Lược Ý Pháp Bị – Pháp Vật Trang Nghiêm Bảo Tòa Trong Nghi Lễ Phật Giáo Bắc Truyền
Thích Tâm Mãn – 釋 心 滿
Pháp tòa tiếng Phạm là Dharma sana, chỉ nơi Phật ngồi thuyết Pháp, Phật Giáo tôn xưng vị trí nơi Chư Phật tọa vị là Sư tử tòa, Bảo tòa, Pháp tòa, Pháp cao tòa. Trong Kinh Pháp Hoa Phẩm Tự có nói về Bảo tòa chép: “Bấy giờ Phật nói Pháp Đại Thừa, Kinh tên là vô lượng nghĩa, ở trong đại chúng, nói rộng tỏ phân bày, Phật nói kinh này xong, ngồi kết già tam muội ngay trên Pháp tòa”.
Tòa Sư tử trong Phật Giáo có nguồn gốc từ đâu, do nhân duyên nào để thành tựu được Sư tử tòa. Theo Kinh Duy Ma Cật chép: “…do vô lượng vô số công đức vi diệu thành tựu bảo tòa sư tử, vì sao gọi là Bảo tòa? Ngài Văn Thù Sư Lợi đáp: cư sĩ từ nơi này đi qua 36 lần hằng hà sa số cõi Phật, có một thế giới tên là Tu Di Tướng, nơi đó có Đức Phật hiệu là Tu Di Đăng Vương… Ngài ngồi trên tòa Sư tử cao đến 8 vạn 4 ngàn 40 lý, trang nghiêm mỹ lệ không có gì có thể sánh bằng…”.
Tòa sư tử lúc nào hiện hữu ở nhân gian và ai là người đem tọa sư tử về cõi Ta Bà, lại nữa trong Kinh Duy Ma Cật chép: “Trưởng giả Duy Ma Cật nhiếp niệm nhập định, hiển hiện thần thông oai lực, trong một khoảng khắc, từ nơi cõi nước của Phật Tu Di Đăng Vương, đem về …”.
Phật Giáo truyền đến đâu nơi ấy nhất định phải có Tòa sư tử, vì sao vậy? Vì tất cả các bậc Pháp vương tử, tuyên dương chánh pháp của Phật nên ngồi trên Tòa sư tử, các bậc truyền giáo Tổ sư khi hoằng truyền Thánh giáo cũng ngồi trên Tòa sư tử, có thể ngồi trên Tòa sư tử mới là Pháp vương tử, có thể đăng Bảo tòa mới thật sự là sứ giả Như Lai, đại Phật tuyên dương. Vì sao?. Trong Kinh Kim Quang Minh Phẩm Kiên Lao Địa Thần chép: ” nơi nào muốn cho kinh điển được lưu bố, nên bày Tòa sư tử, thỉnh người nói Pháp lên ngồi trên tòa, diễn thuyết tỏ bày nói rộng nghĩa lý vi diệu của Kinh…”.
Khoa Nghi Đăng Đàn Chẩn Tế là một nghi thức thậm thâm vi diệu, tế độ quần sanh, Pháp hiển mật viên thông của Phật Giáo Bắc Truyền, người hành trì pháp môn này trong Phật Giáo được tôn xưng là Kim Cang Thượng Sư, Việt Nam thường gọi là Thầy gia trì, trong dân gian thường gọi là Thầy cả dàng.
Y cứ trong khoa Du Già có câu “Đăng Du Già hiển mật chi tòa…” (lên ngồi bảo tòa của đàn hiển mật Du Già). Nên khi thiết trí đàn này, lúc nào cũng phải thiết Bảo tòa làm nơi để Gia Trì Sư đăng đàn thuyết Giới. Trong nghi thỉnh sư đăng bảo tòa của đàn Du Già có câu: “Bảo tòa cao cao vô ngại”, câu này có thể lấy từ ý trong Kinh Kim Quang Minh Phẩm Thiện Tập nói về Bảo tòa là Pháp cao tòa: “… đắp y tịnh diệu, đến nơi Pháp tòa, chắp tay kính lễ, đăng Pháp cao tòa…”.
Trong khoa nghi Chẩn Tế còn có câu “Thời đáo Pháp vương tọa, nhân thiên phổ hộ trì”. Khi lên ngồi trên Bảo tòa của Pháp Vương, trời người đều phát tâm hộ trì, ý này được chư vị thánh thần phát nguyện. Trong Kinh Kim Quang Minh Phẩm Kiên Lao Địa Thần chép: “…người nói pháp lên ngồi trên tòa, diễn thuyết tỏ bày nói rộng nghĩa lý vi diệu của Kinh, lúc này tôi là người hộ vệ cho Pháp sư, ẩn hiện thân mình ở dưới Pháp tòa lấy đầu làm chổ đỡ chân cho Pháp sư…”.
