“Chị chưa vội lấy chồng”

Môt trăm người con gái thì cả trăm người khi xa gia đình người đầu tiên nhớ đến vẫn là mẹ, rồi đến cha, sau đó mới đến anh chị em và người thân khác. Còn tôi, không biết có phải là bất hiếu hay không mà khi xa nhà người tôi nhớ và thương nhất không phải ba mẹ mà lại là chị Hai tôi. Tuy nói tình thương thì không thể lý giải nổi nhưng đối với riêng tôi thì có lẽ tôi thương nhớ chị vì từ tuổi thơ cho đến lúc trưởng thành, xuất gia cho đến hiện giờ cuộc đời tôi luôn gắn liền với tình yêu thương và sự chăm sóc của chị.

Ba tôi là con trai duy nhất trong một dòng tộc, cho nên sau khi lập gia đình, ba ước mong đời ba có càng nhiều con trai càng tốt. Nhưng, ông trời đã phụ lòng trông đợi của ba mà tặng cho ba một dây “bốn con vịt giời”. Ba người chị đầu của tôi đều khỏe mạnh, dễ thương nên trong lòng tuy không vui, ba vẫn dành hết tình thương cho các chị.

Đến con vịt giời thứ 4 là tôi thì sự nhẫn nại có hạn của ba đã không còn nữa, bao uất ức buồn phiền bấy lâu được trút lên đầu tôi. Nhưng, may mà có chị-chị Hai của tôi. Bao tình thương yêu chị dành trọn cho đứa em không may mắn sanh lầm nhà này. Chị lớn hơn tôi 9 tuổi nhưng là chị Hai nên sớm “hiểu chuyện”, chị biết phụ cha mẹ chăm sóc em út trong nhà.

Lớn lên nghe kể lại, để bù đắp cho thân phận không được “ưu ái” này nên ông trời đã công bằng ban cho tôi một hình hài bụ bẫm và rất dễ thương, hay cười mà ít khóc, ít làm phiền cha mẹ, có điều quá bụ bẫm nên chị ẵm không nổi thường đánh rơi bầm mình bầm mẩy. Hồi nhỏ còn sống ở nông thôn, có những ao cá mùa thu hoạch họ tát cạn nước để bắt cá nên chỉ còn bùn lầy.

Tuổi nhỏ ham chơi, chỉ vì một con cua mà chị không đoái hoài đến sự an nguy của đứa em mới chỉ biết bò, chị lội xuống bắt và tôi cũng bò theo, kết quả tôi ăn no bùn. Và cứ thế theo dòng thời gian, ngoài tình thương yêu của cha và mẹ-mới sinh ra ba buồn vì mẹ sanh con “một bề”, “có tẻ mà không có nếp” nhưng tấm lòng của cha mẹ ở đời mà, vuông hay tròn, xấu hay đẹp cũng là núm ruột của mình, thương không hết ai nỡ ghét bỏ-tôi được chị ẵm bồng và chăm sóc cho đến 5 tuổi.

Có lẽ mẹ hiền Quán Thế Âm Bồ-tát đã nghe thấu tiếng cầu cứu của mẹ nên ban cho ba mẹ tôi một cậu con trai kháu khỉnh. Từ đây, ba mẹ và các chị dành nhiều thời gian chăm sóc“cục cưng” mà chỉ còn chị quan tâm chăm sóc tôi mà thôi. Rồi tôi cũng lớn lên với buồn vui của tuổi thơ kèm theo những vết thẹo chị “tặng” trên người. Đến lúc tôi hiểu chuyện thì chị tôi cũng tuổi “cập kê” lúc nào cũng có kẻ săn người đón. Lúc đó tôi chưa ý thức được chị tôi đẹp hay xấu, dễ thương hay khó ưa, nhưng tôi còn nhớ rất rõ nhiều người khen chị tôi dịu dàng và đằm thắm, đúng là mẫu người phụ nữ “thắt đáy lưng ong, vừa khéo chiều chồng vừa khéo nuôi con”.

Nhưng vì chị “còn lo cho các em” nên đã cô phụ tấm lòng của bao chàng trai. Đến tuổi“hăm”, chị vẫn một hình một bóng, giả lơ trước bao ánh mắt nhìn theo. Rồi hai người em kế lần lượt lên xe hoa “chị vẫn chưa có chồng”, vì còn tôi. Chị không nỡ xa tôi, vì không biết duyên nợ kiếp trước thế nào mà về nhà không có chị là tôi buồn, đi tìm cho bằng được chị mới thôi. Có lẽ quen sống trong vòng tay chăm lo, đùm bọc của chị mà tôi trở thành ích kỷ  chăng? Mười mấy tuổi rồi mà tôi không ý thức được rồi đến một ngày nào đó chị rời xa tôi mà phải chăm lo cho gia đình nhỏ bé của chị.

Tôi luôn nghĩ rằng chị là của riêng tôi, và tôi còn tuyên bố một câu xanh rờn suốt cuộc đời này tôi không đi đâu cả và sống với chị, chị cũng không được lấy chồng để lo cho tôi. Nghe tôi nói câu đó, chị chỉ cười hiền lành mà không nói gì. Không ngờ, một câu nói rất vô tình của đứa bé gái “vị thành niên” đã là định mệnh cho cuộc đời tôi và cả cuộc đời chị nữa. Mà thật vậy, chị sắp bước qua tuổi “băm” thì tôi tìm được con đường đi cho chính mình. Cuộc đời tôi đã rẽ sang một hướng khác. Ngày xuống tóc của tôi, chị khóc hết nước mắt. Giọt nước mắt buồn, vui xen lẫn.

