Thọ Giới

THỌ GIỚI

Thích Nhất Chân

Trong Phật giáo Ðại thừa, Giới không phải chỉ là một căn bản chung cho mọi người tu Ðạo của bất cứ tông phái nào, Giới cũng không phải chỉ là một bài học vỡ lòng về Ðạo, hay chỉ là một sự thực hành phụ kèm theo các sự thực hành chính yếu của Thiền Quán, mà Giới còn là một chủ trương và thực hành chính yếu lập thành một Tông phái riêng rẽ quan trọng nữa. Mà đã là một tông phái thì phải có giáo thuyết lập trường chính xác và rõ ràng. Chính vì thế mà mọi ý nghĩa về Giới mới được quán sát và giải thích tinh vi tường tận qua các tổ sư của Luật tông. Sự hiểu lầm hay lơ là về thật nghĩa của Giới thường bị các tổ Luật tông than phiền và chỉ trích… Dù gì đi nữa thì bất kể tông phái sai khác, Giới vẫn là một cánh cửa mà ai cũng phải di qua nếu họ muốn vào trong kho tàng của đạo Phật. Vậy, Giới là gì vậy ? Phần trình bày sau đây chỉ nói về các ý nghĩa căn bản chung của Giới trong khuôn khổ của Giới luật tại gia mà thôi.

Thường khi nói đến thọ Giới, chúng ta thường hay nghĩ ngay là không được làm điều này, không được làm điều kia, phải giữ gìn các điều cấm giới rất khó giữ mà phạm vào là coi như có tội, chúng ta cảm thấy Giới như một sự gò bó khó chịu, một gánh nặng phải đeo mang. Nếu có ai trì giữ được nghiêm ngặt thì quá lắm được mọi người xung quanh khen tặng và thán phục, nhưng rồi để làm gì thì chúng ta không mấy rõ ràng lắm. Ðại đa số thì chỉ lo là “khó lắm ! giữ không được tội chết !”. Chúng ta làm như thể rằng là đức Phật, khi Ngài chế lập ra Giới, là vô tình hay cố ý đã tạo cho chúng ta một vấn đề khó xử. Có người thành tâm muốn thọ Giới, song băn khoăn “tham sân si như mình thì làm sao giữ giới đây ?”. Có người tự hào là chỉ có mình là giới hạnh vẹn toàn, có người chuyên dùng Giới để xoi mói và chỉ trích người khác.

Có phải chăng đức Phật chế lập ra Giới là để tạo ra tất cả mọi vấn đề nêu trên ? Dĩ nhiên là Không ! Và để xác định cái chữ “Không” này, chúng ta cần phải xác định lại về ý nghĩa chính yếu của Giới vậy.

Trước tiên nói đến Giới, chúng ta cần thiết phải phân biệt ngay ra hai thành phần chính yếu của Giới, đó là Giới thể Giới tướng. Khi nghe nói đến Giới, lập tức người ta nghĩ ngay là không được làm điều này, không được làm điều kia, nghĩ ngay đến các giới điều mà mình phải trì giữ. Các điều không được làm ấy, các Giới điều ấy, được gọi là Giới tướng. Chúng ta cho rằng thọ Giới có nghĩa là nhận lãnh các Giới tướng ấy mà trì giữ, và đó là toàn thể ý nghĩa của thọ Giới. Nghĩ như thế là một thiếu sót quá lớn và dễ đưa đến các nhận định sai lạc hoàn toàn về ý nghĩa chân chính của Giới. Trái lại và đúng ra, khi nói đến chữ Giới, tức nói đến Giới thể, khi nói đến thọ Giới, tức nói là thọ nhận Giới thể ; khi trong Luật nói một người đắc Giới, thì có nghĩa là người đó đắc Giới thể chứ không phải là Giới tướng, tức các giới điều này nọ. Tất cả toàn bộ các nghi thức thọ Giới đều là các pháp thức truyền trao và thọ nhận Giới thể chứ không phải là truyền trao hay thọ nhận Giới tướng. Vậy Giới thể là gì vậy ?

