Chữ Nam viết kiêng húy và vấn đề niên đại của chuông Vân Bản

Những thông tin về chữ Nam 南 viết kiêng húy tôi đã có dịp công bố vào năm 1986 và gần đây trong luận án Nghiên cứu chữ húy (1995)(1). Nói tóm tắt, chúng ta đã thu được các văn bản có chữ Nam viết kiêng húy theo các mẫu.

南 (bỏ nét sổ ở giữa) (Chuông Quán Thông Thánh ở Bạch Hạc)

南 (chữ 午 ở trong) (Bia chùa Sùng Nghiêm núi Vân Lỗi)

南 (bỏ một nét ngang giữa) (Viên gạch chùa Báo Ân)

南 (trên chữ 十dưới chữ 用) (Chuông Cẩm Thịnh)

Đầu năm nay, trong khuôn khổ của công trình Tổng tập Văn bia Việt Nam do Viện Nghiên cứu Hán Nôm hợp tác với EFEO thực hiện, tôi có nhận được một số văn bản biên tập (vòng 2) do nhà nghiên cứu Tạ Trọng Hiệp (nay đã quá cố) gửi từ Paris sang nhờ góp ý kiến. Nhân hội nghị thông báo Hán nôm học năm nay tôi muốn nói đến một vấn đề lý thú liên quan đến chuông Vân Bản.

Quả chuông này phát hiện được ở Đồ Sơn (Hải Phòng), đã được đem về trưng bày trang trọng một tủ kính đặt ở gian đầu tiên của Viện Bảo tàng lịch sử tại Thủ đô từ nhiều năm nay, tôi chắc rằng nhiều người trong hội nghị hôm nay đã có dịp tham quan hiện vật đó. Bản thân tôi cũng đến xem quả chuông vài lần, nhận thấy chữ khắc trên chuông vẫn còn có thể đọc được tuy bị mờ mòn nhiều. Về niên đại của chuông, nhãn của VBTLS ghi là:

CHUÔNG VÂN BẢN Đời Lý

Các nhà nghiên cứu từ trước đến nay, cũng như chúng ta, có lẽ ai cũng muốn biết cụ thể hơn, nhưng đành tạm bằng lòng với lời thuyết minh đó, bởi vì quả thật trên chuông không có dòng lạc khoản ghi ngày tháng niên hiệu như chúng ta vẫn thấy ở nhiều bia, chuông khác.

Có đoạn văn sau đây ở trên chuông:

苦 行 僧 向 心,居 士 大 惡,共 開 創 山 林 下 洞,東 至 海 邊 為 界,西 至 邊 海 石 頭 為 界,丙 至 橫 山 為 界,□ □ □ □ □,北 至 抄 梁 石 為 界。

“Khổ hạnh tăng Hướng Tâm, cư sĩ Đại Ác cộng khai sáng sơn lâm hạ động, đông chí hải biên vi giới, tây chí biên hải thạch đầu vi giới, bính chí Hoành sơn vi giới, □□□□□, bắc chí Sao Lương thạch vi giới”.

Tạm chưa bàn đến 6 chữ chưa đọc rõ, chúng ta có thể thấy đoạn văn trên mô tả vị trí của cái động dưới chân núi do nhà sư tu khổ hạnh hiệu Hướng Tâm và vị cư sĩ hiệu Đại Ác “khai sáng” (hiểu là phát hiện và sửa sang để làm nơi tu hành). Vì là động núi xa nơi thôn cư nên trong đoạn mô tả trên đây chúng ta không thấy những địa danh làng xã hoặc một kiến trúc nào, chỉ biết động ấy:

– Phía Đông ra đến bờ biển.

– Phía Tây đến Hòn đá (hiểu đại khái là một hòn đá lớn hoặc khá lớn) bên bờ biển.

– Phía Bắc cũng đến một hòn đá gọi là hòn Sao Lương(?)

