Có Kiêng Có Nên
Thích Lệ Trang
Có rất nhiều điều kiêng cữ trong ba ngày tết của dân tộc Việt Nam cũng như của các nước Châu Á khác. Nguồn gốc và ý nghĩa của những tập tục kiêng cữ ấy là gì? Xin mời các bạn hãy cùng với chúng tôi điểm qua vài điều kiêng cữ ấy.
Ngày 23 tháng chạp hàng năm, dân tộc Việt Nam thường cung tống (đưa) ông Táo về trời để tấu trình với thiên đình những việc họa phúc mà gia chủ đã làm trong năm qua. Vậy Táo Quân là ai? Tại sao phải cung tống Táo Quân về trời? Bộ đồ lễ để cúng Táo Quân bao gồm những vật gì? Táo Quân hay còn gọi là Định Phúc (Phước) Táo Quân, là 1 vị thần định đoạt mọi họa phước trong gia đình. Táo Quân bao gồm 2 ông 1 bà, là hình ảnh nhân hóa của kiềng ba chân hay của các loại bếp lò của người Việt Nam.
Từ xa xưa, nhờ có ngọn lửa mà con người được sưởi ấm chống chọi được với khí hậu giá rét, tránh được các loài thú dữ, nấu chín được thức ăn nước uống, có ánh sáng để sinh hoạt. Hơi ấm của lửa trong những cái bếp đã đồng hành với con người từ thời nguyên thủy, khẩn hoang mở đất đến tận hôm nay. Từ những vai trò thiết yếu của lửa đối với đời sống mà con người ngày xưa ngày càng tôn sùng trân trọng thậm chí còn tôn thờ lửa như một vị thần hạnh phúc.
Từ đó mà tục thờ Táo Quân (ông Táo) mới dần xuất hiện và duy trì cho đến ngày nay và mai sau. Bộ đồ lễ để cúng Táo Quân bao gồm: áo quần, mũ mão, hia. Tùy theo vùng miền mà họ mua thêm cá chép hay ngựa giấy để ông Táo cưỡi về trời. Màu sắc áo mão của ông Táo được chia theo màu ngũ hành. Tùy theo năm ấy là hành gì mà chúng ta lựa chọn màu sắc tương ứng:
Hành kim màu trắng
Hành mộc màu xanh
Hành thủy màu đen hoặc tím
Hành hỏa màu đỏ
Hành thổ màu vàng
Cúng ông Táo vào 23 tháng chạp người ta hy vọng ông Táo sẽ phù hộ cho gia chủ đầm ấm yên vui bình an trong năm mới và nhất là bếp lò luôn rực lửa để không phải chịu cảnh đói khát thiếu hụt trong năm.
Cũng vào khoảng 23 tháng chạp sau khi cung tống ông Táo về trời là thời điểm mà mọi người bắt đầu được nghỉ tết . Với tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, tất cả thành viên trong gia định lại tụ hội về sửa sang, quét tước, bao sái, làm vệ sinh mồ mả ông bà tổ tiên với ước mong rước ông bà về cùng ăn tết với cháu con. Chính vì vậy mà người ta thường gọi là Lễ Chạp Mộ.
Ở nông thôn người ta có tục kiêng để cối xay gạo trống vì sợ bị đói cả năm. Nước để sinh hoạt phải gánh từ sông hay từ giếng về. Do phải bận rộn tiếp đãi khách khứa bạn bè cũng như còn nhiều công việc phải lo toan nên người ta thường gánh nước đổ đầy các chum vại cho đỡ vất vả phải gánh nước trong 3 ngày tết. Hơn nữa việc đổ đầy nước còn có ý nghĩa hy vọng tiền bạc của cải sẽ vào như nước giúp cuộc sống no đủ.
Đúng 30 Tết, mọi người lại quây quần bên bàn thờ tổ tiên để thắp một nén nhang mời ông bà về hưởng tết. Trẻ nhỏ thì quây quần bên ông bà để nghe ông bà kể về những câu chuyện cổ tích bánh chưng bánh dầy, trầu cau, dưa hấu… những nét văn hóa của người Việt Nam. Người lớn thì ngồi bên ấm trà nóng hàn huyên tâm sự chia sẽ về những công việc mà mình đã làm trong năm cũ, những dự định ước mơ trong năm mới.
Sau khi cúng giao thừa xong, mọi người trong gia đình lại kéo nhau đến đình chùa để hái lộc hy vọng là hưởng lộc của Phật trời ban phát đem sự an lành vào nhà.
Sáng mùng 1 Tết là ngày “Chánh Đán”, mọi người tụ họp ở nhà thờ tộc để lễ Tổ tiên, chúc tết ông bà cha mẹ họ hàng và mừng tuổi lẫn nhau. Theo tục lệ, mỗi 1 năm mới đến, mỗi người lại có thêm tuổi mới. Những bậc cao niên trong gia tộc được những người trẻ đi mừng tuổi với hy vọng sống lâu khỏe mạnh cùng con cháu vui xuân. Những đứa trẻ con thì háo hức khi được người lớn mừng tuổi bằng những phong bao đỏ thắm. Miền Nam quen gọi là lì xì là đọc trại từ chữ lợi thị “Cung hỷ phát tài, lợi thị đậu lai”.
