Con Người Có Thể Du Hành Trong Thời Gian Chăng?

A.Ý kiến của các nhà khoa học

Du hành trong thời gian là đi trên chiều kích thứ tư của thời-không 4 chiều, mà không phải luôn luôn đồng hành với nhịp thời gian bình thường trên thế giới. Thí dụ, hiện nay thế giới đang là năm 2012 công nguyên. Nếu đồng hành thì ta cứ trôi đều đều theo nhịp đồng hồ, ngày tháng năm trên quả địa cầu. Mong muốn của ta là có thể đi ngược chiều thời gian để trở về quá khứ, hoặc đi nhanh hơn nhịp bình thường để đến với tương lai. Ví dụ đi ngược trở về hơn 2500 năm trước để gặp Đức Phật, hoặc đi nhanh tới năm 2200 để coi thế giới lúc đó ra sao, khoa học tiến tới đâu.

Đi ngược về quá khứ

Nhiều nhà khoa học cho rằng việc đó là có thể được xét về lý thuyết, cái khó là khả năng kỹ thuật hiện nay chưa cho phép thôi. Bởi vì muốn đi ngược về quá khứ, ta phải có khả năng đi nhanh hơn tốc độ ánh sáng, để đuổi kịp ánh sáng của quá khứ thời Đức Phật, nếu đuổi kịp thì sẽ thấy Đức Phật đang sống, đang thuyết pháp cho tín đồ. Nhưng phi thuyền không gian của con người hiện nay chỉ mới đi với tốc độ nhanh nhất là 50.000 km/giờ , còn rất thấp so với tốc độ 300.000 km/giây của ánh sáng. Do đó cách này là bất khả thi.

Có người nghĩ tới cách khác, muốn lợi dụng tính chất cong của thời-không. Khi ánh sáng đi thẳng thì không cách nào đuổi kịp, nhưng khi ánh sáng bị cong do ảnh hưởng của khối lượng vật chất, thì nó sẽ đi theo đường tròn, và có thể quành lại, nếu ta có cách đón đầu thì có khả năng sẽ gặp. Nhưng cái vòng tròn mà ánh sáng đi giáp một vòng trong vũ trụ là quá lớn, có thể là hàng chục tỉ quang niên. Cho nên muốn đón đầu cũng không dễ, ta phải tìm một lối tắt để có thể đi trong một thời gian ngắn thì bắt kịp ánh sáng quá khứ.

Lối tắt là một đường hầm rất nhỏ nối hai điểm thời gian khác nhau mà Stephen Hawking và các nhà khoa học gọi là lỗ sâu đục. Muốn phi thuyền đi qua được thì phải dùng máy khoan lượng tử khoét cho lỗ sâu đục đó đủ rộng. Ta có thể hình dung con đường hầm này, đại khái như trên mặt đất, hai nơi chỉ cách nhau một quả núi, nếu đào đường hầm xuyên qua núi thì hai nơi chỉ cách nhau vài trăm mét, còn đi vòng thì xa cả ngàn km.

Vì ánh sáng quá khứ đi theo đủ mọi chiều trong không gian, tản lạc khắp nơi, nên ta chỉ có thể bắt gặp một phần rất nhỏ luồng ánh sáng mang tín hiệu của quá khứ mà ta muốn đến. Do đó phải tìm cách phục nguyên để thấy lại hình ảnh quá khứ một cách trọn vẹn. Điều này là có thể, vì giống như sóng truyền hình, hay sóng 3G, mặc dù phân tán khắp nơi, nhưng khi máy thu bắt được sóng thì có thể phục nguyên.

Tuy nhiên, trong vũ trụ mênh mông, bắt được ánh sáng quá khứ đã khó, ngoài ra vì tín hiệu là rất yếu do truyền đi quá xa và không được tăng cường. Nên chỉ có khả năng bắt được một lượng thông tin rất nhỏ về quá khứ. Vậy làm sao tái hiện ? Rất may, vũ trụ là một toàn ảnh (hologram). Theo nguyên lý toàn ảnh (holographic principle), với một lượng thông tin ít ỏi như vậy, vẫn có thể tái hiện toàn bộ quá khứ.

Lý thuyết về phép toàn ảnh (holography) do nhà vật lý người Anh là Dennis Gabor đưa ra năm 1947, năm 1948 đã chứng minh được bằng thực nghiệm. Tuy nhiên phải đến 10 năm sau đó, nhờ có tia laser tạo ra được tia sáng cực mạnh và phối trí thích hợp, phép toàn ảnh mới có ý nghĩa thực tế, và được ứng dụng rộng rãi. Người đầu tiên dùng laser để phát triển phép toàn ảnh là Emmett N. Leith. Một sự vật 3 chiều (3D = 3 dimentions) có thể nén lại thành 2 chiều (2D), các chi tiết về chiều sâu của vật được nén đậm đặc ờ vùng ngoại biên. Nguyên lý này có thể được mô tả bằng sơ đồ sau:

Chú thích từ ngữ:

Laser: máy phát tia laser

Màn trập: thiết bị để đóng hoặc mở tia laser

Kính phân tia: chia tia sáng làm 2 phần, 1 phần đi thẳng xuyên qua kính, 1 phần phản chiếu đi vào thấu kính phân kỳ.

