Biến văn Đôn Hoàng sự ảnh hưởng của Phật giáo trong văn học Trung Quốc
Đại Đức Tiến Sĩ. Thích Đồng Văn
Việc phát kiến thạch động Đôn Hoàng là một sự kiện làm chấn động giới học giả trên toàn thế giới. Những tài liệu phát hiện ở Đôn Hoàng bao gồm rất nhiều thể loại: kinh Phật, biến văn, thi kệ, ngữ lục cùng rất nhiều tài liệu khác. Trong đó, biến văn là một trong những thể loại khiến cho giới học giả Trung Quốc cũng như thế giới đa phải tốn không biết bao nhiêu giấy mực để nghiên cứu, tìm hiểu.
Kể từ khi được phát hiện đến nay, biến văn được tái sinh với tư cách là một thể loại văn học đã tròn thế kỷ. Thế nhưng, sự có mặt của nó trong nền văn học, văn hóa Trung Quôc phải được tính từ thế kỷ thứ V. Như một bông hoa hút nhựa từ hiện thực lịch sử – văn hóa Trung Quốc và nước ngoài, biến văn đã nở rộ một cách trọn vẹn vào thời Đường.
Biến văn được xem là sự nối kết giữa kinh Phật với văn học đại chúng. Nguồn gốc của biến văn vốn là kinh Phật, được những nhà truyền giáo thể hiện lại theo lối diễn xướng dân gian. Ban đầu, công dụng của biến văn là nhằm mục đích truyền bá đạo Phật từ Ấn Độ vào Trung Quốc, nội dung mang đậm và phụ thuộc vào yếu tố tôn giáo. Về sau, khi thể loại này được lưu hành trong dân gian, được tắm mình trong không khí hiện thực, chịu những tác động của hiện thực và nhu cầu thưởng thức của công chung, nội dung tôn giáo của biến văn phai nhạt dần, được thay thế bằng các sự tích lịch sử, các tư tưởng đạo lý dân tộc. Từ đó, biến văn trở thành một thể loại văn học đặc biệt, bởi sự hội nhập độc đáo của tư tưởng Phật giáo và tư tưởng dân gian.
Vì vậy, có thể coi biến văn là kết quả tốt đẹp của một cuộc “hôn phối” diệu kỳ giữa tư tưởng Phật giáo Ấn Độ với bản sắc văn hóa, đặc biệt là bản sắc văn hóa dân gian Trung Quốc. Trong dòng chay và phát tán tư tưởng Phật giáo Ấn Độ vào Trung Quốc, bên cạnh chi lưu mang tính nguyên bản của kinh Phật tồn tại trong các nhà chùa, có một chi lưu khác của kinh Phật hòa nhập vào văn hóa dân gian Trung Quốc, nảy nở và phát triển từ nhu cầu thưởng thức và sáng tạo của dân gian, đó chính là biến văn.
Tên gọi biến văn và ý nghĩa của việc nghiên cứu biến văn
Mặc dù có rất nhiều nhà nghiên cứu Đông Tây ra sức tìm hiểu, thế nhưng tên gọi và nguồn gốc của biến văn vẫn còn là một vấn đề nan giải; giới học thuật lâu nay phải tốn biết bao tâm huyết và giấy mực, song dường như vẫn chưa tìm được câu trả lời khiến người ta vừa ý.
Gần đây, giới học thuật nghiêng về ý kiến cho rằng “biến văn” có quan hệ với một loại khác, đó là một loại tranh vẽ được gọi là “Biến tướng”. “Biến” trong “biến văn” tức là “biến” trong “Biến tướng”… Trịnh Chấn Đạc cho rằng: Cũng giống như “Biến tướng”, cái gọi là “biến” trong “biến văn” hẳn là chỉ cái ý “biến canh” (biến cải, biến đổi) bản văn của kinh Phật mà trở thành tục giảng. “Biến tướng” có nghĩa là “đồ tướng” (tranh vẽ hình tướng) của kinh Phật. Chu Nhất Lương viết: “biến văn” có nghĩa là “văn” của “biến tướng”. “Kinh biến” vốn là tranh kể sự tích, sau này trở nên thông tục, lại vứt bỏ kinh điển mà nó vốn dĩ đã dựa vào, rồi dùng thể văn đương thời thuật lại sự tích trong tranh, thế là liền trở thành “biến văn”… Đại để “biến văn” bắt nguồn từ “văn” của “Biến tướng”, sau này khách cướp ngôi chủ, thế là “văn” dần dần độc lập và “biến” mà “văn” đó dựa vào ngược lại đã biến mất.
