Đường lên núi Tuyết

Núi Tuyết (Tuyết Phong) cách thành phố Phúc Châu khoảng 80 km về phía Bắc. Đây là một nơi u tịnh thanh lương, rất hợp cho việc tu hành. Không biết do đâu ngọn núi lại có tên Tuyết phong?

Không biết mùa đông ở đây có tuyết không nữa, chỉ biết trong thời điểm này nhiệt độ dưới đồng bằng khoảng 29-30 độ thì khí hậu ở đây đã lạnh buốt da, lạnh đến nỗi sư cô trong đoàn đã phải thốt lên: phải chi hồi nãy mình mang theo áo ấm! Rải rác trên núi có nhiều tòng lâm tự viện, nổi bật nhất là Chùa Sùng Thánh vốn được mệnh danh là “Nam phương tòng lâm đệ nhất”. Chùa nổi tiếng với bề dày lịch sử hơn một ngàn năm, được chính thức xây dựng vào năm 870, với nhiều thế hệ Tổ sư chơn tu thật học xuất thân từ hai dòng thiền Vân Môn, Pháp Nhãn, truyền thừa đến nay được 133 đời.

Xe chúng tôi khởi hành lúc 7 giờ sáng từ trung tâm thành phố Phúc Châu. Bác tài xế người Phúc Châu dáng vẻ phương phi, tuy tuổi sắp bước vào ngưỡng “thất thập cổ lai hy” nhưng trông ra vẫn còn khỏe mạnh, nhanh nhẩu lắm! Trên suốt đoạn đường núi quanh co, mặc dù phải bận lái, bác vẫn tranh thủ trò chuyện vui vẻ với chúng tôi, một mặt tìm hiểu về Phật pháp, một mặt giải thích cho chúng tôi nghe những điều kỳ thú về xứ sở mình.

Phúc Châu vào thu, trời thật trong, gió thật mát. Phong cảnh hai bên đường cũng vì thế càng đượm vẻ hữu tình. Những hàng trúc lá nhỏ non tơ xen lẫn với những cây tùng xanh tươi cao vút, kia là những khóm hoa dại của núi rừng đầy vẻ kiêu sa trong nắng sớm, xa xa thấp thoáng những ngọn núi còn mờ hơi sương, thỉnh thoảng vang lên tiếng hót trong trẻo của những chú chim rừng, bên dưới ẩn hiện rải rác những thôn làng, những bãi cát trắng nõn nà e ấp nép mình bên dòng Mân Giang hiền hòa xanh biếc, tất cả tạo nên một tuyệt tác thần tiên hư hư thực thực. Đắm mình vào vẻ đẹp hoang sơ thanh khiết của núi rừng, tôi thấy mình như được trở về một miền quê thanh bình yên ả đã cách xa từ lâu lắm.

“Tới chùa rồi”, tiếng của một người bạn vang lên kéo tôi về thực tại. Từ xa, tôi đã trông thấy những kiến trúc chùa tháp quen thuộc với những làn ngói đỏ, những mái cong đặc trưng của chùa Thiền Trung Quốc. Tiếp chúng tôi là vị Thầy tri khách vẫn còn trẻ, dáng người thon thả, cao ráo, tuy hơi khắc khổ nhưng vẫn lộ được vẻ tự tại thong dong. Thầy dẫn đoàn chúng tôi vào nội viện. Chùa hôm nay đông đúc nhộn nhịp khác thường, hỏi ra mới biết chùa đang có pháp hội “Thủy lục Trai đàn chuẩn tế”. Hòa vào không khí trang nghiêm của trai đàn, cũng như tiếng tụng kinh siêu độ trầm hùng của chư tăng, phật tử, năm người trong đoàn chúng tôi ai nấy cũng đều y áo trang nghiêm với chút lễ vật trên tay tiến vào Đại hùng bửu điện thành tâm dâng lên cúng dường và đảnh lễ đấng Từ Phụ. Chúng tôi tự nhủ, đời du học tăng mà, tuy không dư dả nhưng lòng thành không thiếu. Như ngầm hiểu được ý, chúng tôi nhìn nhau nở nụ cười hiền hòa, lòng đầy tự hào mãn nguyện.

