Sách truyện và Tiểu Thuyết Phật Giáo

 

 

 

Thánh Thủy dịch từ Anh sang Việt

Bài giới thiệu những quyển sách truyện (hay tiểu thuyết) Phật giáo hiện đại cũng như truyện cổ Phật giáo.

Spring 2010 2.15.10

tác giả:  Kimberly French

Lời người dịch: Hội UUAC (Unitarian Universalist Association of Congregations) là một tập đoàn tôn giáo theo Thuyết Nhất Thể và Thuyết Phổ Độ. Hội UUAC cho xuất bản hai tập nguyệt san Universalist Magazine(1819) và Unitarian Christian Register (1921) từ hơn 2 thế kỷ qua. Thời gian gần đây hai cuốn báo lâu đời này được nhập lại thành một tờ UU World phát hành 1 năm bốn kỳ. Và với thông tin trực tuyển mạng luới toàn cầu hiện đại, UU World được phổ cập trên trang nhà www.uuworld.org. Bài viết của tác giả Kimberly French, một thành viên của UUAC, chỉ viết riêng cho uuworld và cho thành viên của hội UUAC. Người dịch có liên lạc với tác giả bằng điện thư email để được phép sử dụng bài viết và dịch ra Việt ngữ.

Khi có ý định tìm kiếm tài liệu về những quyển sách truyện đọc Phật giáo, tôi đã cố công khai thác và hỏi han rất nhiều Phật tử người Mỹ – từ bạn bè, thầy cô, giáo sư, giới tăng lữ và chức sắc tôn giáo, nhiều tác giả và biên tập viên, các nhà xuất bản, cũng như “bloggers” (những người có trang blog riêng) trên mạng internet – tôi đề nghị họ giới thiệu cho tôi biết những quyển sách Phật giáo nào họ đã đọc hay đã nghe đến. Hầu như mọi người đều trả lời là rất tiếc không biết, hoặc có chăng chỉ đưa ra một vài tựa đề mà thôi.

Tôi cũng chẳng tìm đâu ra được một thư mục hay một danh sách nào mang bảng tên “tiểu thuyết Phật giáo” cho dù đã lùng kiếm nhiều thư viện và quán hàng bán sách truyện. Đúng vậy, những tác giả văn thơ Phật giáo, nhân vật truyện tích đạo Phật, hay chủ đề có tính cách Phật giáo đều đã bị liệt kê vào nhiều tiết mục và thể loại nào đó sẳn có từ trước. Thật sự mà nói, một danh sách giới thiệu truyện đọc và tiểu thuyết Phật giáo rất là cần thiết. Và đây là bắt đầu cho danh sách này:

Thể loại sách truyện tiểu thuyết hiện đại:

Điểm Tâm với Phật. Tác giả Roland Merullo (nhà xuất bản Algonquin Books, 2007). Truyện của một anh chàng rất tự do hào phóng, làm nghề chủ bút về thực phẩm cho một tờ báo ở New York, và cuộc hành trình tâm linh vĩ đại đầy thú vị của anh ta trong chuyến đi xuyên bang mà cô em gái của anh ta đã tráo trở gán ghép anh tham gia đi chung với ngài đại triết sư phụ người Xi-bê-ra của cô ta. Quyển sách này bảo đảm sẽ chọc cười và làm thức tỉnh những độc giả lứa tuổi xồn xồn trong hội UUAC này (xin xem phần giải thích ở trên về UUAC). Tác giả Merullo đã khéo léo và rất nhẹ nhàng rút tỉa kinh nghiệm thu thập được trong suốt ba mươi năm tu tập thiền định và học hỏi tâm linh của ngài Rinpoche để viết thành những bài học đáng giá.

Phật đà da. Tác giả Anne Donovan (NXB Carroll & Graf, 2002). Viết với lối văn giọng địa phương người Ê-cót (Scottish), rất khó hiểu nếu chưa quen thuộc với lối văn kiểu này. Bà Donovan khảo sát, thông dò và theo dõi những biến chuyển đổi thay trong cuộc đời của một anh thợ sơn ở Glasgow (Glasgow là thành phố lớn nhất của Scotland, thuộc địa Anh quốc), và gia đình anh sau lần anh tình cờ bị lôi cuốn tham gia tọa thiền và uống trà ở một trung tâm Phật giáo gần nhà.