Như vậy, ba phía Đông, Tây, Bắc đã được nói đến. Còn một phía nữa là phía Nam chưa thấy nói đến. Trong khi đó văn chuông, sau khi nói đến các phía Đông, Tây, chúng ta thấy câu: “Bính chí Hoành Sơn vi giới, 丙 至 橫 山 為 界” Hoành Sơn ở đây có nhiều khả năng chỉ là một quả núi (nhỏ) có đoạn nhô ngang ra biển (Đồ Sơn), không phải là núi Hoành Sơn (Đèo Ngang) ở giáp giới Hà Tĩnh và Quảng Bình vẫn được nói đến nhiều như chúng ta từng biết. So sánh kết cấu các câu tương ứng:

“Đông chí… vi giới; Tây chí… vi giới; Bắc chí.. vi giới”.

Chúng ta có thể xác định được câu: “Bính chí Hoành Sơn vi giới, 丙 至 橫 山 為 界” chính là để nói về phía Nam: phía Nam đến Núi Ngang (Hoành Sơn).

Nhà nghiên cứu văn bản học Tạ Trọng Hiệp đã nhận ra logic và vấn đề của đoạn văn này. Trong văn bản biên tập Chuông Văn Bản, Tạ Trọng Hiệp nhận ra chữ Nam ở vị trí chữ Bính 丙, cho rằng: “Thật ra là khắc có nét sổ: 丙 (giữa thay bằng dấu nhân), tức là cách viết thảo chữ Nam 丙 (giữa thay bằng dấu nhân). Đọc là Nam thì hợp với danh mục bốn phương ghi trong đoạn này”. Ông không nói rõ đó là chữ viết bớt nét hoặc chữ húy, nhưng liền đó ông ghi: “Về các chữ húy viết bớt nét chữ Nam南 (giữa là chữ 午), 南 (bỏ một nét ngang giữa), xem các văn bia số 33 và 53. Và tham khảo chuyên khảo của Ngô Đức Thọ, 1995 (bản đánh máy tr.48). đời Trần, như

Tuy nhiên, trong đợt biên tập cuối năm, bà Claudine Salmon và mấy ủy viên Ban biên tập xem lại ảnh chụp thác bản nhận thấy chữ 丙 đúng là chữ Bính 丙 chứ không phải là chữ Nam viết thảo. Và, chưa rõ vị nào trong số mấy người trên đã tra tự điển tìm ra được Bính, ngoài nghĩa là tên can thứ 3 trong Thập can (Giáp, Ất, Bính…) còn có nghĩa là NamThuyết văn: Bính “Nam phương chi vị đã 南 方 之 位 也”. Để cho chắc chắn hơn, tôi đã đến VBTLS xem lại, xác nhận chữ trên hiện vật và trên thác bản đều đúng là chữ Bính. Như vậy ý kiến giải thích chữ Bính được dùng với nghĩa phương Nam là xác đáng. phương (Khang Hi dẫn

Nhưng đến đây vấn đề chuyển sang một phương diện khác: Lý giải thế nào về hiện tượng Nam đổi thành Bính trong khi 3 từ phương vị Đông, Tây, Bắc vẫn dùng nguyên chữ? Trong trường hợp có một chữ không được dùng bình thường mà phải đổi dùng chữ khác chúng ta có thể nghĩ đến lý do kiêng húy bởi vì đổi chữ là phương pháp kiêng húy khá phổ biến qua nhiều triều đại. Triều đại nào có định lệ đổi Nam thành Bính?

Đây là trường hợp cá biệt hay là định lệ của triều đại nào?

Nếu chuông Vân Bản là chuông đời Lý như bản thuyết minh của VBTLS thì người khắc chuông Vân Bản không có lý do gì buộc phải kiêng tránh chữ Nam. Các nghiên cứu chữ húy của chúng tôi trước đây đã chứng minh dưới triều Lý chưa có lệ viết kiêng húy. Để cho chắc chắn, chúng ta có thể kiểm tra các chữ Nam trên văn bia đời Lý, chẳng hạn:

[1] Bia chùa Báo Ân núi An Hoạch (dựng khoảng năm Hội Phong 9 [1100]):

* 西 南 有 山,高 而 且 大,名 安 獲 Tây Nam hữu sơn, cao nhi thả đại, danh An Hoạch/Phía tây Nam có ngọn núi vừa cao vừa lớn, gọi là An Hoạch (An Hoạch sơn Báo ân tự bi ký, No17539).