Thấu kính phân kỳ: tia sáng qua kính này tỏa rộng ra, trái ngược với thấu kính hội tụ

Phim tráng nhũ tương: để chụp ảnh hoặc quay phim ảnh toàn ký

Ảnh toàn ký: ảnh trong không gian 3 chiều, có chiều sâu, có đầy đủ chi tiết của vật thể 3 chiều

Để tạo được ảnh toàn ký của một vật (ví dụ trong hình là ngôi sao màu xanh lá cây), người ta cho tia laser qua một kính phân tia, ánh sáng một phần đi thẳng đến gương phản chiếu, qua thấu kính phân kỳ rồi mới tới phim, một phần ánh sáng bị phản chiếu, đi qua một thấu kính phân kỳ khác, tới một gương phản chiếu, rọi lên vật rồi mới phản chiếu lại trên phim. Ảnh mà phim ghi được là ảnh toàn ký, khi được tái hiện thì trở thành ảnh 3 chiều, người xem không cần mang kính vẫn thấy đó là ảnh nổi 3D.

Một đặc điểm kỳ diệu của ảnh toàn ký là bất cứ một phần nhỏ nào của tấm ảnh, cũng chứa đầy đủ ảnh 3D của vật, do đó dù có xé tấm ảnh ra ngàn mảnh, chỉ cần một mảnh là đủ để tái hiện trọn vẹn ảnh 3D của vật.

Ảnh của các vật trong vũ trụ đều là ảnh toàn ký. Do đó chỉ cần nắm bắt một chút ít ánh sáng mang tín hiệu của quá khứ, là đủ để phục nguyên toàn bộ vật cảnh của quá khứ. Đặc tính toàn ký này cũng thể hiện rằng số lượng là không có thật, một là tất cả. Như vậy nếu nắm được một chút thông tin về quá khứ thì có thể tái hiện quá khứ.

Ý tưởng này được một nhà thơ Anh thế kỷ 18, diễn tả trong một bài thơ mang đầy âm hưởng giác ngộ, chẳng khác một bài thơ thiền của phương Đông

To see a World in a Grain of Sand
And a Heaven in a Wild Flower,
Hold Infinity in the palm of your hand
And Eternity in an hour.

William Blake (thi sĩ Anh, 1757-1827)

Dịch nghĩa:

Để thấy Vũ trụ trong một Hạt cát
Và Bầu trời trong một Đóa hoa Rừng,
Hãy giữ Vô cùng trong lòng tay bạn
Và Thiên thu trong một khắc đồng hồ. (1)

David Bohm (nhà vật lý Đại học London) quan niệm rằng thực tại mà chúng ta tiếp xúc hằng ngày chỉ là một loại ảo tưởng giống như một bức tranh toàn ảnh (hologram). Dường như thực tại có hai mức: một mức ở sâu hơn gọi là mức tiềm ẩn (cuộn lại) /implicate (enfolded) và một mức gọi là mức tường minh (mở ra) /explicate (unfolded). Một film toàn ảnh (hologram) và hình ảnh nó tạo ra là ví dụ của hai mức tiềm ẩn và tường minh. Cuộn film thuộc mức tiềm ẩn vì hình ảnh được mã hóa trong các dạng giao thoa chứa trong film, còn hình ảnh chiếu ra thuộc mức tường minh vì các giao thoa mã hóa được mở ra (unfolded).

David Bohm

Theo David Bohm, sóng và hạt đều bị cuộn lại trong một thực thể lượng tử, chỉ có quá trình tương tác mới bộc lộ tường minh một khía cạnh nào đó còn khía cạnh kia vẫn nằm tiềm ẩn. Ông quan niệm mọi vật trong vũ trụ đều là những phần tử của một continium (toàn thể không thể chia cắt) Khi làm việc tại Phòng thí nghiệm Bức xạ Berkeley về plasma, Bohm đã nhận xét rằng trong trạng thái plasma các electron không hành xử như những thực thể riêng lẻ mà như thành phần của một hệ thống nhất liên thông (interconnected) (1)

Phát biểu của Bohm không khác gì các nhà Duy thức học Phật giáo, họ thấy rằng thế giới chỉ là huyễn ảo, chỉ là thông tin, tất cả sự vật chỉ là tâm thức. Còn cái mà Bohm quan niệm là continium chính là Tâm bất nhị trong Phật giáo. Tất cả mọi vật trong vũ trụ đều có liên quan chặt chẽ với Tâm, đều là phản chiếu của Tâm.

Karl Pribram là một nhà nghiên cứu về sinh học thần kinh (Đại học Stanford, tác giả cuốn sách nổi tiếng Các ngôn ngữ của não bộ – Languages of the Brain). Ông xuất phát từ việc tìm hiểu não bộ lưu trữ trí nhớ bằng cách nào và ở đâu. Mỗi dấu vết trí nhớ gọi là một engram, tuy chẳng ai biết engram được cấu tạo bằng gì. Từ năm 1920, Wilder Penfield dường như chứng minh được rằng các engram nằm trong những vùng nhất định của não bộ gọi là trung khu thần kinh. Trong những năm 1940 người ta tin rằng trí nhớ nằm trong vỏ đại não. Pribram, lúc còn là một nhà phẫu thuật thần kinh nội trú, không có một nghi ngờ nào đối với lý thuyết engram của Penfield. Song nhiều điều xảy ra đã làm Pribram thay đổi quan điểm. (1)

