Lược Ý Đốt Đèn Cúng Phật Trong Nghi Thức Nhiên Đăng Phật Giáo Bắc Truyền
Thích Tâm Mãn – 釋 心 滿
Đạo Phật với tinh thần nhập thế và tuỳ duyên hoá độ, theo căn cơ cũng như nhu cầu của chúng sanh mà mở bày ra các phương tiện hoằng pháp độ sanh. Pháp hội nghi thức, cúng kiến đàn nghi trong Phật Giáo Bắc Truyền là một trong những hoạt động tín ngưỡng quan trọng không thể thiếu trong sự nghiệp hoằng hoá đạo mầu và sinh hoạt thiền lâm của Phật Giáo ở Đông Độ, trong không ít những nghi thức của pháp hội Phật Giáo Bắc Truyền có khởi nguồn từ những câu chuyện khi Phật còn tại thế. Nghi thức đốt đèn cúng Phật là một trong những nghi thức có nguồn gốc như vậy.
Truyền thống đốt đèn cúng Phật có trong Phật Giáo được bắt nguồn từ câu chuyện “Bần nữ cúng đèn”, chuyện kể rằng: “Một thời Đức Phật ở nước La Duyệt Kỳ tại núi Kỳ Xà Quật, lúc bấy giờ vua A Xà Thế thỉnh Đức Phật dự lễ trai Tăng trong hoàng cung. Sau khi thọ trai, Đức Phật trở về Tinh Xá Kỳ Hoàn, Vua bèn hỏi Kỳ Bà rằng: “Ta thỉnh Phật thọ trai xong, nay không biết nên làm gì?”. Kỳ Bà nói: “Ngài nên đem rất nhiều đèn để cúng dường Phật”. Vua liền sai chở mọt trăm thùng dầu về Tinh xá Kỳ Hoàn.
Có một bà già nhà rất nghèo, có tâm chí thành muốn cúng dường Đức Phật mà không có tiền. Bà thấy vua A Xà Thế làm công đức như vậy, rất lấy làm cảm kích. Bà đi xin được hai tiền, liền đến nhà hàng mua dầu. Chủ hàng hỏi: “Bà rất nghèo túng, xin được hai tiền, sao không mua đồ ăn mà lại mua dầu?”. Bà già đáp rằng: “Tôi nghe ra đời gặp Đức Phật rất khó, vạn kiếp mới được một lần. Tôi nay may mắn được sinh đời Phật, mà chưa có dịp cúng dường. Ngày nay tôi thấy vua làm việc đại công đức, tôi tuy cùng khổ, cũng muốn cúng dường ngọn đèn để làm căn bản cho đời sau”.
Lúc bấy giờ người chủ quán cảm phục chí nguyện của bà già, liền đong cho thêm ba tiền thành được năm tiền dầu. Bà đến trước Đức Phật thắp đèn lên, tự nghĩ dầu thắp không quá nửa đêm, bà phát nguyện rằng: Con không có gì cúng dâng Phật, ngoại trừ cây đèn nhỏ này. Nhưng do sự cúng dường này, mong cho con đời sau có trí tuệ. Mong cho con giải thoát tất cả hữu tình ra khỏi bóng tối ngu si. Mong cho con tịnh hóa tất cả những cấu uế chướng ngại của họ, và đưa họ đến giải thoát.
Đêm ấy tất cả các ngọn đèn của vua cúng dường, có ngọn tắt, có ngọn đỏ, tuy có người săn sóc nhưng không được chu toàn. Riêng ngọn đèn của bà lão thì chiếu sáng hơn các ngọn đèn khác, suốt đêm không tắt, dầu lại không hao.