[2] Bia chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh (Hội Tường Đại Khánh 9 [1118]):

* 丙 申 春 二 月,御 駕 南 巡, Bính Thân xuân nhị nguyệt, ngự giá Nam tuần/ Năm Bính Thân, mùa xuân tháng 2 vua ngự giá Nam tuần (d.12);

* 乃 擇 彼 城 西 南 角 Nãi trạch bỉ thành Tây NamNamo20953). giác/Bèn chọn góc Tây thành ấy (d.16) (Sùng Nghiêm Diên Thánh tự bi minh, N

[3] Bia chùa Linh Xứng núi Ngưỡng Sơn (Thiên Phù Vũ Duệ 7 [1126]:

* 歷 南 碩 之 清 江 Lịch Nam Thạc chi Thanh Giang/ Qua sông Thanh Giang ở đất Nam Thạc (Ngưỡng Sơn Linh Xứng tự bi minh, No20594, d.4 trái sang).

[4] Bia chùa Diên Phúc thôn Cổ Việt (Đại Định 6 [1145]):

南 長 畝 田 Nam trường mẫu điền/Phía Nam ruộng đất trải dài (Cổ Việt thôn Diên Phúc tự bi ninh, thác bản Viện Hán Nôm mới sưu tầm)

Cả 5 chữ Nam ở 4 bia đời Lý đã dẫn trên đều viết nguyên dạng và không có trường hợp nào thay bằng Bính, đủ chứng cứ để xác nhận trên bi ký triều Lý không có tiền lệ đổi chữ Nam thành Bính.

Đến đây chúng ta đã có thể nhận ra chữ Nam đổi thành Bính là theo lệ kiêng húy đời Trần, vì chỉ triều Trần mới quy định viết kiêng húy chữ Nam (ban bố ngày 12-5-1299 đời Trần Anh Tông, – Toàn thư, BK5-5b).

Nhưng nếu chỉ có một cứ liệu trên chuông Vân Bản thì kết luận trên có thể được coi là hợp lý, nhưng người ta vẫn còn băn khoăn không rõ có đúng thực hay không? May mắn là chúng tôi đã tìm được cứ liệu đối chứng ngay trong tư liệu mà chúng tôi thu được trong đợt sưu tầm văn bia vừa qua.

Tôi muốn dẫn chứng văn bia chùa Đại Bi Diên Thánh ở xã Lạc Đạo huyện Mỹ Văn. Tấm bia này nói chung vẫn còn đọc được trừ vài mảng bị mờ mòn. Đây là một tấm bia đời Trần đã được nói đến trong Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn: “Bia chùa Đại Bi, xã Mộ Đạo, do Sa môn Sùng Nhân soạn”(2). Tên đầy đủ của chùa là Đại Bi Diên Thánh, Mộ Đạo là tên thôn thuộc xã Lạc Đạo hiện nay. Không thấy KVTL ghi niên đại, nhưng tất nhiên là thuộc đời Trần, vì cả đoạn văn này họ Lê liên tiếp ghi tên các bia chuông đời Trần. Trên bia hiện vật cũng như trên thác bản chúng ta có thể đọc rõ vả dòng niên hiệu và tên người soạn và người khắc bia:

時 開 泰 四 季 丁 丑 孟 冬 上 旬 初 七 日 立 示 專 修 三 學 沙 門 崇 仁 撰 博 士張,僧 范 遂 鐫 Thời Khai Thái tứ niên Đinh Sửu mạnh đông thượng tuần sơ thất nhật lập thị. Chuyên tu Tam học Sa môn Sùng Nhân soạn. Bác sĩ Trương, tăng Phạm Toại / Dựng ngày mồng Bảy thượng tuần tháng 10 năm Khai Thái thứ 4 (11-1327, đời Trần Minh Tông).

