Tu nữ, Ni đoàn và Bát Kỉnh Pháp
Ni Đoàn trong Phật Giáo luôn là vấn đề tranh cãi. Vào thời Đức Phật tại thế, sau khi đắn đo, cuối cùng thì Đức Phật cũng cho phép thành lập Ni Đoàn cùng với giới luật của Bát Kỉnh Pháp. Trong thời gian Đạo Phật suy vi, chẳng may Ni Đoàn tan rã vào thế kỉ thứ 10 tại Sri Lanka. Đối với Mật Tông (một tông phái lớn của Đại Thừa) và Đạo Phật Nguyên Thủy (Theravada, Nam Tông) Ni Đoàn không còn tồn tại. Hàng ngàn năm nay tại các nước mà Đạo Phật là quốc giáo như Myanmar, Thailand, Cambodia, các tu nữ vẫn tồn tại bên cạnh tăng đoàn như một đoàn thể không chính thức. Gần đây, một số Tu nữ tài giỏi, có tiếng tăm, đã vận động quốc hội để thành lập Ni Đoàn ngay tại Thailand. Hoặc tại Đức năm 2007 cũng có phong trào vận động Đức Đạt Lại Lạt Ma thứ 14 đẻ tái lập Ni Đoàn vốn không có trong Mật Tông Phật Giáo.
Đối với truyền thống của Đạo Phật Nguyên Thủy, ngay sự tái lập Ni Đoàn sau khi tan rã ( vào thế kỉ thứ 10 tại Sri Lanka) là điều không thể. Thì trái lại Đạo Phật phát triển vốn sẵn có Ni Đoàn, lại đang tiếp tục có phong trào (Ni giới Đài Loan) vận động để bác bỏ luôn Bát Kính Pháp! Có rất nhiều người đồng ý vì tin rằng Bát Kính Pháp đã ra đời và từng thay đổi trong suốt quá trình Đạo Phật phát triển. Cũng có nhiều người không đồng ý với phong trào này vì cho rằng dù được nhà nước thế quyền chấp nhận nhưng thẩm quyền chấp nhận cao nhất vẫn thuộc về giáo quyền của giáo hội.
Sự có mặt của người tu nữ trong Giáo Đoàn tại sao lại làm cho Đức Phật đắn đo. Chắn hẳn một vị toàn giác biết được nhiều điều sâu ẩn hơn cái biết cạn cợt của chúng ta. Dưới áp lực của phong trào bình đẳng nam nữ trong hiện tại, làm thế nào để chứng minh quan điểm của Đức Phật là đúng đắn là một điều cần thiết. Vần đề thật gai góc! Cuối cùng, và dĩ nhiên từng người tu nữ có thể tự quyết định chọn lựa cho mình hoặc đứng trong truyền thống Theravada hoặc tự ly khai thành lập đoàn thể mới như Ni Đoàn một số nước đã làm.
Dưới đây là những tài liệu về sự thành lập Ni Đoàn, Bát Kỉnh Pháp, dự đoán của Đức Phật và các tranh luận gay gắt trong thời hiện tại.
Một thời gian sau; lịnh bà Gotamì vào hầu Phật và bạch hỏi rằng: Bạch đức Ðại Giác, người phụ nữ có thể xuất gia theo Phật giáo được chăng?
Ðức Thế Tôn không đáp mà Ngài dạy rằng:
– Di mẫu Gotamì , Bà không nên mộng ước xuất gia, người phụ nữ không nên xuất gia theo Phật giáo.
Bà Gotamì yêu cầu đức Thế Tôn cho bà xuất gia như thế đôi ba lượt. Ðức Thế Tôn cũng từ chối không chấp thuận. Lịnh bà lấy làm buồn khổ, than khóc rồi ra về.
Ðức Thế Tôn ngự tại thành Ca Tỳ La Vệ một thời gian vừa phải Ngài lại ra về thành Vesàlì , Ngài ngụ tại Kutagàra .