Đức Phật, ông Geoff, và tôi. Tác giả Edward Canfor-Dumas (NXB Rider and Co., 2005). Đây chính là một cuốn tiểu thuyết thời đại, loại “văn học thành phố” (urban novel là thể loại văn chương phố thị Mỹ về cuộc sống của những người sinh sống tại downtown), thuật lại chuyện của một người nước Anh theo đạo Phật đã lâu đời tên là Ed. Anh ta đang gặp phải nhiều vấn đề trong cuộc sống, với tình yêu và trong công ăn việc làm. Cho đến khi anh ta làm quen với ông Geoff, một Phật tử phái Nichiren, một người đàn ông tuổi xế chiều, phóng khoáng vui vẻ hài hước, rượu bia và hút thuốc không ngừng nghỉ, nhưng với một tâm từ và lòng thương bao la.

Phật của Ngoại Thành. Tác giả Hanif Kureishi (NXB Penguin, 1991). Quyển sách này do ông Leonard Butters – một đọc giả của UU World (UU World là tờ báo cá nguyệt, và uuworld.org là website của hội UUAC, xin xem thêm phần giải thích về UUAC ở trên) từ thành phố Spokane tiểu bang Washington – giới thiệu. Quyển truyện này đã đoạt giải Whitbread năm 1990 cho tác phẩm đầu tay của tác giả Kureishi, và đã được đài BBC dàn dựng thành một tiểu phim. Ông Butters nói “… quyển sách thu hút người đọc… đôi khi khôi hài, đôi khi nhức nhối thấm thía, và có vẻ khiêu dâm (trước thời bệnh AIDS lan truyền).” Sách đề cập đến nhiều vấn đề trào phúng của thời đại, châm biếm hình thức tình dục và kỳ thị chủng tộc, và là câu chuyện của một chàng trai 17 tuổi thuộc dạng lưỡng tính. Bố mẹ anh ta người Ấn-độ, đã du nhập qua Anh quốc và sinh sống tại vùng ngoại ô Luân Đôn. Anh ta bước vào tuổi vị thành niên trong hoàn cảnh khó khăn của gia đình – ông bố trở thành một thiền sư và cưới một bà vợ trẻ đệ tử của ông. Cô này có một cậu con trai thuộc thế hệ “punk rock”.

Tập Bản Đồ Mây. Tác giả David Mitchell (NXB Random House, 2004). Quyển sách này gồm có 6 câu chuyện đều có chút ít liên quan với nhau, trải dài suốt từ thế kỷ 19 tại vùng biển Thái Bình Dương, cho đến thời hiện đại ở vuơng quốc Anh, qua tới chuyện ảo tưởng tương lai với chủ nghĩa tư bản của Hàn quốc, và cả đến những gì xẩy ra ở tiểu bang Hawaii Hoa Kỳ sau ngày tận thế. Tất cả những chuyện này chung quy bố trí vào một sự việc ly kỳ chỉ có thể giải thích bằng thuyết luân hồi của đạo Phật. Ông Ethan Nichtern, người sáng lập “One City” (một blog Phật giáo rất thịnh hành của trang nhà Beliefnet.com), quyết định đề cử và chọn quyển này làm tác phẩm tiểu thuyết Phật giáo hay nhất của nguyên cả một thập niên.

