Những Phép Tắc Cần Biết của Người Phật Tử

Những Phép Tắc Cần Biết của Người Phật Tử

Biên dịch Thích Minh Hoàng

Chúng ta là Phật tử của Đạo Phật ai cũng từng nghe qua câu “Tùy duyên bất biến”.  Phật Giáo phát tích từ Ấn Độ, nhưng khi truyền nhập vào các nước đông phương cũng như tây phương với tinh thần tùy duyên của mình Đạo Phật đã hòa nhập và thích ứng với phong tục tập quán, văn hóa tín ngưỡng, lễ chế… của từng quốc gia để đem ánh sáng chánh pháp đến cho dân tộc đó, và cũng từ nhân duyên đó đã tạo nên nét đặc trưng riêng biệt  Phật Giáo của mỗi quốc gia nhưng vẫn giữ được cốt lõi của Đạo Phật là mang đến sự giác ngộ giải thoát và an lạc đến cho mọi người.

Đức Phật xuất thân từ dòng dõi tôn quí trong xã hội Ấn Độ đó là giai cấp Sát Đế Lợi, thế nên khi Đạo Phật được truyền vào các nước Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc.v.v… đã được vua chúa triều đình quan lại cùng nhân dân tôn trọng và kính ngưỡng và bằng tất cả lòng chí kính họ đã đem hết thảy những lễ nghi cao cấp nhất của dân tộc mình để cúng dường lên Đức Phật và Tăng Già. Đạo Phật tiếp nhận hết thảy  những lễ nghi ấy, và để thích ứng với phong tục tập quán, lễ nghi, văn hóa mang đậm phong thái Nho gia, Tăng Già Phật Giáo lấy tinh thần tùy duyên của Phật Giáo làm chủ đạo hòa quyện với văn hóa bản địa tạo thành một phong cách mới trong Phật Giáo, được thể hiện qua đức hạnh oai nghi của Tăng già.

Phật Giáo buổi đầu du nhập vào Trung Quốc được Triều đình vua quan quí tộc tiếp nhận,  vì Đức Phật là bậc chí tôn lại xuất thân từ hoàng tộc cho nên Phật Giáo được sử dụng hầu hết lễ chế của triều đình phong kiến Trung Quốc cũng như những danh xưng của các cơ quan của triều đình như “Tự” hoặc “Điện”, kể cả kiến trúc chùa chiền cũng được xây dựng theo phong cách hoàng cung. “Điện” là nơi vua chỉ sử dụng trong việc thiết triều nghị sự quan trọng, ngoài những việc này ra không được tùy tiện vào Điện. Phật Giáo được phép xây dựng Điện để làm nơi thờ Phật được gọi là  Đại Điên, Chánh Điện hay Đại Hùng Bảo Điện nên cũng phải tuân hành theo đúng phép tắc của cung điện triều đình, Phật Điện của Phật Giáo cũng được tôn trọng cung kính đúng phép tắc như cung điện của vua, cho nên trong chùa có câu nói về ý không được tự tiện lên chùa: “vô sự bất đăng Tam Bảo Điện”.

Qua ý nghĩa quan trọng trên cùng với sự thể hiện lòng tôn kính đối với Đức Phật, với Tam Bảo một Phật tử chúng ta cần học tập và tìm hiểu phép tắc cần thiết cơ bản để hoàn thiện nhân cách của một người Phật tử tại gia chí thành cung kính đối với Phật Pháp Tăng Tam Bảo.

Vào Chánh Điện phải có lễ nghi:

  • Theo 2 bên phải trái mà đi vào, không được đi chính giữa để biểu thị sự cung kính. Nếu theo cửa bên trái đi vào thì phải bước chân trái vào trước, nếu theo cửa bên phải vào thì phải bước chân phải vào trước.
  • Ngoại trừ Kinh Phật, Tượng Phật tất cả những vật khác không được mang vào Điện.
  • Duy chỉ có tụng Kinh, lễ Phật, châm dầu đốt hương mới được vào, không được xem Phật điện như đền miếu mặc ý tham quan du ngoạn.
  • Trước khi vào Điện phải giữ thân tâm thanh tịnh, rửa tay sạch, vào Điện không được ngó đông ngó tây, vào đến nơi sau khi lễ Phật chiêm ngưỡng tôn dung, mặc niệm bài kệ: “ khi thấy tướng phật, nguyện cho chúng sanh, được mắt vô ngại, thấy tất cả Phật”.
  • Vào Điện Phật phải đi nhiễu theo bên phải không được đi bên trái, để biểu thị chánh đạo. Khi cùng đại chúng nhiễu Phật không được dừng lại nói chuyện, mắt luôn ngó thẳng phía trước.
  • Trong Điện không được bàn chuyện thế tục, càng không được nói lớn tiếng, ngoài việc nghe Kinh Pháp, tọa Thiền không được ngồi trong Điện, nếu nói chuyện Phật Pháp cũng không được lớn tiếng cười nói.
  • Trong Điện Phật không được dựa tay chân vào tường, bàn ghế, chống cằm chống nạnh, càng không được mang nón gậy dựa vào vách điện và khạc nhổ làm dơ bẩn, khi ngồi không được ngồi xoạc 2 chân, khi đứng nên thẳng tay hoặc chấp tay đứng thẳng để biểu thị sự cung kính.
  • Trong đại Điện không được ợ ngáp khạc nhổ, hạ phong…nếu không chịu được thì nên đi ra ngoài. Ợ ngáp nên lấy tay áo che miệng, khạc nhổ thì nên dùng giấy rồi đựng trong giỏ, không nên ra ra vào vào làm ảnh hưởng đại chúng.

Vì sao phải tôn kính tượng Phật

  • Không được bình phẩm tượng Phật có trang nghiêm hay không, tượng Phật không được để trong phòng ngủ.
  • Đi qua chỗ có tượng Phật, phải chỉnh sửa y phục chấp tay lễ xá. Nếu ở chỗ tụng kinh, trước điện Phật phải lễ lạy, nếu thời gian không gian không tiện có thể chấp tay xá.
  • Thấy tượng Phật có hư hoại nên để ở chỗ thích hợp không tùy tiện vứt bỏ:
  • Tượng Phật bị hư hỏng hoặc không sạch, nên tận tâm chỉnh sửa, như bao dán cho mới lại và làm cho sạch đẹp.
  • Nếu không còn sửa chữa được nên có tâm cung kính dùng giấy mà đốt, rồi đem tro chôn ở nơi sạch sẽ. Tượng bằng đá, bằng gố sau khi đốt hoặc phân giải phải mang rãi ra sông biển, chớ để ở nơi người ta có thể dẫm đạp.

Cách dâng hương:

  • Khi dâng hương dùng ngón tay cái và ngón trỏ cầm cho cây hương đứng, còn 3 ngón tay kẹp lấy phía dưới, 2 tay cầm hương đưa ngang trán, quán tưởng chư Phật Bồ tát hiển hiện trước mắt chúng ta, tiếp thọ hương cúng dường, Nếu chỗ đông người nên cầm hương thẳng để khỏi đụng vào người khác sau đó bước đến cách tượng Phật khoảng 3 bước dâng hương quán tưởng lễ bái.

Khi dâng hương 1 cây cũng được, nếu dâng 3 cây thì cắm 1 cây ở giữa (miệng niệm thầm cúng dường Phật), cây thứ 2 cắm bên phải (thầm niệm cúng dường Pháp), cây thứ 3 cắm bên trái (thầm niệm cúng dường Tăng). Sau đó chấp tay (thầm niệm cúng dường nhứt thiết chúng sanh, nguyện hương hoa này biến khắp mười phương, cúng dường nhứt thiết chư Phật, Tôn Pháp, chư Hiền Thánh).

  • Khi niêm hương không được dùng miệng thổi tắt lửa. Sau khi cắm hương xong, lui khoảng nữa bước là được, đứng thẳng đầu hơi cúi đảnh lễ.
  • Nếu thấy tượng Phật hoặc Kinh sách để ở chỗ không sạch, nên mang để ở chỗ sạch sẽ. Nếu thấy người không cung kính đối với tượng Phật, nên khéo dùng lời khuyên họ.

