Sống trong cảnh giới Ta Bà thật mong manh, người con Phật luôn chọn lấy một lối đi, vạch ra một cuộc sống đầy đủ ý nghĩa và an lành, thực không phải là việc dễ. Chúng ta là khách lữ hành đang đứng trước ngã tư ngã năm, mà chưa biết cuối cùng các con đường ấy sẽ đưa đến đâu ?
Chọn lấy một con đường để đi đến suốt đời, phải khôn ngoan sáng suốt lắm mới tránh lạc đường. Nhưng mà chúng ta phải tự chọn lấy, đừng nhờ nhõi, đừng nghe lời xúi giục của ai, vì đây là con đường tự ta đi không ai thế ta được.
Chọn kỹ rồi sẽ đi, thái độ của kẻ khôn ngoan; nhắm mắt đi càng bỏ mặc đến đâu hay đến đó là kẻ khờ dại, mang cả cuộc đời làm một trò chơi. Người trí phải nhìn kỹ, phải xem xét thấu đáo trước khi mình cất bước đi trên một con đường nào.
Quy y Tam Bảo quả là đặt mình trên một con đường đi đến tận cùng. Đến tận đầu đường là suốt cuộc đời của chúng ta. Việc làm nầy cần phải hiểu biết rõ, nhận thức tường tận, mới phát tâm Quy y. Phát nguyện Quy y là định hướng cho cả cuộc đời chúng ta. Nếu không hiểu biết gì, thì việc Quy y mất hết ý nghĩa của nó.
Quy y là sự trở về với tín tâm, giữ giới và luôn trau dồi tín, hạnh nguyện chứ không phải đơn thuần quy y là một phong trào ngày nay. Khi quy y học đạo chúng ta sẽ lãnh thọ phước báu Tam Quy dù Quy y bất cứ một ông thầy nào chứ không phải là vị Hòa Thượng lớn hay một vị đạo sư.
Quy y (zh. 歸依, sa. śaraṇa, pi. saraṇa, bo. skyabs) còn được gọi là quy đầu (zh. 歸投), ngưỡng trượng (zh. 仰仗), y thác (zh. 依托). Quy y trong Phật giáo có nghĩa là quy y Tam bảo (chỉ Phật, Pháp và Tăng). Chữ Quy cũng được viết là 皈, gồm bộ thủ Bạch 白 (“cõi sáng”) và chữ Phản 反, “quay về” và như vậy, có nghĩa là “quay về cõi sáng”. Trong các bộ Phệ-đà (sa. veda), từ śaraṇa có nguyên nghĩa là “bảo hộ”, “cứu tế” hoặc “chỗ tị nạn”, “chỗ bảo hộ”, ý là chỗ chúng sinh có thể đến, thân được an toàn, tâm được vô ưu. Quy y Tam bảo của Phật giáo chỉ sự nương vào uy lực của Tam bảo để đạt được an ổn vô hạn của tâm thức, thoát mọi khổ não. Câu-xá luận quyển thứ 14 (Đại Chính 29.76c) nói:
“Nghĩa của Quy y là gì? Là cứu tế; vì nương vào đó mà người ta có thể vĩnh viễn thoát khỏi mọi khổ ách”.
* Phật là năng lực giải thoát, sự kết hợp giữa sự thanh tịnh và trí tuệ buông bỏ mọi pháp thế gian, phát triển trí tuệ Bát Nhã hướng vào cảnh giới tâm thức an lạc cho nên một hành giả khi nương vào năng lực này sẽ không bao giờ còn bị đọa lạc nữa.
* Pháp là năng lực trí tuệ, nhờ vào năng lực này hành giả có thể phân biệt chánh tà, thiện và ác v.v. Mà theo nghĩa của phật giáo (Phật Thừa chứ không phải là thiên thừa và nhân thừa) thì Thiện là giải thoát và Ác là tham luyến Ta Bà, cho nên hành giả nương vào trí tuệ sẽ không còn bị đọa lạc nữa.