Cái Nghề Bần Tiện. Tác giả Christopher Moore (NXB Harper Collins, 2006). Cũng là tác giả của quyển Chú Cừu non: Kinh thánh theo cái nhìn của Biff, bạn đồng hành của Giê-su lứa tuổi thơ trẻ (về những năm tháng không được đề cập đến trong kinh thánh). Câu chuyện ảo tưởng phi lý này tập trung vào cái Chết của con người. Cuộc sống của anh chàng Charlie rất đổi bình thường cho đến cái ngày cô con gái của anh ta sinh ra đời, anh ta thoáng thấy một người mặc áo màu xanh tươi rất huyền bí cũng đang có mặt trong phòng hộ sinh. Thời gian sau đó, hể anh đi đến đâu thì người ta chết đến đó, cuối cùng anh phát hiện ra rằng anh vừa đảm nhận một công việc làm mới, là phụ giúp cho những người gần kề cái chết sớm thoát ly và bước qua ngưỡng cửa của sanh tử một cách nhẹ nhàng hơn

Mảnh Đất không có Góc vuông. Tác giả Daphne Beal (NXB Anchor Books, 2008). Tác phẩm đầu tiên của bà Beal với một  lối viết văn dí dõm hấp dẫn người đọc, kể chuyện chú sinh viên miền trung đông nước Mỹ tên là Alex đã đến viếng thăm xứ Nepal để chụp hình tài liệu cho ngành học của mình. Tại đây Alex quen với một cô bạn trẻ người bản xứ. Cô ta muốn bỏ thôn xóm nhỏ quê mùa của mình để tìm đến nơi đô thị phồn hoa làm ăn sinh sống. Nhưng quyền lựa chọn, cơ hội học vấn và công ăn việc làm cho phái nữ ở thủ đô Kathmandu rất là hạn chế và khó khăn. Thế là Alex cảm thấy cần phải có bổn phận làm vị cứu tinh cho cô ta, và đã trở thành một kẻ mạo hiểm xâm phạm vào một đời sống trên mảnh đất mà chính cô ta cũng không hiểu được cặn kẻ.

Thiền Sư Jake Fades: Huyền Thoại về Vô Thường. Tác giả David Guy (NXB Trumpeter, 2007). Một vị thiền sư người Mỹ lỗi lạc được mọi người kính phục yêu thương đã bắt đầu mất đi trí nhớ sáng suốt ngày nào. Ngài Jake biết phải nên mau mau quyết định chọn một pháp tử kế thừa. Trong chuyến hành trình dài cả tuần lễ trên đường đến thành phố Cambridge, bang Massachusetts, để hưóng dẫn một khóa thiền, ông và vị đệ tử lớn tuổi tên Hank, đã cùng nhau đối chất đương đầu với tuổi già của họ, và đúc kết rằng họ phải tập xả bỏ tất cả để thong dong mà đi. Quyển sách thú vị này sẽ đưa đọc giả từ những thích thú này đến hấp dẫn nọ về thiền tông Phật giáo. Ông Tom Tanguay – một giáo sư dạy thiền và nhà chữa trị tâm lý tại trung tâm Tâm Bình Thân An (Tranquil Mind and Wellness Center) ở Middleborough, Mass cho rằng cuốn tiểu thuyết này là một trong những quyển sách ông thích nhất vì nó đưa ra những biện pháp hữu hiệu áp dụng Phật pháp trong phương thức đối diện với sanh lão bệnh tử; đồng lúc quyển sách cũng rất hấp dẫn và rất dễ đọc.

Những con Ma đói. Tác giả Keith Kachtick (NXB Harper Collins, 2003). Một người đàn ông tuổi đã về chiều, suốt ngày nghiện ngập, chơi bời trác táng cả đời, làm khổ biết bao nhiêu đàn bà; ông cũng là một nhà nhiếp ảnh phóng sự tự do. Lo sợ nghiệp quả đã mang, ông ta quyết đình tìm đến một trung tâm Phật giáo tham dự thiền tập ngỏ hầu xoa dịu bớt nghiệp dữ đã tạo và từ nay tu sửa. Ngờ đâu, trên con đường cải thiện ông đã gặp và đem lòng yêu thương một người đàn bà trẻ theo Thiên Chúa giáo rất thuần thành nhiệt tình mộ đạo. Cuộc tình này đưa đến nhiều chướng ngại nghịch duyên thử thách cho bước tiến hối cải của ông. Chủ nhân của blog “theworsthorse.com” chuyên viết bài về văn hóa Phật giào phổ cập, ông Rod Mead Sperry, đã gọi cuốn sách khiêu gợi này là “một kiệt tác nho nhỏ”.

