Phật giáo không phải chỉ là một chủ đề lịch sử, tuy rằng lịch sử của Phật giáo ở các nước Châu Á có một bề dày đáng kể. Ở Việt Nam chẳng hạn, bề dày đó khoảng 20 thế kỷ. Nhưng Phật giáo trước hết là một tôn giáo sống. Nó đang chi phối cuộc sống tinh thần và xã hội của hàng nghìn triệu người ở Châu Á, và chính nó đang là một đối tượng đáng kể, hạn chế và sàng lọc ảnh hưởng của nền văn minh phương Tây, đang du nhập ồ ạt vào các nước Châu Á. Bản thân Phật giáo cũng đang được hiện đại hóa, để cho cập nhật với yêu cầu của thời đại. Quá trình hiện đại hóa của đạo Phật diễn biến khác nhau, tùy điều kiện lịch sử xã hội của mỗi nước.
Có thể ghi nhận một vài xu hướng nổi bật của phong trào hiện đại hóa đó:
1. Có chú ý đến yêu cầu lý trí của khoa học. Nhấn mạnh các thuyết nhân quả, nhân duyên, các đức hạnh bi, trí, dũng, chống giáo điều, đề cao truyền thống dân chủ hòa bình và tự do là những tư tưởng truyền thống của đạo Phật.
2. Đặt nặng vai trò của con người, khả năng của con người có thể đạt tới đích giác ngộ và giải thoát tối hậu, nhờ vào sức mạnh của bản thân là chính.
3. Nghi thức, lễ lạc vẫn còn nhiều, nhưng có xu hướng giản đơn hóa.
4. Tăng tài trẻ được đào tạo theo chương trình dài và ngắn hạn. Trong chương trình học, có nhiều môn thế học, như môi trường học, quản lý học, ngữ văn và đặc biệt là môn sinh ngữ Anh, Trung, Nhật. Tuy nhiên, môn cổ ngữ tôn giáo như Pali, Sanskrit cũng vẫn được coi trọng.
5. Vai trò của cư sĩ (tức là Phật tử tại gia) được đề cao hơn trước nhiều. Cư sĩ chiếm tỷ trọng đáng kể trong thành phần lãnh đạo của Giáo Hội Phật Giáo.
6. Các hệ phái Phật giáo khác nhau cùng hợp tác trong một tổ chức Giáo hội thống nhất.
7. Công tác từ thiện xã hội bước đầu được coi trọng, và đã có một số thành tích.
8. Sách báo, các ấn phẩm Phật giáo được xuất bản nhiều hơn trước và bán chạy hơn trước.
9. Phật giáo tiếp xúc với đời thế tục nhiều hơn, cũng như với các tôn giáo khác. Phật giáo có thái độ cởi mở, sẵn sàng tiếp nhận những cái hay, cái đẹp của các tôn giáo khác, các hệ tư tưởng khác.
10. Ở các nước theo Phật giáo Đại thừa, có xu hướng tìm về nguồn tức là Phật giáo Nguyên thủy, nghiên cứu và coi trọng các bộ Kinh như A Hàm ( Agamas) và Nikayas, từng được Phật giảng trong thời kỳ còn tại thế. Ngược lại, ở một số nước Phật giáo Nam tông như Sri Lanka, Thái Lan, Miến Điện v.v…lại có xu thế tìm hiểu những bước sáng tạo và phát triển mới trong Phật giáo Bắc tông, đặc biệt là Thiền học.
Trên đây là 10 xu hướng có thể ghi nhận trong tình hình Phật giáo ở các nước Phật giáo Châu Á nói chung và các nước Phật giáo Đông Nam Á nói riêng, nơi ngự trị của hình thức Phật giáo Đông Nam Á nói riêng, nơi ngự trị của hình thức Phật giáo Theravada, cũng gọi là Phật giáo Tiểu thừa, hay Phật giáo Nam Phương. Và đây cũng là điểm đặc sắc của Phật Giáo Việt Nam, nơi có cả Phật giáo Bắc tông và Phật giáo Nam tông, còn ở các nước khác trong vùng thì chỉ có Phật giáo Nam tông hoạt động. Ở Nhật Bản và Đài Loan, chủ yếu là Phật giáo Đại thừa (Bắc tông) nhưng có xu hướng, trên bình diện nghiên cứu, tìm về các kinh sách Phật giáo của thời kỳ đức Phật còn tại thế. Thí dụ, ở Nhật Bản đã dịch và xuất bản toàn bộ Kinh tạng Pali (Phật giáo Nguyên thủy) sang chữ Nhật. Phật Giáo Việt Nam tuy chịu ảnh hưởng nhiều Phật giáo Trung Quốc, cho nên Phật giáo Bắc tông thịnh hành hơn Phật giáo Nam tông, ngay cả ở miền Nam, thế nhưng nhờ có Hòa Thượng Thích Minh Châu, đi học hơn 14 năm ở Ấn Độ và Sri Lanka về và rất am hiểu chữ Pali, cho nên Hòa Thượng đã dịch hầu hết Kinh tạng Pali ra tiếng Việt. Có thể nói, các nhà Phật học Việt Nam hiện nay hiểu biết được giáo lý Phật giáo Nam tông chủ yếu là nhờ nghiên cứu thông qua các bản dịch của Hòa Thượng Thích Minh Châu.
