Đôi Lời Tâm Sự Cùng Giới Tử – HT Thích Minh Thông – Luật chủ Giới Đàn Viện chùa Huệ Nghiêm
Các giới tử quý mến! Hãy cho phép tôi gọi nhau bằng hai tiếng huynh đệ để thể hiện mối quan hệ thân thiết với những người có cùng chung một lý tưởng giải thoát, là học trò, là con của đức Như Lai. Chẳng còn bao lâu nữa, các huynh đệ sẽ đăng đàn thọ giới cụ túc, chính thức dự vào hàng Chúng Trung Tôn, hàng Tăng Bảo thường trụ của thế gian. Nghĩa là kể từ giây phút ấy trở đi, các huynh đệ sẽ trở thành những người có đầy đủ điều kiện pháp lý để sử dụng gia tài của Như Lai.
Gia tài ấy là tuệ giác vô thượng, thứ gia sản vô giá mà đức Như Lai đã khổ công góp nhặt được từ vô số kiếp trầm luân trong sinh tử. Vậy các huynh đệ phải làm gì để có đầy đủ năng lực đảm đương trách nhiệm giữ gìn gia tài Phật Tổ không cho bị mai một trong thời đại xã hội với nhiều nhiêu khê nan giải như hiện nay? Với tư cách là một người anh, người được sinh ra trước các huynh đệ trong ngôi nhà Phật Pháp, tôi có đôi lời tha thiết muốn tâm sự cùng với các huynh đệ.
Các huynh đệ quý mến! Chúng ta sinh ra đời được làm thân người, sáu căn được đầy đủ quả là một phúc duyên lớn. Chúng ta lại được gặp Phật Pháp, thọ trì Thánh giới, sống nếp sống viễn ly sanh tử thì thực sự không có thứ hạnh phúc nào có thể so sánh bằng.
Hạnh phúc này được các huynh đệ nuôi dưỡng ngay từ buổi đầu xuất gia học đạo. Chí lớn muốn mau chóng thành tựu được tuệ giác để giải thoát cho muôn loại luôn ấp ủ trong tim, nên những tình thường, danh lợi của thế gian các huynh đệ đều gác bỏ ngoài tai, lòng không màng đến.
Hạnh phúc này lớn dần theo ngày tháng siêng năng tu tập, nó là Bồ đề tâm, là thứ năng lượng vững chãi để ngăn chặn những trở lực của ngoại duyên và tháo gỡ những khổ đau, khúc mắc của nội tại.
Nếu vì một lý do gì đó khiến các huynh đệ phải bận bịu để hạt giống Bồ đề bị khô héo, xói mòn, nghĩa là các huynh đệ sống không có hạnh phúc trong cửa thiền, nên dù các huynh đệ còn đi, còn đứng, còn tiếp xúc, còn niệm Phật, tọa thiền, nhưng thật sự các huynh đệ đã chết, chết với tư cách của một người bại trận. Vâng, khi các huynh đệ quyết định đi ra khỏi con đường khổ đau sinh tử thì các huynh đệ đã phải trang bị cho mình thứ vũ khí cần thiết, sắc bén để đương đầu với chiến trận của chúng ma phiền não. Vũ khí ấy là tâm Bồ đề, là năng lượng được nuôi dưỡng từ đời sống tu tập trong môi trường tốt của tăng thân.
Dưới sự nâng đỡ, yêu thương và che chở của tăng thân, các huynh đệ sẽ tự do lớn mạnh mà xây dựng cho mình Phật thân hay Pháp thân. Nhiều huynh đệ dường như không chút ý niệm về vấn đề này, mạnh dạn rời bỏ tăng thân đến ở nhà thế tục, thậm chí ở cả nhà trọ, một mình chạy lao như điên vào các trường đại học để tìm một cái bằng cấp bác sĩ, dược sĩ, thạc sĩ, tiến sĩ…
Cũng có nhiều huynh đệ đua chen nhau vào những trường Phật học, hối hả nhét vào đầu càng nhiều kiến thức càng tốt. Nhưng những bằng cấp hay những mớ kiến thức ấy dường như không có ảnh hưởng gì đến những khổ đau, khó khăn, những xung đột trong tâm tư và trong đời sống hàng ngày. Cũng như thiền sư Hương Nghiêm là bậc thông minh xuất chúng, học một đã hiểu mười, học mười đã biết trăm, nhưng với một câu hỏi dường như quá dễ dàng của Tổ Qui Sơn: “Trước khi cha mẹ sinh ra, ta là ai ? ” Cũng đủ làm cho Thầy điên đầu, dùng hết những tri kiến đã hấp thụ được cũng không thể nào giải nổi.
