By Tim Sullivan, Associated Press, May 30, 2010
Tin từ Dharamsala, Ấn Độ:
Câu hỏi được đặt ra một cách dè dặt và đầy lo lắng từ già cho đến trẻ, khắp cả thủ phủ Dharamsala, của chính phủ lưu vong Tây Tạng phía Bắc Ấn Độ: “Chuyện gì sẽ xẩy ra cho dân tộc Tây Tạng, sau khi Đức Đạt Lai Lạt Ma qua đời?”
Tuy nhiên chuyện gì phải đến rồi cũng sẽ đến, năm nay Đức Đạt Lai Lạt Ma sắp bước vào tuổi 75, người dân Tây Tạng dường như hiện nay không thể tránh khỏi câu hỏi thực tế đầy tế nhị và mẫn cảm này: Sau khi Đức Đạt Lai Lạt Ma qua đời, dân tộc Tây Tạng sẽ đi về đâu?
Câu hỏi đã vang rộng khắp mọi nơi trên thế giới, đặc biệt là những nơi có người dân Tây Tạng sinh sống, và ngay cả trên quê hương của Đức Đạt Lai Lạt Ma, cho dù Ngài đã vượt biên đào thoát khỏi sự xâm lăng của Trung Cộng và sống lưu vong từ năm 1959. Sự qua đời của Ngài, sẽ ảnh hưởng sâu sắc và mạnh mẽ đến các quyết định của Bắc Kinh đối với đời sống người dân Tây Tạng, hiện đang sống dưới sự thống trị của Trung Cộng, và niềm lo lắng của 150,000 người lưu dân trong cuộc tranh đấu cho quyền tự trị của Tây Tạng, sẽ sụp đổ cùng với sự mất mát của Đức Đạt Lai Lạt Ma.
“Khi tôi qua đời, chắc chắn sẽ có một sự sắp xếp lui bước nghiêm trọng trong cộng đồng và dân tộc Tây Tạng.” Đức Đạt Lai Lạt Ma phát biểu một cách trầm tư, trong cuộc phỏng vấn gần đây tại Dharamsala.
Lời phát biểu của Ngài đầy bâng khuâng do dự về thế hệ trẻ Tây Tạng trong nhiệm vụ đảm trách và tranh đấu cho tương lai sắp tới cho dân tộc.
Cô Tenzin Norlha, năm nay 29 tuổi, một nghiên cứu gia sinh học Dharmasala, với nỗi mặt đầy lo lắng cho biết như sau: “hiện nay chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đức Đạt Lai Lạt Ma, tuy nhiên sức khỏe Ngài hiện nay không mấy khả quan, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã và đang trải qua hàng loạt những cuộc giải phẩu gần đây, và đang bước vào tuổi 75, tháng 7 năm nay. Ai sẽ là người lãnh đạo công cuộc đấu tranh của Tây Tạng, sau khi Đức Đạt Lai Lạt Ma qua đời.”
Bao nhiêu tiền thân Đạt Lai Lạt Ma đã giữ vị trí lãnh đạo tối cao hàng đầu tại Tây Tạng qua nhiều thế kỷ nay, Đức Đạt Lai Lạt Ma đối với người dân Tây Tạng như là một vị vua, lãnh đạo Phật giáo Tây Tạng, và biểu tượng của lòng từ. Ngài là biểu hiện của Hiện Tiền, người nắm giữ Hoa Sen Trắng, là Trí tuệ Thông thái, là Đại Dương Bao la. Sự hiện diện của Ngài thường đem lại sự ấm áp và ngọt ngào cho các Phật tử.
Gần 500 năm truyền thống, Đức Đạt Lai Lạt Ma được lựa chọn qua sự hóa thân vào các cậu bé Tây Tạng. Tuy nhiên, Đức Đạt Lai Lạt Ma hiện nay tuổi tác đã cao, và là trụ cột duy nhất cho cả chính phủ lưu vong và dân tộc Tây Tạng. Một khi Ngài qua đời, thì dân tộc và cả cộng đồng lưu vong Tây Tạng sẽ nằm trong một áp lực nặng nề về tình hình chính trị, kinh tế cũng như tôn giáo, theo lời học giả Robbie Barnett, trường đại học Columbia Hoa Kỳ.
Sức mạnh của chính quyền lưu vong và dân tộc Tây Tạng, hiện đang phụ thuộc vào một người duy nhất, đó là Đức Đạt Lai Lạt Ma, một người đầy tài năng và trí tuệ, vì vậy người kế thừa Ngài sau này, sẽ lãnh một trọng trách vô cùng khó khăn.
Đức Đạt Lai Lạt Ma là một tiếng nói mạnh mẽ và ảnh hưởng rất nhiều trên thế giới trong công cuộc dành độc lập và tự trị cho Tây Tạng.
Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 đôi khi cho rằng hóa thân của Ngài sẽ tồn tại ở chính quyền lưu vong, tuy nhiên Ngài cũng không loại trừ ý niệm rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 15 sẽ được chỉ định và bầu cử bởi dân tộc Tây Tạng.
Hiện nay Ngài thường xuyên gặp gỡ với các lãnh tụ tôn giáo hàng đầu của Tây Tạng, để bàn tính tương lai cho sự truyền thừa của Ngài.
Trung Cộng cũng đang mưu tính cách tìm kiếm hóa thân của Đức Đạt Lai Lạt Ma, sau khi Ngài qua đời. Bắc Kinh cho rằng hóa thân của Ngài Đạt Lai Lạt Ma theo truyền thống, thì phải được sinh ra tại đất nước Tây Tạng.
Trung Cộng đã tạo dựng và bắt cóc ít nhất 3 cậu bé mà họ cho rằng là hóa thân của Đức Ban Thiền Lạt Ma, nhân vật đứng thứ 2 sau Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Vào năm 2011, người dân Tây Tạng lưu vong sẽ bầu cử thủ tướng mới theo thể chế dân chủ, và thế hệ trẻ Tây Tạng cũng hy vọng rằng người lãnh đạo truyền thừa cho Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ mang lại sức sống mới và cái nhìn mới cho đất nước Tây Tạng.
Dân tộc Tây Tạng cũng không loại trừ khả năng vị kế thừa Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ là 1 người được chỉ định và bầu cử bởi cộng đồng Tây Tạng.
Dù rằng tiến trình đòi hỏi tự trị cho Tây Tạng hiện nay không có gì tiến triển, tuy nhiên Đức Đạt Lai Lạt Ma vẫn kêu gọi mọi người hãy giữ vững hy vọng, một ngày không xa dân tộc Tây tạng sẽ độc lập và dân chủ, vì rằng Trung Cộng dù hiện nay độc đoán quyền lực như thế nào đi nữa cũng sẽ có ngày bị sụp đổ và tự chuyển biến trong nội bộ. Điều này sẽ dẫn đến một Tây Tạng được tự do tiến bộ độc lập từ bên trong những biến chuyển và thay đổi của chính quyền Bắc Kinh.
Dương Tiêu (The Buddhist Translation Group)
Nguồn: http://www.southcoasttoday.com/apps/pbcs.dll/article?AID=/20100613/NEWS02/6130316/-1/rss01