Lược Ý Thiền Và Hoạ Trong Ý Thiền Phật Giáo Bắc Truyền

Lược Ý Thiền Và Hoạ Trong Ý Thiền Phật Giáo Bắc Truyền

Thích Tâm Mãn

Khi Thiền sư hoạ sĩ dâng tràn cảm xúc cũng là lúc thế giới được hiển bày, tịch tịnh của thiên nhiên, trầm hùng của sông núi, sự kiều diễm của nhân sinh hay khổ đau của nhân thế, tất cả theo từng cảm xúc của nét bút, tâm tư của những gam màu chấm phá của hoạ sư dần dần ảnh hiện, và khi tất cả tâm tư cũng như cảm xúc đều dừng lại là lúc đó một tác phẩm hội hoạ được hình thành.

Một thế giới mới từ trong tư tưởng và cảm xúc được thành lập, nếu như tất cả hoạ phẩm đều hình thành xuất phát từ trạng thái như vậy thì có thể dẫn nhập cảm xúc và tình cảm của người xem, làm cho thể nhập vào thế giới tranh của người xem và hoạ phẩm không còn ngăn cách, không còn phân biệt đâu là hoạ đâu là ta, dung nhập một thể như nhất, như vậy được xưng là ý thiền trong hoạ.

Ý Thiền trong hoạ có nguồn gốc từ chư vị Thiền sư, trên hành trình hoằng truyền đưa thiền vào cuộc sống, các Ngài dùng những tác phẩm hội hoạ của chính mình sáng tác hoặc là của các vị thiền sư khác, để diễn cảm ý thiền, để thấu đạt triệt phá ngã chấp của nhân sinh, để ngộ chân tất cả đều là giả hợp, vì rằng chỉ một nét bút mà ta có thể nhận ra đó là một cảnh giới.

Chỉ một trang giấy mà ta có thể suy ngẫm buồn vui, chỉ là hình tượng không thật có mà ta có thể cảm nhận được cảm xúc của vẻ đẹp, nếu đem tất cả quy về không thật có để rồi cảm nhận được an lạc và lìa xa sự chấp trước thì đây là người thọ nhận và ngộ được ý thiền, còn nếu như không, thì lạc vào trong cảm xúc, miên man si mê trong cảm nhận của giả hợp, không còn nhận ra chân nguỵ, chỉ biết thọ lạc không biết dừng lại, những cảm giác như vậy gọi là vô minh cần phải phá bỏ. Thiền sư có thể vẩy mực là hư tranh hay xé nát nó để cảnh tỉnh con người làm cho họ ngộ được ý “không thật cũng không hư hãy sống trong thực tại” ý thiền trong hoạ là ở đây vậy.

Hình tượng của thiên nhiên được Thiền sư đưa vào trong tịch tịnh, cảnh tượng huyên náo nổi chìm, có không, được mất, hợp tan, khổ đau, vui sướng của nhân thế, Thiền sư gởi trọn vào hư không, giấy trắng mực đen không màu không vị, như màu của thế giới chỉ có ngày và đêm, như sự thọ nhận của thế gian chỉ là được hay mất, như cảm nhận của con người chỉ là buồn hay vui và cuối cùng cũng chỉ là chết với sống.

Sanh tử luôn là đề tài mà tất cả các vị Thiền sư ngày đêm toạ thiền quán tưởng, để tìm đến chân đế của cuộc sống để giảng bày để giác ngộ nhân sinh, trước khi sinh ra ta ở đâu và cuối cùng khi mất ta về đâu? Có khác nào trước khi nét bút vấy lên mặt gấy thì hình tượng này ở đâu và khi nét bút dừng lại thì sẽ là hình tượng gì, rồi mỗi người mỗi cảm xúc để nhận diện hình tượng theo sự hiểu biết của mình không ai giống ai, từ chổ không giống nhau tạo nên sự bàn cãi, bao nhiêu nổi não phiền chợt hiện ra, nếu là thế nhân thì cứ theo hình tượng giả hợp mà khổ đau không dứt, nếu là thiền sư thì đó chỉ là vết mực có gì phải đắn đo, bỏ đi như “quẳng gánh lo để vui sống” sanh tử chỉ là việc nhàn như Trúc Lâm Đầu Đà từng nói “Sanh tử nhàn nhi dĩ”. Ý thiền trong hoạ là như vậy.

Thiền hoạ là sự siêu việt thoát thân của Phật hoạ trong Phật Giáo, trong khi Phật hoạ dùng hết thảy những gì đẹp nhất, trang trọng nhất, quý phái nhất đễ diễn bày hình tượng đức tướng và công đức của Đức Phật, dùng cảm nhận của mỹ học để dẫn dắt con người đến với Đức Phật, dùng hình tượng của thiên nhiên của thế nhân để diễn bày chơn lý Phật Pháp, dẫn con người đến gần hơn với diệu lý của nhà Phật, dùng hội hoạ làm phương tiện hoằng pháp như trang trí trong pháp hội và trang nghiêm Phật đường tự viện và Phật tượng, dùng hội hoạ dẫn khởi tín tâm của tín chúng đối với Tam Bảo, dẫn tâm tín chúng không tạo các nghiệp ác, làm hết thảy các điều lành y theo lời Phật dạy.