Đợi giải y xong, Thầy Tri khách dẫn chúng tôi đi thăm vị Hòa thượng vốn được xem là linh hồn của chùa. Hòa Thượng tuy tuổi đã cao nhưng vẫn còn tinh anh quắc thước lắm! Chiếc áo đã ngả màu với những mảnh vá chằng chịt, chòm râu bạc phơ, sống mũi cao, đôi mắt sáng rất có thần, tất cả toát lên một công phu tu hành thâm hậu. Chính sự thuần hòa chất phát ấy của Ngài đã tạo nên kỳ tích để lại cho đời. Nghe nói khi Hòa Thượng đến chùa này, có mang theo đôi dép, nhưng khi dép đứt, Ngài quẳng chúng vào sọt rác và phát nguyện từ đây không rời khỏi chùa nửa bước. Trước kia một chữ bẻ đôi Hòa Thượng cũng không biết, nhưng do công phu tu hành, ngày ngày siêng năng lễ phật không ngơi, trí huệ theo đó được khai thông, Hòa Thượng tự nhiên không học mà biết chữ, kinh nào cũng đều đọc được.

Ngày nay, chùa còn lưu giữ lại những tấm bản gỗ bị lún mòn bởi công hạnh lạy Phật của Hòa Thượng. Điều tôi ghi nhớ nhất là những lời tâm huyết Hòa Thượng nhắn nhủ với chúng tôi :

“Đời người vô thường, mạng sống chỉ trong hơi thở, nên phải siêng năng dụng công tu hành đừng để thời gian luống phí. Nếu ban ngày bận học tập thì gắng dụng công vào ban đêm. Phải biết lo cho cái tâm, đừng quá dung dưỡng cái thân; nếu lo cho thân quá thì tâm bị bỏ bê, khó mà tu đạo thành công. Phật và Bồ tát thần thông quảng đại, chỉ cần chúng ta có lòng, nhất định các Ngài sẽ nhận biết, nhất định các Ngài sẽ gia trì…”

Lời dạy của Hòa Thượng đơn sơ mà sâu sắc, thể hiện cả một tâm huyết, một sự thể nghiệm dấn thân. Lời chỉ một câu mà làm cả đời vẫn chưa xong, nhìn lại chúng ta mãi chạy theo mớ lý thuyết hỗn độn, mà chưa từng quay lại ứng dụng một phần rất nhỏ rất nhỏ trong đó, chưa sống thật sự với chính mình, với lý tưởng ban đầu mình vạch ra. Khi đảnh lễ từ biệt, Hòa Thượng còn rờ đầu gia bị và ban cho chúng tôi mỗi người một xâu chuỗi tay. Không biết các bạn có cảm nhận được điều này không, khi được tiếp xúc thân cận với một bậc chân tu, bạn như được bao phủ trong một từ trường an lành hạnh phúc, mọi ưu tư buồn khổ trong lòng bỗng chốc tiêu tan, tâm hồn như được nâng lên một bình diện mới, tươi mát, trong lành.

Chúng tôi rời khỏi Lưu Hương Đường, sau khi dùng một bát đậu đặc sản đậm đà hương vị miền sơn cước. Lưu Hương Đường là nơi Hòa Thượng đang ẩn cư tu hành. Nơi đây cũng đã từng lưu giữ lại một câu chuyện khá thương cảm nhưng đầy tính huyền thoại của một người tu Phật. Chuyện kể rằng, trước đây chùa từng đón một vị du tăng nhiều bệnh tật, vị này mang chứng bịnh ghẻ hủi, mình mảy dơ dáy, hôi thúi không ai dám đến gần . Tăng chúng quyết định an trí cho Thầy ở biệt lập trong một am nhỏ sau chùa. Năm tháng trôi đi, bỗng một hôm có một mùi hương lạ phát ra từ thảo am, mọi người tụ hợp lại xem mới phát hiện ra vị tăng bị ghẻ hủi kia đã an nhiên thị tịch, mùi hương kia chính là mùi hương tỏa ra từ trên nhục thân của Thầy…. Từ đó, để tưởng nhớ công hạnh tu tập của Thầy, thảo am đã được đổi tên thành “Lưu Hương Đường” và trở thành nơi dụng công tu tập của những bậc cao tăng sau này.

Thầy tri khách dẫn chúng tôi đến tham quan ngôi tháp của Tổ sư Nghĩa Tồn, vị Tổ khai sơn Chùa Sùng Thánh. Liên quan đến vị Tổ khai sơn này có câu chuyện tiên tri như sau, trước khi thị tịch, Tổ di chúc lại rằng: “Khi nào đá trên tháp trổ hoa thì khi ấy tôi sẽ trở lại tiếp tục hoằng dương chánh pháp.” Điều này, chưa biết chứng minh thế nào, bởi bây giờ đá tháp đã thực sự nở hoa, nhưng có một sự kiện liên quan cũng đáng được ghi nhận, Thầy tri khách kể tiếp: Trong thời gian tháp Tổ biến hình, những viên đá trên tháp tự nhiên biến thành hình thạch nhũ (hiện tượng này được cho là đá nở hoa và sự kiện này đã xãy ra từ rất lâu về trước, chúng tôi muốn hỏi thêm thật nhiều nhưng thấy không tiện) thì có một vị du tăng đến xin tá túc. Một thời gian sau đó, tăng chúng đều nhận thấy rằng dáng vẻ và hình trạng của vị Tăng này rất giống với những gì Tổ đã ghi chép lại. Một hôm , do tính hiếu kỳ dâng lên tột độ, không thể im lặng được nữa, một vị tăng trong chùa đã mạo muội hỏi rằng: “Ồ, trong thầy rất giống với vị Tổ khai sơn của chúng tôi, hay thầy chính là Tổ sư chuyển thế trở lại để hoàng dương Phật pháp.” Thế là sau đó không ai còn nhìn thấy bóng dáng của vị Tăng này nữa.