Nói trở về nguồn là nói trở về Kinh nguyên thủy, thoát khỏi sự chi phối của những thêm thắt về sau của Phật giáo phát triển, thường được gọi là Phật giáo Đại thừa. Các nhà Phật học cách tân thường trích dẫn bài kinh “Các vị ở Kesaputta” trong Tăng Chi Bộ kinh I. Trong đó, Phật khuyến cáo mọi người hãy kiểm chứng giá trị của mọi chủ thuyết bằng cuộc sống thực tiễn, bằng sự phán xét của lý trí. Đức Phật không khuyến khích lòng tin mù quáng. Đức Phật khuyến khích “thấy và biết”. Mục đầu của Bát chánh đạo là chánh tri kiến, tức là thấy biết đúng đắn. Trong kinh tạng Pali có thành ngữ quen thuộc:Ehi Passiko, nghĩa là đến để mà thấy. Các nhà Phật học cách tân nhấn mạnh tính thiết thực và hiện tại của đạo Phật. Niết Bàn không phải ở đâu xa, mà chính là tại cõi thế. Nếu tâm con người được tịnh hóa khỏi tham, sân, si thì cõi đất này chính là Niết Bàn. Đối tượng cải tạo không phải là xã hội, thế giới bên ngoài, mà chính là tự tâm, là cái gần gũi nhất, ở trong tầm tay của mọi người.
Thay vì dùng phương pháp thực nghiệm khoa học để nắm bắt ngoại cảnh, sự vật bên ngoài, đạo Phật khuyến khích Phật tử hãy dùng phương pháp đó, để tìm hiểu bản thân mình, tự tâm mình, tu tập và cải tạo tự tâm, là cội nguồn của mọi sức mạnh và trí tuệ.
Sau đây xin giới thiệu tình hình Phật Giáo ở một số nước Đông Nam Á :
1. Phật Giáo Thái Lan :
Các nhà Phật học Thái cố gắng giải thích các vấn đề nhân sinh và vũ trụ theo quan điểm của khoa học hiện đại. Một thí dụ, Tiến sĩ Suryabongse, trong một cuốn sách được trường Đại học Phật giáo Chulalongkorn xuất bản, tuyên bố Phật Thích Ca là nhà phát kiến khoa học vĩ đại nhất trong tất cả mọi thời đại và viết rằng: “Những phát hiện mới nhất của khoa học nguyên tử chứng tỏ luật vô thường Phật giáo (Anicca-Dukkha-Anatta) là một thực tại”. Ông hy vọng là môn Phân tâm học hiện đại (spycho analysis) trong tương lai có thể chứng minh thuyết tái sanh của đạo Phật, và như vậy, theo ông, khoa học phương Tây sẽ không còn gặp trở ngại gì nữa để tiếp thu triết học Phật giáo. Một trong những nhân vật nổi tiếng nhất phong trào cách tân Phật giáo ở Thái Lan là Hòa Thượng Buddhadasa, con người đã xây dựng vào năm 1932, một ngôi chùa nằm ở giữa rừng rú tại miền Nam Thái Lan, con người mà tư tưởng và hành động đã ảnh hưởng rất lớn lao đến đời sống tinh thần và tôn giáo của nhiều tầng lớp nhân dân Thái . Buddhadasa sinh ra trong một gia đình tiểu thương ở nông thôn miền Nam Thái, năm 1906. Sau khi xuất gia, năm ông 20 tuổi, ông mau chóng trở thành một giảng sư xuất sắc, hấp dẫn đông đảo người nghe. Ông tuyên bố chân lý đạo Phật cần được học tập (không phải chỉ từ Kinh điển) mà từ cả ở thiên nhiên. Theo tinh thần đó, ông xây dựng một Thiền viện mà ông đặt tên làVườn giải thoát (Sumukkhpalaram), Thiền viện này trong hơn 60 năm qua, trở thành một trong những trung tâm hành đạo và truyền đạo quan trọng nhất của Phật giáo Thái. Năm 1992, tuy ông đã 85 tuổi nhưng vẫn thuyết pháp đều đặn cho Phật tử khắp nơi trong nước đến học, kể cả nhiều Phật tử nước ngoài. Ông viết rất nhiều, tác phẩm của ông có thể chứa đầy một thư viện, nhiều quyển được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Năm 1980, ông được tặng bằng tiến sĩ danh dự của hầu hết các trường Đại học trong nước kể cả hai trường Đại học Phật giáo lớn nhất, trường Đại học Phật giáo Chulalongkorn và trường Đại học Phật giáo Mahamakut. Tuy ông hoạt động ở trong một nước Phật giáo Nam tông, nhưng ông thường sử dụng nhiều khái niệm Thiền của Phật giáo Bắc tông. Người Thái xem ông là một nhà cách mạng thật sự và là một nhân vật Phật giáo quốc tế. Có thể nói, ông đã đem lại cho Phật giáo Thái một đời sống tôn giáo mới, một nguồn ánh sáng mới. Ông kêu gọi các Phật tử Thái hãy kiểm điểm lại “Tôn giáo của mình và bản thân mình” .