Lễ Phật như thế nào:

  • Lễ Phật không nhứt thiết phải đứng chính giữa hoặc đứng đối diện với tượng Phật, Bồ tát, chỉ cần thành kính lễ bái là được, chư Phật không điều gì mà không biết, cho nên chỉ cần phát khởi tâm chí thành, cung kính thì dù ở vị trí nào đều cũng là chỗ tốt hết.
  • Bất luận là trong chùa có bao nhiêu tượng Phật, thông thường vào điện lễ Phật chỉ 3 lạy là được, nếu tu hành lễ bái 1 mình thì làm theo ý mình, còn khi vào điện cùng với đại chúng, thì phải theo đại chúng mà đứng, chấp tay lễ bái là được, không được riêng 1 mình lễ lạy, để khỏi ảnh hưởng trật tự của đại chúng, mà còn không hợp oai nghi nữa.

Hàm nghĩa của 3 lạy lễ Phật:

  • Tư thế chấp tay: 2 tay bằng nhau đưa ngang ngực, 5 ngón tay hợp lại hướng lên trên.

–          Chiết phục tâm kiêu mạn.

–          Thấy các bậc Hiền Thánh mong đạt được như vậy.

–          Sám trừ nghiệp chướng: cho nên nói “lễ Phật 1 lễ diệt hà sa tội” muốn diệt tội trước tiên oai nghi phải nghiêm túc, trong ngoài oai nghi phải cụ túc mới có thể cảm ứng đến chư Phật, Bồ tát mà hộ trì gia bị.

Phương pháp sám hối

  • Lạy thứ nhất: (chân thật phát lộ) đệ tử sám hối, nguyện cho mọi người cùng tu sám hối.

Phát lộ sám hối – từ xưa đã tạo các nghiệp ác, đều do vô thỉ tham sân si, từ thân miệng ý  mà sanh ra, tất cả con nay xin sám hối.

Chân thật sám hối – tội từ tâm khởi đem tâm sám, tâm được diệt rồi tội cũng tiêu, tội tiêu tâm diệt thảy đều không, như vậy gọi là thật sám hối.

  • Lạy thứ hai: Đệ tử phát nguyện tu đạo, nguyện cùng pháp giới chung sanh đều tiêu hết phiền não 3 chướng, cùng được trí huệ hiểu chân thật, nguyện cho tội chướng đều tiêu trừ, đời đời thường hành đạo Bồ tát
  • Lạy thứ ba: Đệ tử cùng hạnh Phổ Hiền hồi hướng – nguyện khắp pháp giới chúng sanh đồng sanh về cực lạc, cùng chứng chơn thường. Con đem hạnh Phổ Hiền thù thắng này, vô lượng phước báu đều hồi hướng, nguyện khắp chúng sanh đang chìm đắm, vãng sanh về cõi Phật Di Đà.

Văn lễ Tam Bảo.

Đệ tử chúng con nguyện cùng đệ tử nhiều đời, Cha Mẹ hiện tại, Sư trưởng, Tri thức, Đàn Việt, quyến thuộc đạo đời, oán thân trái chủ, cho đến bốn ân ba cõi, pháp giới chúng sanh trượng thừa sức oai thần Thân-Trí-Hạnh-Nguyện của Quán Âm Bồ tát, Phổ Hiền Bồ tát, 3 nghiệp thanh tịnh phân thân vô số tận kiếp vị lai, nhất tâm đảnh lễ tận hư không giới vi trần sát độ trung, Thập Phương Tam Thế Nhất Thiết Chư Phật.

Lễ Phật.

  • Năng lễ sở lễ tánh không tịch, cảm ứng đạo giao nan tư nghị, ngã thử đạo tràng như đế châu, chư Phật Như Lai ảnh hiện trung, ngã thân ảnh hiện chư Phật tiền, đầu diện tiếp túc qui mạng lễ.

Lễ Pháp.

  • Chân không Pháp tánh như hư không, thường trụ Pháp bảo nan tư nghị, ngã thân ảnh hiện Pháp bảo tiền, nhất tâm như Pháp qui mạng lễ.