Về nguồn gốc sâu xa của loại hình thức văn học “biến văn”, chủ yếu có mấy ý kiến sau:
1. Bắt nguồn từ nhạc cũ Thanh Thương của Nam triều: Trong nhạc Thanh Thương, vốn có một loại gọi là “biến”, tổ chức của nó cũng khá phức tạp:
Cái gọi là “Tống thanh” có khi chính là “tiết tử” (màn giáo đầu) và “Vĩ thanh”. “Biến văn” đời Đường chắc hẳn cũng có thể phổ nhạc… Và tổ tiên của nó có khi chính là một loại “biến ca” trong nhạc cũ Thanh Thương.
2. Có nguồn gốc từ viêc phiên dịch Phật điển:
“Nguồn gốc của biến văn tuyệt đối chẳng thể tìm thấy từ trong văn tịch bản địa. Chúng ta biết rằng văn tịch Ấn Độ ngay từ rất sớm đã sử dụng thể văn tổ hợp giữa văn xuôi với văn vần. Bản sinh man luận của Mã Minh cũng từng được giới thiệu ở Trung Quốc. Một bộ phận tăng lữ đã được Phật giáo Ấn Độ đào luyện, đại để khi giảng kinh đã từng ra sức mô phỏng loại văn thể mới này để thu hút sự chú ý của người nghe. Từ đời Đường về sau, rất nhiều văn thể mới của Trung Quốc đều đã in dấu của loại kết cục văn xuôi tổ hợp với văn vần. Các tăng lữ giảng xướng biến văn là những người có công nhất trong việc truyền bá kết cấu của loại văn thể mới này” (Trịnh Chấn Đạc).
3. Có nguồn gốc từ thể phú, ca dao, tự sự sẵn có của Trung Quốc:
“Trung Quốc đã có phú Hán phô bày văn vẻ, kể lể sự vật thơ tự sự trong dân ca Nhạc phủ vừa dùng văn xuôi vừa dùng văn vần. Thơ ca và âm nhạc trong truyền thống văn học Trung Quốc vốn chẳng tách rời nhau, vì vậy, khi gặp được những thể chế dùng văn xuôi để kể sự tích trong kinh, văn vần để ca xướng phạm bối thì tăng nhân tục giảng và nghệ nhân dân gian đem hai thứ kết hợp lại, thế là sản sinh ra biến văn” (Vương Khánh Thúc).
Việc phân biệt thể loại “biến văn” cũng đã trở thành một vấn đề mà giới học thuật không ngừng tranh luận. Những nhà nghiên cứu tảo kỳ nói chung co khuynh hướng dùng “biến văn” làm tên gọi chung cho các tác phẩm văn học giảng xướng tìm thấy ở Đôn Hoàng. Tuy nhiên, sự phát hiện và nghiên cứu biến văn có những ý nghĩa gì?
Về vấn đề này, Trịnh Chấn Đạc đã có một đoạn rât hay, xin trích dẫn ra đây:
“Trong nhiều văn thư quan trọng của Trung Quốc được phát hiện tại Đôn Hoàng, biến văn phải được coi là quan trọng nhất. (…) Rất nhiều vấn đề quan trọng về lịch sử văn học đều trở thành nghi án và khó có lời giải đáp xác định. Nhưng từ trước năm 30, sau khi Sử Thản Nhân mở kho báu Đôn Hoàng và đã phát hiện thấy một loại văn thể là biến văn thì chúng ta mới dần dần có thể được giải quyết mọi điều nghi vấn. Chúng ta mới tìm được một mắt xích giữa văn học cổ đại và văn học cận đại. Chúng ta mới biết giữa thoại bản Tống Nguyên và tiểu thuyết Lục triều cùng truyền kỳ đời Đường thực ra không có quan hệ nhân quả. Chúng ta mới biết rõ sách như loại bảo quyển, cổ từ và đàn từ chi phối tư tưởng dân gian hơn ngàn năm nay, lai lịch của chúng vốn là như vậy! Phát hiện này khiến việc tìm hiểu nghiên cứu lịch sử văn học Trung Quốc của chúng ta đổi mới diện mạo. Quan hệ này to lớn khác thường! Việc phát hiện ra biến văn lại không chỉ là đã phát hiện thấy nhiều tác phẩm nổi tiếng mà còn giúp cho lịch sử văn học cận đại giải quyết được nhiều vấn đề nan giải.
Đó chính là nguyên nhân khiến chúng ta hơn mười năm nay vì sao coi trọng việc phát hiện ra biến văn đến như vậy!”.