Kinh Tiếng cười. Tác giả Mark Salzman (NXB Vintage Books, 1992). Sau khi mẹ bị thảm sát, cậu bé Hsun-ching được đưa về chùa nuôi nấng bởi một vị tăng đạo hạnh. Hoài bảo của ông là mong tìm lại được bài Kinh Tiếng Cười đã bị thất lạc từ lâu đâu đó trên đất Hoa kỳ – mà cũng là quyển kinh Phật duy nhất mà ông chưa sở hữu. Cuốn sách vừa trình bày một cuộc phiêu lưu mạo hiểm, vừa mang nhiều châm biếm chê bai, vừa là chuyện phiếm truyền thuyết hoang đường, lại vừa mang chút ít sự thật về đời sống của cậu bé Hsun-ching trưởng thành trong hành trình dài từ Trung Quốc, đến Hồng Kông, đến San Francisco để tìm cho ra bản kinh quý giá này.

Một Đêm Không Trăng Sao. Tác giả Dai Sijie. (NXB Knopf, 2009). Một nữ sinh viên Tây phương du học tại Trung quốc khoảng thập niên 70 đã phải lòng yêu thương một chàng trai địa phương, là chủ nhân quán tập hóa gần Tử Cấm Thành Bắc Kinh. Anh ta kể cho cô nghe về một cuộn giấy tơ lụa quý hiếm đã bị mất từ lâu, trên đó một bài kinh Phật được viết bằng ngôn ngữ thần bí cổ xưa. Khi người tình của cô ta đột nhiên biến mất, cô tự ý đi tìm kiếm và từ chuyến phiêu lưu này bao nhiêu chuyện hư thực trong cổ sử Trung Hoa đều được tỏ rõ, và bài kinh Phật bắt đầu bằng: “ngày xưa, vào một đêm không trăng sao…” và lời Phật dạy trong đó cũng được chiêm nghiệm.

Tọa Thiền. Tác giả Caroline Adderson (NXB Trumpeter, 2009). Quyển tiểu thuyết này thuộc loại chuyện buồn nhưng cũng có tí khôi hài trong đó. Một tai nạn xe hơi quái đản làm cho cô vợ mới cưới Iliana bị toàn thân bất toại, và anh chồng Ross âu sầu khổ tâm đau thương. Nhưng qua tình yêu sâu đậm của cặp vợ chồng son này, họ đã tìm hiểu và giải quyết vấn đề thể xác lẫn tâm linh, và tìm tới giải pháp luôn sống trong hiện tại tỉnh thức.

Những Viên Đá Cuội của Ngài Dalai Lama. Tác giả Ken Mitchell. (NXB Soho Press, 1993). Một giáo sư đại học bang North Dakota đã vô tình “chôm” hai viên đá thiêng liêng từ một công trình khảo cổ tại Trung hoa, trong thời gian ông tạm nghỉ hưu thăm viếng du lịch vùng này. Từ đó, cuộc sống bình thản lúc trước của ông bắt đầu dậy sóng bất trắc. Chỉ còn một cách là ông phải tự tìm lối trở lại vùng đất thiêng đó để trao trả những viên đá đã “lấy nhầm”. Chuyến hành trình gây go xuyên suốt Châu Á với một người bạn thợ máy là cốt tủy của câu chuyện.

Kẻ Du Hành. Tác giả John Twelve Hawks (NXB Doubleday, 2005). Rất nhiều Phật tử Mỹ tâm đắc ưng ý với quyển sách có tính cách tôn giáo huyền bí này. Tác giả là một người thổ dân địa phương da đỏ tự cho mình là người sống “ngoài khuông khổ”, vì ông ta cho rằng cuộc sống như thế mới tương đương ngang hàng với 6 nẻo luân hồi trong triết lý đạo Phật.