Đây là 1 ít tiền lẻ lợi lộc, tiền mở hàng mà người lớn dành cho trẻ nhỏ kèm lời chúc chăm ngoan học giỏi, biết nghe lời gia đình, hay ăn chóng lớn… Trong 3 ngày tết, trẻ con càng phải giữ gìn ý nghĩ, lời nói, hành động để tránh bị quở mắng (giông) còn người lớn phải thể hiện sự khoan dung không cáu kình la lối trẻ nhỏ để tránh bị buồn bực giận hờn trong cả năm. Kiêng không được nói tục hay nói chuyện chết chóc trong ngày đầu năm, không mặc áo trái, áo trắng ra đường vì màu trắng là màu của tang tóc.
Nhà cửa rất mau bị dơ trong 3 ngày tết nhưng chúng ta phải kiêng quét nhà trong 3 ngày tết. Tục này do sự tích Thần Tài mà ra. Ngày xưa có một người lái buôn tên là Âu Minh, khi đi qua hồ Thanh Thảo được thuỷ thần cho một con hầu tên là Như Nguyệt (Như Ý, Như Nguyện). Âu Minh đem Như Nguyệt về nuôi, trong nhà làm ăn phát đạt, chỉ vài năm đã giàu to. Về sau nhân một hôm ngày Tết, vì sợ bị đánh và la mắng Như Nguyệt đã chui vào bãi rác. Vô tình rác bị quét ra khỏi nhà và quét luôn cả Như Nguyệt. Sau khi Như Nguyệt biến mất, gia cảnh Âu Minh chẳng mấy chốc chở nên sa sút và nghèo túng. Người ta cho rằng, Như Nguyệt là Thần tài. Từ đó, người ta kiêng quét nhà đổ rác trong 3 ngày tết phải chờ đến cúng động thổ mới trở lại sinh hoạt bình thường
Đối với nhiều người, công ăn việc làm sẽ thuận buồm xuôi gió hay bị trục trặc cả năm là do hướng và giờ xuất hành trong ngày đầu năm. Do đó, hướng và giờ xuất hành trong ngày đầu được tính toán rất cẩn thận. Dựa vào những cơn gió mà người xưa còn chiêm nghiệm được thời tiết khí hậu, tình hình xã hội của cả năm mới:
Gió Tây Nam: bị bệnh dịch
Gió Tây Bắc: nhà sắp có người đỗ đạc
Gió Đông: lụt lớn
Gió Tây: cướp bóc loạn lạc
Gió Bắc: được mùa
Gió Nam: hạn hán
Sự thành hay bại trong công việc không chỉ do hướng và giờ xuất hành mà còn do người đi xông đất đầu năm. Người được chọn để đi xông đất nhà người khác thường là những người có đạo đức, gia đình hạnh phúc, cháu con thuận hòa. Gia chủ tin rằng nếu chọn được những người như vậy vào nhà đầu năm thì nhà sẽ được yên vui, hạnh phúc cả năm. Những người có tang thì không nên đi xông đất nhà người khác vì sợ đem tang tóc nỗi buồn cho gia chủ trong năm mới.
Tết ở Việt Nam là rước cúng tổ tiên. Đây là khoảng thời gian giao hòa giữa người sống và người chết, là lúc ông bà Tổ tiên trở về sum họp bên con cháu lắng nghe những hy vọng cho 1 năm mới. Tết còn có ý nghĩa là tống cựu nghinh tân. Tống tiễn mọi thất bại đau khổ buồn giận để chào đón 1 mùa xuân mới, 1 khởi đầu mới cho cuộc sống. Tống tiễn mọi thành công đã qua, xây dựng 1 cuộc sống sung túc hoàn hảo hơn năm cũ. Tết còn là dịp thể hiện tình hữu nghị thân hữu khi chúng ta gặp lại nhau, chào hỏi chúc tụng nhau bằng những lời chúc chân thành và hy vọng.
Người xưa vẫn hay nói “Có Kiêng Có Nên” kiêng trong 3 ngày Tết sẽ bình an hạnh phúc cả năm. Là người con Phật, chúng ta không chỉ kiêng cữ trong 3 ngày Tết mà còn phải kiêng giữ cả năm, trọn đời. Kiêng ở đây là giữ gìn hành động, lời nói, ý nghĩ trong sáng, sống có ý thức có trách nhiệm với bản thân công việc cộng đồng. Có như vậy, Tết không chỉ dừng ở vài ngày mà mùa xuân sẽ ở lại với chúng ta mãi mãi. Bình an sẽ có mặt với chúng ta trong từng bước chân, từng hơi thở.
Chầm chậm xuân về lòng đất chuyển
Nhạc trời thanh thoát rộn muôn phương
Tâm linh một thoáng bừng giao cảm
Lặng hết bao nhiêu lớp sóng cồn (Giao Cảm Thích Nhất Hạnh)