Tại Phòng thí nghiệm sinh học Yerkes, Florida, nhà tâm lý thần kinh (neuropsychologist) Karl Lashley đã huấn luyện cho chuột một số kỹ năng rồi cắt bỏ những phần trong não bộ có thể liên quan đến kỹ năng đó (không một nhà phẫu thuật nào tìm được một vị trí xác định của các engram). Song một điều ngạc nhiên là dù cắt bỏ bao nhiêu đi nữa, kỹ năng được huấn luyện vẫn lưu tồn. Và Pribram đi đến kết luận quan trọng: trí nhớ không được lưu trữ tại một nơi nào cả trong não bộ, mà bằng một cách nào đó lan truyền và phân bố trong toàn não bộ. Như vậy Wilder Penfield có sự nhầm lẫn giữa các trung khu chức năng và nơi lưu trữ thông tin. Trong vỏ đại não có những trung khu chuyên phụ trách một loại chức năng riêng biệt, thí dụ các trung khu: hô hấp, vận chuyển mạch, nôn ói, thị giác, thính giác, vị giác, khứu giác, xúc giác, ngôn ngữ, tư duy v.v… nhưng đó không phải là nơi lưu trữ thông tin hữu quan.

Vào giữa năm 1960 khi Pribram đọc một bài báo trên Scientific American về cấu tạo của một hologram thì ông hiểu rằng: não bộ hoạt động theo nguyên lý toàn ảnh (holographic principle).

Trí nhớ được xem như là những xung lượng thần kinh đan chéo chằng chịt trong não bộ tương tự như những hình ảnh giao thoa tia laser trên một diện tích của hologram. Không riêng gì đối với trí nhớ mà đối với các khả năng khác của con người như thị giác và thính giác người ta cũng quan sát được các tính chất toàn ảnh (nhà nghiên cứu Hugo Zucarelli phát triển kỹ thuật gọi là âm học toàn ảnh – holophonic sound, sử dụng tính toàn ảnh của thính giác). (1)

Nếu như một phần của hologram có khả năng tái tạo toàn ảnh của một vật thì mỗi phần của não bộ cũng chứa tất cả thông tin để phục hồi toàn bộ trí nhớ.

Như vậy David Bohm, một nhà vật lý nghiên cứu về vũ trụ, và Karl Pribam, một nhà sinh học nghiên cứu về não, đã gặp nhau ở nguyên lý toàn ảnh. Vũ trụ là một toàn ảnh. Bộ não cũng là một toàn ảnh. Cả hai hoạt động theo cùng một nguyên lý. Điều này phát giác rằng giữa vũ trụ và con người có một sự liên kết chặt chẽ hơn người ta thường tưởng.

Hiện nay thì việc đi theo đường tắt, qua lỗ sâu đục để đến một thời điểm quá khứ, hoặc đón đầu nắm bắt được tia sáng quá khứ, chỉ mới có trong tiểu thuyết viễn tưởng.

Đi tới tương lai

Muốn thấy được tương lai, chẳng hạn vào năm 2200, thì chỉ có cách ngủ đông, ướp đông (Cryonics) trong nhiệt độ cực lạnh, ngừng hoạt động, đợi đến khi thời gian lịch sử diễn ra tới năm 2200 thì giải đông, sống dậy. Biện pháp này chỉ mới áp dụng được cho một số bộ phận cơ thể, phôi thai, riêng đối với một sinh vật sống thì mới chỉ là tưởng tượng, chứ thực tế chưa có thực nghiệm xem ướp đông như vậy thì có phục sinh được không. Giáo sư vật lý Robert Ettingger, người sáng lập Viện ướp xác Cryonics Institute tại Michigan vẫn cho rằng, chẳng có lý do gì mà chúng ta không có quyền hy vọng. Khoa học kỹ thuật của nhân loại đã có thể duy trì thi thể con người trong trạng thái đông lạnh thì tại sao chúng ta không bắt tay vào làm công việc dễ dàng này. Còn phần việc khó khăn hơn, làm cho một thi thể được ướp lạnh hồi sinh, sẽ nhường lại cho khoa học của con người trong tương lai một vài chục năm hoặc vài thế kỷ nữa.

Còn việc đi nhanh tới một thời điểm tương lai qua lỗ sâu đục, cũng mới chỉ là tưởng tượng suông của một nhà khoa học như Stephen Hawking. Ông nói:

“Về lý thuyết thì các đường hầm thời gian hay lỗ sâu đục thậm chí có thể làm được nhiều hơn là đưa ta đến một hành tinh khác. Nếu cả hai đầu đều ở cùng một nơi và bị ngăn cách bởi thời gian thay vì khoảng cách, một phi thuyền có thể bay vào và đi ra vẫn ở gần Trái đất nhưng lại ở một quá khứ xa xôi. Có thể loài khủng long sẽ chứng kiến thấy phi thuyền này hạ cánh”.

“Giờ thì tôi nhận ra suy nghĩ theo bốn chiều không phải là chuyện dễ dàng, và các lỗ sâu đục là khái niệm rắc rối làm chúng ta điên đầu, nhưng xin hãy kiên nhẫn. Tôi đã nghĩ ra một thí nghiệm đơn giản có thể tiết lộ liệu con người có thể du hành theo thời gian qua lỗ sâu đục bây giờ hay thậm chí trong tương lai. Tôi rất thích các thí nghiệm đơn giản và rượu champagne. Vì vậy tôi thử kết hợp hai thứ mình yêu thích để xem liệu việc du hành theo thời gian về quá khứ có thể được hay không”.

