áp lực quá sức chịu đựng, những lúc tuyệt vọng, chán nản, kiệt sức. Khóc cũng là một nhu cầu để giải toả những ức chế, làm vơi bớt sự chịu đựng của bản thân. Sự chia sẻ của bờ vai người thân sẽ làm cho những cảm xúc tiêu cực của bản thân vỡ oà và nhẹ vơi. Và, từ những phút yếu lòng, những buồn giận nếu giải toả được, kèm theo đó là những vỗ về, trấn an, khuyên nhủ thân tình thì sẽ trở thành vốn sống, những bài học cho sau này.
Để phát hiện những bất thường về tâm lý của trẻ, ngăn chặn những bột phát trong hành vi của trẻ có vấn đề ức chế, ngay từ nhỏ gia đình phải là môi trường tốt cho trẻ trải nghiệm những cảm xúc tình cảm bằng sự quan tâm, giúp đỡ. Cha mẹ phải thường xuyên trò chuyện, nắm bắt được những lúc trẻ buồn bã, thất vọng, bi quan. Sự quan tâm kịp thời và đúng lúc sẽ làm cho đứa trẻ có cảm giác an toàn và tự tin, khi đó chúng sẽ có đủ sức vượt qua mọi áp lực. Qua đó, trẻ cũng học được kỹ năng đồng cảm và quan tâm đến người khác.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Linh (Sài Gòn Tiếp Thị)