Đoạn phát biểu này của Trịnh Chấn Đạc chủ yếu là nhìn từ góc độ văn học. Về phương diện ngôn ngữ thì biến văn tiếp cận với khẩu ngữ đương thời, giữ được một lượng lớn tư liệu khẩu ngữ. Đối với việc nghiên cứu sự diễn biến ngôn ngữ cổ kim, cội nguồn bạch thoại Tống Nguyên thì điều này có giá trị tham khảo lớn. Lã Thúc Tương xem tác phẩm tục văn học Đôn Hoàng mà biến văn Đôn Hoàng là đại biểu, là đường ranh giới giữa Hán ngữ cận đại và Hán ngữ cổ đại, chứng tỏ bất kể là về phương diện văn học hay ngôn ngữ, biến văn Đôn Hoàng đều có giá trị to lớn.
Vài nét về sự anh hưởng của biến văn trong văn học Trung Quốc
– Sắc thái bình dân: Khởi nguyên, Biến văn là do Tăng đồ muốn tuyên dương giáo lý đạo Phật cho mọi tầng lớp nhân dân. Tuy những điều giáo lý tương đối cao của đạo Phật khó được người dân thường hiểu và tán thưởng, nhưng những nội dung ở mức độ thấp của đạo Phật như nhân quả, luân hồi, địa ngục, thiên đường… là những điều có liên quan trực tiếp với đời sống hiện thực, trở thành những vấn đề được người nghe thích thú nhất. Các nội dung này lại được cải tạo một cách vô tình hoặc cố ý, hòa nhập vào sự phán đoán về giá trị và yêu cầu về tâm linh của dân chúng, và trở nên gần gũi với đời sống và tinh thần của ngươi dân. Đó chính là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất làm cho biến văn có thể lưu truyền và hưng thịnh. Nội dung Phật giáo chứa đựng trong các biến văn Phật giáo hiển nhiên mang đậm sắc thái bình dân.
– Quan niệm về địa ngục: Thế giới địa ngục trong Phật giáo, đối với người dân, mang tính đe dọa, cảnh báo. Cảnh tượng địa ngục âm u, thảm khốc được miêu tả trong biến văn làm cho người dân sợ hãi hơn bất kỳ lời thuyết giáo lý luận nào, vì thê có thể khơi động lòng hướng Phật, làm việc thiện của họ. “Đại Mục Kiền Liên minh gian cứu mẫu Biến văn” cố tình miêu tả hàng loạt cảnh tượng thê thảm, hiểm ác trong địa ngục. Địa ngục được miêu tả là thế giới đầy ác quy hung tàn, hình phạt thảm khốc. Sự miêu tả trong biến văn rất tàn nhẫn, nhưng chính nhờ miêu tả như vậy mà có tác dụng làm chấn động tâm linh quần chúng nhân dân.
Biến văn miêu tả địa ngục làm nền để khuyên răn người nghe hướng thiện, thờ Phật. Con đường này vừa cụ thể lại vừa thế tục, từ truy phúc, chép kinh, đến bố thí, niệm Phật. Biến văn chỉ ra phương hướng cho quần chúng thế tục tu Phật nhằm để vừa giáo hóa quần chúng, vừa nâng cao lợi ích nhà Phật trên hai phương diện tín ngưỡng và kinh tế đảm bảo sự phát triển và tồn tại của đạo Phật.
– Khen ngợi Phật:
Ngược lại với sự sợ hãi, khủng hoảng do địa ngục đem lại, đức từ bi và pháp lực của Phật đem đến cho người ta sự may mắn và ấm áp. Đây cũng là chủ đề mà biến văn Phật giáo nỗ lực tuyên truyền. Trong “Bát tướng biến, Phá ma biến”, Đức Phật xuất hiện như một nhân vật chính. Biến văn miêu tả quá trình từ ra đời, xuất gia đến tu đạo của Đức Phật, tập trung khắc họa hình tượng một vĩ nhân kiên tâm cầu đạo, kiên trì nhẫn nại. Lòng từ bi và lòng kiên tâm tu đạo của đức Phật trong Bát tướng biến trở thành nội dung chủ yếu. Qua việc kể lại các cảnh ngộ thần kỳ, trắc trở trong quá trình trước và sau khi thành đạo của đức Phật, miêu tả cảnh khổ sinh lão bệnh tử…, biến văn đã gây sự xúc động sâu sắc cho quần chúng, làm cho họ sinh lòng kiên định hướng về Phật.