Từ đây Ta sẽ đi về đâu? Tác giả Doris Dorrie (NXB Bloomsbury, 2000). Trong quyển truyện vui viết bởi một đạo diễn phim ảnh người Đức này, một người đàn ông thô lỗ cục mịch nhưng đầy tình cảm yêu thương, đã đưa cô con gái hư hỏng đến một trung tâm thiền Phật giáo tại miền nam nước Pháp. Nơi đây ông khám phá ra ngay chính ông phải tự đối diện với chính mình.

Thể loại truyện cổ tích và huyền thoại:

Công Viên: Truyện Ngụ Ngôn. Tác giả Geshe Michael Roach (NXB Doubleday, 2000). Geshe là một tăng sĩ người Mỹ thọ giới Cụ túc sau một thời gian dài tu tập tại Tây-tạng. Câu truyện kể về một chàng trai theo chân người yêu vào một công viên xa lạ, nơi đây anh ta có duyên hội ngộ với rất nhiều những vị đại tăng Tây-tạng, người đầu tiên anh ta gặp là Ngài Dalai Lama tiền thân thứ nhất.

Kim. Tác giả Rudyard Kipling. Có thể nói đây là quyển tiểu thuyết Phật giáo đầu tiên tại trời Tây Âu. Kipling phát họa câu chuyện một chàng trai mồ côi cha mẹ, thoạt đầu tìm được cơ hội đi theo làm thị giả cho một vị tăng sĩ Phật giáo khắp cùng nước Ấn Độ, sau đó kết nối trở thành gián điệp cho đội ngủ tình báo mật của Anh quốc.

Hành Trình về Phương Đông của chú Khỉ. Tác giả Wu Ch’eng-en, do David Kherdian dịch thuật (NXB Shambala, 2005). Chuyện Đường Tam Tạng đi thỉnh kinh được viết vào khoảng thế kỷ thứ XIV dưới triều đại nhà Minh (1368 -1644 sau Công Nguyên). Một trong những đệ tử tháp tùng với Ngài là chú khỉ Tôn Ngô Không. Mấy thầy trò chu du mạo hiểm suốt chặng đường dài qua xứ Ấn thỉnh Tam Tạng Kinh điển của Phật đem về Trung Hoa. Truyện dài 100 chương đã trở thành truyền thuyết Trung Hoa từ lâu đời, nay được dịch sang tiếng Anh, và được xếp vào dạng “truyện đọc trước khi ngủ (bedtime stories) cho trẻ em.

Tất-đạt-đa. Tác giả Hermann Hesse. Quyển truyện dài này kể về một chàng trai trẻ Ấn độ đã từ bỏ cuộc sống giàu sang phú quý thuộc hàng vua chúa của mình để đi theo học đạo với Phật (trước khi chứng quả giải thoát, Phật cũng có cùng tên là Thái tử Tất-đạt-đa), và hành trình của anh ta trên con đường đi tìm giải thoát. Quyển sách này được dùng trong nhiều chương trình văn học của các trường cao cấp và đại học văn khoa, và là cuốn sách rất thịnh hành đã giới thiệu đạo Phật đến với người Tây phương.

Câu Chuyện của một Cục Đá, hay Giấc Mơ trong Căn Phòng màu Đỏ. Tác giả Cao Xueqin và Gao E, bản dịch Anh ngữ của David Hawkes. Tác phẩm này gồm 5 quyển. (NXB Penguin Classis, 1986). Truyện kể về một gia đình Trung Hoa tên Jia vào khoảng thế kỷ thứ XVIII, với những nhân vật trong gia đình trải qua suốt từ thời thịnh vượng đến lúc suy tàn. Cho dù được viết từ mấy thế kỷ trước nhưng như Ni Sư (thọ giới theo Nam truyền và cũng là 1 tác giả nổi tiếng) Kate Wheeler nói, câu chuyện trong quyển tiểu thuyết này có vẻ “rất hiện đại” và là một quyển truyện không thể thiếu vắng trong danh sách tiểu thuyết Phật giáo của mọi thế hệ. Ni sư cũng cho biết “suy xét cho cùng cuộc sống của chúng ta theo tư tưởng Phật giáo cũng chỉ là một chuỗi dài truyện tiểu thuyết mà thôi” và “chính những chuyện nghĩ ngợi tạo tác trong đầu và trong tâm trí đã dẫn đến nghiệp quả của chính những nhân vật đó.”