Ðức Phật không bao giờ giết hại dù là đối với bất cứ chúng sinh loại nào. Loài người chúng ta, đa số chỉ không giết chính loài người, chứ còn các loài khác thì chúng ta vẫn giết hại như thường. Ngay cả đối với loài người, đôi khi chúng ta chỉ không giết người lành, chứ còn kẻ ác, kẻ thù thì vẫn coi là giết được. Vậy khi chúng ta không giết hại một người hiền, thì hành động không giết của chúng ta có khác gì vói hành động không giết của đức Phật hay không ? Trên mặt hiện tượng thì không khác nhau, song trong Luật cho là không hề giống nhau chút nào. Vì hành động không giết của chúng ta chỉ giới hạn nơi người hiền mà thôi, với kẻ ác và kẻ thù chúng ta có thể giết ; trong khi đức Phật hiền hay ác, thân thay thù, Ngài cũng không bao giờ giết. Vậy nếu tôi cũng không giết ai hết dù là kẻ ác hay người thù thì phải chăng hành động không giết của tôi sẽ không khác gì với hành động không giết của đức Phật ? Vẫn khác, vì hành động không giết của tôi vẫn chỉ giới hạn nơi loài người mà thôi ; còn Phật không giết là đối với tất cả mọi loài hữu tình. Nếu tôi cũng vậy, không giết bất cứ loài hữu tình nào hết, thì có khác gì với hành động không giết của đức Phật hay không ? Vẫn khác, vì có thể gặp trường hợp chẳng đặng đừng tôi vẫn phải ra tay giết như thường ; Phật không vậy, dù là bất cứ trường hợp nào, tế nhị ra sao đi nữa, Ngài cũng không giết. Vậy nếu tôi cũng thế, thà là mất mạng của chính mình chứ quyết không giết bất cứ loài nào trong bất cứ hoàn cảnh nào, như thế tôi có có được hành động không giết của đức Phật rồi hay chưa ? Vẫn chưa, vì hành động dứt khoát không sát của tôi vẫn chỉ giới hạn nơi hiện tại và trong một khoảng không gian hạn hẹp này thôi ; trong khi hành động không sát của đức Phật thể nhập khắp hết mười phương và ba thời vô cùng tận. Song nếu tôi cũng thế, tôi sẽ không sát khắp cùng hết mười phương và ba thời thì sao đây ? Không lẽ vẫn không phải là hành động không sát của đức Phật ? Vẫn hoàn toàn không phải ! Vì hành động không sát viên mãn đó của tôi vẫn đưa đến luân hồi nên ô nhiễm và không giải thoát ; trong khi hành động không sát của đức Phật hoàn toàn chấm dứt luân hồi nên thanh tịnh và giải thoát.

Bằng mọi cách, cho dù tôi có thực hành các điều không sát sinh, không trộm cắp, không dâm dục, không nói láo v.v… có vẹn toàn đến đâu đi nữa, tôi vẫn chỉ là người làm thiện chứ không phải là người trì Giới. Bởi vì các việc làm thiện ấy vẫn đưa tôi vào luân hồi bất tận như thường ; trong khi Giới có nghĩa là vượt thoát ra khỏi luân hồi. Thế nên trong Luật tông mới nhắc nhở chúng ta cần phải biết phân biệt giữa thiện và Giới là vậy. Bằng cách nào đi nữa hành động không giết của chúng ta vẫn chỉ là thiện luân hồi, và chỉ có hành động không giết của đức Phật mới là Giới giải thoát. Tại sao tôi không thể y như đức Phật mà tôi vẫn chỉ có thiện thôi chứ không sao có Giới được ?

Bởi vì làm sao đi nữa thì tôi vẫn là tôi, Phật vẫn là Phật. Có nghĩa là bản thể của tôi luôn luôn chỉ là vô minh chấp ngã, tham sân si, trong khi bản thể của Phật luôn luôn lại là giác ngộ vô ngã, thanh tịnh giải thoát. Từ bản thể thanh tịnh giải thoát vô ngã này tự động đức Phật, đối với vô lượng pháp giới chúng sinh trong ba thời mười phương, không bao giờ lại giết, trộm, dâm hay vọng… Các hành động không giết, không trộm… này có bản thể là thanh tịnh giải thoát giác ngộ vô ngã, nên chúng được gọi là Giới. Trong khi các hành động không giết… của tôi được điều động từ bản ngã của tôi, từ tâm phân biệt phải trái đúng sai, từ tình cảm thương ghét nặc mùi tham sân si của tôi, bản thể của chúng ô nhiễm như thế, thế nên chúng chỉ là thiện chứ không sao là Giới được.

Do đó, nếu tôi muốn các hành động không giết v.v… của tôi trở thành Giới, thì tôi phải làm sao cho các hành động thiện ấy có được một bản thể thanh tịnh giải thoát y như của đức Phật. Khi các hành động thiện này có được một bản thể thanh tịnh như thế rồi thì chúng mới được gọi là các điều Giới tướng, và bản thể thanh tịnh giải thoát kia của các điều Giới tướng kia được gọi là Giới thể.

