Cái tên quyển sách, Phồn hoa kinh (*), thoạt đầu mới nghe qua có thể gieo một ấn tượng về một tập kinh tôn giáo, hay tựa đề bay bướm của một cuốn tiểu thuyết, nhưng thực tế nó là một cuốn sách luận văn. Nói cho chính xác hơn, quyển sách là tập hợp những suy nghĩ của tác giả (Hoàng Nguyên Nhuận) về quê hương, lịch sử, xã hội, tôn giáo, văn học, và những vấn đề mà tôi tạm gọi là “thế thái nhân tình”, hay chuyện phồn hoa đô thị, được thể hiện qua những bài viết mà tác giả đã công bố trên một số báo chí ở hải ngoại trong vòng một thập niên qua.
Mỗi quyển sách đều có một lịch sử, và cuốn sách này cũng không nằm ngoài cái lệ thường đó. Lịch sử của Phồn hoa kinh có lẽ là quá trình dấn thân hoạt động và triết lí sống của chính tác giả. Hoàng Nguyên Nhuận, dĩ nhiên, nổi tiếng qua những hoạt động trong phong trào Sinh viên Phật tử trong những năm nóng bỏng của thập niên 1960s thời mà anh em ông Ngô Đình Diệm cầm quyền ở nam Việt Nam. Là một người đóng vai trò tích cực trong các hoạt động đấu tranh cho Phật giáo, Hoàng Nguyên Nhuận từng là nạn nhân khốn khổ của nhiều chính quyền trên đất nước Việt Nam, và còn là nạn nhân bi hài của những người chuyên hành nghề chụp mũ trong kĩ nghệ chống Việt Nam ở hải ngoại. Cái nghiệp của tác giả quả đúng với cái ví von chua cay mà tác giả từng nói: “Tôi là một cái móc áo cho thiên hạ treo đủ thứ áo với những màu sắc khác nhau.” Sống qua ba chế độ ở trong nước, làm học sinh, làm thầy dạy học, làm người xuống đường đấu tranh, làm lính, làm tùy viên báo chí, làm báo, làm người tù, và làm người tị nạn trong cuộc sống bôn ba ở hải ngoại đã cho Hoàng Nguyên Nhuận những cơ hội trần thế để làm chứng nhân của những bể dâu, và “những điều mắt thấy mà đau đớn lòng”. Một phần lớn những bài viết Phồn hoa kinh phản ánh những kinh nghiệm rất Việt Nam đó của họ Hoàng.
Trong một bài phỏng vấn do Quán Như thực hiện đăng trên Tập san Chuyển Luân, tác giả tâm sự rằng cuộc đời mình gói gọn trong những thông số của “ba giải”: Đối với tư tưởng, Hoàng Nguyên Nhuận kêu gọi giải hoặc; đối với lịch sử ông chủ trương giải thực; và đối với tôn giáo ông thỉnh cầu giải nghiệp. Chữ “giải” ở đây phải hiểu là hóa giải, là tìm câu đáp số cho một bài toán, là giải thoát khỏi những bó buộc. Giải hoặc có nghĩa là chống lại những tư tưởng huyễn hoặc của bọn thực dân (hay những người theo thực dân) làm cho băng hoại xã hội Việt Nam. Giải thực là chống thực dân – chấm hết. Vì thế giải thực và giải hoặc tuy hai mà một, là việc làm mà Hoàng Nguyên Nhuận tin rằng sẽ “góp phần tranh đấu cho độc lập quốc gia, hòa bình dân tộc, và cách mạng xã hội” (Trích Chuyển Luân số 24, năm 2001). Còn Giải nghiệp thì sao? Theo Hoàng Nguyên Nhuận, “mục tiêu tối hậu của người Phật tử là giải thoát. Điều kiện giải thoát là chuyển nghiệp, là giải nghiệp. Giải nghiệp không chỉ là biệt nghiệp tự thân mà còn là cộng nghiệp của tha nhân. Hai cộng nghiệp nặng nề nhất là thực dân đế quốc và ý thức hệ huyễn hoặc không tưởng. Cho nên giải nghiệp cũng là giải thực và giải hoặc” (trang 31). Nội dung của Phồn hoa kinh xoay quanh ba chủ đề này: giải hoặc, giải thực, và giải nghiệp.