Vì lòng hâm mộ Phật pháp, nhứt là bà thấy rõ quả báo của sự giải thoát nên bà rất yêu chuộng sự xuất gia, bà cùng với năm trăm bà hoàng có chí hướng xuất gia đồng thí phát đắp y mang bát đi chân không từ thành Ca Tỳ La Vệ đến thành Vesalì là nơi đức Thế Tôn đang ngự thuyết pháp độ chúng sanh. Do quí bà là hàng vua chúa không bao giờ đi bộ, phương chi hôm nay quí bà đi bộ mà lại đi chân không và đi một khoảng đường rất xa nên chân của các bà đều phòng và nứt ra, thân người bám đầy bụi đường, trông thật là thảm khổ. Quí bà vào hầu Phật mắt đẫm lệ.
Trước khi quí bà hầu Phật thì gặp Ðại Ðức Ananda. Bà Gotamì bảo rằng: Sở dĩ mà bà thí phát, đắp y cà sa trước Phật cho phép, vì bà muốn xuất gia và cũng đã ba phen thỉnh cầu đức Thế Tôn nhưng Ngài không cho phép.
Ðại Ðức Ananda nói: Xin lịnh bà đình chỉ lại nơi đây. Tôi sẽ vào hầu Phật và xin cho quí bà xuất gia cho bằng được. Ðức Ananda liền vào hầu Phật. (từ đoạn sau đây tôi viết theo Tạng Luật, bộ Culavagga).
Sau khi đảnh lễ Phật xong, ngài Ananda bạch Phật: Bạch đức Thế Tôn, bà Gotamì , hai chân phồng sưng lên, thân hình bà thật là tiều tụy; mình bám đầy bụi đường, bà rất khổ tâm, nay bà đang đứng khóc bên ngoài vì bà chắc chắn rằng: Ðức Thế Tôn không ưng thuận cho phụ nữ xuất gia theo pháp luật của Phật. Vậy nên đệ tử xin đức Thế Tôn mở lượng từ bi cho phép hàng phụ nữ xuất gia theo pháp luật của đức Thế Tôn đã giáo truyền.
– Ananda ơi, ngươi đừng yêu cầu cho hàng phụ nữ xuất gia theo pháp luật của Như Lai đã giáo truyền.
Ðại đức Ananda yêu cầu như thế đôi ba lượt, nhưng đức Thế Tôn vẫn đáp như trước.
Ðại Ðức Ananda mới nghĩ: Tại sao đức Thế Tôn không bằng lòng cho phép hàng phụ nữ xuất gia theo pháp của Ngài đã truyền, mặc dầu vậy, nhưng ta cũng phải cương quyết yêu cầu xin cho kỳ được. Ngài mới bạch hỏi đức Thế Tôn rằng: Bạch đức Thế Tôn, khi hàng phụ nữ xuất gia theo giáo pháp của Ngài, những phụ nữ ấy có thể đắc từ quả Tu đa huờn đến A-la-hán hay không?
– Ananda nầy, nếu hàng phụ nữ xuất gia theo giáo pháp của Như Lai đã giáo truyền thì cũng có thể đắc đạo quả từ Tu-đà-huờn trở lên A-la-hán.
– Bạch đức Thế Tôn nếu hàng phụ nữ mà xuất gia theo giáo pháp của đức Thế Tôn đã giáo truyền có thể đắc từ quả Tu-đà-huờn đến A-la-hán, vậy xin đức Thế Tôn mở lòng từ bi cho hàng phụ nữ xuất gia theo pháp luật của Ngài đã giáo truyền. Hơn nữa lịnh bà Gotamì là người có ơn rất lớn đối với Ngài, bà lại là di mẫu của Ngài, là người đã ra công nuôi dưỡng Ngài, cho Ngài bú từ giọt sữa, đút từ vắt cơm sau khi Phật mẫu thăng hà.