Trong nghi thức của Phật Giáo như đăng đàn thuyết Pháp, hay đại Phật tuyên dương trong đàn Chẩn Tế cũng vậy, trước khi đăng tòa hành trì các Phật sự này, Pháp sư phải như thế nào mới cụ túc các công đức cũng như nhân duyên để đăng Bảo tòa. Theo Kinh Pháp Hoa Phẩm An Lạc Hạnh chép: “Bồ tát thường an lạc, an ổn thuyết Pháp, nên bày sàng tòa, tắm rửa tẩy hết các bụi dơ, lấy dầu thơm thoa lên người, thân đắp y mới thanh sạch, trong ngoài đều thanh tịnh, an tọa trên Bảo tòa, tùy theo lời hỏi mà thuyết Pháp…”.
Bảo tòa trong đàn Chẩn Tế được thiết trí như thế nào thì trong câu kệ thỉnh sư đã diễn rất rõ “Thượng hữu thiên thùy bảo cái”, trên trời treo bảo cái màn che rũ xuống. Thường thì chúng ta thấy khi thiết Pháp tòa của đàn Chẩn Tế, sau lưng Bảo tòa của Gia trì sư có tấm bình phong thường được làm bằng vải có vẽ hình sư tử, được gọi là Pháp Bị. Vậy Pháp Bị là gì, vì sao lại vẽ hình con sư tử? Trong sách Thiền Lâm Tượng Khí Tiên định nghĩa danh xưng Pháp Bị rằng: “Pháp Bị ngày xưa gọi là Quái ty, là tấm bình phong làm vật che phía sau ghế vậy.”.
Việc trang trí Bảo tòa có treo Pháp Bị phát xuất từ khi nào, thì trong Bách Trượng Thanh Quy thời nhà Đường phần Cáo Hương chép: “đến ngày đó thầy thị giả bảo thầy trong ban tri khách, treo Quái ty (pháp bị) trang trí sau Pháp tòa trong tẩm đường hoặc trong Pháp đường…”. Qua đó chúng ta có thể thấy đến đời nhà Đường việc treo Pháp Bị để trang nghiêm cho Pháp tòa đã rất phổ biến và thịnh hành trong Thiền lâm.
Những nơi nào trong chùa thiết Bảo tòa được treo Pháp Bị. Trong sách Tứ Tiết Bỉnh Phất có chép: “Trong điện đường bài trí Pháp tòa, phía sau treo Quái ty (Pháp bị), thiết Pháp tòa của Trụ trì cũng như vậy…”. Trong Thiền Lâm Tượng Khí Tiên việc treo Pháp Bị được phân chia một cách rõ ràng như: “Pháp bị, tấm màn che phía sau Pháp tòa vậy. Nếu như treo tấm Quái ty (Pháp bị) lớn làm bình phong cho Bảo tòa trên Pháp đường còn gọi là Đại Pháp Bị…”.
Pháp Bị được trang trí trong đàn Chẩn Tế có thời kỳ nào?. Trong sách Đường Văn Tông Thật Lục chép: “vén rớt màng Quái ty trong đàn kinh biến Cam Lộ, ở điện phía bắc…” đàn Cam Lộ ở đây chính là tiền thân của đàn Chẩn Tế, đàn Chẩn Tế có nguồn gốc từ Kinh Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỉ Đà La Ni và Cam Lộ Đà La Ni Chú do ngài Thật Xoa Nan Đà dịch vào đời Đường Vũ Tông – Trung Quốc.
Đàn Chẩn Tế còn được gọi là Phóng Diệm Khẩu. Trong Kinh Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỉ Đà La Ni; Phật thuyết thần chú “Biến Thực Chân Ngôn”, trong Cam Lộ Đà La Ni Chú Phật thuyết thần chú “Cam Lộ Chân Ngôn”, hai thần chú này là tâm điểm của đàn Chẩn Tế. Vì vậy đàn Chẩn Tế còn được gọi là đàn Cam Lộ. Qua đó có thể thấy đàn Chẩn Tế từ thời nhà Đường đã có treo Pháp Bị khi thiết Bảo tòa của Gia trì trong nghi thức Chẩn Tế của Phật Giáo Bắc Truyền.
Ta thường thấy trên Pháp Bị có vẽ hình con sư tử. Trong sách Thiên Hải Loại Phiên giải thích về tấm Pháp Bị, vì sao lại có vẽ hình lên đó chép: “Quái là (Pháp bị) từ chỉ cho các bức họa ngày xưa… đây là vật được làm theo tấm lưới Y Tô Ngạc, nay Thiền lâm gọi là Quái ty (Pháp bị), từ này cũng là chỉ cho bình phong bằng gỗ được chạm lộng như tấm lưới có thể nhìn qua vậy.”.
Ý nghĩa vì sao Pháp Bị trang trí nơi Pháp tòa được vẽ hình con sư tử, theo trong Đại Trí Độ Luận giải thích vì sao chổ ngồi của Phật gọi là Tòa sư tử chép: “Sao được gọi là Tòa Sư Tử? là do Phật chế ra hay thật là sư tử? có phải được làm bằng vàng, bạc, đá hay bằng gỗ? Đáp rằng: được gọi là Tòa sư tử, không phải là thật vậy. Phật là bậc sư tử trong nhân thiên”.