Trong Thiền hoạ những ý nghĩa của Phật hoạ không còn đóng vai trò chính nữa mà sự siêu việt thoát khỏi những ý nghĩa tín ngưỡng, để biểu đạt chơn ý tối thượng cứu cánh của Phật mới là cảnh giới để thiền hoạ đạt đến. Thiền sư quán tưởng từ hình tượng tìm đến vô hình tượng, từ vô hình tượng đạt đến không hình tượng và rồi tất cả đạt đến cứu cánh của hình tượng là hình tượng vẫn là những hình tượng bình thường, không sai không khác.

Thiền hoạ cũng trên tinh thần đó để diễn bày chỉ một nét hoạ trên giấy trắng tạo ra hình tượng, và hình tượng này không thể có thực trên thế gian, nhưng người xen vẫn có thể nhận ra được sự tồn tại và ẩn hiện tương tự hình tượng này trong cuộc sống, ý nghĩa của hình tượng được mở ra không còn bó buộc trong phạm vi và trừu tượng nhất định của một hình tượng làm cho người thưởng thức thoát khỏi ràng buộc của đời thường, an lạc trong cảm giác không còn đúng sai, không hạn định, hoàn toàn giải thoát khỏi hình tượng mà vẫn trong hình tượng để thọ hưởng cảm xúc an lạc vô biên, vì đó là mạng mạch căn nguyên của cuộc sống, vô thuỷ vô chung, đó là khứ lai tự tại là hình tượng của tâm điền, vậy nên ý thiền trong thiền hoạ là vậy đó.

“Sắc tức thị không, không tức thị sắc” mực tức là bút, bút chẳng khác gì mực tuy là hai nhưng chỉ là một, nhưng trong một rõ ràng lại là hai, đạo lý này là nền tảng xuyên suốt trong quá trình sáng tác của chư vị thiền sư hoạ sĩ, cho nên tranh của các vị thiền sư trông hình thể thì rất giống nhưng thật ra thì chẳng phải, chẳng phải nhưng dựa trên hình tượng này có thể gợi nên cảm giác rất phải của hình tượng khác, vậy nên thiền ý “sắc không không sắc vốn như nhau” luôn ngập tràn ý vị trong tranh của thiền.

Thiền cảnh trong thiền hoạ đều được diễn tả xa lìa với cảnh thật, tịch tịnh, thanh cao, êm đềm, vắng lặng, cảnh giới mà hết thảy sự tưởng tượng của nhân gian hầu như im bặt, sự náo nhiệt của cuộc đời không có khe hở để chen vô, sự vật và cảnh tượng được giản lược đến độ đong lường đo đếm của thế gian hầu như không còn cách nào để do lường và đong đếm, sự đầy đủ ý vị và nghĩa lý không còn bút mực và lý trí của con người có thể tính suy, khi đứng trước hoạ phẩm thiền con người như chìm vào trong suy tư trừu tượng, im lặng như hư không, đắm mình vào thanh tịnh, hết thảy thị phi nhân ngã đều không còn một mảy may nào, chỉ còn tịch tịnh chân như, thiền cảnh trong ý vị của thiền là như vậy đó.

Thiền ngữ: ”Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”, vậy nên bất cứ một sự vật gì có hình thức và rơi vào trong luận bàn đều không có liên quan gì đến với thiền ý, chỉ có tâm với tâm cảm thông, thấu triệt không thể dùng văn từ để diễn bày, không thể dùng ngôn ngữ để biểu đạt, chỉ có sự giác ngộ dung thông, ngôn ngữ đạo đoạn thì mới thể nhập hết được tánh giác của Thiền. Thiền hoạ có khởi nguồn từ đây, Thiền sư từ cảnh giới này mà tạo ra tác phẩm thiền hoạ và người thưởng thức cũng phải từ ý thiền này để chiêm ngưỡng cảnh thiền, khi Thiền sư và người thưởng thức có cùng chung tánh tịnh thì cảnh giới trong thiền hoạ thể bày đại ngộ chơn không.

Khi Thiền sư là hoạ sĩ, thì sơn hà đại địa đâu đâu cũng một màu tịch tịnh, khi thiền sư là hoạ sĩ thì hết thảy hình tướng đẹp xấu của nhân gian chung một hình giải thoát, khi Thiền sư làm hoạ sĩ thì hết thảy cảm xúc buồn vui hỷ lạc, khổ sướng của nhân gian chìm vào trong từ bi hoan hỷ, khi thiền sư làm hoạ sĩ thì ngôn ngữ khen chê của thế gian bị chìm vào trong im lặng, khi thiền sư làm hoạ sĩ thì chẳng còn gì ngoài sự thể ngộ “bổn lai vô nhất vật, hà xứ nhạ trần ai”.