Việc ông công kích mạnh mẽ một số nghi thức lễ bái rườm rà và một số tập tục mê tín dị đoan trong Phật giáo truyền thống, đã khiến ông gặp phải chống đối trong giới Tăng sĩ thủ cựu và bị nhiều người hiểu lầm. Nhưng giới trí thức Thái hoan nghênh việc làm của ông, và những tư tưởng cách mạng của ông.
Phật giáo Thái thường bị công kích như là bỏ rơi trận địa các thành phố và đô thị, để cho nền văn minh vật chất và tiêu thụ của phương Tây ồ ạt tràn vào các thành phố và đô thị Thái, phá hủy những giá trị đạo đức truyền thống của Thái Lan. Thậm chí có một số Tăng sĩ Thái ở thành phố cũng bị lôi cuốn vào những cám dỗ của cuộc sống dục lạc vật chất. Một nhược điểm nữa của Phật giáo Thái Lan là phụ nữ Thái không được xuất gia làm Ni, mặc dù vẫn có khoảng 10.000 phụ nữ Thái mặc áo trắng và cạo đầu. Cạo đầu là dấu hiệu của người xuất gia, nhưng mặc áo trắng là dấu hiệu của người tại gia. Về mặt chính thức, họ không phải là một thành phần của Tăng già Thái, không được hưởng mọi quyền lợi của Tăng sĩ, như là đi xe công cộng không mất tiền, không được vào học các trường Phật giáo cao cấp, như hai trường Đại học Phật giáo Chulalongkorn và Mahamakut. Phải nói rằng về mặt này, Phật Giáo Việt Nam có tiến bộ hơn, vì trong Giáo hội Phật Giáo Việt Nam có đoàn thể nữ tu sĩ gọi là Ni chúng, và số Ni nhiều hơn số Tăng. Ở các trường Phật học cơ bản các tỉnh cũng như ở trường Phật học cao cấp tại Thành Phố Hồ Chí Minh, số học Ni rất nhiều, số Ni học xuất sắc cũng không ít.
Phát biểu tại hội nghị quốc tế: Phật giáo và hòa bình, hợp ở Séoul (Nam Triều Tiên), tháng 10 cuối năm 1991, nữ Tiến sĩ Thái Lan Kabilsingh đã lên tiếng phê phán Phật giáo Thái là không bình đẳng đối với phụ nữ, và kêu gọi Phật giáo ở các nước khác ở Châu Á ủng hộ cho phong trào phụ nữ Thái được xuất gia làm Ni.
Hiện nay, ở Thái có một phong trào cách tân Phật giáo, muốn đề cao vai trò tích cực của Tăng sĩ trong việc hướng dẫn các sự nghiệp phát triển cộng đồng ở nông thôn cũng như thành thị, làm thế nào để cho sự nghiệp phát triển cộng đồng ở Thái, không những đem lại đời sống vật chất ổn định và phần nào cải thiện cho nhân dân Thái, mà còn bảo vệ và phát huy được những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc Thái. Tất nhiên đây không phải là vấn đề dễ dàng, suông sẽ, vì phần đông Tăng sĩ ở nông thôn Thái đều ít học, và không có kiến thức về văn minh hiện đại. Để bổ khuyết cho thiếu sót này, hai trường Đại học Phật giáo Chulalongkorn và Mahamakut thường xuyên gửi sinh viên đi tham gia các phong trào cộng đồng ở nông thôn Thái, đồng thời đưa các bộ môn như xã hội học, đô thị học và phát triển cộng đồng vào chương trình học của trường.