* Tăng là năng lực thanh tịnh và hòa hợp, lìa bỏ mọi thứ ái chấp, ái ngã sống hoàn toàn thuận theo sự xả ly và hòa hợp với tất cả chúng sanh, vì tất cả chúng sanh từ vô lượng kiếp đã từng là quyến thuộc của hành giả cho nên một khi sống thuận theo lẽ đó sẽ không bị sự trói buộc của tam giới, không còn bị che mờ của luyến ái, cho nên một khi nương vào năng lực thanh tịnh và hòa hợp này thì không còn đọa lạc nữa.
Nhiều người hiểu lầm, khi nhận lễ quy y và phát nguyện giữ năm giới là đủ! Nhưng phải hiểu cho đúng, buổi lễ này chỉ là sự đánh dấu của một bước đầu tiên trên con đường tu tập pháp quy y và giữ giới. Trong đời sống hằng ngày, người phật tử đúng nghĩa sẽ phải thường nhớ nghĩ đến Phật, Pháp và Tăng để tập sống tối thiểu là đúng với tinh thần năm giới và nếu tinh tấn hơn nữa thì bắt đầu tập suy lường theo pháp, coi điều nào hợp với lời dạy của Phật, điều nào không thích hợp để có thể dần dần khắc phục và thay đổi.
Trải qua hơn 2500 năm, giáo lý Phật Đà vẫn còn tồn tại mãi cho đến ngày nay và còn nguyên giá trị. Nhưng đã Quy y Tảm Bảo rồi để áp dụng vào cuộc sống thực tại là vấn đề của cả một quá trình hiện có.
Hiện nay, có một số nhóm người theo xu hướng đả phá Tăng bảo, chỉ quy y Phật và Pháp nhưng tuyệt đối không Quy y Tăng. Nếu thiếu một trong ba ngôi Tam Bảo thì việc tu học không thể đạt được thành tựu. Vì Tăng bảo là nơi nương tựa hướng dẫn Phật tử tu tập, là người đưa đường và dẫn lối cho chúng ta trong quá trình tu tập. Chúng ta biết rằng khi Phật còn tại thế thì giáo đoàn nương nơi Phật làm trung tâm nơi quy ngưỡng. Sau khi Phật nhập diệt thi Phật giáo lấy Tăng làm trung tâm quy ngưỡng.
Quy Y Tam Bảo nhằm mục đích học Pháp bảo,muốn học Pháp bảo thì phải được Tăng bảo hương dẫn, cho nên Tăng bảo thể hiện hai yếu tố là trao truyền tư tưởng và gương mẫu trong đời sống Phạm hạnh của Tăng già. Bằng sự tu tập và nỗ lực của bản thân mình, mọi người cần phải có chánh kiến và nhận thức một cách sáng suốt về giáo lý của Đức Phật tránh khỏi ảnh hưởng của kinh điển ngoại đạo, tà giáo.
Thiếu nền móng Tam Quy thì tòa nhà giác ngộ không sao xây cất được. Không có nấc đầu, khó ai có thể leo tận cây thang giải thoát. Những bước đầu trên con đường về quê đã sai, trăm ngàn bước sau cho đến càng đi càng sai. Vì thế, Quy y Tam Bảo có tầm quan trọng vô cùng. Mỗi người muốn đến với Đạo Phật phải từ cửa Quy y mà vào, không như thế thì học Phật mất căn bản. Bởi nó đóng một vai trò quan trọng như vậy, nên người Phật tử phải thận trọng trong việc phát nguyện Quy y. Đừng vì là Quy y cho có phước, cho khỏi bệnh hoạn, cho Phật gia hộ qua tai ách…đều là lý do mê tín, trái với tinh thần tự giác tự nguyện của Đạo Phật.
ĐĐ. Thích Quảng Thọ.