Thể loại truyện lịch sử Phật giáo:

Những Năm Tháng Muối Gạo. Tác giả Kim Stanley Robinson (NXB Bantam Books, 2002). Quyển sách này đã đem lại giải Hugo cho tác giả. Nhiều giả thuyết từ trí tưởng tượng rất phong phú của tác giả được đưa ra: Nếu giả sử trận dịch khổng lồ của thế kỷ thứ XIV hủy hoại đi 99 phần trăm dân số của toàn khối Âu châu thay vì chỉ một phần ba, thì thế giới bây giờ đã ra sao? Tác giả vẻ ra một thế giới tưởng tượng trong trường hợp nếu như con tàu đầu tiên đến Vùng Đất Mới (New World, ám chỉ Châu Mỹ) đi xuyên qua Thái Bình Dương thay vì biển Đại Tây Dương như trong lịch sử.

Thể loại tiểu thuyết trinh thám:

Bố già Kathmandu. Tác giả John Burdett (NXB Knopf, 2010) Ông Burdett đã cho ra nhiều tác phẩm trinh thám trong đó nhân vật chính là thám tử Sonchai Jitpleecheep đã từng biết được quá khứ kiếp trước của mình và nhìn thấy được tương lai bằng cách áp dụng sự thấu hiểu về tâm linh. Có thể nói đây là bộ truyện mang tính cách Phật giáo nhiều nhất trong những sách trinh thám thịnh hành hiện đại. Những tác phẩm khác cùng thể loại và tác giả này gồm có Bangkok số 8 (2003), Xăm mình ở Bangkok (2006), và Những điều rùng rợn tại Bangkok (2007).

Tử Thần. Tác giả Eliot Pattison (NXB Soho Crime, 2009).  Đây là quyển mới nhất trong bộ truyện ly kỳ hồi hộp về quyền lực chính trị phức tạp, trong đó viên thanh tra Shan Tao Yun đang bị cầm giữ cả về mặt tinh thần lẫn vật chất bởi một số vị cao tăng Tây-tạng. Chính họ cũng đang bị chính quyền Trung quốc truy lùng và quấy rầy. Một vài quyển khác trong bộ truyện trinh thám này như Những con Ma Xinh Đẹp (2004) và Thần Chú Đầu sọ (1999) [quyển đầu tiên trong loạt sách này, đã nhận được giải thưởng Edgar Award] cũng có nhân vật và tư tưởng Phật giáo.

Thể loại khoa học giả tưởng:

Thần Ánh Sáng. Tác giả Roger Zelazny (NXB Doubleday & Co., 1967). Quyển truyện khoa học giả tưởng của thập niên 60 này đã đoạt giải thưởng Hugo, và được ấn bản lại năm 2004 với dạng sách mỏng bỏ túi. Truyện tưởng tượng ra một giống dân có biệt tài và những phương thức tự chọn lựa tái sanh cho mình vào kiếp khác. Họ trở thành những thần Hindu bất tử trên một hành tinh xa xăm khi trái đất bị hủy diệt hoàn toàn. Một trong những vị thần này tên là Sĩ-đạt-ta, tự đổi tên thành Sam, đã thấy được cái ý đồ bất lương của họ, nên tách rời khỏi nhóm. Ông James Ishmael Ford, một thiền sư và là một mục sư quản lý Nhà thờ Phái Nhất Thể tại Providence, bang Rhodes Island, đã nhớ tới quyển sách này rất ấn tượng đối với ông khi còn là một thiếu niên, nó đã “gợi cho tôi một sự hào hứng tuyệt vời theo dõi những tình tiết Phật giáo trong đó…”

Thể loại truyện ngắn:

Ông Nixon dưới Cội Bồ Đề – và nhiều truyện ngắn Phật giáo khác. Biên tập bởi tác giả Kate Wheeler (NXB Wisdom Publications, 2004). Đây là tuyển tập văn thi ca Phật giáo xem như lần đầu tiên được sưu tầm góp nhặt và xuất bản tại Hoa Kỳ. Sách gồm có những mẫu truyện ngắn ấn tượng đến những bài tường thuật, tiểu luận dài nhiều trang. Đặc biệt đáng chú ý có truyện “Trên Trời làm gì có Dấu Chân đi” của tác giả Margo McLoughlin, hay “Chiến Tranh chống Sân cỏ trước Nhà” của Easton Waller, và “Trộn lẫn trong màu Vàng” của Ira Sukrungruang.