Thầy buồn quá đốt hết sách vở và tự than rằng: “Bánh vẽ không thể no lòng người đang đói” và Thầy làm một quyết định sẽ thực nghiệm lại những gì từ lâu Thầy lầm tưởng cho đó là hoa trái của sự tu tập. Các huynh đệ ấy cũng thế, không có thời gian, không có cơ hội để áp dụng những gì mình đã học vào thực tế, không tiêu hóa được những đống kiến thức cồng kềnh thành chất bổ dưỡng nuôi sống cơ thể.
Như vậy cơ thể sẽ bị héo mòn, các huynh đệ ấy vẫn không có gì thay đổi trong quá trình lột xác từ một kẻ phàm tục trở thành một người xuất gia, từ một chú Sa di trở thành một thầy Tỳ kheo mô phạm cho muôn loài. Các huynh đệ ấy vẫn ham thích ăn sung mặc sướng, vẫn ưa chuộng những lời dịu ngọt tỉ tê, vẫn sẵn sàng bộc phát sân hận trước những gì không vừa ý, vẫn tiếp tay mở ngõ cho danh lợi, ái dục tự do đi vào… vẫn y nguyên như người phàm tục chỉ khác nhau một cái đầu và chiếc áo.
Cho nên khi thấy nhiều huynh đệ từ miền xa lên tỉnh thành để tham dự vào các trường Phật học mà phải cực lực vất vả, thiếu thốn rất nhiều phương tiện chúng tôi lấy làm chua xót, nhưng khi nhìn thấy nhiều huynh đệ lao mình vào những đam mê trụy lạc của cuộc đời, đánh mất phẩm cách của một Tỳ kheo chúng tôi càng đau xót gấp trăm nghìn lần. Các huynh đệ ấy đã tự cô phụ lại với ý nguyện xuất trần của mình từ lúc nào không biết, hoặc biết mà không đủ năng lực để quay đầu trở về.“Tiền lộ mang mang, vị tri hà vãng”(Qui Sơn cảnh sách văn). Vâng, nếu như chúng ta có một con đường đi và ta quyết tâm đi trên con đường ấy thì chúng ta thực sự đã có hạnh phúc.
Nhưng ngược lại, nếu chúng ta thấy xa xa chỉ là khói sương mờ mịt, con đường phía trước mênh mang , không biết rẽ lối nào thì quả là một sự mất mát, lỗ lã và đau khổ to lớn trong đời tu của chúng ta. Và rồi chúng ta sẽ dễ dàng cởi áo hoàn tục, bản thân chúng ta sẽ đau khổ vì chí nguyện không thành; cha mẹ và anh chị của chúng ta sẽ đau khổ vì ước vọng dở dang; Thầy Tổ, tăng thân sẽ đau khổ vì đã để cho chúng ta tiếp tục đọa đày trên con đường sinh tử. Cho nên các huynh đệ phải cố gắng nuôi nấng nguồn năng lực hảo tâm ban đầu, phải tư duy và phản tỉnh thường xuyên, phải dành nhiều thời gian để sống với chính mình mà tinh thần nhập thất tránh duyên là phương pháp hữu hiệu nhất của bao đời chư Tổ, chư tiền bối.
Cho nên ngoài thời gian nghiên cứu giáo lý, các huynh đệ phải cố gắng tập nếp sống “độc xứ nhàn cư”, phải biết trâu của mình vốn rất thích rong chơi, ăn lúa xanh, uống nước mát nên phải canh chừng nó từng giờ từng phút không để lơi lỏng. Nếu nó ương ngạnh quá thì phải trói chặt lại cho ăn rơm khô thôi. Khi ở trong chuồng trâu sẽ quên đi bầu trời xanh ngát, tự hối lỗi, dần dần thuần phục. Các huynh đệ chăn tâm đến trình độ thuần thục, nằm trên ngũ dục mà không thèm thuồng thì mới dám xông pha vào cuộc đời uế trược này để tùy duyên hóa độ chúng sanh.