Những vấn đề mà tác giả quan tâm đến được phân xếp vào bốn phần không có tên, nhưng người đọc tinh tế có thể nhìn thấy cái thứ tự rõ ràng. Phần I gồm 8 bài viết liên quan đến các vấn đề về hiện tình quê hương Việt Nam. Có thể nói đây là những bài viết mang tính giải thực. Phần II gồm 8 bài viết bàn về văn học, về chủ nghĩa hậu hiện đại, và có thể nói là phẩn giải hoặc. Phần III gồm 6 bài viết trao đổi với các tác giả như Võ Phiến, Nguyễn Văn Chức, Nguyễn Gia Kiểng, và thậm chí … Đức Giáo Hoàng. Những bài viết này có thể nói là nằm trong chủ đề giải thực và giải nghiệp. Và phần cuối cùng (phần IV) gồm 9 bài viết về những chuyện mà tôi tạm gọi là “thế thái nhân tình”, những chuyện mà Trịnh Công Sơn có lần gọi là “Trả nợ đời”.
Hoàng Nguyên Nhuận giải hoặc, giải thực, và giải nghiệp đứng trên một lập trường sắc son (hay có người nói là “cực đoan”): Đó là lập trường dân tộc, là quả quyết “Người Việt đúng trước cái đã,” cho dù đó là một niềm tin “thấy mù.” Cái lập trường này được phát biểu bằng một ngôn ngữ cực kì thế tục và có thể làm cho nhiều người phải cau mày khó chịu: “Ý thức dân tộc lắm khi nếu không là một bản năng thì ít ra cũng là một xung động hữu kiện, tương tự như ý thức tư hữu của con chó. Với ý thức tư hữu đó, con người thương gốc đa đầu làng thế nào thì con chó nhớ gốc cây đó mà nó đã đái vào để ‘đánh dấu’ thế ấy, con người bảo vệ quê cha đất tổ thế nào thì con chó cũng sủa cắn người lạ để giữ nhà thế ấy. Ít ra là như thế …” (Phồn hoa kinh, trang 65).
Nếu Tổ quốc ăn năn của Nguyễn Gia Kiểng không nhân nhượng với lịch sử Việt Nam (như “người Việt không biết đọc, không biết viết, không biết nói”), thì Phồn hoa kinh của Hoàng Nguyên Nhuận cũng không nhân nhượng với những người không nhân nhượng lịch sử và dân tộc Việt Nam. Đối với Tổ quốc ăn năn, tác giả có cái nhìn khác hẳn với những người khác. Bằng cách nói ví von “Lịch sử có thể là một thực tại tương tự như con voi trong tay mấy người mù”, và “Lịch sử tái hiện tùy theo quan điểm và ý tưởng của người nhìn về lịch sử”, tác giả cho rằng Nguyễn Gia Kiểng nổi giận vì “tâm thức lãng mạn chính trị chứ đây không phải là một hành động đặc công chính trị nhằm hủy hoại tất cả mọi thần tượng lịch sử để đi đến kết luận rằng lịch sử Việt Nam tồi như thế thì không mất vào tay Pháp cũng mất vào tay người khác thôi, đừng đổ lỗi cho người ta xúi dục Pháp vào chiếm Việt Nam, hoặc lên án người ta cõng rắn cắn gà nhà? Hoàng tôi hy vọng, khi dùng lập luận đó, Nguyễn Gia Kiểng và nhóm Thông Luận không hề vô tình hay cố ý sắp hàng với kẻ bán nước hay phản quốc, hoặc sắp hàng với kẻ chuyên môn đi cướp nước người” (trang 382).
Phồn hoa kinh không chỉ giới hạn trong những cái gam thời sự xã hội chính trị, mà còn đột kích thẳng vào những thái độ vênh vang và thách thức những suy nghĩ “phổ thông” của những người hành nghề chống dân tộc ở hải ngoại, nó phơi bày những sự thật trớ trêu của trò đời. Viết về những người này, Hoàng Nguyên Nhuận nhận xét: “Họ hô hào đòi hỏi nhân quyền, dân chủ, tự do ‘lập tức, tức khắc, triệt đề, toàn diện’ mà không hề quan tâm đến tương quan ý nghĩa của những từ ngữ đó đối với ý chí tự quyết, tự chủ, ý thức đồng bào, và ngay cả tự ái dân tộc là những điều đã giúp cho Việt Nam còn là Việt Nam như ngày hôm nay” (trang 25). Đối với những người ‘quốc gia’: “Một số người tự nhận là ‘quốc gia’ thường nhìn Nhà nước Việt Nam như cái đòn kê, như tấm thớt để tỏ bày hờn giận hận thù, vì trước tiên ồn ào tỏ ra hận thù kiểu đó nhiều khi chẳng mất vốn mà lại rất nhiều lời” (trang 66). Nhận xét về những người đối kháng ở trong nước: “Trong khi một số người nước ngoài đối kháng như một nghề – cựu đại tướng Nguyễn Khánh mới đây gọi là những kẻ ‘làm nghề chống cộng’ – thì một số người trong nước lại đối kháng như là thời trang. Trước sau họ sẽ thấy rằng mẫu số chung của cái nghề đó và cái thời trang này là ý thức vọng ngoại thỏa hiệp và ý hướng biện minh cho hành động bán nước từ 200 năm nay của một số người” (trang 69).