Đến lúc bình minh, ngọn đèn của bà lão vẫn tiếp tục cháy, khi tôn giả Mục Kiền Liên đi thâu lại những cây đèn. Khi trông thấy ngọn đèn còn cháy sáng, đầy dầu và bấc mới, Ngài nghĩ: “Không lý gì để cho cây đèn này vẫn cháy vào ban ngày,” và Ngài cố thổi tắt, nhưng cây đèn vẫn cháy. Ngài lấy tay bóp, lấy y chụp lên cho nó tắt, mà nó vẫn tiếp tục cháy sáng.
Đức Phật vẫn nhìn ngài từ lúc đầu, và bảo: Mục Kiền Liên, có phải ông muốn dập tắt ngọn đèn ấy không? Ông không làm được đâu. Ông không di chuyển được nó, chứ đừng nói là dập cho nó tắt. Nếu ông đem được bốn biển mà tưới lên cây đèn này, nó vẫn không tắt được, tại sao? Vì cây đèn này đã được đốt lên để dâng cúng với tất cả niềm sùng kính, và với tâm trí thanh tịnh. Chính động cơ ấy đã làm cho nó có công đức vô cùng.
Khi Đức Phật nói lời này, thì bà lão ăn xin đi đến Ngài, và Ngài nói lời thọ ký cho bà trong tương lai sẽ thành Phật. Vua A Xà Thế nghe nói, liền hỏi Kỳ Bà rằng: “Ta làm công đức rộng lớn như vậy mà Đức Phật không thọ ký cho ta thành Phật, còn bà già kia chỉ thắp một ngọn đèn mà được thọ ký là cớ làm sao?”. Kỳ Bà đáp rằng: “Ngài cúng đèn tuy nhiều mà tâm không chuyên nhất, không bằng được tâm thuận thành, tôn kính tuyệt đối của bà lão kia đối với Đức Phật”.
Từ câu chuyện này trong nghi thức tín ngưỡng, tín chúng Phật Giáo bắt đầu có nghi thức thắp đèn cúng Phật, trước là để tỏ lòng cúng kính đối với Phật và Thánh chúng, sau là cầu nguyện trí tuệ của mình ngày thêm sáng suốt, thứ nữa là để cầu mong bao nhiêu công đức của việc dâng đèn cúng Phật này, hồi hướng đến cho bản thân và gia đình mình cũng như pháp giới chúng sinh đều được chư Phật Bồ Tát gia hộ vạn sự kiết tường như ý.
Đại Thừa Thánh Giáo hưng khởi, Phật Giáo Bắc Truyền đến Đông Độ thì nghi thức đốt đèn cúng Phật ngày một phát triển, từ thành thị cho đến thôn quê, từ hoàng cung cho đến lê thứ đâu đâu cũng tổ chức nghi thức đốt đèn cúng phật trong các Pháp hội Dược Sư cầu quốc thái dân an cho đến pháp hội Vu Lan cầu nguyện cho pháp giới tứ sanh vãng sanh Tịnh Độ.
Dâng đèn cúng Phật từ những ý nghĩa ban đầu đến khi Bắc truyền được Đại Thừa Kinh Giáo bắt đầu tuyên dương cũng như diễn giải thâm ý và tán thán công đức của nghi thức thắp đèn cúng Phật, làm cho nghi thức này trở thành một trong những nghi tiết quan trọng vào bậc nhất, không thể thiếu trong các pháp hội quan trọng của Phật Giáo Bắc Truyền.
Trong quan niệm truyền thống của Phật Giáo Bắc Truyền, Đăng là tượng trưng cho trí tuệ, với ý nghĩa là chân lý của Đức Phật như ngọn minh đăng chiếu sáng và dẫn dắt chúng sanh thoát khỏi u minh phiền não đi đến an lạc Niết Bàn, giải thoát, vì vậy nên Đức Phật thường dạy: “này các con hãy tự mình thắp đuốt lên mà đi” cho nên nghi thức đốt đèn cúng Phật là hàm ý nương vào trí tuệ của Phật để rọi chiếu vô minh ám chướng của chính mình, diệt trừ phiền não chiếu phá ngã chấp giải thoát an lạc.