Thọ Giới do đó chính là để thọ nhận Giới thể này vậy. Do đó, điều một người thọ Giới phải phân vân là làm sao để đắc được Giới thể chứ không phải là có giữ được điều này hay giữ được điều kia hay không. Và thọ Giới không có nghĩa là vào một kỷ luật sắt thép nào đó để rồi cứ tiếp tục lòng vòng trong các cõi luân hồi bất tận, mà thọ Giới có nghĩa là thâu nhận lấy một bản thể thanh tịnh giải thoát vào tâm mình để rồi ra sức trì giữ và phát triển cho bản thể ấy trở thành quả giải thoát viên mãn khỏi luân hồi. Thọ Giới như thế là gieo nhân mà giải thoát Niết Bàn là kết quả, con đường hay tiến trình từ nhân đến quả gọi là Ðạo. Người thọ Giới như thế là người cất bước đi vào con đường Ðạo giải thoát, một con đường tâm linh, chứ không phải là một người hành thiện hay một nhà đạo đức.

Như vậy, vấn đề thọ Giới hoàn toàn thuộc về con đường Ðạo. Khi một người lưỡng lự không biết là mình có nên thọ Giới hay không, thì đó có nghĩa là mình có nên chấp nhận đức Phật làm Thầy hay không, có nên quy y về với Tam Bảo hay không, có nên đi theo Ðạo Phật, tức con đường mà đức Phật chỉ ra, để đạt đến cứu cánh giải thoát hay không, chứ không phải lưỡng lự chỉ là vì chưa giữ được giới điều này hay làm sao giữ được giới điều kia. Một khi đã dứt khoát là chúng ta sẽ “theo” Ðạo Phật, thì bước đầu tiên để đi theo ấy chính là thọ Giới, là làm sao có được một bản thể thanh tịnh gọi là Giới thể cho sự tu tập của mình trở thành một sự hành đạo, tức có nghĩa là mình đi trên con đường Ðạo vậy. Muốn có Giới thể ấy, chúng ta cần phải thực hiện pháp thức thọ Giới. Vậy pháp thức thọ Giới này ra sao mà chúng ta có thể đạt được một Giới thể như thế ?

Pháp thức thọ Giới giản dị chỉ là thực hiện sự Quy Y cho chúng ta. Quy y có tác dụng nhằm thọ nạp lấy bản thể thanh tịnh giải thoát từ đức Phật truyền vào trong tâm của chúng ta để trở thành Giới thể thanh tịnh giải thoát của chúng ta. Các tổ Luật tông Trung Hoa dựa theo Tứ phần Luật xác định rằng chính ngay lúc Tam quy vừa chấm dứt là lúc thọ đắc Giới thể ; và đồng thời các ngài thể theo Thành Thật Luận và Duy Thức Tông mà xác định tiếp rằng Giới thể ấy là chủng tử Ðạo thanh tịnh và giải thoát được gieo vào trong A Lại Gia Thức của người thọ giới, nhờ có chủng tử như thế nên khi chúng ta ra sức tu hành mới có được kết quả của Phật Ðạo. Tam quy để có Giới thể như thế là căn bản duy nhất phải có của toàn thể tòa kiến trúc của Ðạo pháp, như một nhà trồng trọt muốn có hoa mầu để thu hoạch thì cần thiết nhất là phải có hạt giống để mà gieo cấy trước đã. Tâm chúng ta là đất ruộng, Giới thể là hạt giống, hành động quy y là gieo hạt giống vào đất ruộng, nhận lấy Giới tướng để tu trì là cầy cấy tưới bón chăm sóc cho hạt giống tăng trưởng. Ðạo quả là vụ mùa thu hoạch được.

Quy y do đó có tầm vóc quan trọng bậc nhất đối với sự tu hành trên con đường Ðạo Phật, song vẫn luôn luôn bị người Phật tử lơ là và coi nhẹ, chúng ta thường coi đó là một hình thức lấy lệ. Chúng ta cho rằng tu hành là phải thực hành pháp môn này hay pháp môn kia thì mới là tu hành. Nhưng nếu chúng ta không có được một chủng tử Ðạo trong tâm thì hành pháp môn nào cũng chỉ là xây lâu đài trong không. Thế nên chúng ta cần thiết phải quy y thọ Giới để mà có được chủng tử của Ðạo gọi là Giới thể trước khi áp dụng tu tập bất cứ pháp môn nào.

Một cách tổng quát quy y thọ Giới thể có nghĩa như sau : vì bản thể của chúng ta căn bản là tham sân si, nên chúng ta không hề có chủng tử của Ðạo ; chúng ta lại muốn đạt đến kết quả của Ðạo, nên chúng ta hết sức cần có chủng tử ấy. Phật là quả của Ðạo, Ngài là toàn thể những gì là Ðạo, thế nên một khi chúng ta muốn có được chủng tử Ðạo, bắt buộc chúng ta phải nương về Ngài, mong rằng Ngài sẽ truyền đạt cái bản thể Ðạo ấy lại cho chúng ta. Ðức Phật thành Ðạo không ngoài mục tiêu là để cứu độ tất cả chúng sinh, phương tiện để cứu độ này chính là Tam Bảo, tức là nơi mà bản thể thanh tịnh giải thoát và giác ngộ hiển hiện ra trọn vẹn toàn thân, được coi như một suối nguồn truyền đạt Ðạo chủng đến cho tất cả chúng sinh vậy.