“Hãy tưởng tượng, tôi tổ chức một bữa tiệc để tiếp đón những nhà du hành theo thời gian tương lai. Nhưng có một sự ngoắt ngoéo ở đây. Tôi không cho ai biết về bữa tiệc cho tới khi nó đã xảy ra. Tôi viết thiệp mời ghi rõ tọa độ không gian và thời gian. Tôi hi vọng rằng các bản sao của thiệp mời, dưới dạng này hay khác, sẽ tồn tại hàng nghìn năm. Có thể một ngày nào đó, ai đó sống trong tương lai sẽ nhìn thấy thông tin trên thiệp mời và dùng một máy thời gian lỗ sâu đục để tới dự bữa tiệc của tôi, và chứng tỏ rằng du hành theo thời gian một ngày nào đó sẽ thành hiện thực”.

“Hiện tại những người khách du hành theo thời gian của tôi có thể đến bất cứ lúc nào. Nhưng khi tôi nói những lời này thì chả có ai tới cả. Thật là tiếc. Tôi đã hi vọng ít nhất có một cô hoa hậu hoàn vũ từ tương lai sẽ bước vào cửa. Vậy thì tại sao thí nghiệm này lại thất bại? Một trong các lý do có thể là vì một vấn đề mà nhiều người biết liên quan đến việc du hành về quá khứ, vấn đề mà ta gọi là các nghịch lý”. (2)

Tóm lại việc du hành trong thời gian theo quan điểm các nhà khoa học thì còn rất xa xôi, viễn tưởng mặc dù về nguyên tắc thì vẫn có thể được.

B.Du hành thời-không theo cái nhìn Phật giáo

Đối với Phật giáo thì các nhà khoa học như Einstein hay Stephen Hawking còn rất chấp thật. Trong câu chuyện về người mù sờ voi, Đức Phật không hề loại trừ họ ra khỏi đám chúng sinh vô minh, dù tài trí cỡ nào, họ vẫn giống như những người mù sờ voi, không bao giờ biết được cái toàn thể mà trong câu chuyện đó, cái toàn thể được ví với con voi.

Tại sao bảo rằng họ chấp thật ? Bởi vì họ chưa hiểu thế giới là ảo, bởi vì họ chưa phát hiện được bản tâm của mình, vẫn sống trong vô minh, mê lầm của luân hồi sinh tử, không làm chủ được bản thân và hoàn cảnh của mình, chưa biết sinh tử tự do là gì, chưa thật sự hiểu rõ bản chất của không gian, thời gian và số lượng là gì.

Khoa học trong thế kỷ 20 đã phát hiện Vật chất không có thực thể, các loại hạt cơ bản của vật chất như quark, electron chỉ là hạt ảo, khi bị cô lập thì chúng biến mất. Người ta cũng không biết tại sao có 4 loại lực cơ bản của vật chất, nguồn gốc các loại lực đó là ở đâu. Vì không biết nên người ta cứ cho là chúng tự nhiên có, chứ không biết rằng chúng có nguồn gốc tâm lý, đó là sự chấp trước rất mạnh, rất kiên cố. Người ta không biết rằng Tâm và Vật không phải là hai, cũng chẳng phải là một, vì vậy Phật giáo tạm gọi là bất nhị. Einstein cứ cố chấp cho rằng có một thế giới khách quan ở bên ngoài, là đối tượng nghiên cứu của vật lý học và toán học, tưởng rằng không gian, thời gian và số lượng là có thật. Vì vậy ông thực sự bối rối trước hiện tượng rối lượng tử (quantum entanglement), không giải thích được, bèn nói đó là “Tác động ma quái từ xa” (Spooky action at a distance). Stephen Hawking thì tưởng tượng ra “lỗ sâu đục” trong kết cấu của thời gian. Nói rằng nó khó hiểu, rắc rối và rốt cuộc là ít thuyết phục.

Phật giáo nói rằng không gian, thời gian và số lượng chỉ là tưởng tượng. Tưởng tượng này tất nhiên là có cơ sở, cơ sở đó Phật giáo cũng có đề cập trong thập nhị nhân duyên, dù vậy những đại lượng đó cũng chỉ là ảo, không phải là thật. Ảo không phải là không có công dụng, công dụng thật ra chính là sự ảo hóa. Vật chất không có thực thể nhưng có cấu trúc ảo, và chính cấu trúc ảo đó có công dụng hết sức to lớn là tạo ra thế giới, nhưng thế giới đó chỉ hiện hữu trong tâm thức. Vì vậy Phật giáo nói ngoài tâm không có vật. Máy vi tính ngày nay cũng chứng minh một cách hùng hồn rằng, thế giới của máy vi tính là ảo nhưng công dụng là rất to lớn.

Sau khi trình bày nhận thức luận về thế giới, ta mới đề cập tiếp tới vấn đề du hành trong thời gian. Sự phân biệt quá khứ, hiện tại, tương lai chỉ là sự tùy tiện của con người, vì thời gian không có thật nên cũng không có quá khứ hiện tại tương lai gì cả. Chỉ có tâm tạo ra mọi thứ trên cơ sở vô minh, mê lầm. Vô minh ở chỗ nguyên tử không phải là vật, nhưng ta cứ tưởng nguyên tử là viên gạch đầu tiên xây dựng vật thể.