2. Phật Giáo Miến Điện :
Miến Điện vốn là một nước Phật giáo Theravada truyền thống, có một bề dày lịch sử Phật giáo không kém gì Thái Lan và Sri Lanka. Trong những năm 1960, Miến Điện có một Thủ tướng là U Nu, một Phật tử thuần thành. Thủ tướng U Nu đã có cống hiến lớn trong phong trào phát triển của Phật giáo Miến Điện. Trong thời gian U Nu làm Thủ tướng, cuộc Đại hội Phật giáo quốc tế lần thứ VI đã họp ở thủ đô Rangoon, với sự tham gia của 2.000 Tăng sĩ, đến từ nhiều nước trên thế giới. Một trong những mục đích của cuộc Đại hội Phật giáo lần này là kiết tập lại toàn bộ kinh điển bằng tiếng Pali, để phổ biến khắp thế giới dưới một hình thức dễ đọc dễ hiểu. Cũng trong dịp này, đã xuất bản toàn bộ Đại tạng kinh sách Phật bằng tiếng Miến Điện, và cuốn từ điển Pali-Miến Điện, là cuốn từ điển Pali lớn nhất, nhiều trang nhất trong số các từ điển Pali hiện có. Một đặc điểm của Phật giáo Miến Điện là rất coi trọng Luận tạng Abhidhamma và Thiền quán. Nhiều trung tâm Thiền quán được mở ra ở Rangoon và Madalay, với sự tham gia học tập của đông đảo người không phải là tu sĩ, kể cả khách nước ngoài từ phương Tây đến.
Năm 1961, Quốc hội Miến Điện thông qua quyết nghị thừa nhận Phật giáo là Quốc giáo (324 phiếu thuận và 28 phiếu chống). Quyết nghị này của Quốc hội Miến không làm cho nhiều cộng đồng thiểu số, đặc biệt là những người Karens và Kachins ở vùng đồi núi bằng lòng, vì có một số theo đạo Gia Tô hay đạo Hồi. Sự bất mãn này, về sau dẫn tới bạo động vũ trang của người Karens, và cuộc bạo động đó đến nay vẫn tiếp tục, như chúng ta có thể biết qua tin tức báo và đài hằng ngày. Phải nói, đây cũng là một nhược điểm của Phật giáo Miến, đã không biết sống hòa hợp với những cộng đồng các tôn giáo khác.
Ngày 2/03/1962, tướng Ne Win làm đảo chính, nắm lấy mọi quyền hành, tuyên bố con đường Miến Điện tiến lên xã hội chủ nghĩa. Ne Win chủ trương tách tôn giáo ra khỏi chính trị. Mọi quyền lực chính trị bị thâu tóm trong tay phái quân nhân đương quyền, thế lực của Tăng già Phật giáo Miến bị thu hẹp lại.
Có thể đây là một trong những lý do, khiến cho vào tháng 8 năm 1964, một số Tăng sĩ trẻ và hiếu động đã xông vào đập phá tòa soạn và nhà in của một tờ báo ở Mandalay, có đăng bài “Nhắc lại vài điều để giữ cho Tam Bảo trong sáng”. Chính phủ Ne Win cho rằng đó là một hành động chống chính phủ, và ra thông cáo phê phán nghiêm khắc hành động nói trên. Vào tháng 4 năm 1965, ngày 27, Chính phủ bắt giam 92 Tăng sĩ trẻ, lấy cớ là những Tăng sĩ này sống sa đọa, nhưng trên thực tế là chính phủ Ne Win lo lắng về phong trào chống đối Chính phủ đang ngấm ngầm phát triển trong Tăng già Miến Điện.
Từ ngày ấy cho đến nay, vị trí của Tăng già Miến Điện nói riêng và của Phật giáo Miến Điện nói chung trong đời sống chính trị của Miến Điện vẫn tiếp tục bị hạn chế, do Chính phủ quân sự nắm quyền, không chịu nhường sự lãnh đạo đất nước cho phe dân chủ đối lập, đã thắng lớn trong kỳ bầu cử cách đây ba năm.
Trên thực tế, đây là vấn đề quan hệ chính trị của Phật giáo Miến và Chính phủ Miến Điện. Hiện nay rõ ràng, Tăng già Phật giáo đang công khai ủng hộ phong trào dân chủ đối lập.
3. Phật Giáo Sri Lanka :
Có ba hệ phái trong Tăng già Phật giáo Sri Lanka. Thứ nhất là hệ phái Sram Nikaya. Hai hệ phái khác là Amarapura Nikaya, thành lập vào thế kỷ 19, chiếm 20% số Tăng sĩ trong nước. Và Ramanna Nikaya, được lập ra bởi những phần tử cách tân trong hệ phái Siani Nikaya. Không có sự đáng kể về học thuyết giữa 3 hệ phái. Sri Lanka có dân số 15 triệu (năm 1981) trong số đó 67% theo Phật giáo, 18% theo Ấn Độ giáo, 8% theo Gia Tô giáo, 7% theo Hồi giáo. Có khoảng 6.000 chùa với 17.000 Tăng sĩ và 14.000 Sa di (Tăng sĩ mới tập sự).