Các huynh đệ phải biết và hiểu rõ chính mình, phải biết mình mang chứng bệnh nào mà tìm một phương thuốc thích hợp để trị liệu, phải tránh xa những điều kiện và môi trường làm cho con bệnh tái phát như người ghiền rượu không bao giờ đi qua quán rượu, người nghiện thuốc phiện không bao giờ ngồi gần người hút thuốc phiện. Đó chính là cẩm nang của hành giả đi trên con đường giải thoát. Dục lạc của thế gian và đặc biệt là ái dục luôn mời gọi, cám dỗ những chàng trai và những cô gái trẻ có ý niệm chối từ nó. Nó là thứ lửa dữ sẳn sàng thiêu rụi giới thân huệ mạng vì thế các huynh đệ phải tự biết thân phận mình như gánh rơm khô mà tìm cách lánh xa, càng xa càng tốt.
Các huynh đệ quý mến ! Năng lực bảo vệ cho tâm Bồ đề được lớn mạnh là hàng rào tịnh giới. Cho nên sau khi các huynh đệ được trao truyền 250 giới hay 348 giới điều phải hết sức giữ gìn cẩn thận, dù hoàn cảnh có trái ngang, cùng cực như thế nào đi chăng nữa có thể mất cả thân mạng cũng nhất định không hủy phạm Thánh giới, tuyệt đối không làm bản thể thanh tịnh Tỳ kheo hay Tỳ kheo ni bị thương tổn. Tịnh giới được bảo tồn, tâm bồ đề được tăng trưởng, nhưng với một nghiệp chướng sâu dày cũng gây trở ngại to lớn trên bước đường tiến tu của hành giả. Vì vậy các huynh đệ phải nên chuyên cần lạy sám hối, nhờ năng lực gia bị của mười phương chư Phật cộng với năng lực thiết tha qui mạng của chính mình thì nghiệp lực từ vô thỉ kiếp sẽ dần tiêu, khi đối diện với những hoàn cảnh bức xúc xảy ra các huynh đệ vẫn có đủ khả năng điều phục, đứng vững và không làm cho con tim rỉ máu.
Này những người huynh đệ! Tôi rất vui mừng tôi đã có thêm hàng trăm người anh em, hàng trăm rường cột vững chắc phụ kề vai với chúng tôi chống đỡ ngôi nhà Phật Pháp. Gia tài của Như Lai để lại đã bị những người con không hiếu thuận ngang nhiên phá sản và gần như khánh tận trong những tháng ngày gần đây. Cho nên chúng tôi kỳ vọng rất nhiều ở các huynh đệ, mong rằng mỗi huynh đệ để lòng nghĩ đến tiền đồ Phật Giáo đang rơi vào thời kỳ đen tối mà cố gắng duy trì và phát huy giới luật.
Vì vận mệnh Phật Pháp hoàn toàn tùy thuộc vào sự tồn vong của Giới Luật – Đức Như Lai đã phó chúc điều này như một lời cảnh cáo nghiêm khắc đối với hàng đệ tử, những người có trách nhiệm thay thế đức Phật làm cho Phật Pháp lưu thông mãi trên cõi đời. Tinh thần học và trì luật của nước nhà hiện nay đang xuống dốc trầm trọng, phần lớn Tăng Ni chỉ ưa chuộng nếp sống tân tiến, tự do phóng túng, không còn tha thiết để khép mình vào khuôn khổ giới luật nữa. Nên chúng tôi tin tưởng vào sức sống trẻ của các huynh đệ, nhất định khôngtheo những vết cũ sai lầm, để cùng nhau làm sống lại hình bóng giải thoát và tinh thần hòa hợp của Tăng già, một giáo đoàn gương mẫu của nhân loại.
Người kia là trượng phu, ta cũng có thể trượng phu; người nọ thành Thánh nhân thì ta cũng đầy đủ năng lực để trở thành Thánh nhân. Nếu các huynh đệ có được một tinh thần, một nghị lực, một lối sống đúng pháp như thế thì dầu kiếp này chưa liễu ngộ được chân tánh, nhưng các huynh đệ vẫn không bị đọa lạc trong sanh tử; kiếp sau hoặc kiếp sau nữa chắc chắn sẽ được dự vào dòng Thánh.
Các huynh đệ ! Chúng ta hãy thương yêu nhau, đừng vì những khiếm khuyết sai lầm nhỏ mọn của anh em một nhà mà làm chỗ hở cho Ma Ba Tuần xông vào gây ra cảnh huynh đệ tương tàn, xung đột. Bởi vì đây cũng là nguyên nhân chính yếu đưa giáo đoàn Phật Giáo đến chỗ tan rã. Các huynh đệ hãy cùng nhau dũng tiến như sư tử san bằng mọi trở lực của rừng xanh, nếu một huynh đệ nào đó gục ngã thì hãy cố gắng dìu nhau, đừng bỏ mặt nhau giữa cơn thác loạn của hồng trần.