Lại vì Ðạo hay bản thể thanh tịnh giải thoát của Ngài chính là bản Tâm của Ngài, thế nên Ngài không thể truyền lại cho chúng ta như truyền một cái y hay truyền một cái bát, và chúng ta cũng không thể thọ nhận bằng cách đưa tay ra lấy như lấy cái y hay cái bát được. Mà Ngài truyền Ðạo là truyền từ Tâm của Ngài qua âm thanh và chữ nghĩa bằng cách nói Pháp (tức ngữ nghiệp), và chúng ta đón nhận lấy cũng bằng tâm của chúng ta qua sự tác ý lắng nghe âm thanh từ ngữ của Ngài, rồi tư duy về các ý nghĩa của các từ ngữ ấy. Tâm thanh tịnh của Ngài, xuyên qua các ý nghĩa và các từ ngữ ấy, sẵn sàng để thâm nhập vào trong tâm địa của chúng ta. Nếu chúng ta phát lòng tin tưởng và mong muốn đi theo Ngài, có được Ðạo như Ngài, thì lúc ấy chúng ta cần phải dùng đến ba nghiệp mà thực hiện pháp thức Tam quy, nhờ đó Tâm đạo thanh tịnh giải thoát và giác ngộ của Ngài sẽ truyền thẳng vào tâm chúng ta để trở thành Giới thể trong tâm chúng ta.

Lại vì tâm của chúng ta vẫn luôn là tâm phiền não vô mình ngã chấp, thế nên các Giới pháp mà đức Phật truyền sang tâm chúng ta khi ở nơi Tâm Ngài thì là một kết quả hoàn toàn viên mãn thanh tịnh. Khi truyền qua tâm chúng ta thì các Giới pháp thanh tịnh ấy bị pha trộn lẫn lộn với các pháp phiền não vô minh ngã chấp nơi tâm chúng ta, song Giới pháp thanh tịnh ấy không hề bị ô nhiễm lây mà luôn luôn giữ nguyên tính chất thanh tịnh của mình. Có điều nó không hiển lộ ra rõ ràng viên mãn như một kết quả, nó được coi là một chủng tử thanh tịnh trong lòng phiền não, mà trong Luật và Luận gọi là Giới thể vô biểu. Chính nhờ chủng tử vô biểu này mà người tu đạo mới có được kết quả giải thoát vậy. Tại sao lại gọi Giới thể là vô biểu ?

Theo Luật và Luận nói, khi thọ Giới xong rồi, giới tử đã đắc Giới thể, khi ra khỏi giới tràng tâm của giới tử trở lại trạng thái bình thường hằng ngày, nghĩa là các phiền não tiếp tục khởi lên quấy nhiễu, giới tử có thể khởi đủ thứ ác tâm nữa, song cái chủng tử Giới thể kia vẫn tiếp tục có mặt liên tục trong tâm của giới tử hoàn toàn rất ẩn mật, như hạt giống ẩn kín dưới mặt đất không hiển lộ ra bên ngoài, nên được gọi là vô biểu.

Như thế, ý nghĩa thọ Giới rõ ràng là một hoạt động “truyền đạo” hay “điểm đạo“, hay đúng hơn là một hoạt động “lấy tâm truyền tâm” giống như khẩu hiệu “dĩ tâm truyền tâm” phổ thông trong tông Thiền. Tuy nhiên sự khác biệt vẫn là rõ ràng giữa một đàng là Tông môn (tức Thiền tông) một đàng là Giáo môn (tức tất cả các tông phái Ðại thừa khác ngoài Thiền). Trong khi với Thiền, tâm được truyền ở đây chính là tâm của người học đạo, chứ không phải là tâm của một ai khác từ bên ngoài truyền vào, thế nên Thiền thích nói “dĩ tâm ấn tâm” hơn là “dĩ tâm truyền tâm“. Vì với Thiền chính tự tâm của chúng ta là Phật rồi, thì tại sao lại còn cần phải có Phật khác truyền vào nữa ? Trong khi với Luật tông, mà vốn là căn bản của tất cả mọi tông phái khác, thì tâm của chúng ta là tâm phiền não ô nhiễm, khác hẳn với tâm của Phật là giác ngộ và thanh tịnh. Ðã đành Luật tông cũng chấp nhận rằng là tất cả chúng sinh đều có Phật tính, tâm chúng sinh cũng vốn là bản giác đồng đẳng với tất cả chư Phật, song chúng sinh vẫn là chúng sinh và Phật vẫn là Phật khác hẳn nhau, như nước trong nước đục thì cũng đều là nước, song không phải vì vậy nước đục cũng chính là nước trong.