Phật giáo Sri Lanka rất chú ý vấn đề Tu học. Có ba trường Đại học Phật giáo là Vidyo Oaya, Lipyalatcara và trường Đại học Tổng hợp Sri Lanka trong đó có hai khoa Triết học và Pali ngữ. Nhà xuất bản Phật học ở Kandy, thành lập năm 1958 cho xuất bản đều đặn các tập “The Wheel”(Pháp Luân) và “Bodhi Leaves”(Lá Bồ-đề), có đông đảo độc giả các nước trên thế giới. Ngoài ra tờ nguyệt san “World Buddhism”(Phật giáo Thế giới) cũng được các nước nói tiếng Anh hoan nghênh.
Sri Lanka vốn là một nước Phật giáo Theravada truyền thống, nhưng hiện nay đang lâm vào cảnh nội chiến đẫm máu, xảy ra giữa người Singhalese chiếm đa số, theo đạo Phật và thiểu số người Tamils theo Ấn Độ giáo. Phong trào Sarvodaya là một phong trào Phật giáo, nhằm mục đích đem lại sự thông cảm và đoàn kết giữa mọi người Sri Lanka với nhau, đặc biệt là giữa người Singhalese và người Tamil, Sarvodaya là giác ngộ cho tất cả. Thực hành Sarvodaya với tinh thần Shramadan, tức là tinh thần dấn thân, hết mình chia xẻ thời gian, tâm huyết và nỗ lực. Hiện nay trong tổng số 23.000 làng ở Sri Lanka, đã có 8.000 làng tham gia phong trào Sarvodaya, dưới hình thức các trại gọi là trại Shramadana, trong đó đàn ông, đàn bà và trẻ con lao động vì mục đích lợi ích chung của cộng đồng, theo bốn nguyên tắc là:
– Dana tức là bố thí
– Priya vacana tức là nói lời xây dựng
– Arthacarya tức là hoạt động có ích cho cộng đồng
– Samanathmatha tức là tinh thần bình đẳng.
Những người lãnh đạo phong trào đó gọi là xây dựng cơ sở hạ tầng tâm lý cho cuộc sống hòa bình ở Sri Lanka, một đất nước hiện nay đang bị chia rẽ sâu sắc vì những thành kiến dân tộc và tôn giáo. Mặc dù Sri Lanka là một nước Phật giáo Theravada, nhưng có thể khẳng định Sarvodaya là một phong trào Bồ-tát hạnh điển hình, vì Sarvodaya là cầu sự giác ngộ cho tất cả mọi người, không phân biệt! Rõ ràng, muốn giải quyết những vấn đề xã hội phức tạp, như là mâu thuẫn dân tộc ở Sri Lanka, Phật giáo không thể nào bó hẹp mình trong chùa chiền mà phải đi vào xã hội, lăn lộn trong quần chúng như các Phật tử Sri Lanka đang làm. Phong trào Sarvodaya là một đối trọng mạnh mẽ, chống lại nền văn minh phương Tây, đang đe dọa tràn ngập các xã hội phương Đông và phá hủy những giá trị đạo đức truyền thống của những xứ này.
Các trại Shramadana ở Sri Lanka có đặc điểm là không phân biệt tín ngưỡng và tôn giáo, nghĩa là tín đồ đạo Gia Tô hay đùạo Hồi đều có thể tham gia, với tư thế hoàn toàn bình đẳng với Phật tử. Tuy nhiên, lãnh đạo phong trào Sarvodaya và các trại Shramadana, chẳng hạn, đều được dạy pháp ngồi thiền, là một phương pháp hoàn toàn Phật giáo, nhưng những người thuộc tôn giáo khác đều có thể học tập và thực hành có lợi. Các trại Shramadana dạy phép ngồi thiền theo năm bước.
Bước một là thư duỗi thân tâm.
Bước hai là tập trung tư tưởng vào hai đầu lỗ mũi, trong khi thở vào ra đều đặn.
Bước ba là mở rộng lòng từ đến khắp mọi người, mọi loài.
Bước bốn là gắng sức bằng tư duy, thông cảm với tất cả những người, những chúng sanh gần hay xa, ở cõi sống này hay ở các cõi sống khác, cũng đang tu tập lòng từ như mình.
Bước năm là hướng lòng từ và toàn bộ ý chí của mình đến lý tưởng và mục đích kiến tạo hòa bình và công bằng xã hội, trên bình diện quốc gia và thế giới.
Phong trào Sarvodaya cố gắng tạo ra khắp nơi ở Sri Lanka những môi trường sống đẹp, không bị ô nhiễm, một lối sống giản dị, trong sáng với các nhu cầu cơ bản về ăn mặc, nhà ở, giao thông và cung cấp điện nước đảm bảo đầy đủ.
Nước Việt Nam đang có may mắn sống trong hòa bình, sự nghiệp xây dựng và đổi mới kinh tế đang được tiến hành trong trật tự và ổn định. Thế nhưng, do chính sách mở cửa, văn minh vật chất của văn minh phương Tây đang tràn vào đất nước, ngày càng nhiều và mãnh liệt. Phật Giáo Việt Nam cần có một sách lược bảo vệ và phát huy truyền thống đạo đức và văn hóa của dân tộc và bản thân mình, chống lại sự cám dỗ của nền văn minh hào nhoáng và tiêu thụ của phương Tây. Chính phủ cũng tích cực ủng hộ Phật Giáo Việt Nam trong sự nghiệp này.