“Phá ma biến”, thông qua cuộc đấu giữa Phật và ma, thể hiện lòng đạo kiên cường và pháp lực vô biên của Phật. (Như Lai) toại khởi từ bi thiện căn lực, phương tiện hàng phục tà đồ. Bất giả giáp qua, ninh lao sĩ mã. Như Lai sở trì khí trượng, dữ bỉ toàn thù. Thả trước nhẫn nhục giáp, chấp trí huệ đao, loan thiền định cung, thoại từ bi tiễn, kỵ thập lực mã, hạ tinh tiến tiên. Tàm quý lực nhi vị cử, quỷ tướng kinh hoàng; trí huệ kiếm nhi vị luân, Ba tuần khiếp cụ. Thùy yên thổ diệm chi bối, phản bỉ tự thiêu; tải thạch kích sơn chi đồ, tự trầm tự đọa… Ma vương kiến thử, khước thả hồi quân. La sát khấu đầu, do xưng tử tội.
Quân ma quỷ lộn xộn, vừa lâm trận đã tan tành tao thành hình ảnh đối lập rõ ràng với hình ảnh Đức Phật trầm tĩnh, ung dung lẫm liệt, làm nổi bật sự uy nghiêm, pháp lực của Đức Phật. Sự nhẫn nhục, trí tuệ và phép hóa thành binh tướng đời thường cũng phù hợp với thói quen tán thưởng của quần chúng.
Trong Đại Mục Kiền Liên minh gian cứu mẫu Biến văn, Mục Liên khi tìm mẹ phải trải qua nhiều khó khăn, mỗi lần như thế đều được Như Lai giúp đỡ mới có thể vượt qua. Biến văn thuật chuyện Mục Liên đến bên bờ sông Nại Hà, các hồn quỷ nói: Hòa thượng khước qui, dữ chư nhân vi truyền tiêu tức, giao lệnh tạo phúc, dĩ cứu vong nhân. Trừ Phật nhất nhân, vô do cứu đắc.
Phật trở thành hy vọng duy nhất có thể cứu khổ. Mục Liên xuống A tỳ địa ngục, không tìm thấy mẹ, La sát gác đường cũng nói: Khuyên gián xà lê tảo qui xá, đồ phiền thủ xứ tương tầm mích. Bất như tảo khứ kiến Như Lai, thùy hung ảo não tri hà ích.
Quyền uy của Như Lai được thể hiện rất rõ: Mục Liên quả thật đã nhờ vào sự giúp đỡ của Như Lai, đi lại tự do trong địa ngục hiểm ác, tìm được mẹ.
Biến văn Phật giáo ca ngợi Đức Phật còn từ một mặt khác, đó là muốn người ta kính trọng đại diện của Đức Phật trên thế gian: Tăng đồ. Mở đầu Xú nữ duyên khởi có đoạn: Ngã Phật từ bi thế mạc khoa, cứu độ chúng sinh biên hà sa. Tổng đắc đáo ư vô vi xứ, kim sinh đương quí túc kiều xà. Nhân thân bất cửu như đăng diệm, thế sự phù không tựa vân già. Cúng dường Phật tăng tiêu diệt chướng, lai sinh tất định lễ long hoa.
Sự ca ngợi Phật Tổ được đưa ra đồng thời với yêu cầu kính lễ sư tăng. Công chúa bởi kiếp trước coi khinh nhà sư mà trở nên xấu xí, rồi lại nhờ thành tâm hướng Phật, được pháp lực của Phật che chở, dung mạo trở nên đẹp đẽ trở lại. Cuối Biến văn lại thông qua lời Như Lai nói rõ điểm này:
Phật đạo thử nữ tiền sinh, từng cúng dường Bích chi phật, tuy nhiên cung dường, duy đạo diện xú. Cúng dường nhân duyên sinh vương gia, khinh mạn hiền thánh chi nghiệp, cảm đắc diện mạo xú lậu. Tín tâm bố thí, trực tu hoan hỷ, nhược nhân ta ta thuấn mi, tắc tri quả báo bất toại.
Đoạn này muốn cảnh báo người nghe phải cung phụng tăng nhân, thành tâm lễ Phật. Sự ca tụng Đức Phật trong Biến văn Phật giáo cuối cùng đã khéo léo chuyển thành thờ phụng Phật, cúng lễ Tăng. Trong đây, thuộc tính tôn giáo và mục đích truyền đạo được quán triệt song song trong khi biểu diễn biến văn.