Đọc Phồn hoa kinh giống như một cuộc dạo chơi quanh một thành phố không có biên giới, nhưng có nhiều bản hiệu, đèn xanh, đèn đỏ. Nhưng chúng ta không chắc những đèn xanh đỏ ấy có thực sự cho người ta một cảm giác về phương hướng hay làm lạc hướng. Trong thành phố ấy, chúng ta sẽ gặp những nhân vật gồm đủ thành phần, mang nhiều màu sắc trong thành phố ấy mà chúng ta cảm thấy rất quen thuộc. Họ là Thích Mãn Giác, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Hữu Loan, Mai Thảo, Tố Hữu, Huy Cận, Phạm Thiên Thư, Nguyên Sa, Trần Hồng Châu, Lệ Hằng, Võ Phiến, Dương Văn Minh, Đỗ Mậu, Nguyễn Văn Chức, Nguyễn Gia Kiểng, và thậm chí … Đức Giáo Hoàng.
Xuyên suốt Phồn hoa kinh, người đọc sẽ tìm thấy những nét chấm phá những nhân vật trên. Với Phạm Thiên Thư: “Kho trời chung của Phạm Thiên Thư là người đàn bà, là tình yêu nam nữ. Người đàn bà đó, tình yêu đó … ngàn năm trước hay bây giờ khác gì nhau? Khác chăng là Phạm Thiên Thư đã biến kho trời chung đó thành Ngọ của Ngày Xưa Hoàng Thị, Ngọ là vô tận của mình riêng bằng những vần thơ” (trang 428). Với “một tài hoa đa đoan” Phạm Duy , Hoàng Nguyên Nhuận nhận xét rằng “Phạm Duy là hiện thân của khổ đế lịch sử,” và cuộc đời ông “cũng là biểu hiện của những nhịp võng lịch sử” (trang 240). Với Trịnh Công Sơn, người mà tác giả cho rằng một “Nguyễn Du của thế kỉ 20”: “Trịnh Công Sơn là một cuộc đời hóa thân vào nghệ thuật xưng tụng thân phận và tình yêu của mọi kiếp người … len lỏi vào tận tâm hồn sâu thẳm của người Việt, đánh thức tình yêu quê hương xứ sở” (trang 525). Với Võ Phiến: “Giá trị của Võ Phiến là giá trị ý thức hệ chống cộng phát xuất từ những huyền thoại quanh hành tung của Võ Phiến hơn là sáng tạo văn học” (tramg 292). Về Nguyễn Văn Chức với cuốn “Việt Nam chính sử”, Hoàng Nguyên Nhuận viết: “Là một luật sư hết chỗ hành nghề, một chính khách mất đất dụng võ, một nghị sĩ không còn Nghị trường để hoạt náo … nên có dịp múa bút thì ngòi bút của Nguyễn Văn Chức liền trở thành loạng quạng quay cuồng không kém gì cây gậy trong tay một anh mù chếnh choáng hơi men” (trang 300) …
Hoàng Nguyên Nhuận không phải là một tín đồ của chủ nghĩa hậu hiện đại. Đối với ông, đó là một cái gì tục tiễu và không đáng phí công bàn tán xôn xao. Cũng như Cao Hành Kiện, Hoàng Nguyên Nhuận có ý cho rằng những cuộc tranh luận văn học Việt Nam hiện nay chỉ là những cãi vã, tranh chấp vấn đề của người khác, hay nói cụ thể hơn là của những ông hoàng tư tưởng của Tây phương. Điều này đã cướp đi người Việt Nam một năng lực sáng tạo, và hậu quả là giới trí thức Việt Nam chỉ bàn chuyện của … người khác, và lang thang một vô định trong các nhà tù của quan niệm và thông số của người khác. Bàn về cái mới trong thơ, Hoàng Nguyên Nhuận viết: “Câu hỏi đặt ra cho người cầm bút không phải là có nên theo mới hay không theo mới. Câu hỏi đặt ra là họ đã thành công trong sự diễn đạt mới một nội dung cũ, hay diễn đạt cũ một nội dung mới, hay họ chỉ núp sau một hình thức mới để lấp đầy cái lỗ hổng tâm cảm hay tài năng diễn đạt mà họ không thể lấp đầy hay tát cạn bằng tài năng hay bản lĩnh giới hạn của mình?” (Trang 427).