Nội dung bia nói về việc trùng tu chùa Đại Bi Diên Thánh. Trừ mặt trước khắc bài ký, mặt sau và hai mặt cạnh kê các thửa ruộng của nhà chùa. Các thửa ruộng thường được mô tả chẳng hạn như:

東 伴 近 阮 氏 擔,西 伴 近 路 Đông bạn cận Nguyễn Thị Đảm, Tây bạn cận lộ/ Bờ phía đông gần [ruộng của] Nguyễn Thị Đảm, bờ phía tây gần đường đi v.v..

Qua mô tả nhiều thửa ruộng, chúng tôi thấy các từ Đông – Tây, Bắc đều hiện diện, nhưng không có một chữ Nam nào, – trong khi dó có đến 5 chữ Bính khắc rõ ràng, được đặt ở các vị trí có nghĩa chỉ phương Nam.

1東丙兩伴近阮 考西伴近路(mặt 2)

* Đông Bính lưỡng bạn cận Nguyễn khảo, Tây bạn cận lộ/ Hai bờ Đông và Nam gần ruộng cụ Nguyễn, bờ Tây gần đường đi.

2東北丙近佗麻 (mặt 2)

Đông Bắc Bính cận tha ma/ Phía Đông, phía Đông, phía Bắc, phía Nam gần bãi tha ma.

3東廣一高九 尺,近武塊西廣一高九(mặt 2)

Đông quảng nhất cao cửu xích, cận Vũ Khối; Tây quảng nhất cao cửu xích, cận Nguyễn Lãnh; Bính trường tứ cao ngũ xích, cận Nguyên khảo, Bắc Thái Bình/ Phía Đông rộng 1 sào 9 thước, gần ruộng Vũ Khối; Phía Tây rộng 1 sào 9 thước, gần ruộng Nguyễn Lãnh, phía Nam rộng 4 sào năm thước, gần ruộng cụ Nguyễn, phía Bắc gần ruộng của Thái Bình.

4个帶田壹坎, 東近阮桂,西近路(mặt cạnh trái)

Cá đái điền nhất khảm, Đông cận Nguyễn Quế, Tây cận lộ, Bính Bắc cận đa ma/ Ruộng Cá Đuối một đám, phía Đông gần ruộng Nguyễn Quế, phía Tây gần đường, phía Nam và phía Bắc gần bãi tham ma.

5丙近絲房 (mặt cạnh phải)

Bính cận ti phòng / Phía Nam. gần Nhà Tơ

Đến đây chúng tôi thấy đã có đủ cứ liệu để rút ra một kết luận:

Chữ Nam 南 theo lệ kiêng húy đời Trần, ngoài các cách viết bớt nét mà chúng ta đã biết, còn được kiêng húy bằng cách dùng chữ đồng nghĩa Bính 丙 để thay thế.

Như vậy, do có thêm cứ liệu trên chuông Vân Bản và bia chùa Đại Bi Diên Thánh chúng ta có thêm một đặc điểm chữ húy để nhận diện văn bản đời Trần. Tin chắc rằng trên các bia chuông đời Trần chúng ta sẽ còn gặp các cứ liệu khác để củng cố cho kết luận này. Và với sự chứng minh trên đây, chúng ta có thể đề nghị Viện Bảo tàng lịch sử điều chỉnh xếp lại chuông Vân Bản vào niên đại đời Trần, không phải đời Lý như đang giới thiệu hiện nay.

Chú thích:

1. Xem:

* Ngô Đức Thọ – Bước đầu nghiên cứu chữ húy đời Trần. Nghiên cứu Hán Nôm (Viện NC Hán Nôm), số 1 năm 1986. tr.17-32; cũng xem: Première appooche sur les noms et prénoms tabous sous la dynastie de Tran. Vietnam sciences sociales. No1+2, 1986, p.106-122.

* Ngô Đức Thọ – Nghiên cứu chữ húy trên các văn bản Hán Nôm (Luận án PTS, sắp xuất bản).

2. Xem: Lê Quý Đôn – Kiến văn tiểu lục. Bản dịch. Nxb..Sử học, 1962, Tr.198.

Thông báo Hán Nôm học 1996 ( tr.376-383 )

Đỗ Đức Thọ (Viện Nghiên cứu Hán Nôm)
Nguồn: daitangkinhvietnam.org