Thiền tông truyền tâm là chỉ thẳng ra (trực chỉ) cho người học cái tâm thể siêu việt thường hằng phi thời gian phi không gian mà vốn sẵn có ngay đó của họ, và tâm này được trực tiếp truyền đến kẻ học bởi một vị Thầy thật sự giác ngộ.

Trong khi trong Luật tông, cái tâm thể siêu việt kia không phải là vấn đề của Ðạo, của sự tu tập hành đạo với nguyên tắc nhân và quả. Tâm chúng sinh có hai phương diện, nơi phương diện “tâm tức là Phật” thời tất cả tịch diệt bình đẳng từ Phật cho đến ruồi muỗi côn trùng, nơi ấy không có chuyện nhân quả tu tập, không có phân biệt tội phúc thánh phàm gì hết, nơi phương diện này không có tâm nào truyền tâm nào hết, quá lắm là tâm này ấn khả cho tâm kia mà thôi. Cũng như nếu chỉ nói về bản thể của nước không thôi, thì hễ cứ là chất lỏng thấm ướt thì gọi là nước, chứ không có phân biệt gì trong đục, mặn nhạt, nước thuốc nước độc gì hết, tất cả mọi loại nước đều bình đẳng. Song một khi đã nói đến tu tập tức nói đến nhân quả, đúng sai hay dở, thì phải trở qua phương diện “tâm chúng sinh căn bổn là phiền não”, nơi phương diện này Phật là Phật và chúng sinh là chúng sinh, chúng sinh là đau khổ phiền não và Phật là giải thoát thanh tịnh, và chúng sinh phải thọ Giới tu tập vô lượng vô biên kiếp mới thành Phật được, nơi phương diện này người tu muốn có Ðạo chủng thì phải dùng tâm phiền não của mình mà thọ nhận lấy Ðạo pháp ấy từ Tâm Phật truyền sang. Cũng như cùng là nước, song trong vẫn khác với đục, mặn vẫn khác với ngọt, độc vẫn khác với thuốc. Tâm chúng sinh như là nước có thuốc độc, Tâm Phật như nước có chất giải độc, nay thọ Giới là truyền Tâm Phật vào tâm chúng sinh, không khác gì cho nước giải độc vào trong nước độc để trị cho hết độc, chứ không phải cứ nói “nước độc nước thuốc cũng đều là nước”, thế nên cứ chỉ thẳng ra cho thấy nước độc cũng chính là nước thì đó là chân lý tối thượng rồi. Và người truyền ở đây chính là đức Phật hiện thân qua Tam Bảo, còn giới sư truyền giới chỉ là trung gian mà thôi. Bởi vì khi thọ nhận Giới thể là quy y về với Tam Bảo để thọ nhận lấy phần bản thể thanh tịnh ấy nơi Tam Bảo, chứ không phải là quy y riêng với cá nhân của giới sư mà có thể có được Giới thể ấy.

Chính vì trong Luật tông vị thầy chỉ là trung gian để Tam Bảo truyền tâm cho mình, thế nên vị thầy không bắt buộc phải giác ngộ, mà chỉ cần là vị giới sư thọ giới trước mình và hiểu biết rõ ràng về cách thức thọ giới để hướng dẫn và chỉ bảo cho mình, thầy và trò đều là phàm như nhau và đều được Tam Bảo truyền Ðạo sang cho. Do đó cách truyền Ðạo trong Luật tông là phổ thông cho tất cả mọi hạng chúng sinh, không cần phải là một vị “thầy” giác ngộ đặc biệt nào đó và người đệ tử phải là một nhân vật hữu duyên với căn tính siêu việt nào đó, như sơ tổ Ðạt Ma quán vách nhập định chín năm để chỉ đợi chờ có một người mà truyền tâm ấn, đó là nhị tổ Huệ Khả với căn tính siêu việt sẵn sàng chặt tay cầu Ðạo. Với Luật tông, Tam Bảo là Ðạo và là nền tảng Ðạo cho tất cả mọi loài chúng sinh, mọi hạng chúng sinh bất kể căn tính cao hay thấp đều đắc được Giới, nghĩa là đều được Tam Bảo truyền Ðạo sang cho mình, chỉ miễn là mình thực hiện đúng cách pháp thức thọ Giới. Vì thế pháp thức thọ giới hết sức quan trọng trong Luật tông vậy.

