Bốn chứng nhân của Đức Phật trong nền Phật học Việt Nam

Bốn chứng nhân của Đức Phật đã tìm thấy trong nền Phật học Việt Nam. Trong suốt bốn mươi lăm năm hoằng pháp, Đức Phật đã sống trong rừng rất nhiều. Do đó cuộc đời Đức Phật gắn bó với cỏ cây hầu như đến hết đời.

Cây chỉ là tượng trưng để làm hình dung chỉ cho những nơi đã từng lưu ấn dấu chân của Ngài, như : Vườn Lâm Tỳ Ni, Bồ Đề Đạo Tràng, Vườn Lộc Uyển, Cánh rừng Sala ở Ksinagara.

Bước chân giác ngộ của Ngài đã đi vào lòng người và cũng từng giúp cho con người có khả năng thoát ra khỏi sự chi phối thường trực của không gian và thời gian trong cuộc sống mỗi ngày.

Cây hoa sanh diệt và cây hoa không sanh diệt đã gắn liền trong cuộc đời của Đức Phật Thích Ca, là những cây hoa tìm thấy trong vườn Phật học Việt Nam như sau :

Bốn cây bốn tính tuyệt vời

Chứng nhân lịch sử cho lời Phật trao

Giúp người thoát cảnh lao đao

Tử sinh ba cõi khổ đau muộn phiền

Ưu Đàm hé nụ điềm hiền

Thế Tôn xuất thế, đời truyền hoa thiêng.

Vô Ưu hoa nở do duyên

Thích Ca giáng thế duyên thiên tuyệt kỳ

Bồ đề trí tuệ từ bi

Chỉ người thức tỉnh, si mê lạc đường

Dòng đời sanh tử vô thường

Sa la an trụ con đường diệt-sinh.

Hoa đạo là một loài hoa được kết tinh từ lòng từ bi và trí huệ, không bị sớm nở tối tàn, nuôi trồng bằng tâm bồ đề. Ứng dụng của Hoa đạo được dùng trong nhiều lãnh vực khác nhau như : Bố thí, Cúng dường, Hành thiện… Ngoài ra Hoa đạo còn có công dụng giúp cho Thân tâm thanh tịnh qua những cách tự thực hành như sau : Thiền, Trì, Tụng, Niệm, Đọc, kinh Phật, một cách chánh niệm và nghiêm túc.

Thành phần Phật học gồm có :

Tứ diệu đế là giáo lý cơ bản nội hàm dùng để giải thích mọi hiện tượng nhân sinh vũ trụ được quy nạp từ thập nhị nhân duyên, là con đường trung đạo duy nhất giải thoát sinh tử luân hồi : KHỔ ĐẾ| TẬP ĐẾ | DIỆT ĐẾ | ĐẠO ĐẾ .

Tứ niệm xứ là hành phẩm thứ nhất trong bảy hành phẩm của 37 phẩm đạo gồm có :

Thân niệm trụ còn gọi là thân niệm xứ | Thọ niệm trụ còn gọi là thọ niệm xứ | Tâm niệm trụ còn gọi là tâm niệm xứ | Pháp niệm trụ còn gọi là pháp niệm xứ.

Tứ chánh cần là hành phẩm thứ hai trong bảy hành phẩm trợ đạo của 37 phẩm đạo. Bốn chánh cần giúp người tu tập siêng năng tinh tấn trong việc hành thiện.

Tứ như ý túc là hành pháp thứ ba sau Tứ niệm xứ và Tứ chánh cần thuộc bảy hành phẩm trong 37 phẩm đạo. Đây là bốn pháp làm nền tảng của thiền định cho của người tu tập đạt được Chánh định gồm có : Dục như ý túc | Tinh tấn như ý túc | Nhất Tâm như ý túc | Quán như ý túc.

Ngũ căn – Ngũ lực là hai hành pháp thứ tư và thứ năm thuộc bảy hành phẩm trong 37 phẩm trợ đạo. Đây là nền tảng căn bản thúc đẩy để từ đó phát sinh ra kết quả tùy thuộc vào tác nhân tạo ra chúng hoặc thiện hoặc ác, hoặc tốt hoặc xấu.

Ngũ căn gồm có : Tín căn| Tấn căn | Niệm căn | Ðịnh căn | Huệ căn.