Theo tinh thần của Đại Thừa Phương Quảng cho rằng đốt đèn cúng Phật diệu ý cũng không khác gì như ánh sáng trí tuệ của chư vị Bồ Tát Ma Ha Ha Tát chiếu rọi phá vỡ vô minh tăm tối của chúng sanh. Kinh Hoa Nghiêm quyển 78 có đoạn chép: “này người thiện nam! ví như dùng một ngọn đèn, soi vào ngôi nhà tối cả trăm ngàn năm, thì bóng tối ấy lập tức đều bị xua tan hết. Ngọn đèn tâm bồ đề của các bậc Đại Bồ Tát ma ha tát cũng như vậy; soi vào tâm u tối trãi qua bá thiên vạn ức kiếp không thể tính hết của chúng sanh, tạo các nghiệp phiền não, vô số ám chướng, đều có thể diệt trừ sạch hết…”.
Thắp đèn cúng Phật được công đức rất to lớn. Trong rất nhiều kinh điển Đại Thừa đều dạy rằng việc thắp đèn cúng Phật, ở bảo tháp, trong chùa, trước tượng Phật hoặc thắp cúng dường trước các bộ kinh điển của Phật, tất cả đều được vô lượng công đức. Như trong Kinh Phật Vi Thủ Ca Trưởng Giả Thuyết Nghiệp Báo Sai Biệt Công Đức có thuyết về công đức của việc thắp đèn cúng Phật: Nếu có người phát tâm phụng hiến thắp đèn cúng dường Phật thì được 10 điều công đức:
1. Được công đức cả cuộc đời quang minh xán lạn như ánh đèn.
2. Được sanh về nơi chổ tuỳ theo ý muốn của mình, không bao giờ bị đau các chứng bịnh về mắt.
3. Nếu như phát tâm tu hành thì sẽ chứng được phép thiên nhãn thông.
4. Được trí tuệ có thể đối với các pháp thiện hay ác đều có thể phân biệt được.
5. Diệt trừ được hết thảy tối tăm mê muội.
6. Đắc chứng được pháp trí tuệ quang minh
7. Khi luân chuyển trên thế gian không ba giờ xa lìa vào ác đạo tối tăm.
8. Được đầy đủ phước báo to lớn.
9. Khi lâm chung được sanh lên cõi trời.
10. Nếu phát tâm tu hành thì sẽ sớm chứng được quả vị Niết bàn.”
Trong Kinh Phật Thuyết Thí Đăng Công Đức có chép về những điều vui hỷ lạc trong đời hiện thế mà tất cả ai ai nếu như phát tâm đốt đèn cúng Phật thì đều được thọ hưỡng những niềm vui như vậy, trong Kinh có đoạn chép: “Nếu có chúng sanh nào, nơi chùa hay tháp của Phật đốt đèn cúng dường, thì đắc được bốn pháp hỷ lạc, gồm có những pháp lạc?
1. Đắc được hỷ lạc thân thể trang nghiêm đẹp đẽ.
2. Được hỷ lạc tiền tài của báu sung mãn.
3. Được hỷ lạc luôn luôn gặp được vận may.
4. Được hỷ lạc thông minh trí huệ…”.
Theo quan niệm của Phật Giáo Đại Thừa, nghi thức đốt đèn cúng Phật còn là một trong sáu thứ cúng dường trong nghi thức Lục Cúng Hoa Đăng của Phật Giáo Bắc Truyền, nghi thức này còn được Phật Giáo Việt Nam diễn tấu thành vũ khúc Lục cúng hoa đăng rất là nổi tiếng và trỡ thành một trong những vũ điệu quan trọng trong nghệ thuật ca múa truyền thống Phật Giáo và dân tộc Việt Nam.