Người thọ Giới, tức là giới tử, cần phải có một giai đoạn chuẩn bị để hiểu rõ về các ý nghĩa của Tam Bảo, của Giới pháp, của Giới thể, rồi phải biết cách quán tâm vận tưởng, đại khái như sau : vì bản thể của đức Phật là giác ngộ thoát khỏi tất cả mọi xung lực của kiến chấp và phiền não tham sân si, thế nên bản thể ấy hoàn toàn thanh tịnh giải thoát và chấm dứt tất cả mọi ác nghiệp đối với toàn thể pháp giới chúng sinh. Sự thanh tịnh và chấm dứt ác nghiệp này gọi là Giới pháp, vì pháp giới chúng sinh vốn vô lượng nên Giới pháp này cũng theo đó mà thành vô lượng. Do đó giới tử muốn đón nhận Tâm giới thanh tịnh ấy của Phật vào tâm mình, giới tử cần phải lấy toàn thể pháp giới chúng sinh vô lượng làm cảnh đối tượng để quán và đồng thời phải phát khởi một tâm phẩm thanh tịnh là dứt khoát thực hành giới đối với vô lượng chúng sinh như thế. Thêm vào, giới tử phải thật tâm chân thành và tha thiết mong muốn thâu nhận hết vô lượng vô biên giới thanh tịnh ấy vào tâm mình, trong Luật gọi là tâm “thuần trọng“. Ðể được như thế, giới tử phải quán tưởng thân của mình rộng lớn bao trùm hết hư không giới để thâu nạp trọn vô lượng Giới pháp vào thân tâm mình, trong Luật tông nói : “nếu Giới pháp vốn vô lượng này mà lại là vật chất thì khi thâu nhận vào trong thân này, thân này sẽ nổ tung ra. Cũng vì Giới pháp là tâm pháp, thế nên nhờ vào nghiệp lực quán tưởng bất khả tư nghị của tâm, mà chúng sinh mới thâu nạp Giới pháp được…”

Sau khi đã ý thức rõ ràng hết mọi ý nghĩa chân thật lợi ích vô cùng của Giới rồi, và sau khi đã khởi tâm đúng phẩm, quán tưởng đúng cảnh rồi, giới tử còn cần phải sám hối cho ba nghiệp thanh tịnh nữa. Với Luật tông, cũng như Mật tông hay Tịnh Ðộ tông, ba nghiệp thân khẩu ý là căn bản và là phương tiện duy nhất của tất cả mọi sự tu tập thực hành. Sự thực hành giữa ba nghiệp hầu như quan trọng ngang nhau, chứ không thiên hẳn hoàn toàn về tâm như các tông phái ưa tu thiền quán. Ba nghiệp là phương tiện duy nhất để chuyển biến tất cả tinh túy của Tâm Phật truyền sang tâm mình. Ngay đức Phật, khi Ngài muốn cứu độ chúng sinh thì Ngài cũng không có phương tiện nào hơn là ba nghiệp của Ngài. Vì thế ba nghiệp cần phải dọn sẵn cho thanh tịnh để chuyẩn bị thâu nạp Giới pháp của Phật chuyển sang thành Giới thể của mình.

Nhờ có hiểu rõ về mọi ý nghĩa của Giới rồi, giới tử mới có tâm nguyện tha thiết trân quý thọ Giới và phát tâm quán tưởng đúng pháp. Tâm nguyện ấy thúc đẩy hai nghiệp thân và khẩu của giới tử vào đến giới tràng, trước giới sư, sẵn sàng hoan hỉ chân thành thực hiện pháp thức Tam quy. Ðây cũng chính là giai đoạn chính thức hoạt động của ba nghiệp để thọ nạp Giới thể : giới tử chắp tay quỳ ngay ngắn (tức thân nghiệp), lập lại ba lần theo giới sư lời pháp ngữ Tam quy (tức ngữ nghiệp), và tâm đồng thời thực hành ba quán pháp (tức ý nghiệp). Pháp thức Tam quy vừa chấm dứt là giới tử đắc Giới thể. Tại sao Giới lại chỉ đắc được vào ngay sau lúc pháp thức Tam quy vừa chấm dứt này ?

Bởi vì khi nào cái tâm chấp ngã của chúng ta chịu thật sự quy y về Tam Bảo, thì lúc ấy Tâm Phật hay năng lực của Pháp Phật mới thật sự thâm nhập được vào trong tâm của chúng ta mà thôi, và Tam Bảo mới thật sự trở thành bản thể đạo thanh tịnh cho mọi sự tu hành của chúng ta. Còn cho dù chúng ta có tu hành đúng y như lời Phật dạy mà không có quy y Tam Bảo, thì coi như chúng ta không hề đi theo con đường của Ðạo Phật, bởi vì một sự tu hành như thế chỉ là tu cho “tôi”, theo ý thích “của tôi”, tất cả do “tôi” điều động làm chủ, cái “tôi” vẫn luôn luôn là bản thể của sự tu hành ấy, cho nên nó không bao giờ đưa đến một kết quả đúng nghĩa của Ðạo là giác ngộ và giải thoát.