Phàm là chổ của Phật ngồi như ghế, hay ngồi trên đất đều gọi là Tòa sư tử. Sư tử là loài thú có thể đi một mình mà không có điều khiếp sợ, và có khả năng điều phục hết thảy muôn thú. Phật cũng như vậy, ở trong thế gian có 96 thứ ngoại đạo, trong hết thảy nhân thiên, Ngài đều có thể hàng phục, đắc được vô sở úy, cho nên gọi là nhân trung sư tử. Cho nên khi thiết Bảo tòa treo Pháp bị có vẽ hình sư tử để nói lên ý đây là sư tử tòa, là Bảo tòa của Phật như trong kệ thỉnh sư đã nói: “Tam thế chư Phật na nhất bộ, quyền lưu bảo tọa tức ngô đăng”, ba đời Chư Phật thành Phật từ bước đi này, nay con cũng theo Phật mà lên ngồi trên tòa vậy.
Tấm Pháp Bị thường được dùng chất liệu gì để làm, trong Bắc Giản Tục Tập ChươngTriệu Quân Chủ Thí Đấu Thái Pháp Bị Tiến Nữ chép: “Trên tòa Không Vương, treo một tấm Pháp Bị dùng bằng vải lụa…”. Vì đàn Chẩn Tế thường là những pháp hội di động không định ở một chổ cho nên việc các nghi trượng trang trí cho đàn tràng được làm bằng vãi hay lụa là việc hết sức tự nhiên, vì làm bằng vải có những ưu điểm như dễ thâu dọn, dễ cất giữ, di chuyển gọn nhẹ, và dễ treo và có thể tùy theo trụ xứ mà có thể làm cho lớn hơn hoặc thu gọn lại.
Pháp Bị là Pháp vật trang nghiêm đàn tràng của Phật Giáo Bắc Truyền, nói lên diệu ý nhân trung sư tử có thể hàng phục thiên nhân quỷ thần, chúng ma của Phật, ngồi lên tòa sư tử hàm chứa ý nghĩa đệ tử của Phật đắc vô sở úy, ngồi trên tòa này diễn dương Tam thừa Thánh giáo, gieo nhân đắc vô lượng vô số công đức vi diệu thành tựu Phật quả. Như trong Kinh Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm Giảng Giải có chép: “Khi sư tử rống làm trăm thứ kinh sợ, chỉ có đại địa không chút kinh động, dụ như Phật thuyết Pháp, thiên ma ngoại đạo đều kinh sợ, duy chỉ có đại địa Bồ tát đắc được vô sở úy.”.
Sư tử Bảo tòa là chỉ nơi tọa vị Vô Thượng Chánh Đẳng Cháng Giác “Tọa bồ đề tòa” của Chư Phật, còn Bảo tòa là chổ của thần thánh và đế vương, là nơi ý chỉ cho địa vị tôn quý, hiển hách, trọng yếu, trong trong xã hội, thường được làm hình dáng trang nghiêm rộng lớn to đẹp hơn ghế ngồi bình thường.
Bảo tòa trong thế gian tượng trưng cho quyền thế và địa vị trong xã hội, những triều đình phong kiến ngày xưa, trong điện chính như điện thái hòa thường có để một chiếc ghế chạm rồng thếp vàng được gọi là ngai vàng hay còn gọi là bảo tòa, tượng trưng cho uy quyền của người thống trị thiên hạ, hình thức của ngai vàng đến thời đại nhà Minh được mô phỏng theo hình dáng của một chiếc La Hán Sàng (ghế ngồi của La Hán) có nguồn gốc từ Phật Giáo, bởi vị vua đầu tiên của triều đại này có xuất thân từ trong chùa.
Bảo tòa được mô phỏng theo La Hán sàng của Phật Giáo nhưng không có một chút gì liên quan với tính chất của La Hán sàng của Đạo Phật. Tính chất bảo tòa của Phật Giáo là từ bi được thay bằng quyền thế, từ Thiền gia trở thành hoàng gia, từ trang nghiêm trở thành hoa lệ, từ bình đẳng trở thành giai cấp, từ giải thoát trở thành trói buộc, từ mọi người đều có khả năng được ngồi (người Giới Đức cụ túc) trở thành vị trí độc tôn, bất khả xâm phạm.
Trong Thiền Lâm có Bảo tòa Sư Tử , vậy nên người xuất gia khi ngồi trên Bảo tòa, điều trước tiên phải biết mình vì sao phải ngồi trên bảo tòa này, ngồi trên này để làm việc gì? ngoài “Đại Phật Tuyên Dương” ra không còn lý do gì để người xuất gia ngồi trên bảo tòa, nếu có tâm nào ngoài tâm niệm này mà ngồi trên bảo tòa thì nên tin chắc rằng mình đang ngồi trên trên “thiết sàng”, nếu vì tế độ chúng sanh thì thiết sàng này sẽ là “Bồ đề pháp tòa” đúng như câu “Biến giới thiết sàng hiện Bồ đề chi Pháp tòa.”.