4. Phật Giáo Lào :
Ở nước Lào, do chịu ảnh hưởng trực tiếp của Thái Lan và Campuchia, cho nên Phật giáo Theravada đã sớm từ Thái Lan du nhập vào đây, và trở thành quốc giáo. Tuy nhiên, ở nông thôn có tập tục thờ nhiều Thần địa phương gọi chung là Phi. Lúc đầu Tăng sĩ Phật giáo không chống đối gì việc thờ Thần Phi, nhưng về sau, nhiều người lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo Lào không bằng lòng với tập tục thờ Thần Phi mà họ cho là mê tín dị đoan cho nên họ đấu tranh để xóa bỏ tập tục này, và kết quả là vua Pothisarath, năm 1527 xuống chiếu, cấm hẳn tục thờ Thần Phi. Từ đó, Phật giáo Lào phát triển mạnh mẽ. Số Tăng sĩ ngày càng nhiều, giữ giới Luật nghiêm và chăm chỉ học tập, nghiên cứu Kinh Phật. Số chùa chiền cũng được xây dựng nhiều hơn, và chỉ riêng dưới triều vua Setthathirath (1571), hơn 60 ngôi chùa mới được xây dựng, kể cả tháp lớn ở Vientane gọi là Tháp Luông. Vào thế kỷ 19, nước Lào và Phật giáo phải trải qua một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Người Xiêm tấn công và chiếm Vientane, phá hủy nhiều chùa tháp, cướp đi hai tượng Phật quý báu nhất của Lào: tượng Prah Keo (bằng ngọc bích màu xanh) và tượng Prah Bang.
Dân chúng cho rằng tai họa xảy đến cho đất nước là vì dân Lào đã bỏ tập tục thờ phụng Thần Phi, vốn được người Lào xem như là những vị Thần địa phương che chở cho họ và đất nước họ. Từ đó, tập tục thờ Thần Phi lại được khôi phục và phát triển mạnh mẽ hơn trước. Giáo hội Phật giáo Lào không còn cách nào khác làcông nhận các Thần Phi như là các vị Thần Hộ pháp, cho phép được thờ Thần Phi trong khuôn viên chùa. Như vậy, Phật giáo Lào có một nền tảng tín ngưỡng dân gian khá sâu rộng. Dân chúng Lào tìm ở các Thần Phi một sự che chở trong cuộc sống thế tục của họ, còn đối với đức Phật và Phật pháp, thì họ cố gắng sống theo những nguyên lý của đạo đức Phật giáo, kính trọng đặc biệt và cúng dường Tăng sĩ Phật giáo.
Từ ngày thành lập nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào năm 1975, Tăng sĩ và Phật tử Lào được qui tụ lại trong một tổ chức Phật giáo thống nhất, gọi là Hiệp hội Phật tử Lào. Năm 1984, thống kê được 1712 ngôi chùa với 6.726 Tăng sĩ và 8.900 tiểu (mới xuất gia, đang trong giai đoạn tập sự làm tu sĩ).
Ở Việt Nam, cũng giống như ở Lào, Phật giáo cũng có một nền tảng tín ngưỡng dân gian rất sâu rộng, đặc biệt là ở các chùa Phật giáo Bắc tông, ngoài Phật và Bồ-tát, A La Hán ra người ta còn thờ rất nhiều Thần địa phương và nhiều anh hùng dân tộc, được nhân dân sùng tín như Thần.
Nhưng ở Việt Nam, bên cạnh Phật giáo Bắc tông còn có Phật giáo Theravada, tồn tại ở miền Nam Việt Nam. Tại các chùa Nam tông theo Phật giáo Theravada, không những không có thờ các Thần linh, mà cũng không thờ nhiều Phật và Bồ-tát như ở các chùa Bắc tông, mà chỉ thờ một Phật Thích Ca mà thôi. Đấy là điểm khác với các chùa Theravada ở Lào.
5. Phật Giáo Campuchia :
Phật giáo Campuchia không thuần nhất như Phật giáo Lào, bởi vì chia thành hai hệ phái: hệ phái Mahanikaya, thường gọi là hệ phái Lớn, và hệ phái Dhammayutikanikaya, gọi tắt là hệ phái Dhamma. Hệ phái Lớn là hệ phái Theravada truyền thống. Hệ phái Dhamma, cũng thuộc Phật giáo Theravada, nhưng lại là do Hoàng gia Miên đem từ Thái Lan về, và là một tổ chức do Hoàng gia Miên thành lập nhằm mục đích cải tạo Tăng già Miên. Nhờ có sự ủng hộ tích cực của Hoàng gia, lại thêm có nhiều Tăng sĩ có học thức, có trình độ cho nên hệ phái Dhamma, tuy người không đông, nhưng phát huy ảnh hưởng mạnh mẽ đến hệ phái Lớn. Cả hai hệ phái đều có cơ cấu tổ chức biệt lập. Mỗi hệ phái đều có vị Tăng thống của mình. Hệ phái Lớn có 3.230 ngôi chùa với 6.267 Tăng sĩ, còn hệ phái Dhamma có 139 ngôi chùa với 2.385 Tăng sĩ.