Hoàng Nguyên Nhuận là người đọc nhiều, hiểu rộng, và quan trọng hơn hết, lúc nào cũng biểu hiện một cái nhìn bao quát, triết lí. Có lẽ chính cái chất triết này giúp cho tác giả có được cái tính nhạy cảm và phát biểu một cách ngắn gọn (giống như cách phát biểu của Samuel P. Huntington) nhưng sâu sắc. Do đó, ở một khía cạnh nào đó, Phồn hoa kinh là tập hợp những statements – những phát biểu bén nhậy của Hoàng Nguyên Nhuận. Chẳng hạn như “Cuộc đời là một nỗi bất hạnh đột nhiên ngộ chứng”; hay khi nói về đạo và đời, Hoàng Nguyên Nhuận viết: “Đạo làm cho người gần nhau, người theo đạo làm cho người xa nhau” (trang 382); bàn về hạnh phúc: “Hạnh phúc và thành công dễ làm cho người ta xa ghét nhau hơn là đau khổ và thất bại” (trang 123); bàn về thơ: “Thơ là một trò chơi, một trò chơi với vần điệu” (trang 269), vì thế “Nhà thơ là một người chơi, người làm xiệc, một nhà ảo thuật với ngôn từ và vần điệu” (trang 269) …
Một nhà văn Pháp từng nói “Văn là người”. Văn chương của Phồn hoa kinh, một phần lớn, cũng phản ánh tác giả của nó. Đó là loại văn chương đầy chất thơ. Dù viết về những đề tài khô khan như chính trị, tư tưởng, hay xã hội, ngòi bút của Hoàng Nguyên Nhuận luôn luôn rất thi vị, giống như Nhà báo kiêm Nhà thơ tài danh người Uruguay, Eduardo Galeano, vậy. Tôi có một nhận xét ngộ nghĩnh: Những người gốc Huế, dù viết về đề tài gì, đều có một giọng văn rất thi vị và mông lung. Một trong các tác giả Phật tử khác mà tôi ham đọc là Cao Huy Thuần, có lẽ cùng thời với Hoàng Nguyên Nhuận, cũng có một văn phong giông giống như văn phong của tác giả Phồn hoa kinh. Nếu văn của Cao Huy Thuần là một khai triển ý tưởng mang tính hàn lâm, kéo dài như bất tận, thì văn của Hoàng Nguyên Nhuận là những câu chữ lãng mạn của một nghệ sĩ nhưng với cái nhìn của một nhà sư (hay ít ra là một Phật tử) đã ngày càng thi vị những từ ngữ như định hướng, luật lệ, phải trái, trên dưới, ngược xuôi. Ngay cả những tựa đề của những bài viết trong cuốn sách cũng “bị” tác giả thi vị hóa: Như chuyện thần tiên, Mã thượng ham vui, Công án tử sinh, Mộng trong mơ, Một ngày đầu thu nghe chân ngựa về, Nói với nửa phần hồn của tôi, Đôi mắt hớp hồn tôi, v.v… là những tựa đề của những bài viết mà người đọc phải chuẩn bị tinh thần để đi vào cái thế giới li kì của Hoàng Nguyên Nhuận. Ngay cả cái tên của cuốn sách đã gợi tò mò cho người đọc. Phồn hoa kinh là gì? Nói đến Kinh là người ta nghĩ ngay đến kinh kệ, tức là những phát biểu của bậc thông thái, của những nhà hiền triết làm khuôn vàng thước ngọc, thường được đọc hay tụng niệm trong chốn trang nghiêm, chứ ít khi nào – nếu không muốn nói là không khi nào – được đem ra tuyên bố giữa chốn phồn hoa đô thị! Nhưng đó là cái phong cách làm nên Tác giả Hoàng Nguyên Nhuận.