Heisenberg, (1901-1976 nhà vật lý lý thuyết người Đức, người phát minh ra nguyên lý bất định – không thể đồng thời xác định vị trí và vận tốc hay động lượng của một hạt, ví dụ electron) nói: “Atoms and elementary particles…form a world of potentialities or possibilities, rather than one of things or facts…atoms are not things” (Nguyên tử và các hạt cơ bản…hình thành một thế giới tiềm thể hay có khả năng hiện hữu, chứ không phải một thế giới của vật thể hay sự vật có thật…Nguyên tử không phải là vật).

Mê lầm ở chỗ dù tưởng tượng đó không đúng, nhưng lại rất hữu hiệu, khiến ta vẫn xây dựng được nhà cửa để ở, sản xuất được lương thực thực phẩm để ăn, xe cộ để đi lại, vật dụng để phục vụ cho đời sống tiện nghi. Nếu tưởng tượng mà hữu hiệu như vậy thì ta cần biết sự thật để làm gì, cứ ảo tưởng như vậy phải dễ dàng và sung sướng hơn không ?

Bởi vì cái khổ cũng đi liền với cái sướng, cái hạnh phúc, chúng ta khổ vì bệnh hoạn, tật nguyền, không làm chủ được bản thân và hoàn cảnh của mình, khổ vì chiến tranh loạn lạc, thiên tai, áp bức bất công trong xã hội, nghèo đói, sinh tử luân hồi, đầu thai làm súc sinh cầm thú v.v…Chính bản thân Hawking cũng khổ sở, bất tiện vì tật nguyền.

Nhưng ở đây chúng ta không nói chuyện tu hành, giải thoát khỏi mọi thứ khổ, mà trở lại đề tài du hành trong thời gian.

Vì vũ trụ là ảo, nên bậc giác ngộ như Đức Phật có thể du hành trong bất cứ chiều kích nào, không gian hay thời gian, đều rất dễ. Phật có 6 thứ thần thông, trong đó túc mệnh thông là biết hết tất cả kiếp sống của mọi chúng sinh trong quá khứ. Muốn đến được bất cứ thời điểm quá khứ nào ở bất cứ cõi giới nào, xa bao nhiêu cũng không thành vấn đề, chỉ một niệm là đến. Phật cũng vận dụng được lậu tận thông, tức là thấu hết mọi lẽ, giải thoát hết mọi ràng buộc, hạn chế, nên những thời điểm tương lai ở bất cứ cõi giới nào, dù xa bao nhiêu tỉ quang niên theo quan niệm của người đời, Phật cũng chỉ một niệm là đến.

Trong lịch sử nhân loại, cũng có ghi nhận những trường hợp đi tới tương lai cụ thể, những câu chuyện này có vẻ giống huyền thoại, khó tin nhưng không phải là không lý giải được, bởi vì với cơ học lượng tử ngày nay thì ranh giới giữa khoa học và hoang đường đã nhạt nhòa.

Pháp sư Huệ Viễn (334-416) đời Đông Tấn là Sơ Tổ của Tịnh Độ Tông, ông là đồng đạo với Đạo An, nhỏ hơn 20 tuổi. Em trai của ông, Huệ Trì (337…) cũng là một pháp sư rất nổi tiếng. Huệ Trì tính tình đạm bạc điềm tĩnh, có chí hướng cao xa. Lúc 14 tuổi bắt đầu đọc Thi Thư, học một biết mười, giỏi về văn sử, tinh thông Kinh, Luật, Luận của Phật giáo. Đạo An ở Tương Dương đề nghị Huệ Viễn đi về phía đông hoằng pháp. Huệ Trì cùng đi với anh. Đến Lư Sơn, hai anh em ở chung. Huệ Trì thân cao 8 xích , phong thái tuấn tú, thường mang giày cỏ, áo nạp phủ quá đầu gối. Số người theo học Phật pháp tại Lư Sơn có hơn 3000 người, không ai tuấn tú mẫn tiệp hơn Huệ Trì.

Sau Huệ Trì nghe nói ở Thành Đô tỉnh Tứ Xuyên đất đai màu mỡ, nhân dân giàu có, muốn đến đó truyền pháp và xem phong cảnh núi Nga Mi. Năm Long An thứ ba đời Đông Tấn (công nguyên 399 CN), ông từ biệt Huệ Viễn đi Tứ Xuyên. Huệ Viễn khuyên em ở lại hết lời mà không được, bèn than rằng “Người đời đều thích đoàn tụ, riêng mình em thích phân ly, vì sao vậy ?” Ông đáp: “Nếu là người vướng mắc ở tình cảm, thích đoàn tụ thì không nên xuất gia. Hiện tại chúng ta đã cát ái xả dục mà cầu đạo thì nên kỳ vọng gặp nhau ở Tây phương cực lạc” Thế rồi anh em chia tay. Huệ Trì lên đường đi Tứ Xuyên một mình, từ đó không ai còn biết tung tích của ông. Kể từ lúc ông lên đường đi Tứ Xuyên vào năm 399 CN đến lúc người ta phát hiện ra ông trong bọng cây là năm 1113 CN, tức đã trải qua 714 năm. Câu chuyện như sau:

南宋正受《嘉泰普燈錄》卷二十二記徽宗政和三年(一一一三),嘉州奏古樹因風摧折,中有一禪定僧,鬚髮被體,指爪遶身。帝令肩輿入京,由西天總持三 藏以金 磬出其定,始知為東晉慧遠法師之弟慧持,因遊峨嵋而入定樹穴。帝令繪像,並親製三偈,第一偈云:「七百年來老古錐,定中消息許誰知?爭如隻履西歸去,生死 何勞木作皮。」

Bộ Sách Gia Thái Phổ Đăng Lục do Chính Thọ (Vân Môn tông) viết vào đời Nam Tống, quyển 22 có ghi lại một câu chuyện sau: Năm Chính Hòa thứ ba đời Tống Huy Tông (công nguyên 1113), tại Gia Châu Tứ Xuyên (nay là huyện Lạc Sơn nơi có tượng Phật điêu khắc vào vách núi đá cao nhất thế giới) quan địa phương có biểu tâu lên triều đình: Có cây cổ thụ bị gió thổi gãy, bên trong có một lão tăng đang nhập định, râu tóc che phủ thân thể, móng tay dài bao quanh người. Hoàng đế giáng chỉ dùng cáng khiêng lão tăng đó đưa về kinh đô (thời đó là Biện Kinh, kinh đô của nhà Bắc Tống, nay là thành phố Khai Phong tỉnh Hà Nam). Do vị sư người Tây Thiên (Ấn Độ) là Tổng Trì Tam Tạng dùng chiếc khánh đồng đánh lên để làm cho lão tăng xuất định, mới biết đó là em trai của pháp sư Huệ Viễn ở Lư Sơn, tên là Huệ Trì, nhân đi du lãm núi Nga Mi, ngồi nhập định trong bọng cây. Hoàng đế ra lệnh cho họa sĩ vẽ hình của lão tăng, và tự mình làm ba bài kệ.

Bộ Gia Thái Phổ Đăng Lục in vào năm Gia Thái thứ hai đời Nam Tống (CN 1202) cách lúc xảy ra sự việc trên (CN1113) chỉ có 89 năm, sự việc còn có thể khảo cứu và đáng tin cậy. Mặt khác 5 Bộ sách (3) mà Bộ Ngũ Đăng Hội Nguyên gom lại đều là Thiền sử, ghi chép những sự việc có thật, người thật, việc thật.

Bài kệ thứ nhất của Tống Huy Tông:

七百年來老古錐 Thất bách niên lai lão cổ trùy

定中消息許誰知? Định trung tiêu tức hứa thùy tri ?

爭如只履西歸去 Tranh như chích lý Tây quy khứ

生死何勞木作皮 Sinh tử hà vinh mộc tác bì

Dịch nghĩa: Lão tăng sống hơn bảy trăm năm, căn cơ bén nhọn như cái dùi. Lúc nhập định có lẽ không ai biết tin tức gì của ông. Có thể sánh với Bồ Đề Đạt Ma quảy một chiếc giày về Tây Thiên. Sống chết có vinh hoa gì khi lấy gỗ làm da.

Bài kệ thứ hai:

藏山於澤亦藏身 Tàng sơn ư trạch diệc tàng thân

天下無藏道可親 Thiên hạ vô tàng đạo khả thân

寄語莊周休擬議 Ký ngữ Trang Chu hưu nghĩ nghị

樹中不是負趨人 Thụ trung bất thị phụ xu nhân

Dịch nghĩa: Giấu núi trong đầm cũng giấu thân. Nếu không giấu thiên hạ thì đạo có thể gần gũi . Gởi lời nhắn với Trang Chu hãy thôi suy nghĩ và nghị luận. Trong bọng cây không phải phụ lòng khách qua đường.

Bài kệ thứ ba:

有情身不是無情 Hữu tình thân bất thị vô tình

彼此人人定裏身 Bỉ thử nhân nhân định lý thân

會得菩提本無樹 Hội đắc bồ đề bổn vô thụ

不須辛苦問盧能 Bất tu tân khổ vấn Lư Năng

Dịch nghĩa: Là loài hữu tình thân không phải vô tình. Đây đó người người đều nhập định. Tự mình thể hội bồ đề vốn không có cây. Thì khỏi phải nhọc công hỏi pháp Huệ Năng.

Hoàng đế Tống Huy Tông phải xúc động lắm trước sự kiện này, nên mới làm liền một lúc ba bài kệ để phát biểu ý kiến của mình. Ta có thể diễn lại ý của Huy Tông bằng văn xuôi cho rõ ràng dễ hiểu như sau: “Lão tăng đời xưa nhập định 700 năm, phải là người thượng căn, có lẽ không ai còn biết tin tức gì về ông. Sự việc lạ lùng này có thể sánh với việc Bồ Đề Đạt Ma quảy một chiếc giày đi về Tây Thiên, sau khi người ta đã chôn ông tại Trung Quốc. Sống chết có vinh hoa gì khi cuối cùng cũng vào hòm gỗ. Còn người giác ngộ như Đạt Ma hay Huệ Trì làm chủ sinh tử. Họ có thần thông có thể giấu được quả núi trong đầm như lời Trang Tử nói trong thiên Đại Tông Sư, bộ Nam Hoa Kinh, cũng giấu được thân. Nhưng nếu không giấu thiên hạ thì đạo có thể gần gũi hơn. Ta gởi lời nhắn với Trang Chu rằng ông hãy thôi suy nghĩ và bình luận đi, vì e rằng có những điều ông nghĩ chưa tới và làm chưa được. Con người là loài hữu tình thân thể cũng không phải vô tình, tuy nhiên nếu đây đó khắp mọi nơi, mọi người đều biết đem thân nhập định như Huệ Trì, giác ngộ bồ đề không phải là cây, như trong bài kệ của Huệ Năng, thì không cần phải nhọc công hỏi pháp nơi Lục Tổ, vì bản thân mọi người tự chứng ngộ.”