Một đặc sắc của Phật giáo Campuchia là ngoài Phật giáo Theravada là tôn giáo chính thống, còn có nhiều dấu vết lưu lại của Phật giáo Đại thừa (có thể là du nhập từ Indonesia và Malaysia) và Bà-la-môn giáo. Phật giáo Campuchia có những cố gắng nhất định để thích ứng với yêu cầu mới của thời đại: Năm 1961, trường Đại học Phật giáo Preah Sihanouk bắt đầu hoạt động và thu nhận sinh viên. Một viện nghiên cứu Phật học được tổ chức ở Phnom-Penh, với mục đích truyền bá rộng rãi đạo Phật và nền văn hóa Campuchia. Ba tạng Kinh điển Phật tiếng Pali được phiên dịch ra tiếng Khơ me, tổng cộng 110 quyển. Ủy ban phiên dịch Ba tạng hoạt động liên tục trong hàng chục năm, đứng đầu Ủy ban này là Hoàng thân Sihanouk. Một lễ hội lớn được tổ chức để đánh dấu ngày hoàn thành bộ Đại tạng chữ Khmer. Đó là dấu hiệu nổi bật nhất của xu hướng trở về nguồn của Phật giáo Khmer.
Từ năm 1960, Tăng sĩ Campuchia được Nhà nước cũng như Giáo hội khuyến khích tham gia vào các phong trào xây dựng cộng đồng ở nông thôn. Đây là một nét mới trong sinh hoạt Phật giáo ở Campuchia. Tăng sĩ Campuchia thay vì chỉ ở chùa thuyết pháp, làm lễ và dạy học, từ nay còn lãnh thêm nhiệm vụ tham gia công tác xã hội, lãnh đạo nhân dân làm đường, xây cầu, đào giếng…
Từ năm 1955, một loạt sự kiện chính trị xảy ra, có ảnh hưởng lớn đến Phật giáo Campuchia. Ngày 18/03/1970, trong khi Quốc trưởng Sihanouk còn đi công du ở nước ngoài, thì một cuộc đảo chính đã xảy ra ở Phnom-Penh, truất phế Sihanouk và đưa tướng Loh Nol lên làm Quốc trưởng Campuchia. Từ ngày đó, cuộc nội chiến bắt đầu ở Campuchia, kéo dài 5 năm giữa quân đội Chính phủ Phnom-Penh và quân Khmer đỏ tiến vào Phnom-Penh, buộc hai triệu dân thành phố phải lập tức di tản về nông thôn, tham gia vào các trại lao động cưỡng bức.
Từ năm 1975 đến 1978, từ 3 đến 4 triệu người Campuchia bị chế độ Pon Pốt giết chết, trong số này có gần 8 vạn Tăng sĩ Campuchia. Hai vị Tăng thống của hai hệ phái Phật giáo Campuchia, hệ phái Lớn và hệ phái Dhamma được xem như là mất tích. Năm 1978, xảy ra các vụ đụng độ liên tiếp giữa lực lượng Pon Pốt và quân đội Việt Nam ở vùng biên giới. Sang năm 1979, quân đội Việt Nam phối hợp với lực lượng khởi nghĩa do tướng Xeng Samrin cầm đầu, đã mở cuộc tiến công đại quy mô vào quân Khmer đỏ, và tiến vào Phnom-Penh, ngày 05/01/1979. Lực lượng Khmer đỏ buộc phải rút lui vào bí mật và tiến hành chiến tranh du kích.
Chính phủ mới ở Campuchia do Heng Samrin và Hunxen lãnh đạo tuyên bố Phật giáo là quốc giáo. Một trang sử mới được mở ra cho Phật giáo Campuchia, đặc biệt là sau khi một giải pháp hòa bình, do Liên Hợp Quốc đề xướng, đã được các bên tham chiến tán thành. Một hội đồng dân tộc tối cao do Hoàng thân Sihanouk làm chủ tịch, đã được thành lập ở Phnom-Penh, với sự tham gia của đại biểu của các bên tham chiến. Trong bối cảnh chính trị đầy rẫy những thảm kịch liên tiếp đó, Phật giáo Campuchia đã phản ứng như thế nào? Cần nói thêm rằng, ngay trước khi những biến động chính trị nói trên xảy ra, Phật giáo Campuchia đã phải đối phó một cách khó khăn với hàng loạt vấn đề do các quá trình hiện đại hóa và đô thị hóa đặt ra cho nhân dân Campuchia nói chung và giới Tăng sĩ Phật giáo nói riêng.