Đốt đèn cúng Phật là một trong “Lục chủng cúng dường” sáu món cúng dường của Phật Giáo gồm có:
1. Hiến Hương là đốt nhang xông hương cúng dường Phật.
2. Hiến Hoa là dâng hoa cúng dường Phật.
3. Hiến Đăng là đốt đèn cúng dường Phật.
4. Hiến Đồ là dâng nước hoặc thức ăn cúng dường Phật.
5. Hiến Quả là dâng trái cây cúng dường Phật.
6. Hiến Nhạc là niệm tụng, tán bạch, tấu nhạc cúng dường Phật trong các nghi lễ Pháp hội đàn tràng.
Sáu món cúng dường này theo quan niệm của Phật Giáo Bắc Truyền là sáu món tượng trưng cho hạnh tu Lục Độ Ba La Mật của chư vị Bồ Tát gồm: 1. Bố Thí; 2.Trì Giới; 3. Tinh Tấn; 4. Nhẫn Nhục; 5. Thiền Định; 6. Trí Tuệ. “Đồ” tượng trưng cho Bố Thí, “Hương” tượng trưng cho Trì Giới, “Nhạc” tượng trưng cho Tinh Tấn, “Hoa” tượng trưng cho nhẫn nhục, “Đăng” tượng trưng cho Trí Tuệ, “Quả” tượng trung cho Thiền Định. Người Phật tử khi thực hành các sự cúng dường này thì cũng chẳng khác nào chư vị Bồ Tát đang tu hành pháp Lục Độ.
Công năng diệu dụng cũng như nghi thức phương pháp của việc đốt đèn cúng Phật được Đức Phật dạy rất rõ ràng Trong Kinh Dược Sư Bổn Nguyện Công Đức, trong Kinh có đoạn chép: “Bấy giờ, Ngài A Nan hỏi Ngài Cứu Thoát Bồ Tát rằng: Cung kính Ðức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai như thế nào? và đèn phan tục mạng thế nào? Cứu Thoát Bồ Tát đáp rằng: Ðại Ðức, nếu người nào có bệnh, muốn cứu thoát khỏi bệnh khổ của họ, nên vì họ trong bảy ngày đêm, thọ trì Bát Quan Trai Giới, đồ ăn thức uống, các vật thường dùng, tuỳ sức lực mà làm, để cúng dường các vị Sư Tăng, ngày đêm sáu thời, hành đạo lễ bái cúng dường Ðức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai.
Đọc tụng Kinh nầy, bốn mươi chín lần, tạo bảy hình tượng Ðức Phật Dược Sư, bày thành bảy bàn, trước mỗi tượng, thắp bảy ngọn đèn, mỗi ngọn đèn lớn như vòng bánh xe, thắp sáng luôn bốn mươi chín ngày không tắt. Tạo tràng phan năm màu, dài bốn mươi chín gang tay, và phóng sinh các loài súc sinh trong bốn mươi chín ngày, thì sẽ qua khỏi các nạn nguy ách, không bị các hoạnh hoạ và ác quỷ bắt giữ…”.
Cách mà người xưa ở Đông Độ đốt đèn thường là dùng một cái chén trãn nhỏ đựng dầu, sau đó để tim đèn vào đốt thành đèn, loại đèn này rất phổ biến, sau có các chất liệu như vàng, bạc, đồng đỏ, sứ, gốm đều được dùng để chế tác trãn đựng dầu đèn, càng về sau sự phát triển của hình dáng thể loại của đèn dầu rất là phong phú, như hình chén, hình dĩa, hình bình, chậu và có loại như hình cái muỗng, hình dĩa được đặt trên giá có hình trụ.v.v…
Dầu dùng để đốt đèn được chế tác từ mỡ của động vật hoặc là dầu được lấy từ trong các hạt cũng như trong các thân cây và trong các chất khoáng sản..v.v… sau đó ở Đông độ làm ra loại đèn cầy cây được chế từ sáp ong chủng loại ngày một phong phú, đáp ứng nhu cầu thắp đèn cúng Phật ngày càng phát trong các nghi thức Phật Giáo Bắc Truyền.