Chị buồn vì tôi thật sự đã vuột ra khỏi vòng tay của chị, nhưng chị vui vì tôi đã tìm thấy lý tưởng sống cho riêng mình. Tôi cứ ngỡ rằng tôi vui với “nâu sòng” thì chị sẽ đi tìm bến bờ hạnh phúc cho chị. Nào ngờ, chị vẫn lo cho tôi tuổi trẻ bộng bột, không đi hết con đường đã chọn và chị lại hy sinh tuổi xuân thêm 10 năm nữa. Người con gái tuổi xuân có hạn, mà thời gian lại là kẻ thù nguy hiểm và đáng sợ nhất của phái nữ, mới đó mà chị ngấp nghé tuổi 40.

Em út trong nhà đều đã yên bề gia thất, chị hạnh phúc lên chức“dì”, chức “cô” mà vẫn chưa lên chức “vợ”, chức “mẹ”. Ai cũng khuyên chị nên tìm bến đỗ cho bản thân, ngay cả tôi cũng không nỡ nhìn chị lẻ loi một mình khi da mặt vốn hồng hào, mịn màng của chị đã điểm những vết chấm kỷ niệm và dưới đuôi của cặp mắt to đã xuất hiện những nếp gấp thời gian. Tuổi 20 kẻ đón người đưa đã qua rồi, nay bước sang thời kỳ “cô không phải là cô mà chị cũng chẳng phải là chị nữa rồi”…Nhưng, cuối cùng trong mười hai bến nước chị cũng chọn được cho mình một bến.

Tạo hóa trớ trêu, chị đã hy sinh tất cả tuổi thanh xuân cho gia đình mà ông trời lại tước thêm đi thiên chức làm mẹ của chị. Tuy không được hạnh phúc làm mẹ, tôi vẫn thấy chị cười thật tươi, không biết có phải cái cười của chị “là giọt nước mắt khô không lệ” hay không nhưng chị nói rằng chị không mắc nợ chồng cũng không mắc nợ con mà chỉ mắc nợ tôi. Tuy, nay tôi cũng bước sang tuổi tứ tuần nhưng trong mắt chị, tôi vẫn là đứa em bé bỏng ngày nào.

Bao năm nay tôi không còn trong vòng tay ấp ủ của chị nữa nhưng chị vẫn dõi theo từng bước chân đi của tôi. Mỗi lần gọi điện thoại câu đầu tiên là “em khỏe không, tự thức dậy hay cần người đánh thức, có còn tiền không?… ” và còn nhiều và nhiều nữa…

Bao nhiêu tình thương của chị dành cho tôi đều cảm nhận được hết nhưng giả lơ như người vô tình không hề biết đến sự hy sinh âm thầm của chị, nhiều khi thấy chị quá quan tâm trong lòng thì cảm thấy vui vui nhưng bên ngoài thì tỏ ra bực bội, khó chịu nữa chứ. Vì, tuy tôi hoạt bát không giống chị sống nội tâm ít nói nhưng tôi lại giống chị ở chỗ không muốn cho ai biết cảm xúc thật của mình, tôi sợ rơi nước mắt. Nhưng, sao đêm nay, nơi đất khách quê người, ngồi nghe mưa rơi rả rích bỗng nghe bài hát “Chị tôi” của Trần Tiến, tôi bỗng giật mình “chị” của Trần Tiến sao giống chị của tôi đến vậy.

Và, bất giác sống mũi tôi cay cay. Tôi nghe lòng hối hận, tại sao tôi lại không dịu dàng quan tâm đến“biển trời tâm của chị”? tại sao tôi không trân trọng đáp trả tình thương yêu của chị? tại sao có lúc tôi lại nỡ ăn hiếp chị của tôi ?…Bao câu hỏi “tại sao” cứ ùa về làm tim tôi day dứt và xốn xang. Biểu lộ sự biết ơn đối với người thân của mình có gì đâu là xấu? Hy sinh lo lắng cho người khác mới cần sự âm thầm, còn tri ân người thì dứt khoát phải biểu lộ ra mới đúng chứ!

Tôi cảm thấy sợ hãi và lo lắng một ngày nào đó tôi chưa kịp nói “chị ơi, chị là món quà quý giá nhất mà cuộc đời đã ban tặng cho em, là phúc báo tu tập nhiều đời mà kiếp này em mới gặp được chị…”!… Nam Mô A Di Đà Phật… Nhờ ơn Tam Bảo gia hộ và nhờ chút xíu lòng thành tu hành hàng ngày tôi hồi hướng về chị, ước mong tuổi thanh xuân đầy ước mơ và hoài bão chị đã hy sinh hết cho gia đình thì đoạn đường tiếp theo chị sẽ được đền bù xứng đáng .Và, giây phút cuối mộ của chị sẽ không phải “mộ của người con gái chưa có chồng” và” “nằm lẻ loi bên sông” mà là mộ của một nữ Phật tử đã hiểu rõ lý nhân quả : có chồng hay không chồng, có con hay không có con đều là duyên là nợ.

Nếu thật sự là duyên nợ, em sẽ là “đứa con hiếu thảo” để báo đáp tất cả tấm lòng hy sinh cao cả của người mẹ thứ hai- chưa từng sanh tôi mà từng dầy công nuôi dưỡng và chăm sóc tôi-chị Hai của tôi.

NM