Trước hết là Tăng sĩ ở các chùa thành phố khó giữ giới luật nghiêm minh như trước. Tăng sĩ không còn đi khất thực hàng ngày nữa, mà được Phật tử cúng dường thức ăn tại chùa, trong nội bộ khuôn viên chùa. Tăng sĩ trẻ thích đi học ở các trường công lập để có bằng cấp, và nếu có cơ hội, thì hoàn tục, để được bổ nhiệm làm công chức ở các ngành, các cấp với đồng lương cao và cuộc sống vật chất dễ chịu hơn. Có thể nói là cuộc sống thế tục và xã hội đến thay cho cuộc sống tâm linh; các trung tâm ngồi thiền nhường vị trí cho các trường Đại học và Trung học công lập.
Học vấn tạo ra cho người dân Campuchia đầu óc phê phán, họ thiếu đức tin thuần thành của ngày xưa, khi nếp sống hiện đại chưa du nhập vào Campuchia.
Thanh thiếu niên ở nông thôn còn đến chùa học, nhưng ở thành phố, không có mấy thanh thiếu niên đến chùa, càng có ít thanh niên hơn nữa chịu xuất gia, dù là trong một thời hạn ngắn. Người thanh niên Campuchia đến trường học công lập thay vì đến chùa, có thể nói là đánh mất sự tiếp xúc với giới Tăng sĩ, với bầu không khí tâm linh và đạo đức của Phật giáo. Và đó là một mất mát khó có thể bù trừ, bằng nếp sống sôi động, ồn ào, đầy rẫy cám dỗ dục lạc ở các đô thị. Thanh niên Campuchia xem như bị giải giáp, trước sự tấn công của nền văn minh phương Tây, có sức hấp dẫn thế tục mạnh mẽ.
Không những giới thanh niên mà cả giới Tăng sĩ Campuchia đều không được chuẩn bị tốt, đầy đủ để đối phó với trào lưu văn minh phương Tây, để bảo vệ những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc và của đạo Phật.
6. Phật Giáo Malaysia Và Indonesia :
Malaysia và Indonesia lấy đạo Hồi làm quốc giáo. Ở đây, chỉ có người Hoa kiều theo đạo Phật, đồng thời có duy trì tập tục thờ cúng tổ tiên. Hồi giáo công nhận có Thượng Đế tạo thế là Allah. Phật giáo thì không công nhận có một Thượng Đế như vậy, cho nên bị phê phán là vô thần. Mặc dù vậy, Phật giáo Indonesia và Malaysia đã biết khéo truyền đạo và hành đạo, nhằm trình bày cho dân chúng một ảnh tượng đạo Phật có nhiều Thần linh, mà họ có thể hằng ngày cầu đảo để được phúc lành tránh họa. Truyền đạo và hành đạo như vậy được xem như là một phương tiện thiện xảo của Phật giáo Đại thừa, có khả năng hấp thu, bao dung mọi tín ngưỡng khác, mà vẫn không đánh mất cốt lõi trong sáng của giáo lý đạo Phật.
Trên đây là một bảng phác họa sơ lược tình hình Phật giáo ở các nước Nam Á và Đông Nam Á, là vùng ngự trị của Phậât giáo Nam truyền cũng gọi là Phật giáo Theravada, một hình thức Phật giáo được xem là gần gũi nhất với Phật giáo Nguyên thủy ở Ấn Độ, thời đức Phật Thích Ca còn tại thế. Như chúng ta thấy, vấn đề đặt ra cho Phật giáo các xứ này là Tăng sĩ bị thất học nhiều, có một vốn kiến thức cũ, không cập nhật chút nào hết với cuộc sống hiện đại. Do vậy, mà nền văn minh vật chất và tiêu thụ của phương Tây ồ ạt xâm nhập vào, đã làm lay chuyển tận gốc mọi truyền thống đạo đức và tâm linh của nền văn hóa dân tộc và Phật giáo, kéo theo bao nhiêu tệ nạn xã hội ngày càng bành trướng như tham nhũng, nạn thất nghiệp, tệ mãi dâm, sự xuất hiện ngày càng nhiều các băng tội phạm có tổ chức, theo kiểu Mafia của phương Tây, nạn hút xách ma túy v.v…
Nước Việt Nam cũng đang phải đối phó với những vấn đề như thế. Phật Giáo Việt Nam đã và đang có thể làm gì để đối trị với làn sóng đen phi nhân bản đó?
Chúng ta hãy chờ đợi câu trả lời từ phía các vị lãnh đạo hiện nay của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.
MC.
Trích: Tập san Suối Nguồn 14 (TVHQ)