Theo quan niệm của Phật Giáo Bắc truyền, nghi thức thắp đèn cúng Phật trong tự viện có rất nhiều ý nghĩa, thắp đèn làm trang nghiêm cho đạo tràng, thắp đèn khiến cho tín chúng phát khởi tâm cung kính, thắp đèn tượng trưng cho ánh sáng trí tuệ của Phật chiếu diệu hết thảy chúng sanh, thắp đèn để diệt trừ hết thảy các ám chướng của phiền não, xua đi hết thảy các vận hạn không may, dẫn dắt những điều cát tường đến cho tín chủ, vì vậy trong truyền thống nghi thức của Phật Giáo Bắc Truyền, đến mùa xuân lại đốt đèn quang minh trong pháp hội Dược Sư cầu quốc thái dân an, đến tháng bảy Vu Lan thắng hội lại thả hoa đăng cầu nguyện âm linh siêu thoát.
Đốt đèn cúng Phật trong nghi thức Phật Giáo Bắc Truyền còn một ý nghĩa giáo dục rất là sâu xa, như câu chuyện Bần Nữ cúng đèn ở trên đã nói. Nếu như ta đốt đèn cúng Phật bằng tâm thế tục, phô trương sự giàu có, mặc dù phát tâm cúng rất nhiều dầu, dùng các vật dụng sang trọng, mắc tiền để làm đèn để dâng cúng, nhưng có tránh được đâu nhân quả dầu cạn lữa tắt.
Cũng ví như của cải sang giàu, phước báu, đều nằm trong sự chi phối của luật nhân quả vô thường có đó rồi mất đó, khi hưởng hết rồi thì chẳng còn chi, hoặc khi nhắm mắt xuôi tay có đem theo được thứ gì.
Người nào khi phát tâm dâng đèn cúng Phật thì đừng sanh tâm đòi hỏi và mong cầu những điều lợi ích đến với mình, mà chỉ nên nhất tâm dâng cúng chư Phật, vì tất cả các công đức trong đốt đèn cúng Phật mà Đức Phật dạy trong Kinh Phật Thuyết Thí Đăng Công Đức và kinh Phật Vi Thủ Ca Trưởng Giả Thuyết Nghiệp Báo Sai Biệt Công Đức đã sẵn có, ta không mong cầu thì những công đức nêu trên cũng đã tròn đủ trong ta, chúng ta không cần phải khởi vọng niệm phiền não để kiếm tầm cúng dường với “Tâm không tức Phật” nếu phát tâm cúng dường như vậy, thì mới là chân cúng dường và như vậy thì ngọn đèn trí tuệ của chư Phật mới sáng mãi trong ta.
Đốt đèn cúng Phật trong nghi thức Nhiên Đăng cúng Phật có trong pháp hội Dược Sư hay trong nghi thức phóng liên đăng trong đại lễ Vu Lan Phật Giáo Bắc Truyền đều có chung một hàm ý là mong muốn trí tuệ của hết thảy chúng sanh nương treo ngọn đèn cúng Phật này để toả rạng, cầu nguyện Phật tâm và Phật tánh sáng suốt sẵn có trong mỗi con, thể hiện đức tánh từ bi bình đẳng không phân biệt. không bị các âm phiền não như phân biệt giai cấp, sang hèn, hơn thua, so đo của phàm phu làm lu mờ trí tuệ. Ý nghĩa cúng đèn với bản tâm thanh tịnh, tiếp nối ánh sáng trí tuệ của Phật Pháp để hiển bày được thể tánh chân như của Phật. Đốt đèn cúng Phật với phát tâm như vậy, đó được gọi là cúng dường ba la mật, cho nên tương ưng với Tâm và Pháp của Chư Phật và Chư Bồ tát.