Ngoài ra, trên phương diện giáo lý thời nếu do một ý muốn thiện hay ác điều động mà thân khẩu phát khởi lên các hành động lộ rõ ý muốn ấy ra, thì các hành động của thân khẩu này được gọi là biểu nghiệp ; và ngay khi các biểu nghiệp ấy hoàn tất, thì các biểu nghiệp ấy không chấm dứt luôn song tiếp tục để lại một “ảnh hưởng” của chúng trong tạng thức không hề lộ rõ ra ngoài, gọi là vô biểu. Vô biểu này chính là nhân để sẽ mang lại quả báo đáp lại tương xứng vói các hành động thiện ác nọ. Do đó muốn có nhân chủng vô biểu của Ðạo gọi là Giới thể, thì dù tâm nguyện đã tha thiết chắc chắn rồi, song vẫn phải đợi đến khi hai biểu nghiệp thân và khẩu quy y xong xuôi thì Giới thể mới thành tựu vậy.

Theo Luật tông thì Tam quy không phải là chỉ vận dụng có hai biểu nghiệp thân khẩu mà thôi, mà chúng ta còn phải phát khởi ý nghiệp theo ba cách quán nữa : khi nói lời Tam quy thứ nhất, giới tử phải quán tưởng do nghiệp lực của tâm thiện khao khát thọ giới của mình mà tất cả vô lượng Giới pháp duyên sẵn nơi vô lượng cảnh giới chúng sinh không còn ở yên nơi đó nữa, mà bắt đầu chuyển động để hướng về nơi giới tràng của mình. Khi nói lời Tam quy thứ hai, giới tử quán thấy vô biên Giới pháp quy về đến giới tràng tụ lại trong hư không ngay trên đỉnh đầu của mình như một đài mây sáng rực khổng lồ hay như một tàng lọng che trang nghiêm tuyệt diệu, chờ sẵn đó để tưới rót vào thân tâm mình. Khi nói lời Tam quy thứ ba, giới tử quán tưởng tất cả các Giới pháp ấy từ trên hư không tuôn rót qua đỉnh đầu mình, tràn ngập vào khắp trong thân tâm mình như tắm gội sạch tất cả mọi trần cấu và tràn đầy an lạc thanh tịnh. Và như thế là Giới thể thành tựu, pháp thức thọ Giới kết thúc. Phần còn lại sau đó là phần giới sư trao Giới tướng.

Theo Luật tông, giới tử không nhất thiết phải thọ nhận hết mọi Giới tướng để tu trì, mà tùy theo khả năng và hoàn cảnh của mình mà chọn lựa từ một giới cho đến trọn hết năm giới. Lý do cho chọn lựa theo khả năng và hoàn cảnh như thế là để cho giới tử có thể thực hành sự trì giới được, và tránh được sự phạm giới vì phải giữ các giới quá khả năng hay không đúng hoàn cảnh của mình. Nhưng lý do chính yếu nhất là thọ Giới là để đắc Giới thể, chứ không phải là Giới tướng. Có được Giới thể rồi thì sự hành trì các Giới tướng sau đó để duy trì và làm phát triển Giới thể này mới có ý nghĩa và mới trở thành cần thiết và quan trọng vậy.

Trong Luật tông, thể theo Thành Thật Luận, còn cho phép tùy nghi mà ước định thời gian thọ Giới nữa. Nghĩa là giới tử có thể thọ Năm giới trong vòng một ngày cho đến một tháng, một đời ; và có thể thọ Tám giới (bát quan trai) trong vòng nửa ngày cho đến suốt đời, chứ không cố định là phải một ngày một đêm.

Hạn kỳ thời gian thọ Giới này rất quan trọng. Nếu một giới tử chỉ nói lên thành lời rõ ràng rằng :”Con tên là… quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng” thì đó không phải là thọ Giới mà chỉ là thọ Tam quy thôi. Nếu muốn Tam quy trở thành là thọ Giới, thì giới tử phải nói như sau :”Con tên là… quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Nguyện suốt đời (hay ba tháng, một năm… tùy ý) làm Ưu Bà Tắc (hoạc Ưu Bà Di, nếu là nữ) Năm giới”. Theo đó, Giới thể sẽ hiện hữu và có mặt trong A Lại gia thức của giới tử cho đến bao giờ kỳ hạn ấy chấm dứt thì Giới thể mới mất theo, nghĩa là người đó không còn có Giới nữa. Theo nguyên tắc thì thời hạn thọ Giới tối đa của tất cả các loại giới như Năm giới, Tám giới, Mười giới cho đến Cụ Túc giới của vị tỳ kheo, chỉ trừ Bồ Tát giới ra, là trọn đời cho đến lúc chết. Tại sao nguyện lại phải có một kỳ hạn như vậy ?