Tuy văn phong của Hoàng Nguyên Nhuận đượm chất thơ và bình thản, thậm chí có lúc giễu cợt, nhưng quyển sách này không phải là món ăn tinh thần cho mọi người. Đối với những ai mà suy nghĩ và hành động chịu sự chi phối của trái tim, lời khuyên chân thành của tôi là không nên đọc Phồn hoa kinh, vì quyển sách có thể làm cho tim họ bị bệnh hơn, thậm chí bị “heart attack”. Đối với những ai đã bị văn chương phố Bolsa thấm vào máu, quyển sách này là một cú sốc cho họ. Sách vừa mới ra đời thì tác giả đã bị một người Mĩ gốc Việt trong kĩ nghệ chống Việt Nam ở phố Bolsa mắng là “hỗn xược.” Tôi không ngạc nhiên về những nhận xét tương tự như thế sẽ xuất hiện nay mai trên mặt báo phố Bolsa, vì đối với những người không đủ can đảm hay khả năng quản lí cái-khác sẵn sàng đồng hóa, khái quát hóa tất cả những gì khác họ là “Cộng sản”. Nhưng Đối với những ai thích suy nghĩ và hành xử theo lí trí, hay còn nặng tình dân tộc, thì nên tìm đọc cuốn sách này, vì nó là một món ăn tinh thần bổ dưỡng, vì nó cho người đọc một cái nhìn rất khác biệt với những câu chữ quán tính đã và đang được bộ máy truyền thông trong cái kĩ nghệ chống Việt Nam và kĩ nghệ gây hận thù rao giảng bấy lâu nay.
Khác biệt ý kiến là một nhu cầu và điều kiện cho tiến bộ, và quản lí sự khác biệt ý kiến là một nghệ thuật trí thức. Phồn hoa kinh đạt cả hai chỉ tiêu đó. Cái khác của Phồn hoa kinh rất cần thiết trong tình trạng đơn điệu hiện nay ở hải ngoại, cái tình trạng mà một tác giả trên Đi Tới đặt tên là “Đường mòn chữ nghĩa”. Trong Phồn hoa kinh, người đọc sẽ không thấy những câu chữ theo đường mòn, theo quán tính, mà là những câu chữ thách thức, động não, và có khi nghịch lí.
So với các sách phát hành ở hải ngoại, Phồn hoa kinh là một cuốn sách hơi khác thường, bởi vì nó không có lời nói đầu, cũng chẳng có lời giới thiệu, và phần kết thúc cũng không có nốt. Không biết đó là ngụ ý của tác giả hay là một thiếu sót. Song, sách được in ấn đẹp, với bìa do Khánh Trường vẽ, nền tranh màu sám cũng là một phát biểu về thành phần độc giả của cuốn sách. Dù là một tạp ghi, nhưng tác giả cũng cẩn thận chú thích và liệt kê tài liệu tham khảo một cách chính xác. Đó là một điểm son của cách viết sách, và thể hiện sự tôn trọng cho người đọc. So với đại đa số sách vở xuất bản ở hải ngoại, Phồn hoa kinh là cuốn sách có rất ít lỗi chính tả. Ít chứ không có nghĩa là không có. Vài lỗi chính tả xuất hiện đây đó trong sách như “kẽ thù”, “cha đẽ”, “sáng sũa”, “hổn loạn”, “cọng hòa”, “Afganistan”, v.v… Ngoài ra, phần Mục lục cũng có chỗ đánh số sai, như bài “Nói với nửa phần hồn của tôi” đáng lẽ là trang 383 nhưng lại đề là 283. Cố nhiên, những lỗi lầm nhỏ này không làm giảm giá trị của quyển sách hay làm lu mờ những phát biểu của tác giả.
Phồn hoa kinh là quyển sách thứ 2 của Hoàng Nguyên Nhuận, tiếp theo cuốn Từ chốn lưu đày xuất bản trên dưới 10 năm trước đây. Hồi đó, khi Từ chốn lưu đày ra đời, Nguyễn Ngọc Bích nhận xét đó là cuốn sách “hay nhất trong năm”, nhưng “Ấn Quang quá.” Tôi không biết Phồn hoa kinh có “Ấn Quang quá” hay không, nhưng quyển sách đã, một phần nào đó, làm tròn cái nhiệm vụ giải hoặc tư tưởng, giải thực lịch sử và giải nghiệp tôn giáo của Hoàng Nguyên Nhuận.
Chú thích. (*) Phồn hoa kinh của Hoàng Nguyên Nhuận, do Nhà xuất bản Văn Mới ấn hành, 541 trang, kể luôn 13 trang Chú thích, giá bán $18 Mĩ kim.
Bài này trích đăng lại từ Tạp chí Đi Tới (Canada), số tháng 10 năm 2003.