Ngũ lực gồm có : Tín lực | Tấn lực | Niệm lực | Ðịnh lực | Huệ lực

Thất giác chi là hành pháp thứ sáu thuộc bảy hành phẩm trong 37 phẩm trợ đạo và còn gọi là Thất Bồ đề phần. Đây là bảy pháp có khả năng làm trợ duyên trong việc triển khai trí tuệ giác ngộ cho người tu tập để đạt đến Niết-bàn giải thóat.

Bát chánh đạo là hành pháp thứ bảy trong 37 phẩm trợ đạo. Đây con đường chánh tám nhánh đưa đến Niết-bàn giải thóat gồm có tám chi sau:

Chánh kiến là thấy đúng | Chánh tư duy là suy nghĩ đúng | Chánh ngữ là nói đúng | Chánh nghiệp là làm việc đúng| Chánh mạng là sống đúng | Chánh tinh tấn là siêng năng đúng | Chánh niệm là nhớ đúng | Chánh định là tập trung đúng.

Mười hai nhân duyên là 12 yếu tố làm nhân và duyên kết hợp vào nhau, theo chiều lưu chuyển sinh khởi hay ngược lại, mà biến diệt. Theo kinh A-hàm thì mười hai chi nhân duyên được trình bày như sau :

Vô minh | Hành | Thức| Danh sắc | Lục xứ | Xúc | Thọ| Ái | Thủ | Hữu | Sinh | Lão tử .

Các yếu tố Giác Ngộ gồm có:

Trạch pháp giác chi là sự phân tích, biết phân biệt đúng sai, để chọn lựa pháp môn tu tập phù hợp với trình độ căn cơ của chính mình. Trong kinh Sa Di Thập Giới nói : “Cái khổ ở địa ngục, của con lừa, con lạc đà chở nặng chưa phải là khổ, không tìm thấy được hướng đi mới thực sự là khổ”.

Niệm giác chi là phương pháp được Đức Phật đề cập nhằm giúp cho con người phát triển tuệ giác, đồng thời có công năng làm cho các vọng niệm không dấy khởi.

Tinh tấn chi giác là nỗ lực đòi hỏi người tu tập phải kiên trì, để vượt qua mọi thử thách. Trong Kinh Pháp cú, Đức Phật có nói : “Hết ngày này qua tháng khác, người thợ vàng phải nỗ lực công phu mới lọc được vàng ròng. Con người muốn cho thân tâm trong sạch cũng phải cố gắng rèn luyện như thế”.

Hỷ giác chi là một động lực giúp cho người tu tập khởi tâm hoan hỷ, trong mọi hoàn cảnh, để vượt qua mọi trở ngại trên đường tu đạo, dẫn đến cứu cánh sau cùng là giải thoát.

Khinh an giác chi là trạng thái nhẹ nhàng an lạc tỉnh giác trong đời sống, luôn luôn thư thái do đạt được niềm hỷ lạc thanh tịnh của các pháp thiện, nhờ đó mà người tu tập có thể thong thả đi tới đích mà không gặp chướng ngại nào.

Định giác chi là tâm luôn luôn an định tỉnh giác, không bị chi phối bởi phiền não vọng tưởng và các duyên bên ngoài tác động vào tâm thức. Đức Phật nói : Con người là tối thượng. Việc tu tập để tâm định không có nghĩa là để biết người khác, tìm tòi “soi căn, soi kiếp của người khác”.

Xả giác chi là trông thấy đúng đắn, nhận định chân chánh, hoặc suy luận vô tư, không luyến ái, không ghét bỏ, không ưa thích cũng không bất mãn. Trong Kinh Jãtaka nói : “Trong hạnh phúc, trong phiền não, lúc thăng, lúc trầm, ta phải giữ tâm như đất, và Kinh Kim Cang cũng có câu : “Người tu tập phải như thuyền qua sông, khi thuyền đã cập bến, nếu ta không bỏ để lên bờ thì đừng hòng đi đến đâu và biết được gì”.

Thất giác chi là con đường thực hành đưa đến đời sống an vui hạnh phúc, thoát khỏi khổ. Đức Phật nói : “Nước của bốn biển chỉ có một vị duy nhất, đó là vị mặn của muối. Giáo pháp của Như Lai cũng thế, chỉ có một vị, đó là vị giải thoát”.

Nếu quý bạn muốn cần biết thêm chi tiết của các thành phần Phật học ở trên. Xin vui lòng gặp quý Tăng, Ni, trong các chùa. Xin chân thành cảm tạ.

Trích trong Tinh Hoa Phật Học của TS Huệ Dân,

Kính chúc quý bạn một ngày vui vẻ trong tình học Phật,

Kính bút

TS Huệ Dân