Nhìn từ đề tài thì giảng kinh là diễn thuyết Phật kinh, còn biến văn thì gồm cả hai loại Phật giáo và thế tục. Trong đề tài Phật giáo, có giảng kinh Phật như “Đại Mục Kiền Liên minh gian cứu mẫu biến văn”. Về cơ bản là phô diễn Vu Lan Bồn kinh; “Giáng Ma biến” thì kể chuyện khi Tu Đạt trưởng giả bỏ vàng mua đất xây Cô Độc tịnh xá, Xá Lợi Phất đấu phép với ngoại đạo – chuyện này thấy trong Hiền Ngu kinh, quyển 9, phẩm Tu Đạt khởi tịnh xá; “Phá Ma biến văn” thì có đề tài từ Phổ Diệu kinh, quyển 6, phẩm Hàng ma và phẩm Ma bố Bồ tát, quyển 27, kinh Phật bản hạnh… Ngoài ra, còn có thứ giảng truyền thuyết Phật giáo như “Bát tướng thành đạo biến văn”, lấy từ truyện Phật, viết về chuyện Đức Phật thành đạo. Đề tài thế tục thì viết chuyện lịch sử như “Lý Lăng biến văn”, “Vương Lăng biến văn” và “Chiêu Quân biến văn”; cũng có đề tài viết về hiện thực như “Trương Nghĩa Triều biến văn” và “Trương Hoài Thâm biến văn”; lại còn viết về truyền thuyết dân gian như “Đổng Vĩnh biến văn”… Những đề tài rộng rãi như thế đủ biểu hiện rõ ràng sự chuyển hóa từ văn học tôn giáo đến văn học dân gian. Chính vì đề tài rộng rãi như vậy, nên đã biểu hiện được sức sống của biến văn.
Do xướng đạo phát triển thành giảng kinh văn rồi lại phát triển thành biến văn, nhìn từ tình tiết câu chuyện thì càng lúc càng sinh động hơn; nhìn từ nội dung biểu hiện mà xét thì càng ngày càng thế tục hóa, đặc biệt là đã gia nhập vào không ít những ý thức truyền thống và phong tục tập quán sẵn có của Trung Quốc
Biến văn có một ảnh hưởng rất sâu đậm đối với văn học Trung Quốc. Đường Mạnh Khởi trong “Bảo sự thi” chép rằng:
“Nhà thơ Trương Hộ chưa từng quen biết Bạch Công. Bạch Công (Bạch Cư Dị) làm Thứ sử Tô Châu. Hộ mới đến yết kiến. Vừa mới gặp Bạch Công, Bạch Công đã nói: Khâm phục đã lâu, thường vẫn nhớ bài thơ “khoản đầu” của ông. Hộ ngạc nhiên hỏi: Quan Xá nhân (Bạch Công) nói thế là nghĩa thế nào? Bạch Công đáp: “Hoa tai uyên ương quăng đâu mất, áo lụa khổng tước vứt cho ai” chẳng phải là “khoản đầu” thì là gì? Trương Hộ cúi đầu mỉm cười, rồi ngẩng lên đáp: Hộ cũng vẫn còn nhớ được Mục Liên biến của quan Xá nhân! Bạch Công hỏi: Gì vậy? Hộ đáp: “Lên tận bích lạc, xuống hoàng tuyền; hai chốn mịt mù đều chẳng thấy” chẳng phải là Mục Liên biến thì là gì? Thế rồi cùng nhau vui vầy yến tiệc cả ngày”.
Đây là lời của một tiểu thuyết gia, cụ thể chi tiết thì không hẳn là thực. Nhưng việc người đương thời đã đem ví bài “Trường hận ca”, coi như là “Mục Liên biến” thì đủ thấy rõ những biến văn như thế đã được lưu truyền rộng rãi trong văn nhân. Đây cũng đã nói lên được mối liên hệ giữa thi phong thông tục thời Trung Đường và văn học dân gian như loại biến văn.
Trên đây chỉ giới thiệu sơ lược ảnh hưởng của Phật giáo trong Biến văn đối với sáng tác văn học Trung Quốc. Từ đây, có thể thấy được sự truyền nhập và lưu truyền của Phật giáo đã có một ảnh hưởng rất lớn về phương pháp biểu hiện, phương diện tư duy cho đến thể tài và ngôn ngữ đối với văn học Trung Quốc. Có thể nói rằng nó đã khiến cho văn học Trung Quốc thay đổi mạnh mẽ về diện mạo nghệ thuật tư tưởng. Đương nhiên, sự thay đổi này có cả mặt tích cực lẫn tiêu cực; cần có sự phân tích, đánh giá nó trong từng trường hợp và hoàn cảnh cụ thể.