Không phải Tôi đã Bắt đầu từ đó sao. Tác giả Kate Wheeler (NXB Houghton Mifflin, 1993). Bà Wheeler, một Tu sĩ Nam tông người Mỹ, đã thọ giới Tỳ-kheo-ni từ lâu, và là một giáo sư dạy ngành Tôn giáo học, đã dựa theo kinh nghiệm bản thân để viết thành tuyển tập muời mẫu truyện ngắn về cuộc sống rày đây mai đó khắp hoàn cầu của bà trong những năm trưởng thành – từ Bangkok, đến Buenos Aires, đến Paris, và tiểu bang Kansas Mỹ quốc.

Anh không có mặt đây đâu – và nhiều truyện tiểu thuyết Phật giáo khác. Góp nhặt và biên tập bởi Keith Kachtick (NXB Wisdom Publications, 2006). Sau lần ấn hành tuyển tập truyện ngắn và thi ca đầu tiên, NXB Wisdom cho ra tuyển tập thứ 2 này với nhiều truyện ngắn tản mạn thu thập được từ nhiều tác giả. Trong hợp tuyển văn thơ này có những truyện đáng được để ý như truyện “Mùi Hương Ngào ngạt từ vùng Núi xa lạ” của Robert Olen Butler, hay “Cho Em đó” của Jess Row, và “Vòng quanh Hondo” của Mary Yukari Waters.

Thể loại truyện dành cho tuổi trẻ:

Phật Con. Tác giả Kathe Koja (NXB Speak, 2004). Trong một trường trung học vùng ngoại ô thành phố, một anh con trai trẻ học sinh mới, vừa phát tâm xuất gia học hỏi Phật pháp. Anh ăn mặc như tăng sĩ Phật giáo và bắt đầu đi khất thực giờ ăn trưa làm cho nhiều bạn học chế diễu và những tên ma cô hung dữ gây chuyện bắt nạt. Trong khi đó, một người bạn học khác tên Justin, hạng trung bình, luôn tìm cách hài hòa, không bao giờ rầm rộ, không để cho ai chú trọng nhiều đến mình. Justin cảm thấy thân thiện hơn với người bạn dị họm và quá sùng đạo này, nên anh quyết tâm tìm giải pháp làm sao cho đúng để cả hai bên đều có thể dung hòa.

Tameesha không bao giờ để mất Thể diện. Tác giả M. LaVora Perry (NXB Wisdom Publications, 2008). Cô bé Tameesha, lớp năm, ra ứng cử chân trưởng lớp. Trong lúc vận động ứng cử, các bạn cô khám phá ra gia đình cô theo đạo Phật. Cô bị các bạn mắng nhiếc chế nhạo là cô và gia đình sẽ xuống địa ngục. Cuốn truyện dành cho lứa tuổi trẻ này đề cập đến nhiều vấn đề hầu như tất cả trẻ em cùng trang lứa đều phải trải qua, và đem Phật pháp và những nhân vật Phật giáo vào câu truyện để giúp hóa giải.

Ngồi thiền ngăn ngắn thôi. Tác giả Jon J. Muth (NXB Scholastic Press, 2005) Quyển truyện nhi đồng kể về một chú gấu panda phát tâm dạy cho ba đứa trẻ mỗi đứa một công án thiền của thời thượng cổ xa xưa nhưng vẫn rất có hiệu quả cho ngày nay. Cuốn sách này nhận được giải thưởng Caldecott Honor Medal cho loại sách thiếu nhi.

Thánh Thủy (The Buddhist Translation Group)