Bởi vì nguyện (tức Tư) là một tác động của tâm thức có tác dụng làm phát sinh năng lực. Mỗi năng lực lại chỉ kéo dài trong một thời hạn nào đó mà thôi, thế nên việc ước định hạn kỳ là một yếu tố chính yếu trợ giúp cho năng lực của nguyện phát sinh. Khi tôi nguyện sẽ thọ Giới trong vòng một tháng, thì năng lực hành giới sẽ phát tiết ra đúng một tháng như vậy. Nếu một tâm nguyện mà không có thời hạn nào hết, thì lực của nguyện cũng vẫn phát sinh như thường, song nó có thể dập tắt, nghĩa là đổi ý bất cứ lúc nào nếu lại có một ý nguyện khác khởi lên. Do đó, thọ Giới phải có ước nguyện hạn kỳ rõ rệt.

Ngoài ra mỗi loại giới đều có Giới thể riêng, như Năm giới có Giới thể của Năm giới, Tám giới có Giới thể của Tám giới v.v… Do đó mà Tam quy tuy là một hình thức, song tùy theo có bao nhiêu loại giới thì có bấy nhiêu loại Tam quy, và dĩ nhiên khi thọ bất cứ loại giới nào, trừ Tỳ kheo giới và Bồ Tát giới, chúng ta cũng đều phải thực hiện pháp thức Tam quy để đắc Giới thể của loại giới ấy.

Những gì được đề cập đến trong suốt bài này tuy là những yếu tố chính yếu và căn bản của Giới luật nói chung, song vẫn chưa bao quát được hết mọi lãnh vực của Giới, như Tỳ kheo giới chẳng hạn, trong lãnh vực ấy vị Tỳ kheo đắc Giới thể không qua pháp thức Tam quy mà bằng pháp thức Yết ma ; và nhất là Bồ Tát giới, một lãnh vực mà nơi đó ý nghĩa của Giới đôi khi như mang hẳn một bộ mặt khác lạ hoàn toàn. Song trước khi bước sang các lãnh vực ấy, chúng ta còn phải hiểu rằng vấn đề thọ Giới trong Luật tông là cả một lý thuyết tinh vi về Nghiệp mà chúng ta sẽ có dịp bàn đến trong một đề tài riêng rẽ. Lại còn ý nghĩa của Tam Bảo, nơi nương tựa của toàn thể chúng sinh, kho năng lực bất tận cung cấp vô lượng nhân chủng thanh tịnh và giải thoát cho vô biên chúng sinh, mà vốn là bản thể của Giới luật, dĩ nhiên là một đề tài tối quan trọng nên cũng cần được khảo sát riêng.

Luật tông, cũng như Thiền tông hay Tịnh Ðộ tông, là các tông phái chuyên về thực hành, nên dù hàm chứa rất nhiều ý nghĩa và giáo thuyết tinh vi thâm sâu song lại ít được khai triển ra cho tường tận rõ ràng, thế nên chúng ta mới thường hay bắt gặp các thành kiến sai lầm như : Giới luật là hình thức gò bó, Tịnh Ðộ là tín ngưỡng bình dân, Thiền tông là mặc tình phá chấp. Thật ra, Luật và Tịnh là hai tông phái của đại chúng, nhằm nối kết vào với Tam Bảo tất cả mọi loại chúng sinh, mọi hạng hữu tình, bất kể già trẻ, nam nữ, khôn ngu, lợi căn độn căn…, cho tất cả được trực tiếp mà nhận lãnh lấy “Ðạo phần” từ nơi Tam Bảo hay từ nơi cảnh giới Tịnh Ðộ, lấy đó làm vốn liếng cho sự nghiệp giác ngộ và giải thoát của mình. Trong hai tông phái này không có “guru” truyền Ðạo cá nhân, không có “Master” điểm Ðạo riêng rẽ nào ngoài Tam Bảo hay cảnh giới Tịnh Ðộ. Các vị thầy chỉ là những người bạn tốt, các thiện hữu tri thức, các kalyànamitra của tất cả chúng sinh ở chỗ giúp cho chúng sinh có được đại sự nhân duyên “gặp gỡ” được Tam Bảo và mười phương chư Phật qua cảnh giới của Phật A Di Ðà, và sự gặp gỡ ấy là tất cả đầu mối của sự nghiệp Ðạo của riêng từng cá nhân mỗi chúng sinh vậy.

Thượng Tọa Thích Nhất Chân

tháng 7 năm 1998