Theo chú giải của bộ Luật nầy có giải và nêu câu hỏi rằng: Tại sao đức Thế Tôn lại không cho phép hàng phụ nữ xuất gia? Có phải chăng đức Thế Tôn là đấng có lòng từ bi vô lượng vô biên?
Ðáp: Phải; đúng vậy. Nhưng đức Thế Tôn định phải có sự yêu cầu khó khăn nhiều lượt như thế, để hàng phụ nữ nhận thức rằng: Sự xuất gia được của chúng ta đây thật là khó. Nhờ vậy nên hàng phụ nữ mới cố gắng thu thúc giới luật hoàn toàn trong sạch.
Ðức Thế Tôn liền dạy Ðại Ðức Ananda rằng: Ananda nầy, nếu lịnh bà Gotamì bằng lòng thọ TÁM TRỌNG PHÁP. Và vâng giữ Tám Trọng Pháp ấy là sự xuất gia của bà.
TÁM TRỌNG PHÁP ấy là:
1) Mặc dầu bà Tỳ khưu ni xuất gia đã được trăm hạ chăng nữa, cũng phải kính trọng và đảnh lễ thầy Tỳ khưu mới xuất gia trong ngày ấy (Ðức Thế Tôn ra điều học nầy để răn các bà bớt lòng ngã mạn khinh người).
2) Bà Tỳ khưu ni không thể nhập hạ nơi nào mà không có thầy Tỳ khưu (Ðức Phật ra điều học nầy để chư Tỳ khưu Tăng kiểm soát quí bà Tỳ khưu ni).
3) Bà Tỳ khưu ni phải luôn luôn thực hành theo hai điều là: Phải hành lễ Phát lồ. Sau hành lễ xong phải đến nơi chư Tỳ khưu cư ngụ để nghe lời giáo huấn của quí Ngài. (Ðức Thế Tôn ra điều học nầy để quí bà thường trực gần chư Tăng hầu nghe lời giảng dạy của chư Tăng mỗi tháng hai lần).
4) Mặc dầu quí bà đã làm lễ nhập hạ xong, đến ngày ra hạ cũng phải hành lễ ra hạ, và rồi, cũng phải đến nơi cư ngụ của chư Tỳ khưu Tăng hành lễ ra hạ một lần nữa. (Ðức Thế Tôn ra điều học nầy để quí bà tự tỏ ra quí bà rất hòa nhau).
5) Nếu bà Tỳ khưu ni đã phạm Tăng tàn và làm lễ phạt cấm phòng mỗi ngày và đã xưng tội bên Tỳ khưu ni xong cũng phải đến xưng tội với chư Tỳ khưu Tăng.
6) Nếu có giới tử muốn xuất gia Tỳ khưu ni, quí bà đã cho xuất gia xong rồi, nhưng phải đưa đến cho xuất gia lại nơi chỗ có kiết giới của chư Tỳ khưu Tăng.
7) Bà Tỳ khưu ni không quyền thóa mạ chư Tỳ khưu.
8) Vị Tỳ khưu luôn luôn có quyền giáo huấn chư Tỳ khưu ni, chư Tỳ khưu ni không bao giờ có quyền giáo huấn vị Tỳ khưu. Vị Tỳ khưu ni không quyền dễ duôi đối với vị Tỳ khưu, và phải hết lòng cung kính.
– Ananda nầy, nếu bà Gotamì ưng thuận thọ trì Tám Trọng Pháp mà Như Lai đã dạy trên thì Như Lai chấp thuận cho bà xuất gia bằng cách thọ Tám Trọng Pháp.
Ðại đức Ananda học thuộc lòng tám điều ấy xong liền đến nơi của bà Gotamì và bảo bà: Nếu lịnh bà bằng lòng thọ Tám Trọng Pháp đó là phương pháp xuất gia của lịnh bà. Ðại Ðức Ananda liền đọc lại tám điều mà đức Thế Tôn đã khẩu truyền.