Hiện nay Chùa Sùng Thánh vẫn còn phụng thờ ngôi tháp đá trổ hoa này.

Tiếp đến, chúng tôi còn đi thăm một số nơi như Hồ phóng sanh, hồ rộng mênh mông, nước suối trong mát, chính giữa hồ có thờ tượng Bồ tát Quan Âm đứng tay cầm bình tịnh thủy như sắp rưới nước cam lồ tươi mát lên những chúng sanh đáng thương vừa được trả tự do nhưng lòng vẫn còn đang hoang mang hoảng hốt. Nhà tưởng niệm nơi Tổ dừng chân tu hành trong lần đầu tiên đến đây, tất cả hiện vật bằng mọi cách được cố gắng giữ nguyên trạng y như lúc Tổ còn sanh tiền; phía trước thờ tượng Tổ đang tọa thiền trong hóc cổ thụ (tương truyền khi xưa Tổ đã ngồi trong bọng cây này tu hành, và bọng cây được lưu giữ mãi từ đấy cho đến nay); phía sau thờ tượng Tây phương Tam Thánh. Mọi vật được bày trí rất đơn sơ giản dị, thể hiện được nếp sống tu hành thanh đạm của người xưa. Phải chăng chỉ khi nào đời sống vật chất được giảm thiểu đến mức tối đa thì đời sống tâm linh mới được thăng hoa lên cảnh giới cao nhất?

Mãi dạo gót trong cảnh thiền môn huyền diệu, chan hòa chánh khí ngàn năm, chúng tôi quên mất bụng mình đang cồn cào rên rỉ, đến khi nghe một hồi bảng báo giờ ngọ trai vang lên mới biết đến lúc phải “nạp năng lượng” rồi. Theo chân Thầy tri khách vào trong trai đường dành cho khách thập phương, trên một chiếc bàn tròn bày vài món ăn được làm từ rau, củ, đậu hủ thanh đạm nhưng không kém phần trang trọng. Theo thói quen ở đây, mỗi người đều tự phục vụ phần cơm của mình. Cầm bát cơm nóng hổi trên tay, mùi gạo ngát hương đồng nội quyện với mùi vị hấp dẫn của thức ăn, mọi người không ai bảo ai đều cùng ngồi vào bàn và cùng nhau thưởng thức bữa cơm trong tình đạo vị, chỉ là những món ăn đơn sơ nhưng sao ngon đến lạ. Điều làm chúng tôi cảm động nhất là quý Thầy đã không phân biệt chúng tôi là khách Tăng, đem tịnh tài của Phật tử cúng dường, cúng dường cho chúng tôi giống như chư Tăng bổn tự. điều đó đã làm tôi càng thể hội câu nói: “Mỗi người mỗi nước mỗi non, vào trong cửa đạo là con một nhà.” Tình Linh Sơn cốt nhục, Linh Sơn pháp lữ mà ta thường nói chính là ở điểm này, có phước cùng hưởng, có họa cùng chia, không phân biệt màu da chủng tộc, kề vai sát cánh, đồng sức đồng lòng chung lo cho Phật pháp.

Tiệc tan trà cạn, đã đến lúc phải trở về rồi. Chúng tôi lưu luyến chào tạm biệt quý Thầy. Thầy tri khách ân cần tuyển chân chúng tôi ra tận cổng, Thầy còn thân mật nói với chúng tôi, khi nào có dịp nhớ quay trở lại. Vâng, chúng tôi nhất định sẽ quay trở lại, thăm lại vùng đất tâm linh đã hun đúc nên biết bao bậc long tượng cho Phật pháp, quay lại để nuôi lớn cho mình ước mơ được trở thành một viên gạch nhỏ góp phần làm cho ngôi nhà Như Lai ngày thêm vững mạnh.

Huệ Trang

Phúc Châu ngày 6/10/2009