Huệ Trì nhập định hơn 700 năm, tuổi thọ có thể so sánh với Bành Tổ sống 800 tuổi trong sách xưa. Tuy nhiên đó chưa phải là kỷ lục nhập định lâu nhất của người trên địa cầu. Thiền sử ghi:

在佛陀時代,摩訶迦葉、君屠缽歎、賓頭盧、羅睺羅皆受佛囑託,不入涅槃。《增一阿含經》卷四十四、《彌勒下生經》卷一云:「大迦葉亦不應般涅槃。」 而《付 法藏因緣傳》、《大唐西域記》亦記大迦葉在雞足山入定,發願身至彌勒成佛,令不朽壞,所以他至今仍在定中,是娑婆世界入定最久的記錄保持者。

Trong thời đại của Đức Phật, Ma Ha Ca Diếp, Quân Đồ Bát Thán, Tân Đầu Lô, La Hầu La, đều nhận lãnh lời Phật phó thác, là không nhập Niết Bàn. “Tăng Nhất A Hàm Kinh” quyển 44, “Di Lặc Hạ Sinh Kinh” quyển 1, nói: “Đại Ca Diếp cũng không về cõi Niết Bàn” mà các quyển “Phó Pháp Tạng Nhân Duyên Truyện”, “Đại Đường Tây Vực Ký” đều ghi Đại Ca Diếp nhập định tại núi Kê Túc (Kukkuṭapādagiri hay còn gọi là Tôn túc sơn Gradhakuta, nay thuộc bang Bihar, Ấn Độ, gần thành Vương Xá –Rājagaha- của nước Ma Kiệt Đà- Magadha- xưa) phát nguyện giữ thân cho đến khi Di Lặc thành Phật, khiến thân không bị hư hoại, vì vậy cho đến ngày nay, ông vẫn còn nhập định tại núi Kê Túc, là người bảo trì được thân thể lâu kỷ lục trong cõi ta bà thế giới này.

Maha Ca Diếp hay Đại Ca Diếp (Mahakasyapa) là Sơ Tổ của Thiền Tông Ấn Độ, ông là đại đệ tử của Phật Thích Ca, được Phật đích thân truyền pháp Tổ Sư Thiền qua sự kiện “Niêm hoa vi tiếu”, Phật đưa cánh hoa, Maha Ca Diếp mỉm cười. Thế là đủ, vì là tâm truyền tâm, nên tất cả pháp sâu xa nhất đều được truyền. Đại Ca Diếp tuy là đệ tử của Phật nhưng ông lớn tuổi hơn Đức Phật lịch sử. Sau khi Phật nhập diệt vào năm 543 Trước CN, (năm đó được lấy làm năm đầu của Phật lịch, đến năm nay 2012 dương lịch, thì Phật lịch là 2555), Đại Ca Diếp lo làm lễ trà tỳ cho Phật xong, 3 tháng sau thì lo tổ chức kết tập kinh điển lần thứ nhất, kéo dài trong 7 tháng. Hai mươi năm sau, Đại Ca Diếp truyền tâm ấn cho A-nan, có lẽ là năm 522 TCN, xong ông đi vào núi Kê Túc, nhập đại định, lúc đó ông 120 tuổi.

Maha Ca Diếp hay Đại Ca Diếp (Mahakasyapa) là Sơ Tổ của Thiền Tông Ấn Độ, ông là đại đệ tử của Phật Thích Ca, được Phật đích thân truyền pháp Tổ Sư Thiền qua sự kiện “Niêm hoa vi tiếu”, Phật đưa cánh hoa, Maha Ca Diếp mỉm cười. Thế là đủ, vì là tâm truyền tâm, nên tất cả pháp sâu xa nhất đều được truyền. Đại Ca Diếp tuy là đệ tử của Phật nhưng ông lớn tuổi hơn Đức Phật lịch sử. Sau khi Phật nhập diệt vào năm 543 Trước CN, (năm đó được lấy làm năm đầu của Phật lịch, đến năm nay 2012 dương lịch, thì Phật lịch là 2555), Đại Ca Diếp lo làm lễ trà tỳ cho Phật xong, 3 tháng sau thì lo tổ chức kết tập kinh điển lần thứ nhất, kéo dài trong 7 tháng. Hai mươi năm sau, Đại Ca Diếp truyền tâm ấn cho A-nan, có lẽ là năm 522 TCN, xong ông đi vào núi Kê Túc, nhập đại định, lúc đó ông 120 tuổi.

Núi Kê Túc không phải là một dãy núi mà chỉ là một ngọn núi nằm trơ trọi ở một vùng đất bằng phẳng thuộc bang Bihar, cách Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh-Gaya) khoảng 75 km về hướng Đông Nam. Tầm nhìn xa và rất đẹp. Trên đỉnh núi có một cái tháp đang được xây, theo kiến trúc của Phật giáo Tây Tạng, dưới tháp đó là một cái hang, được cho là nơi đức Ca Diếp ngồi nhập định. Chỗ đó giờ được xây thành một điện thờ nhỏ, trong có tôn tượng đức Ca Diếp, làm nơi hành lễ của các đoàn đến chiêm bái.