Khi bà Gotamì nghe xong Tám Trọng Pháp liền nói rằng: Bạch Ðại Ðức lẽ thường thanh niên thanh nữ đều ưa thích tắm rửa trang điểm, đầu giắt hoa sen hay hoa ma lị v.v… Cũng ví như tôi ưa thích Tám Trọng Pháp vâng giữ, hành theo trọn đời.
Ðại Ðức Ananda trở lại hầu Phật đảnh lễ xong bạch rằng: Bạch đức Thế Tôn Di mẫu Ngài là bà Gotamì rất hài lòng thọ lấy Tám Trọng pháp để xuất gia.
Ðức Phật dạy: Ananda ơi, nếu không có phụ nữ xuất gia trong giáo pháp của Như Lai đã giáo truyền thì phạm hạnh còn tồn tại trong thế gian nầy lâu dài hơn, chánh pháp còn tồn tại đến một ngàn năm. Nhưng khi có phụ nữ xuất gia trong giáo pháp của Như Lai đã giáo truyền thì phạm hạnh sẽ không còn tồn tại lâu dài. Chánh pháp chỉ tồn tại được năm trăm năm. Ananda nầy, trong gia đình nào có nhiều phụ nữ không có người nam, gia đình ấy sẽ bị kẻ trộm đánh cắp nồi cơm rất dễ, điều nầy cũng như phụ nữ xuất gia trong giáo pháp nào thì phạm hạnh trong giáo pháp ấy càng không thể tồn tại được lâu dài, cũng như loại cào cào châu chấu đã đáp xuống ruộng lúa nào thì ruộng lúa ấy không thể tồn tại lâu được, hoặc cũng như loại đuông đã sanh trong rẫy mía nào thì rẫy mía ấy cũng chẳng tồn tại lâu được, những điều nầy cũng ví như khi phụ nữ xuất gia theo pháp luật nào giáo lý nào, thì phạm hạnh của pháp luật ấy hay giáo lý của phạm hạnh ấy, không tồn tại được lâu dài. Do đó người thường đắp đê để ngăn không cho nước tràn ra khỏi ao hồ được. Cũng như Như Lai ra Tám Trọng Pháp cấm đoán Tỳ khưu ni không cho các vị Tỳ khưu ni dễ duôi trọn đời.
Ðây là lời Chú giải của bộ Luật CULLAVAGGA .
Lời Phật dạy: Pháp Luật có nghĩa là Giáo lý hay Giáo pháp, hay Tôn giáo.
Phật ngôn: Ví như người đắp đê to ngăn cản không cho nước tràn ra khỏi ao hồ. Câu nầy có nghĩa là: Nếu người muốn giữ nước trong ao hồ không cho tràn ra thì phải đấp đê ngăn nước, nước ấy sẽ tồn tại được. Ðiều nầy cũng ví như đức Thế Tôn đã ra Tám Trọng Pháp trước khi sanh ra những điều chẳng lành, Ngài không để các bà Tỳ khưu ni vi phạm. Tám Trọng Pháp nầy cũng ví như là đê để ngăn nước kia vậy. Khi Ngài ra Tám Trọng Pháp ngăn ngừa mà để cho hàng phụ nữ xuất gia thì chánh pháp chỉ tồn tại được năm trăm năm thôi. Một khi đã có Tám Trọng Pháp ngăn ngừa trước thì chánh pháp sẽ còn tồn tại đến một ngàn năm, có nghĩa là nhờ có Tám Trọng Pháp ấy nên thêm được năm trăm năm. Cộng là một ngàn năm.