Lễ Tăng.

  • Năng lễ sở lễ tánh không tịch, cảm ứng đạo giao nan tư nghị, ngã thử đạo tràng như đế châu, thập phương Bồ tát ảnh hiện trung, ngã thân ảnh hiện thánh Tăng tiền, đầu diện tiếp túc qui mạng lễ.
  • Khi lễ Phật trong tâm phải cung kính Tam Bảo, như lạy thứ nhất niệm tán Phật kệ (thiên thượng thiên hạ vô như Phật…), lạy thứ hai niệm khai kinh kệ (vô thượng thậm thâm vi diệu Pháp…), lạy thứ ba niệm Tăng bảo không nghĩ bàn…, hoặc một lần lạy niệm Nam Mô Tận Hư Không Thập Phương Tam Thế Nhất Thiết Phật, Pháp, Tăng…, cũng có thể 3 lạy đều niệm Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Lễ Phật quan trọng là thành kính, cho nên khi quán tưởng hoặc niệm tụng, thấy cá nhân tu hành có điều khác lạ đều không có nhất định.
  • Khi lễ Phật 2 chân không được di chuyển tránh dẫm lên áo tràng, khi lạy mông phải sát chân không được quá cao, như vậy mới hợp lễ nghi. Động tác không nhanh không chậm, trong tâm thì kiền thành, ngoài thì thể hiện cung kính mới có thể cảm ứng đạo giao. Khi lễ Phật nên mặc niệm bài kệ: “thiên thượng thiên hạ vô như Phật, thập phương thế giới diệc vô tỷ, thế gian sở hữu ngã tận kiến, nhất thiết vô hữu như Phật giả” hoặc “ Pháp Vương Vô Thượng Tôn, Tam Giới vô luân thất, Thiên Nhân chi Đạo Sư, Tứ Sanh chi Từ Phụ, ngã kim đắc quy y, năng diệt tam kỳ nghiệp, xưng dương nhược tán thán, ức kiếp mạc năng tận”
  • Khi có người đang lễ Phật, không được đi ngang qua phía trước.
  • Nếu có các vị xuất gia đang lễ Phật, không được cùng các thầy lễ, phải lễ sau các thầy.
  • Khi lễ Phật nhìn có vẻ cung kính, thật ra trong lòng ngã mạn hoặc là muốn người khác khen mình tu hành, là giả hiện oai nghi.
  • Chính giữa chánh điện là nơi dành riêng cho vị trụ trì lễ Phật.

Kính Pháp.

Như thế nào là thỉnh Kinh, trì kinh.

  • Khi thỉnh kinh phải cầm giữa hai tay, ngón tay cái và ngón tay trỏ đặt trên mặt quyển kinh, 3 ngón còn lại đặt ở mặt dưới quyển kinh.
  • Khi cầm Kinh Tượng phải cầm bằng 2 tay và ngang ngực, không được cầm 1 tay mang đi như cầm các vật khác, cũng không được đặt để tùy tiện hoặc kẹp dưới nách.
  • Không được cuộn tròn quyển Kinh.

Tụng Kinh như thế nào:

  • Khi tụng đọc Kinh Luật Phật nên đốt hương ngồi ngay thẳng cũng như đối trước Phật, không được ngồi duỗi chân dựa dẫm mất sự cung kính. Muốn đọc kinh trước tiên ngồi tĩnh tọa một lúc rồi mặc niệm bài kệ: “vô thượng thậm thâm vi diệu Pháp, bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ, ngã kim kiến văn đắc thọ trì, nguyện giải Như Lai chơn thật nghĩa”. Lúc tụng kinh ngoài việc không duỗi chân cũng không được vừa tụng kinh vừa ăn uống.
  • Khi tụng kinh mỗi chữ mỗi câu cần hiểu nghĩa lý tương ưng với tâm, không được qua loa cho xong.
  • Kinh sách phải lấy đồ che trùm để khỏi dính bụi. Trên quyển kinh nếu có bụi bám phải dùng khăn lau, không được dùng miệng thổi bụi, không được để đồ và các sách vở của thế tục trên Kinh điển, phải kính Pháp như kính Phật vậy.
  • Tụng niệm một mình nếu không trở ngại người khác thì được, nên tùy theo đại chúng mà tụng niệm. Khi tụng niệm cùng chúng phải hòa hợp theo nhịp mõ không nhanh không chậm, hoặc tụng quá lớn tiếng ảnh hưởng đến đại chúng.
  • Tụng Kinh dừng ở trang nào nên làm dấu để nhớ, không được bỏ qua trang.
  • Kinh sách là dùng để tụng đọc không được viết chữ lên, vạn bất đắc dĩ thì dùng viết chì (ghi chú) để nhớ, sau khi thuộc nhớ rồi phải tẩy sạch. Nếu giảng Kinh không được làm tiêu mất những chỗ bút ký trong quyển kinh.
  • Trong lúc tụng Kinh có người tới thăm hoặc hỏi han, có thể chấp tay đáp lễ hoặc làm dấu ghi nhớ, xếp Kinh điển lại, đứng dậy tiếp khách, chưa xếp cất Kinh điển mà còn nói chuyện bàn luận chuyện thế gian, hoặc cười giởn… đây là hành vi bất kính xem thường Pháp bảo. Nếu ho phải lấy tay áo che miệng. Tụng Kinh chưa xong không được sanh tâm phiền não, nên biết rằng: mục đích của tụng kinh là khai mở trí huệ. Mục đích niệm Phật là vì bồi dưỡng tín tâm nguyện lực. Mục đích ăn chay là vì bồi dưỡng tâm từ bi.
  • Trong lúc tụng (đọc) kinh nếu có sinh tạp niệm, nên gấp Kinh lại đợi tạp niệm tiêu hết mới tiếp tục tụng (đọc).
  • Khi thỉnh mua kinh sách phải ngồi nghiêm túc ngay thẳng. Đối với Kinh sách, Ca Sa, Y Bát, Tích Trượng, Chuỗi, Phất Trần, tất cả những pháp khí đều phải có thái độ cung kính.
  • Kinh sách có hư hoại nên tu bổ sửa sang, nếu như không biết sửa thì có thể đem đốt, rồi mang tro rãi ở nơi sạch sẻ, tránh chỗ có người giẫm đạp.

Kính Tăng.

Tăng có 5 đức nên cung kính

  • Phát tâm ly tục: Nghĩa là người xuất gia phát tâm dõng mãnh thoát ly phàm tục, tu tập giác ngộ là phước điền của thế gian.
  • Hủy bỏ hình tướng tốt đẹp: nghĩa là người xuất gia cạo bỏ râu tóc, hủy bỏ tướng đẹp, cởi bỏ y phục thế tục mặc Pháp phục của Như Lai, đầy đủ oai nghi là Phật điền của thế gian.
  • Dứt đoạn tình cảm người thân: Người xuất gia cắt dứt tình cảm yêu thương cha mẹ mà nhứt tâm siêng năng tu đạo, để báo đức sanh thành của cha mẹ, là phước điền của thế gian.
  • Vất bỏ thân mạng:  nghĩa là người xuất gia xả bỏ không tiếc thân mạng chỉ có một tâm nguyện cầu chứng Phật đạo, là phước điền của thế gian.
  • Chí cầu Đại Thừa: nghĩa là người xuất gia luôn mang tâm nguyện cứu giúp muôn loài, quyết chí chuyên cần cầu pháp Đại Thừa để độ thoát tất cả hữu tình, là phước điền của thế gian.

Với những điều phép tắc cơ bản trên chúng tôi lược dịch ngắn gọn kính gởi đến quý Phật tử, chỉ một tâm nguyện góp phần công đức xiển dương Phật Pháp, mang lại lợi ích cho hàng Phật tử tại gia có được những kiến thức cơ bản trong tu tập để hoàn thiện phong cách của người Phật tử chánh tín, kính tin Tam Bảo, hộ trì Phật Pháp, và quan trọng hơn hết là khi quý Phật tử đến chùa tụng Kinh, lễ Phật…sẽ được vô lượng an lạc thập phần công đức.