Cách đây không lâu, khoảng đầu thế kỷ 20, tiến sĩ triết học Bá Khắc Sâm, người Anh, đã được gặp tôn giả Đại Ca-Diếp tại Kê Túc Sơn, Ấn Độ, mà không biết. Sau đó theo hướng dẫn, đã quy y, trở thành tỳ kheo, đến Rangun, Myanmar thiền định và gặp lại, mới biết đó là Đại Ca Diếp (thông tin này mạng Hoa ngữ có rất nhiều, nhưng mạng Anh ngữ không thấy)

Nhưng người Trung Quốc tin rằng tại tỉnh Vân Nam, cũng có núi Kê Túc và Đại Ca Diếp cũng còn đang nhập định ở đó. Đây là sự nhầm lẫn, vì các sách cổ như Đại Đường Tây Vực Ký của Huyền Trang, hay sách Thích Ca Phương Chí in năm Đường Vĩnh Huy nguyên niên (650CN) đều chỉ nói tới Kê Túc Sơn bên Ấn Độ. Cũng không có nhân duyên gì mà Đại Ca Diếp lại bay đến núi Kê Túc ở Vân Nam để nhập định. Chẳng qua do sự trùng tên, và trên núi Kê Túc cũng có nhiều chùa miếu, tảng đá lớn cũng không thiếu, dân chúng tin rằng Ma ha Ca Diếp đang ngồi nhập định, giấu thân trong tảng đá, thỉnh thoảng ban đêm có người còn nghe tiếng chuông tiếng khánh vang ra.

Đại Ca Diếp nhập định từ năm 522TCN đến nay 2012 DL, đã trải qua 2534 năm, có thể nói ông là người sống lâu nhất trên thế gian này. Ông ẩn thân bên trong tảng đá lớn nên không ai có thể nhìn thấy.

Khi nhập định sâu như Đại Ca Diếp hay Huệ Trì, nhất niệm vô minh đã dừng lại, nên thời gian cũng dừng lại, vì thời gian cũng là do tâm tạo. Việc đó tương đương với việc di chuyển bằng với tốc độ ánh sáng. Trong khi đó, đối với tâm niệm của người đời, thời gian vẫn tiếp tục trôi. Do đó nếu bây giờ Đại Ca Diếp xuất định, thì trong tâm lý ông, vẫn còn là năm 522 trước CN trong khi bên ngoài đã là năm 2012. Đó là một cách đi tới tương lai. Ngoài ra các bậc thánh có thần thông vẫn có thể ngay bây giờ đi tới thời điểm năm 2200. Hình ảnh địa cầu năm 2200 hay xa hơn nữa vẫn nằm đâu đó trong vũ trụ.

Kết luận

Tóm lại, về phía các nhà khoa học thì trở về quá khứ hay du lịch tới tương lai chỉ là chuyện viễn tưởng. Khoa học dựa trên nhận thức sai lầm, cho rằng thế giới là khách quan, có thật, ở ngoài tâm thức, nên có thể chẳng bao giờ thực hiện được du hành trong thời gian hay trong vũ trụ bao la, giỏi lắm là quanh quẫn bên trong thái dương hệ là cùng. Trong khi Phật giáo giác ngộ tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức, nên việc du hành trong không gian và thời gian, đã thực hiện được từ bao đời nay, bởi những người giác ngộ như Phật, Bồ Tát, Tổ Sư, thiền sư kiến tánh.

Truyền Bình

Tài liệu tham khảo và chú thích:

(1) Vũ trụ toàn ảnh, một kỷ nguyên khoa học mới ? Tác giả: Cao Chi

(2) Stephen Hawking và chuyện du hành theo thời gian. Dịch giả Phạm Văn Thiều và Phạm Việt Hưng

(3) Bộ Sách Ngũ Đăng Hội Nguyên là do Phổ Tế普濟 người đời Nam Tống, biên tập lại từ 5 bộ sách:

Cảnh Đức Truyền đăng lục (景德傳燈錄) do Đạo Nguyên phái Pháp Nhãn đời Bắc Tống soạn

Thiên Thánh Quảng Đăng lục (天聖廣燈錄) do Lý Tuân Úc phái Lâm Tế đời Bắc Tống

Kiến Trung Tịnh Quốc Kế Đăng lục (建中靖國續燈錄) do Duy Bạch phái Vân Môn đời Bắc Tống

Liên Đăng Hội Yếu (聯燈會要) do Ngộ Minh phái Lâm Tế đời Nam Tống

Gia Thái Phổ Đăng lục (嘉泰普燈錄) do Chính Thọ phái Vân Môn đời Nam Tống

Mỗi bộ sách gồm 30 quyển, số lượng bề bộn, nhiều chỗ trùng lặp. Phổ Tế bỏ rườm rà lấy tinh giản, gom năm bộ lại thành một bộ nên gọi là Ngũ Đăng Hội Nguyên, chỉ còn 20 quyển, in tại chùa Linh Ẩn, Hàng Châu vào năm 1252CN.

Một số thông tin khác, lấy rải rác mỗi chỗ một ít trên internet. Xin thành thật cám ơn những người đã đưa thông tin lên mạng.

Nguồn: http://duylucthien.wordpress.com