Câu Phật dạy: Ngàn năm có nghĩa là kể từ ngày đức Thế Tôn Niết bàn đến một ngàn năm sau còn có vị Thánh nhơn đắc đến bực A-LA-HÁN QUẢ. Kế đến là ngàn năm thứ nhì chỉ có chư Thánh nhơn đắc đến quả A NA HÀM. Kế đến ngàn năm thứ ba chỉ có chư Thánh nhơn đắc đến quả TU ÐÀ HÀM. Kế đến ngàn năm thứ tư chỉ có chư Thánh nhơn đắc quả TƯ-ÐÀ-HƯỜN mà thôi… Ngàn năm thứ năm chỉ còn các vị Tỳ khưu thọ giới Ba La Ðề Mộc Xa. Tức là thọ Cụ Túc giới.
Ðây là đoạn Chú giải bộ DIGHANIKAYA ( Trường Bộ).
Trong bộ chú giải của Tạng kinh Trường A Hàm có giải khác hơn là:
Ngàn năm đầu còn có bực đắc A-la-hán PATISAMBHIDA , Tàu dịch là TUỆ PHÂN TÍCH.
Ngàn năm thứ nhì còn có vị A-la-hán đắc được CHALA BHINNO , Tàu dịch là LỤC THÔNG.
Ngàn năm thứ ba còn có vị A-la-hán đắc TÊVIJJO , Tàu dịch là TAM MINH.
Ngàn năm thứ tư còn có vị A-la-hán gọi là SUKKHAVIPASSAKA , Tàu dịch là SẮC BIÊN LẠC. (quán xét các bậc thiền Sắc và Vô Sắc).
Ngàn năm thứ năm còn giới Ba La Ðề Mộc Xa tức là Cụ Túc giới.
Riêng về chú giải của Tạng kinh bộ ANGUTTARANIKAYA lại giải khác hơn chút là:
Chư đệ tử có thể đắc được Tuệ phân tích ở ngàn năm thứ nhứt sau khi Phật Niết bàn.
Ðến ngàn năm thứ nhì chư đệ tử chỉ đắc được Lục thông.
Ðến ngàn năm thứ ba chư đệ tử chỉ đắc được Tam minh.
Ðến ngàn năm thứ tư chư đệ tử chỉ đắc được SẮC BIÊN LẠC thôi, (tức là thiền Hữu sắc và Vô Sắc).
Sau đó chỉ còn có chư Thánh nhơn đắc được ba quả dưới là A na hàm, Tư đà hàm và Tu-đà-hườn. Kể ra là đủ năm ngàn năm tuổi của Phật giáo.
Theo bộ chú giải nầy chỉ cho ta thấy trong vòng năm ngàn năm còn có Thánh nhơn. (Lời của soạn giả).
Theo đây tôi (soạn giả) cũng xin nói rõ thêm là: Khi lịnh bà Gotamì xuất gia theo Phật pháp, tất cả những điều học là hai trăm hai mươi bảy điều răn cấm của chư Tăng chưa có, vì lúc ấy Phật giáo mới truyền bá, hầu hết chư Tăng đều là bực Thánh nhơn; nếu vị nào chưa đắc Thánh quả cũng đều là hạng có giới đức thật trong sạch như bực Thánh nhơn, vì các vị ấy có duyên lành rất dầy nên không vị nào phạm một lỗi lầm mặc dầu thật nhỏ. Ðến hạ thứ sáu trở đi mới bắt đầu có điều răn cấm những điều răn cấm gọi là Ðiều học hay cũng gọi là Luật.
Sau khi Ðại Ðức Ananda bạch Phật là bà Gotamì bằng lòng nhận Tám Trọng Pháp để hành theo trọn đời, Ðức Thế Tôn cho bà Gotamì xuất gia với năm trăm bà hoàng bằng cách thọ Tám Trọng Pháp. Kể từ ngày ấy có Tỳ khưu ni và có đủ hàng Tứ chúng.
– Trích: Lịch Sử Ðức Phật Tổ Cồ Ðàm – Maha Thongkham Medhivongs
Theo nguồn: Ni giới ngày nay – Thiền Viện Nguyên Thủy (buddhanet.net)